LỊCH SỬ THÁI LAN
kiến thức chung
THỜI KỲ AYUTTHAYA
Thời kỳ Ayutthaya
Những năm 1300 là thời kỳ suy thoái của Sukhothai, và cuối cùng trở thành nước chư hầu của Ayutthaya, một vương quốc non trẻ ở phía Nam của thung lũng sông Chao Phraya. Được thành lập từ nãm 1350. Ayutthaya là kinh đô của vương quốc này cho đến năm 1767 khi thành này bị tàn phá bởi những người xâm lược đến từ Miến Điện.
Trong suốt 417 năm với Ayutthaya là kinh đô, dưới quyền cai trị của 33 vị vua. người Thái đã đưa nền văn hoá của mình đến đỉnh cao hoàn thiện và tăng cường mối quan hệ với nhiều nước như Ả Rập, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản và những nước châu Âu.
TRIỀU VUA UTHONG RAMA TIBODI I (1350 - 1369)
NgườI lập Ayutthaya làm kinh đô của vương quốc vào năm 1350 là vua Ramathibodi I, nguyên trước khi lên ngôi là hoàng tử của vùng Uthong hay còn gọi là Supannaphum (hiện nay là một huyện của tỉnh Suphan Buri). Trong thời gian trị vì của vị vua này, triều đình theo chế độ quân chủ chuyên chế, tương tự như Sukhothai, nhưng có những gắn bó mật thiết với những ảnh hưởng của người Campuchia. Nhà vua lúc đó là một nhà độc tài, không có phong cách của một bậc quốc phụ coi thần dân như con giống như thời kỳ của vương quốc Sukhothai. Tất cả đất đai trong nước thuộc quyền sở hữu của nhà vua và ngôn ngữ dùng trong triều đình nhất nhất đều có những từ liên quan đến bản thân nhà vua hay tài sản của ông ta. Ramatibodi I củng cố vương triều của mình bằng chính sách bành trướng và cử bốn đại thần nắm quyền bốn lĩnh vực lớn gọi là Hoàng gia, Nội chính, Tài chính và Nông nghiệp.
Vua Ramesuan (1369 - 1370 & 1388 - 1395)
Hoàng tử Ramesuan, sau trở thành vua Borom Trailokanat, đã có được tiếng tăm rộng rãi nhờ công tổ chức lại chính quyền theo hướng tập trung hóa các hoạt động của nhà nước. Ông đã cử hai đồng thừa tướng, một người phụ trách việc binh bị và một người cai quản dân sự. Tất cả các quan, cả văn lẫn võ, không ai được phát lương bổng. Một phần để giúp những quan lại này có thu nhập và một phần là để chỉnh đốn lại hệ thống phát canh đất đai, năm 1454 nhà vua đã ban hành một đạo luật quy định các giai cấp trong nhân dân cùng với số lượng đất đai cấp phát tương ứng.
Sau đó là một số triều vua khác:
Vua Boromaraja (1370 - 1388)
Vua Thonglun (1388)
Vua Ramraja (1395 – 1409)
Vua Intaraja (1409 - 1424)
Vua Boromaraja II (1424 - 1448)
Vua Boromtrailokanat (1448 - 1488)
Vua Boromaraja III (1488 - 1491)
Vua Ramatibodi II (1491 - 1529)
Năm 1491, một hoàng tử của vua Borom Trailokanat lên ngôi, trở thành vua Ramathibodi II (1491 - 1529). Ông đã dùng đến những phương sách để phát triển quân sự, dựa trên chế độ cưỡng bức quân dịch. Việc mở mang giao lưu với người châu Âu cũng được phát triển trong thời kỳ này.
