Lĩnh Nam Chích Quái: Không gian văn hóa huyền ảo của người Việt
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có thể nói, Lĩnh Nam chích quái là một trong những tác phẩm chiếm giữ vị trí quan trọng và có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người Việt. Những bạn trẻ như chúng ta liệu đã thực sự hiểu về giá trị vượt thời gian của tác phẩm này ? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết hôm nay nhé !
Lĩnh Nam Chích Quái là gì ?
Có lẽ, ít người Việt nào lớn lên mà chưa từng nghe ít nhất một truyện trong Lĩnh Nam chích quái. Tên gọi này có thể khá lạ lẫm với nhiều bạn trẻ, nhưng hầu hết chúng ta đều lớn lên cùng những câu chuyện dân gian đầy liêu trai, kỳ dị trong tác phẩm này.
Lĩnh Nam Chích Quái là một trong những tác phẩm văn học dân gian đầu tiên của Việt Nam, viết bằng chữ Hán văn xuôi, rất quý hiếm còn lại từ thời Lý, Trần. Chưa biết rõ tác giả là ai, sang đời Lê sơ cuối thế kỷ 15, Vũ Quỳnh và Kiều Phú đã dựa vào các tài liệu đời trước để chỉnh sửa, sắp xếp lại và hoàn thành sách với 23 truyện. Dù ở các ghi chép khác nhau, thứ tự, tên truyện, có xuất nhập chút ít nhưng bớt đi những tiểu dị, dựa vào cái đại đồng, chúng ta có một trình tự đại để văn bản như sau:
– Quyển 1 gồm: 1) Truyện Hồng Bàng; 2) Truyện Ngư tinh; 3) Truyện Hồ tinh; 4) Truyện Mộc tinh; 5) Truyện Trầu cau; 6)Truyện Nhất Dạ Trạch; 7) Truyện Đổng Thiên Vương; 8) Truyện Bánh chưng; 9) Truyện Dưa hấu; 10) Truyện Bạch trĩ.
– Quyển 2 gồm: 1) Truyện Lý Ông Trọng; 2) Truyện Giếng Việt; 3) Truyện Rùa Vàng; 4) Truyện Man Nương; 5) Truyện Nam Chiếu; 6) Truyện thần sông Tô Lịch; 7) Truyện thần núi Tản Viên; 8) Truyện hai vị thần Long Nhãn – Như Nguyệt (hoặc Truyện Hai Bà Trưng thay cho truyện này); 9) Truyện Từ Đạo Hạnh; 10) Truyện Dương Không Lộ – Nguyễn Giác Hải; 11) Truyện Hà Ô Lôi; 12) Truyện Dạ Thoa Vương.
Những truyện trong Lĩnh Nam chích quái vốn được truyền khẩu trong dân gian từ lâu đời, về sau mới được các nhà nho sưu tầm, viết lại. Lĩnh Nam chích quái trở thành tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Qua 700 năm, tác phẩm vẫn được tìm đọc và các tích truyện luôn là dòng chảy mãnh liệt trong đời sống văn hóa hôm nay.
Trải qua gần bảy thế kỉ tồn tại, Lĩnh Nam Chích Quái không chỉ có giá trị to lớn về mặt văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc mà có sức ảnh hưởng đến các bộ sách sử nổi tiếng của Việt Nam như: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia Ngô Sĩ Liên ra đời năm 1697, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán soạn lập dưới triều Nguyễn, hay Việt Nam Sử Lược của tác giả Trần Trọng Kim, xuất bản lần đầu năm 1920.
Khám phá không gian văn hóa huyền ảo qua những câu chuyện dân gian
Lĩnh Nam chích quái là một tác phẩm thiêng liêng trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam. Các bậc đại nho tài cao học rộng, tràn trề tinh thần ái quốc, tấm lòng hiếu cổ (yêu truyền thống văn hóa dân tộc) từ Trần Thế Pháp qua Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Đặng Minh Khiêm đến Đoàn Vĩnh Phúc, và sau này là Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú…đều tiếp cận tác phẩm với một thái độ thành kính, ngưỡng vọng.
Trong tác phẩm này, bên cạnh những truyền thuyết ở thời thái cổ kể về sự hình thành giống nòi, gầy nước dựng non hay sự tích về những nhân vật mà sau này vẫn được nhắc đến trong các cuốn sách sử thời trung đại; còn có những câu chuyện gắn liền với sự ra đời của những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc được bảo lưu suốt ngàn đời nay. Tất cả đều được bao phủ lên mình một màn sương kỳ ảo của những phép thần thông, những điều huyền bí siêu hình, mà dường như, chất chứa từ sâu thẳm bên trong đó là những tự tôn nòi giống, ước mơ, tin tưởng về những điều tốt đẹp hiện hữu trong xã hội thế tục.
Số phận tác phẩm Lĩnh Nam chích quái dường như tương đồng với số phận của nền văn hóa Đại Việt, nền văn hóa dân tộc: thăng trầm chìm nổi, đối diện với những thử thách sống còn của thiên tai nhân họa, nhưng vẫn mang trong mình một sức sống mãnh liệt, một khả năng tạo sinh ghê gớm và cuối cùng sẽ vĩnh viễn trường tồn với non sông đất nước này. Tri thức về cội nguồn dân tộc đã trở thành như máu thịt trong ta, như khí trời ta hít thở. Những biểu tượng Hồng Bàng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Bọc trăm trứng, Mười tám đời các vua Hùng…đã trở thành vốn văn hóa hiển nhiên của nhiều thế hệ nhân dân nước Việt.
