LỊCH SỬ THÁI LAN
kiến thức chung
THỜI KỲ BANGKOK
Vua Rama I (1782 - 1809)
Rama I dời thủ đô từ Thon Buri đến Bangkok, nơi ông đã cho xây Đại Cung điện (Grand Palace), ngày nay vẫn tọa lạc tại vị trí cũ. Vua Rama I đã giám sát hệ thống chính quyền một cách chặt chẽ. Để tạo thuận lợi cho bộ máy quản trị của quốt gia, ông đã chỉ định một hội đồng gồm các chuyên gia về luật pháp để tu chỉnh lại luật lệ, và kết quả là Bộ luật 1805 - 1808 ra đời. Ông cũng áp dụng những phương sách tương tự với nhà chùa Phật giáo bằng cách cho soạn lại bộ kinh Phật mới. Ông cũng quan tâm đến văn học Thái và đã đích thân tham gia vào cuộc phục hưng bằng cách viết lại những tác phẩm văn học nổi tiếng. Sau này vua Rama II và Rama III đã theo gót ông trong các hoạt động này.
Miến Điện vẫn là cái bóng ám ảnh trong thời đại của triều vua Rama I và cả Rama II sau này, tuy nhiên những cuộc xâm lấn vào đất Thái đều thất bại. Từ đó vua Rama I đã mở cuộc xâm lấn ngược lại đối với vùng Tavoy của Hạ Miến Điện. Đây không những chỉ là một biện pháp trả đũa mà còn là sự phô trương lực lượng của đất nước. Ông cũng sát nhập Chiang Mai vào lãnh thổ vương quốc và nhận một số lân bang như Kedah, Perlis, Kelantan và Trengganu làm chư hầu.
Vua Rama II (1809 - 1824)
Năm 1822, toàn quyền Ấn Độ đã cử John Crawfurd làm đại diện ngoại giao của Anh tại Xiêm. Theo chỉ thị, Crawfurd phải tạo điều kiện thuận lợi cho những thương gia người Anh tại đây, nhưng những cuộc thương lượng với chính quyền Thái đều thất bại. Nhiệm vụ của Crawfurd được đại úy Burney nhận lãnh năm 1826. Burney đã thành công với bản hiệp ước hữu nghị và thương mại ký với Xiêm, theo đó thần dân của nước Anh được phép đến đây buôn bán. Những nhà truyến giáo và thương gia người Mỹ cũng được nồng nhiệt chào đón ở Bangkok với cùng những điều kiện như người Anh. Và đến năm 1833, Edmund Roberts, do tổng thống Andrew Jackson cử đến Thái làm đại diện ngoại giao đầu tiên của Mỹ, cũng đã ký một hiệp ước tương tự như hiệp ước do Burney ký cho nước Anh. Đây là hiệp ước đầu tiên của Mỹ ký với một nước phương Đông. Triều vua Rama II đã nối lại những mối quan hệ với phương Tây mà trước kia đã bị cắt đứt qua sự cáo chung của vương quốc Ayutthaya. Năm 1818, mội đại diện của Bồ Đào Nha, Carlos Manoel Silveira, đã hoàn thành được nhiệm vụ tạo điều kiện cho việc buôn bán và đóng tàu tại Bangkok, và sau đó ông đã được nhận làm lãnh sự của Bồ Đào Nha tại đây.
Vua Rama III (1824 - 1851)
Những hiệp ước ký kết năm 1826 và 1833 đã không thỏa mãn hết những kỳ vọng của người Anh và người Mỹ, vì họ muốn những điều kiện ưu thế như đã đạt được ở Trung Hoa. Thế là năm 1850 tổng thống Mỹ Zachary Taylor đã cử Joseph Balestier làm lãnh sự đặc biệt tại Bangkok và chỉ thị ông ta phải đạt được những điều khoản thuận lợi hơn trong một hiệp ước mới với Xiêm. Nhưng Balestier đã không hoàn thành được nhiệm vụ đó, chủ yếu là vì ông ta thiếu sự quen thuộc với những phong cách và tập quán của người Thái. Cùng năm đó, nữ hoàng Victoria cử James Brooke làm lãnh sự của Anh tại triều đình Thái, với nhiệm vụ sửa đổi lại hiệp ước mà Burney đã ký trước kia. Tuy nhiên, bất mãn với thái độ của những người cai trị ở Thái, Brooke đã ra về tay không kèm theo lời đe dọa úp mở về những hành động ác liệt đối với Thái. Triều đình Thái tràn ngập nỗi lo sợ người Anh sẽ phong tỏa sông Chao Phraya. Nhưng may mắn cho nước Xiêm, vua Rama III qua đời năm 1851 và được kế vị bởi Rama IV, còn gọi là vua Mongkut, người nhận thức rõ được sự nguy hiểm cho đất nước nếu không thỏa hiệp với những ý muốn của nước Anh. Ông đã tỏ ý sẵn sàng thương thảo trở lại với nước này, do đó đã tránh được những mầm mống của cuộc xung đột giữa hai nước.