Năm 1498, Vasco de Gama làm cuộc hải trình quanh mũi Hảo vọng và qua Ấn Độ Dương, và sau đó đến Calicut, một thị trấn trên bờ biển Malabar của Ấn Độ, nơi đó ông ta đã buôn bán hàng hóa và thu được những mối lợi lớn. Sự kiện này kích thích những người đồng hương của ông đến đất nước này, và ở đó họ đã tìm cách sở hữu một số đất đai và thành lập một số thị trấn. Goa đã trở thành thị trấn trung tâm của họ, ở đó có một vị phó vương cai quản. Rồi họ tỏa về hướng Đông để tìm những loại hàng hóa phương Đông như gia vị, tơ lụa và đồ gốm. Năm 1511 khi người Bồ Đào Nha đang tấn công Malacca, vị phó vương này biết tin vua Thái đòi một số quyền ở thị trấn này đã cử Duarte Fernandez làm công sứ đầu tiên đến Ayutthaya. Ở đây Fernandez đã hội kiến với vua Ramatibodi II và báo tin việc chiếm đóng Malacca của người Bồ Đào Nha. Cùng năm đó Miranda de Azevedo du hành đến Ayutthaya làm viên công sứ thứ hai của Bồ Đào Nha đến đây, và một viên công sứ của Thái đã được cử đến Goa để gặp phó vương người Bồ Đào Nha. Năm 1516 người Bồ Đào Nha cai trị tại Malacca đã cử Duarate de Coelho làm công sứ thứ ba đến triều đình Thái. Viên công sứ này đã ký một hiệp ước với Xiêm, theo đó người Bồ Đào Nha đồng ý cung cấp vũ khí cho nước này, và đổi lại họ có quyền cư trú và buôn bán tại Ayutthaya và đồng thời được phép truyền đạo tại đây. Đây là hiệp ước đầu tiên giữa Xiêm với một nước phương Tây.
Chín năm sau khi vua Ramatibodi II băng hà, Ayutthaya lâm vào cuộc chiến tranh đầu tiên với người Miến Điện trong số ba cuộc chiến liên tiếp vào các năm 1538, 1548 và 1569, để rồi Ayutthaya rơi vào tay người Miến Điện.
Vua Boromaraja IV (1529 - 1533)
Vua Ratsadatiratkumar (1533)
Vua Chairacha Prajairaja (1534 - 1546)
Hoàng tử Yodfa / Thái hậu Sisudachan (1546 - 1548)
Vua Worawongsatirat (1548 - 1549)
Vua Mahachakrapat I (1549 - 1569)
Vua Mahachakrapat II (1569)
Vua Maha Tammaraja (1569 - 1590)
Ayutthaya trở thành chư hầu của Miến Điện trong vòng 15 năm dưới sự trị vì của vua Maha Thammaracha, dưới quyền giám sát của các viên quan người Miến Điện. Vua Naresuan (1590 - 1605)
Hoàng tử Naresuan, trước đó bị làm con tin tại Miến Điện, đã trở về Ayutthaya ngay sau khi cha chàng lên ngôi. Maha Thammaracha đã phong Naresuan làm phó vương Phitsanulok. Với lòng can đảm và quyết đoán, cùng với việc nắm được những ưu điểm và nhược điểm của người Miến Điện, chàng đã tuyên bố độc lập cho nước Xiêm tại thị trấn Kraeng vào tháng 5 năm 1584, trong khi được cử thống lĩnh một đạo quân người Thái đến giúp dẹp bạo loạn ở Miến Điện. Người Miến Điện sau đó đã vài lần cố gắng lấy lại Ayutthaya. Trong một cuộc đọ kiếm tay đôi trên lưng voi, Naresuan đã hạ thủ thái tử Miến Điện vào tháng Giêng 1593. Trước đó, Naresuan đã đăng quang quốc vương sau cái chết của vua cha năm 1590.
Dưới thời trị vì của Naresuan, người Tây Ban Nha đã giao hảo với Ayutthaya. Từ khi ổn định ở Philippines, lúc mới thành lập thủ đô Manila năm 1571, họ đã tỏa dần đến các nước lân cận. Năm 1598, Don Tello de Aguirre từ Manila đã làm một chuyến công du ngoại giao đến Ayutthaya. Ông đã thành công trong việc ký kết với Xiêm một hiệp ước hữu nghị và thương mại. Đây là hiệp ước thứ hai Xiêm ký với một nước châu Âu. Những điều khoản trong hiệp ước này tương tự như trong hiệp ước ký với Bồ Đào Nha năm 1516.