Trong Lĩnh Nam Chích Quái, có những truyện đậm chất huyền huyễn và kì quái như truyện kể về Hồ Tinh, Mộc Tinh (Thần Xương Cuồng), Ngư Tinh. Có truyện lại xoáy sâu vào yếu tố hóa thân và duyên ngộ giữa người và thần linh như Chử Đồng Tử, sự tích Man Nương, Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không thời Lý Trần. Có khi lại mang đậm yếu tố thần tích như truyện thần sông Tô Lịch, hai vị thần Long Nhãn-Như Nguyệt, truyện Rùa Thần giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa.
Bên cạnh góc nhìn huyền ảo, Lĩnh Nam Chích Quái còn truyền tải ý nghĩa chân thực về văn hóa đời sống người Việt như sự tích về dưa hấu của Mai An Tiêm, nguồn gốc của Bánh Chưng, tục dâng trầu cau khi cưới hỏi. Tác phẩm cũng khẳng định niềm tin chiến thắng xâm lược của dân tộc, như câu chuyện về các vị tướng thần Trương Hống - Trương Hát, Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống Bắc thuộc. Khi vẽ các vị danh tướng, hình ảnh được phóng đại bao trọn không gian, lấn át quân xâm lược.
Như vậy, vượt qua chức năng một tác phẩm văn chương, Lĩnh Nam chích quái như một tượng đài văn hóa tinh thần cổ kính, thiêng liêng, vẽ lên một không gian văn hóa kì diệu của người Việt.
Tác phẩm cội nguồn của văn hóa và tinh thần dân tộc
Lĩnh Nam chích quái ra đời như là sự kết tụ của tinh thần độc lập dân tộc chặng đầu của kỉ nguyên Đại Việt hào hùng. Trải qua hơn một ngàn năm Bắc thuộc, tư tưởng độc lập dân tộc được khởi phát từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng (thế kỉ I), Bà Triệu (thế kỉ III) bắt đầu có thành quả bởi Lí Bôn (thế kỉ VI) và đã là hiện thực lịch sử chắc chắn với Ngô Quyền (thế kỉ X), đất nước ta bước vào kỉ nguyên Đại Việt với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc quốc gia phong kiến độc lập, lần lượt chiến thắng những thế lực xâm lược lớn nhất thời đại là Tống, Nguyên, Minh.
Một đất nước có văn hiến, một nhân dân tự ý thức được quyền độc lập dân tộc đó là nhiệm vụ tư tưởng quan trọng bậc nhất của thời đại bấy giờ. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến và các cuộc khởi nghĩa vừa là điều kiện vừa là hệ quả của tư tưởng đó. Không có lịch sử thì không có dân tộc. Nói Lĩnh Nam Chích quái là “sử trong truyện” chính là bao hàm ý nghĩa đó.
Với 23 cốt truyện cơ bản, dù sắp xếp theo trình tự nào thì Lĩnh Nam chích quái cũng trình diễn trước chúng ta ý thức về truyền thống lịch sử riêng của đất nước từ buổi hồng hoang đến những câu chuyện xảy ra ở thời đại nhà Trần. Sau này, các bậc túc nho giàu nhiệt huyết có bổ sung thêm bao nhiêu đi nữa thì vẫn theo tư tưởng đó: đây là những câu chuyện được truyền ở cõi Lĩnh Nam, khác với Trung Hoa. Họ không thôi khẳng định một nền văn hiến của một dân tộc độc lập như Nguyễn Trãi từng nói trong Bình Ngô đại cáo: Sơn xuyên chi phong vực kí thù, Bắc Nam chi phong tục diệc dị. Nói lại: Một tượng đài tinh thần thiêng liêng và kì diệu, đó là Lĩnh Nam chích quái. Không dễ gì để lí giải tường tận nó.
Với tất cả những tác động và ý nghĩa trên, Lĩnh Nam chích quái có thể được coi là một trong những tác phẩm có ý nghĩa rất lớn trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Đi từ huyền thoại đến huyền sử, những câu chuyện trong tác phẩm này đã góp phần xây dựng nên thế giới tâm hồn phong phú, cùng cách ứng xử và đạo lý của biết bao lớp người Việt từ quá khứ cho đến hiện tại, vượt qua những sóng gió và biến chuyển không ngừng mà bánh xe lịch sử đã tạo nên.
Kết
Như vậy, có những tác phẩm nghệ thuật mà giá trị của nó vượt ra ngoài chất liệu, vượt ra ngoài những cấu tạo hình thức, vượt ra ngoài những quy phạm nghệ thuật đã sáng tạo ra nó. Nó như một kết tinh đặc biệt của một văn hóa, của một thời đại lịch sử, nó có một sứ mạng đặc biệt trong đời sống của một dân tộc, của một quốc gia. Hào hùng, thiêng liêng và đầy xúc động khi quốc thiều vang lên, quốc kì tung bay, quốc huy hiển hiện. Mọi phân tích về âm nhạc, về hội họa, về điêu khắc trước các tác phẩm đó đều trở nên phiến diện và nông cạn. Cho dù chúng ta biết rằng đó cũng là những tác phẩm nghệ thuật do con người sáng tạo ra. Trong tiến trình văn học Việt Nam, Lĩnh Nam Chích Quái cũng là một tác phẩm nghệ thuật có tính chất như thế.
Bài viết tham khảo các nguồn: