Lĩnh vực Chuỗi cung ứng - Supply Chain có gì thú vị?
Trong bài viết sau, Noron! Talk xin được thay mặt bạn Võ Thanh Duy chia sẻ lại câu chuyện nghề của bạn. Duy hiện làm việc trong lĩnh vực chuỗi cung ứng (Supply Chain), đôi khi còn được gọi là lĩnh vực hậu cần (Logistics). Hiện Duy đang là Trợ lý Quản lý kho tại CJ Logistics, thuộc CJ Group - một tập đoàn lớn từ Hàn Quốc.
Cơ duyên đến với nghề
Duy chia sẻ, sau khi tốt nghiệp phổ thông, bạn đã quyết định theo học ngành Xuất Nhập Khẩu tại Cao đẳng Kinh tế Tp.HCM. Lý do khiến Duy lựa chọn ngành này, chính là vì bạn vốn yêu thích và muốn được phát triển thêm các kiến thức cũng như kĩ năng về chuỗi cung ứng của mình.
Duy cũng cho biết: tuy chuỗi cung ứng là một lĩnh vực rất bao hàm và rộng lớn, nhưng bạn đã cảm thấy rất vui, vì được học đúng ngành mà mình yêu thích. Thêm vào đó là việc sau khi ra trường, bạn cũng không phải làm việc trái ngành, như nhiều bạn bè đồng trang lứa xung quanh.
(PYMNTS.com)
Lộ trình nghề nghiệp
Tất nhiên, trên đời không có con đường nào là hoàn toàn bằng phẳng. Con đường phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực chuỗi cung ứng cũng vậy. Sau đây là chia sẻ về lộ trình phát triển nghề nghiệp của lĩnh vực này, đến từ Duy:
- Duy cho biết, trong suốt 6 tháng kể từ sau khi tốt nghiệp, bạn đã phải trải qua tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, không lâu sau đó bạn đã được nhận vào làm việc tại một công ty sản xuất bánh kẹo. Bạn đã công tác tại đây trong vòng 1 năm, với mức lương 2 triệu 8.
- Sau đó, trong một lần đọc được mục quảng cáo tuyển dụng của công ty Samsung trên một trang báo, bạn đã quyết định thử sức mình, bằng cách lên Internet tìm hiểu thêm về công ty, cũng như kết nối với những người có cùng mong muốn làm việc tại Samsung qua Facebook.
- Không lâu sau đó, bạn được nhận vào làm việc tại Samsung và cũng chính tại đây mà bạn đã học hỏi được rất nhiều về các kiến thức cũng như kĩ năng trong lĩnh vực quản lý kho.
- Trong suốt quá trình công tác tại Samsung, Duy đã làm việc vô cùng tập trung, chăm chỉ. Điều này khiến đối tác của Samsung - CJ Logistics - để mắt và quyết định mời Duy về làm việc cho họ.
- Sau khi đồng ý thỏa thuận, Duy đã đảm nhiệm chức danh Trợ lý Quản lý kho tại CJ Logistics cho đến nay.
(Chia sẻ của Duy về những hiểu lầm xoay quanh nghề)
Những khó khăn, thách thức trong nghề
Theo Duy, một trong những thử thách lớn mà những trợ lý trẻ gặp phải là, do thiếu cả kinh nghiệm làm việc lẫn vốn sống, những nhân viên trẻ trong vị trí của Duy sẽ thường phải cố gắng gấp 10 lần người làm ở những vị trí khác. Nguyên nhân là vì khi làm trợ lý quản lý, bạn sẽ cần phải nắm vững các kiến thức cũng như những thông tin tổng quan về toàn bộ chuỗi cung ứng của công ty mình.
Ngoài ra, Duy cũng chia sẻ:
"Nhiều người cho rằng lĩnh vực hậu cần & chuỗi cung ứng có ít cơ hội phát triển, nhưng điều này là không đúng."
Duy cho biết, đây thực chất là một hiểu lầm thường thấy về lĩnh vực chuỗi cung ứng. Bởi nếu làm việc chăm chỉ, hết mình, thì cho dù đang làm trong lĩnh vực nào, bạn cũng sẽ có được sự đền đáp và mức thăng tiến, đãi ngộ xứng đáng.
Người làm về chuỗi cung ứng cần những gì?
Cuối cùng, khi được hỏi về những lời khuyên dành cho những bạn sinh viên muốn được học & làm việc trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, Duy đã chia sẻ như sau:
- Việc phát triển kỹ năng chuyên môn, học hỏi liên tục những kĩ năng mới là tối quan trọng.
- Có khả năng ngoại ngữ cũng là điều quan trọng, và ở đây không nhất thiết là tiếng Anh, mà là bất cứ ngôn ngữ nào mà bạn được yêu cầu sử dụng khi làm việc. Trong trường hợp của Duy, CJ Logistics là một công ty Hàn Quốc, nên việc các ứng viên sử dụng được tiếng Hàn sẽ là một lợi thế lớn.
(Mô hình chuỗi cung ứng thường gặp ở các công ty thực phẩm)
- Tiếp đó là thái độ làm việc. Duy cho biết: khi làm việc, quan trọng nhất là chứng tỏ cho mọi người xung quanh thấy sự tận tâm & tập trung của bản thân vào công việc. Nếu bạn làm được như vậy, bạn sẽ rất dễ chiếm được cảm tình cũng như tạo cho đồng nghiệp và quản lý sự tin tưởng.
- Chúng ta đang sống trong kỉ nguyên thông tin. Thế nên, hãy sử dụng Internet như một công cụ hữu ích để phục vụ việc trau dồi kiến thức và kĩ năng.
- Cuối cùng, do chuỗi cung ứng là một lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất sâu sắc bởi kĩ thuật & công nghệ, nên việc người làm nghề thường xuyên cập nhật các kiến thức về công nghệ mới là rất cần thiết. Cụ thể, những kiến thức xoay quanh mảng Kết nối Vạn vật (Internet of Things hoặc IoT) sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng trong tương lai.
Các bạn có quan tâm về lĩnh vực chuỗi cung ứng (supply chain) không? Nếu đã & đang làm việc trong lĩnh vực này, bạn có đồng ý với những chia sẻ trong bài viết này không? Hãy cùng tham gia bình luận nhé!