Vua Ekatotsarot (1605 - 1610)
Vua Ekatotsarot kế vị Naresuan năm 1605 đã tiếp tục mối giao hảo với các nước phương Tây. Ngài đã biểu lộ tình hữu nghị với Hà Lan, Anh Quốc và Nhật Bản, là những nước có mối quan hệ với Ayutthaya.
Năm 1601 , người Hà Lan đến Pattini, một nước chư hầu của Thái ở phía Nam, ở đó họ đã được phép xây dựng một thương điếm. Ba năm sau, họ đến Ayutthaya với cuộc hội kiến giữa vua Naresuan và thủ lĩnh Cornelius Specx. Naresuan cho phép họ thành lập một thương điếm, và ngược lại họ đã hộ tống một sứ thần của Thái đến Hà Lan vào năm 1607 - một cuộc hành trình kéo dài mất bảy tháng.
Vua Sisaowaphak (1610)
Vua Songtam (1610 - 1628)
Năm 1611, nhà máy của Anh được tái lập tại Ayutthaya. Lúc đó những người Anh đã có mâu thuẫn với một số quan chức người Thái. Cuối cùng, đến năm 1687 Narai tuyên chiến với Công ty Đông Ấn Độ (East India Company) của người Anh, nhưng cuộc chiến không thực hiện được với cái chết của vị vua này.
Người Nhật phục vụ trong quân đội của vua Naresuan khi vị vua này đang chiến đấu với thái tử Miến Điện vào năm 1593. Yamada Nagamasa cầm đầu đội cận vệ dưới triều vua Song Tham. Cả vua Ekatotsarot và vua Song Tham đều có trao đổi sứ thần với tướng quân của Nhật Bản. Yamada đã giúp con trai của Song Tham là Chettha lên ngôi, nhưng lại không có cảm tình lắm với Chao Phraya Kalahom. Sau đó Chao Phraya Kalahom tiếm ngôi với vương hiệu Prasat Thong, đã coi người Nhật là thù địch và đuổi họ khỏi nước Xiêm vào năm 1632. Từ đó chấm dứt mối quan hệ chính thức giữa hai nước.
Vua Jettatirat (1628 - 1629)
Vua Atatyawong (1629)
Vua Prasat Thong (1629 - 1655)
Mối quan hệ Hà Lan - Thái vẫn tiếp tục tốt đẹp cho đến triều vua Prasat Thong thì bắt đầu xấu đi. Người Hà Lan đã áp dụng những chính sách cứng rắn đối với Thái. Cho đến đầu triều đại vua Narai, có lần họ đã bắt giữ một chiếc tàu chở hàng hóa của vua Thái. Họ không thích hệ thống cai trị độc quyền của hoàng gia, và cũng không hài lòng với hiệp ước đã ký với Xiêm.
Vua Chao Fa Jai (1655 - 1656)
Vua Srisutammaraja (1656)
Vua Narai (1656 - 1688)
Năm 1644 những tàu chiến của Hà Lan phong tỏa cửa sông Chao Phraya, buộc Xiêm phải ký một hiệp ước khác, theo đó Hà Lan được độc quyền xuất khẩu da hươu và da bò. Người của Hà Lan dù có phạm trọng tội tại Xiêm thì vẫn được đưa về xử theo luật của Hà Lan. Vua Narai hoàn toàn không muốn tuân thủ theo hiệp ước này nên sau đó quay sang bắt tay với người Pháp để làm đối trọng với người Hà Lan. Nhưng sau đó vua Phetracha (1688 - 1703) đã ký được một hiệp ước mới với người Hà Lan vào cuối năm 1688. Hiệp ước này có những điều khoản giống như hiệp ước năm 1617.
