Loạn Quách Bốc - Sự kiện quan trọng mở ra thời kì nắm chính trường của nhà họ Trần
Thời vua Lý Cao Tông (vị vua thứ 7 của nhà Lý), vua thích hưởng lạc xa xỉ, vơ vét của cải trong dân để xây cung điện, bắt trăm họ phục dịch nên lòng dân oán hận, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi.
Vào năm 1209, một vị tướng trong triều là Phạm Du lợi dụng việc được vua sai đi trông coi việc quân ở Nghệ An đã chiêu tập quân nổi dậy chống triều đình. Cao Tông liền sai tướng Phạm Bỉnh Di đi đánh Phạm Du.
Sau nhiều lần giao tranh, Phạm Du địch không lại, thua trận bỏ trốn. Với bản tính mưu mô của mình, y sai người về kinh đút lót cho bọn quan lại trong triều đình để tâu với vua, kể lể oan tình, hứa sẽ về kinh chịu tội đồng thời vu oan cho Bỉnh Di tàn ác, giết người vô tội. Phạm Du về kinh hầu vua trước (bấy giờ Bỉnh Di đang đem quân đi dẹp loạn nơi khác), mồm mép ba hoa được vua tin cẩn. Cha con Phạm Bỉnh Di cùng tướng dưới trướng Quách Bốc mang quân về kinh sau.
Hai cha con vào triều phụng mệnh, Quách Bốc ở ngoài thành. Nghe lời gièm pha của Phạm Du, vua Cao Tông cho người bắt nhốt hai cha con Bỉnh Di định giết. Nghe tin, Quách Bốc tức giận đem quân phá cổng thành, kéo vào nội điện cứu chủ. Trong lúc quân Quách Bốc và quân triều đình đang giằng co, vua Cao Tông hốt hoảng, cho người giải hai cha con Bỉnh Di tới điện Kim Tinh để xử trí sau. Lợi dụng thời cơ, Phạm Du lén lút đâm chết hai cha con Bỉnh Di, rồi cùng vua Cao Tông bỏ trốn khỏi thành.
Bấy giờ, gia tộc họ Lý mỗi người chạy một ngả. Vua Cao Tông thì chạy lên Phú Thọ, nương nhờ một thủ lĩnh miền thiểu số có thể lực. Thái tử Lý Sảm cùng mẹ và em gái chạy về Thái Bình, nơi được Trần Lý cai quản. Thái tử ở nhà Trần Lý, đem lòng yêu rồi lấy con gái Trần Lý làm vợ, phong tước cho Trần Lý (bố vợ) và Tô Trung Từ (cậu vợ, tức em vợ Trần Lý). Hai người chiêu tập quân đội dưới danh nghĩa giúp thái tử, mang quân về thành đánh Quách Bốc. Trần Lý tử trận, Tô Trung Từ sau khi dẹp loạn liền đón vua Cao Tông về cung.
Với chiến công này, Tô Trung Từ cùng dòng họ Trần rất được vua tin cẩn. Sau khi Tô Trung Từ mất (năm 1211), dòng họ Trần dần dần nắm trọn quyền hành trong khi nhà Lý ngày càng suy yếu. Lý Sảm sau khi lên ngôi vua thay cha không có thực quyền (vua bù nhìn) và nhà Lý chính thức mất ngôi 15 năm sau đó, sau khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.
Có thể thấy chính nhờ sự kiện Loạn Quách Bốc này mà dòng họ Trần mới có được vị thế vững chắc trong triều đình nhà Lý, làm tiền đề cho cuộc “đảo chính” của Trần Thủ Độ, lập nên triều đại nhà Trần – một trong những triều đại tồn tại lâu dài, phồn thịnh, có lực lượng quân sự mạnh mẽ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam .
Đây phải chăng chính là thiên mệnh ?