Vua Rama IV - Mongkut (1851 - 1868)
Khi lên ngôi, vua Rama IV đã bốn mươi bảy tuổi, với hai mươi bảy năm tu hành trong thời gian tại vị của Rama III. Trong thời gian dài ẩn dật đó, ông đã thấm nhuần những kiến thức sâu rộng của đạo Phật. Ông cũng quan tâm đến khoa học và ngôn ngữ, với kiến thức chuyên môn về thiên văn học và trình độ Anh ngữ. Ông cũng học tiếng La tinh từ giám mục Palleoix. Vốn liếng học vấn đó đã giúp ông rất nhiều trong cương vị làm vua. Ông đã đưa ra chính sách hiện đại hóa đất nước theo phương Tây, bắt đầu bằng hàng loạt những hiệp ước ký kết với các chính quyền Tây phương.
Người Anh tiếp tục sứ mạng trước đây của Brooke bằng cách cử John Bowring, thống đốc Hồng Kông, làm lãnh sự tại Xiêm và ông ta đã ký một hiệp ước hữu nghị và thương mại với vua Mongkut năm 1855, theo đó dân nước Anh được quyền tự do buôn bán tại đây. Hoa Kỳ bám sát theo gương người Anh, và lãnh sự Townsend Harris đã ký một hiệp ước tương tự với Xiêm năm 1856. Những hiệp ước tương tự như vậy đã được ký với Pháp cùng năm 1856, với Đan Mạch và Bồ Đào Nha (1858), với Hà Lan (1860), với Đức (1862), với Thụy Điển ( 1868), với Bỉ (1868), với Ý ( 1868), với Nhật ( 1898) và nhiều nước khác nữa. Monngkul đã mở cửa đất nước cho một làn sóng ngoại thương đầy sinh khí và luôn hoan nghênh những ý tưởng mới. Ông đã cho lắp đặt máy in, làm đường, đào kênh và phát hành loại tiền mới đầu tiên để đáp ứng cho nhu cầu về mậu dịch đang mở rộng. Ông cũng cải cách hành chính, đưa cố vấn nước ngoài mời từ các nước Âu châu vào bộ máy chính quyền để cải tiến quân đội và tổ chức lực lượng cảnh sát. Ông đã khẳng định lại quyền tự do tín ngưỡng và khuyến khích các nhà truyền đạo Thiên chúa trong các hoạt động về giáo dục và y dược. Nhà vua cũng mời bà quả phụ Anna Leonowens từ Singapore đến để đạy tiếng Anh cho trẻ em Thái.
Vua Rama V - Chulalongkorn (1868 - 1910)
Chính sách hiện đại hóa của Rama IV, với tác dụng làm lợi mọi mặt cho đất nước, đã được người kế vị là vua Rama V tiếp tục và mở rộng thêm. Qua bốn mươi hai năm tại vị, Rama V đã đóng góp rất nhiều cho sự tiến bộ và thịnh vượng của quốc gia, bất kể những mối đe dọa từ các nhà cầm quyền phương Tây.
Để giữ được quyền độc lập, nước Xiêm dưới triều vua Rama V đã phải nhượng cho Pháp một số vùng lãnh thố:
- Sibsong Chuthai và Huapan Tanghok năm 1886 - 1887
- Toàn bộ vùng đất phía tả ngạn sông Mekong (Lào) và những hòn đảo trên sông năm 1893
- Paklai năm 1904
- Battambong, Srisophon và Siemrap năm 1907
Năm 1909 Anh Quốc lấy của Xiêm các vùng Kedah, Perlis, Kelantan và Trengganu, và các vùng này trở thành thuộc địa của Anh.