Người Anh bắt đầu quan tâm đến Ayutthaya sau khi Công ty Đông Ấn Độ được thành lập vào năm 1600. Vào tháng 6 năm 1612 họ đã mở một nhà máy tại Pattani, và đến tháng 8 năm này họ đã đến Ayutthaya lần đầu tiên. Một trong số những thương gia người Anh là Lucas Antheuniss được phép hội kiến với vua Ekathosarot và sau đó được cho phép buôn bán và xây dựng một nhà máy tại đây.
Người Pháp đã xuất hiện trong lịch sử Thái từ triều đại vua Narai, và thế lực để mở ra mối quan hệ giữa Xiêm và Pháp thuộc về những người truyền giáo đạo Thiên chúa của Pháp mà giám mục của họ lúc đó là Monsignor de la Motte Lambert đã đến Ayutthaya năm 1662. Thông qua sự trung gian của những nhà truyền đạo người Pháp do Constantine Phaulkon hỗ trợ, Xiêm và Pháp đã trao đổi công sứ. Năm 1685, vua Louis XIV đã cử Chevallier de Chaumont làm đại sứ đầu tiên của Pháp tại Ayutthaya. Sau đó sứ quán tại đây do Ceberet và De la Loubere đứng đầu, kéo theo 1.400 lính Pháp và 300 thợ lành nghề vào năm 1687. Narai đáp lại tinh thần hữu nghị đó bằng cách cử đến Pháp bốn viên công sứ do Phra Wisut Sunthom cầm đầu.
Phaulkon
Constantine Phaukon là một nhà mạo hiểm người Hy Lạp, tỏ ra rất thành thạo về những ngóc ngách trong lĩnh vực ngoại thương và nhờ đó đã tham gia vào bộ Tài chính của Thái và đã nhanh chóng được trọng vọng như một quý tộc người Thái. Ông ta trở nên một sủng thần của nhà vua, tuy nhiên vì bị một số người Thái căm ghét nên ông vẫn gần gũi với người Pháp nhiều hơn. Nhóm người chống lại Phaulkon do Phra Phetracha, chỉ huy của Đội Tượng binh Hoàng gia, cầm đầu, đã theo chủ nghĩa dân tộc với mục tiêu cứu đất nước khỏi nanh vuốt của người Pháp. Năm 1688, biết tin Narai bị ốm nặng, Phra Phetracha đã hạ lệnh cho binh lính bắt Phaulkon và đưa đi chém đầu. Sau đó Phra Phetracha cướp ngôi và đuổi quân lính Pháp ra khỏi nước.
Vua Pra Petraja (1688 - 1703)
Vị vua này đã đánh đuổi quân Pháp sau khi cho bao vây đồn bót của họ suốt hai tháng. Quân Pháp cuối cùng đã đầu hàng vì hết lương thực và nóng lòng muốn trở về Pháp.
Vua Khun Luang Sorasak (1703 - 1709)
Vua Taisra (1709 - 1733)
Vua Boromakot (1733 - 1758)
Vua Utumpom (1758 & 1760 - 1762)
Vua Ekatat (1758 - 1760 & 1762 - 1767)
Vua Taksin (1767 - 1782)
Trong thế kỷ thứ 18, người Thái đã phát triển rất nhanh dưới vị lãnh đạo xuất sắc là vua Taksin. Từ một nhóm người ít ỏi ông đã tổ chức thành một đạo quân chống lại Miến Điện. Khi lên ngôi Taksin đã bỏ thành phố hoang tàn Ayutthaya để lập thủ đô mới ở Thon Buri, đồng thời hợp nhất lại vương quốc Thái vốn đã bị manh mún thành nhiều tiểu quốc sau khi kinh đô cũ bị sụp đổ. Năm 1782 Taksin bị các quan cận thần phế truất và hành hình. Sau cái chết của Taksin, ngai vàng rơi vào tay Chakkri, một viên tướng đã từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh với người Miến Điện. Chakkri trở thành vua Rama I để bắt đầu một thời kỳ mới trong lịch sử Thái Lan.
Nội dung liên quan
Vũ Đình Tài