Chulalongkorn là quốc vương đầu tiên của Thái đến viếng châu Âu, lần thứ nhất năm 1897 và lần thứ hai năm 1907. Những cuộc viếng thăm này chủ yếu với mục đích xúc tiến tình hữu nghị với các nước châu Âu và làm cho nước Xiêm được biết đến nhiều hơn ở nước ngoài.
Trong công cuộc phát triển xã hội, năm 1905 nhà vua đã ban hành một đạo luật bãi bỏ chế độ nô lệ. Ông cũng tổ chức lại hệ thống chính quyền bằng cách đặt ra mười bộ, mỗi bộ có một bộ trưởng đứng đầu và chịu trách nhiệm trực tiếp với nhà vua. Sự bố trí hành chính của các tỉnh được cải tổ lại bằng cách chia vương quốc thành các vùng (monthon), mỗi vùng chia thành nhiều tỉnh (chanwat), và mỗi tỉnh chia thành nhiều huyện (amphoe), tất cả được cai quản bởi các quan chức thuộc nhiều cấp bậc khác nhau đến từ Bangkok. Hai người con của Chulalongkorn, được học tại Anh, đã lần lượt kế vị ông. Rama VI, tức Vajiravudh trị vì từ 1910 đến 1925 và Rama VII, tức Prajadhipok, trị vì từ 1925 đến 1935.
Vua Rama VI - Vajiravudh (1910 - 1925)
Để xúc tiến chính sách hiện đại hóa, Rama VI đã ban hành một đạo luật về họ trong tên gọi của người Thái năm 1913, thành lập Trường Đại học Chulalongkorn năm 1917 và ban hành đạo luật cưỡng bức giáo dục năm 1921. Về đối ngoại, nhà vua đã gia nhập quân Đồng Minh trong Thế chiến thứ II.
Năm 1917 nhà vua đã cho đổi quốc kỳ, từ nền đỏ với con voi trắng ở giữa sang năm sọc ngang với các màu đỏ, trắng, xanh, trắng, đỏ.
Vua Rama VII - Prajadhipok (1925 - 1935)
Sau khi Rama VI từ trần ở tuổi 65, Prajadhipok lên ngôi và là vị quân vương chuyên chế cuối cùng của Thái Lan. Ngày 24 tháng 6 năm 1932 một cuộc cách mạng đã nổ ra, mở ra một kỷ nguyên mới cho chính quyền lập hiến và xóa sổ chế độ quân chủ chuyên chế vốn đã áp đặt lên Thái Lan từ thời kỳ Sukhothai..
Cuộc cách mạng được tiến hành bởi Đảng Nhân dân, trong đó hầu hết những người lãnh đạo đã được đào tạo ở Pháp hoặc Đức. Vua Prajadhipok đang ở khu nghỉ mát của ông tại Hua Hin, lúc đó đã quyết định ban hành một hiến pháp lâm thời vào ngày 27 tháng 6 năm 1932. Thế là đất nước đã được giao phó cho ủy ban Đảng Nhân dân, do Phraya Manopakorn Nititada, nguyên là chánh án tòa thượng thẩm, đứng đầu. Nititada đã chỉ định một ủy ban để soạn thảo hiến pháp chính thức.
Ngày 10 tháng 10 năm 1932, nhà vua ban hành hiến pháp chính thức, và Phraya Manopakorn Nititada được chỉ định làm thủ tướng. Đến ngày 1 tháng 4 năm 1933, Phraya Manopakorn Nititada yêu cầu tạm đình chỉ quốc hội và ngưng thi hành một số điều khoản trong bản hiến pháp với lý do là nội các chưa thể thống nhất ý kiến về một chính sách kinh tế cho quốc gia.
Hành động của Phraya Manopakorn Nititada đã gây nhiều bất mãn cho hầu hết những đảng viên của Đảng Nhân dân. Họ đã hợp lực với nhau dưới sự chỉ huy của tướng Phraya Phahol Pholphayuhasena. Nhóm người này đã tổ chức một cuộc đảo chính và thành công vào ngày 20 tháng 6 năm 1933, buộc chính quyền Phraya Manopakorn Nititada phải rút lui. Quốc hội được mở lại và Phraya Phahol Pholphayuhasena lên làm thủ tướng.
Phản ứng lại với chính quyền lập hiến của tân thủ tướng là một cuộc nổi dậy dưới sự cầm đầu của tướng Bovoradej, nguyên bộ trưởng bộ quốc phòng, và một số sĩ quan cao cấp đã về hưu. Giao tranh đã nổ ra trong khu vực quanh Bang Khen, Lak Si và Don Muang vào ngày 11 tháng 10 năm 1933 và đã kết thúc ngày 17 tháng đó với phần thắng thuộc về phía quân đội của chính quyền.
Cảm thấy ưu phiền trước cảnh rối ren chính trị trong nước, vua Prajadhipok quyết định sang châu Âu với cái cớ để chữa mắt. Trong thời gian ở hải ngoại, ông có những mâu thuẫn với chính quyền của tướng Phraya Phahol Pholphayuhasena. Do chính quyền không đáp ứng được những ước muốn của mình, nhà vua đã thoái vị vào ngày 2 tháng 3 năm 1935 và tiếp tục sống ở Anh Quốc cho đến lúc từ trần năm 1941.
Vì Prajadhipok không chỉ định người thừa kế, quốc hội đã công bố người thừa kế hợp pháp là hoàng tử Ananda Mahidol. Vị vua thứ tám của triều đại Chakri là một cậu bé mười tuổi, con trưởng của hoàng tử Songkla. Vì Mahidol còn quá nhỏ và đang theo học tại Thụy Sĩ, quốc hội đã lập ra một hội đồng nhiếp chính để thay mặt nhà vua.
Vua Rama VIII - Ananda (1935 - 1946)
Trong thời gian này, mối quan hệ giữa các thành viên dân sự và quân sự trong nội các chính phủ có nhiều rạn nứt khi ngày càng nhiều quan chức dân sự chuyển sang khối quân sự. Cảm nhận được tình hình không thuận lợi cho mình, Phahon đã về hưu và Phibun đảm nhận chức thủ tướng. Năm 1940 chính quyền Thái Lan đòi lại chủ quyền một số vùng lãnh thổ từ tay người Pháp ở Đông Dương. Chính phủ Pháp từ chối và giao tranh đã nổ ra. Cuối cùng cuộc tranh chấp giữa Thái Lan và người Pháp đã được dàn xếp với sự hỗ trợ của nước Nhật với tư cách là người hoà giải. Hiệp định Tokyo đã được ký kết, trả lại cho Thái Lan các vùng Battambong, Siamrap, Champasak và Lanchang.
Cuộc chiến tranh Đại Đông Á được hòa vào với cuộc Thế chiến thứ II và Thái Lan đã đồng minh với Nhật, cùng tuyên chiến với Mỹ và Anh vào tháng Giêng năm 1942. Trong khi đó những phong trào tự do của Thái đã được tổ chức tại nước Mỹ và Anh với mục tiêu giải phóng Thái Lan khỏi tay người Nhật. Cuối tháng 7 năm 1944 chính quyền của Phibul rút lui do bị thất thế trong quốc hội, và Khuang Abhaiwong lên làm thủ tướng.
Tháng 12 năm 1941 quân đội Nhật đổ bộ vào Thái Lan để đòi mượn đường sang Miến Điện và Malay. Tháng Giêng năm 1942 Bangkok bị quân Đồng minh ném bom. Đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, khi Thế chiến thứ II chấm dứt, một bản công bố đã được ban hành, trong đó xác định rằng việc tuyên chiến với các nước phương Tây đã vô hiệu lực vì đi ngược lại ý chí của nhân dân Thái. Bản công bố được bộ trưởng ngoại giao Mỹ James Bymes chấp thuận vô điều kiện. Sau đó Thái Lan đã được gia nhập Liên Hiệp Quốc, trở thành thành viên thứ 55 của tổ chức này vào ngày 16 tháng 12 năm 1946. Từ thời kỳ Thế chiến thứ II, chỉ trừ một vài giai đoạn ngắn ngửi, còn thì quân đội đã nắm chính quyền tại Thái Lan.
Vua Rama IX - Bhumibol Adulyadej (1946)
Vị quốc vương đương thời này sinh ngày 5 tháng 12 năm 1927 và đăng quang ngày 9 tháng 6 năm 1946.
Ngày nay Thái Lan là một nước quân chủ lập hiến. Từ năm 1932 đến nay, các quốc vương của Thái Lan đã thực hiện quyền lập pháp qua một hội đồng quốc gia, quyền hành pháp qua một nội các do thủ tướng đứng đầu và q
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Quang Ngọc Quyên