[Lệch Lạc Nhận Thức] - Phần 1: Tự tin thái quá

  1. Tâm lý học

Lệch lạc nhận thức là gì, có lẽ nhiều người thậm chí còn chưa từng nghe đến khái niệm này nhưng nó luôn tồn tại bên trong chúng ta. Theo số liệu gần nhất có khoảng 188 loại tồn tại, chúng liên tục làm cản trở khả năng của chúng ta trong việc ra quyết định một cách đúng đắn, khả năng tư duy, suy nghĩ và cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Đừng lo, vì tất cả chúng ta đều bị, không chỉ riêng mình bạn đâu. Tuy nhiên nếu muốn đạt được thành công, nhất là trong lĩnh vực đầu tư thì bạn cần phải loại bỏ được càng nhiều lệch lạc nhận thức càng tốt. Trong phần này chúng ta sẽ làm quen với loại lệch lạc nhận thức đầu tiên, cực kỳ phổ biến mang tên: Tự tin thái quá.

pexels-photo-1149022

 

Đây là một thuật ngữ do các nhà nghiên cứu tài chính hành vi sáng tạo ra, nhằm mô tả về một sự lệch lạc nguy hiểm đặc thù trong quá trình ra quyết định đầu tư của chúng ta. Sự lệch lạc này xuất hiện khi chúng ta thường tự tin quá mức vào quyết định của mình. Các nhà nghiên cứu cũng khảo nghiệm nhiều người từ nhiều lĩnh vực chuyên nghiệp khác nhau. Kết quả thu được cho thấy một điểm chung đó là khi phải đưa ra những đánh giá chủ quan về một tình huống, tất cả đều có xu hướng đánh giá quá cao sự chính xác trong kiến thức của mình về hầu hết mọi lĩnh vực. Khi con người cho rằng đánh giá của họ tốt hơn so với bản chất thực của nó, các nhà nghiên cứu tài chính hành vi gọi đó là hội chứng tự tin thái quá. Tuy nhiên không phải ai cũng mắc bệnh tự tin thái quá, tự tin thái quá chỉ bộc lộ trong một số tình huống cũng như chỉ bộ lộ rõ rệt ở một số người. Có 4 vùng nguy hiểm nơi mà căn bệnh tự tin thái quá dễ xuất hiện:

 

  • Vùng thứ nhất là những tình huống phức tạp và không chắc chắn. Hầu hết mọi người bộc lộ khả năng dự đoán siêu phàm của mình khi được hỏi về những vấn đề mà họ có rất ít thông tin hoặc không hiểu rõ, hoặc vô cùng phức tạp và khó xác định được một kết quả chính xác trong tương lai. Thường thì những người khi thực sự am hiểu một lĩnh vực nào đó họ sẽ nói một cách thận trọng, và không ngừng nghi ngờ tính xác thực của những thông tin đó. Điều này có thể được nhận thấy dễ dàng trong cuộc sống hằng ngày, khi mà những người càng lớn tuổi, càng hiểu biết thì lại càng trở nên thận trọng và ít nói hơn những người trẻ tuổi, đã đến lúc mà chúng thực sự hiểu được ý nghĩa của câu nói Thùng rỗng kêu to là như thế nào rồi. đấy.

 

  • Vùng thứ 2 là cảm giác phấn khởi chung. Khi phấn khích chúng ta thường có xu hướng nghĩ là mình có thể làm được mọi chuyện, có thể làm được những điều phi thường nhưng thực tế thì không phải là như vậy. Trong một trận đấu bóng đá, 1 cầu thủ vốn rất ít khi sút xa nhưng tình cờ lại có một bàn thắng từ một cú xa tuyệt đẹp. Sau đó, cảm giác phấn khích dâng cao, anh ta liên tục tung ra nhiều cú sút khác nhưng tất cả đều đi ra ngoài, đây chính là một ví dụ rất điển hình cho căn bệnh tự tin thái quá. Ngoài ra chúng ta cần phải hết sức cảnh giác với sự lạc quan hoặc tự tin thái quá của đám đông, chúng ta rất dễ bị cuốn theo những cảm xúc của nó và khiến chúng ta tự tin hơn mức bình thường, đưa ra những quyết định dễ dàng hơn so với thường ngày và cũng dễ mắc sai lầm hơn. Tất nhiên việc đi ngược lại đám đông không phải lúc nào cũng đúng đắn nhưng cũng đừng để đám đông khiến bạn mất đi sự thông thái của bản thân mình, trong rất nhiều trường hợp thì số đông lại là người có xu hướng sai lầm nhiều hơn số ít, vì đôi khi chúng ta tin hoặc ủng hộ theo vì chúng ta có ít kiến thức hoặc chưa hiểu rõ chứ không phải chúng ta là chuyên gia trong lĩnh vực đó, xin hãy ghi nhớ kỹ điều này.

 

  • Vùng nguy hiểm thứ 3 là sở trường chuyên môn. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ khi gặp một vấn đề nào đó liên quan đến chuyên môn của mình thì bất cứ ai cũng có xu hướng tự tin thái quá so với những người khác, tuy nhiên sự thật thì lại hoàn toàn ngược lại. Sự tin tin thái quá có xu hướng bộc lộ khi chúng ta phải đối mặt với những vấn đề nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của mình, nếu bạn vẫn còn nghi ngờ điều này thì tôi xin kể lại một ví dụ mà chính tôi đã từng gặp. Tôi đi làm lúc 7h và thường ăn cơm tại một quán trên đường Cổ Nhuế, tình cờ gặp được 3 người chuyên đào bitcoin, tức là họ cũng đã có kiến thức về tiền mã hoá và blockchain. Họ nhìn tôi và biết tôi là dân IT nên bắt chuyện, tôi cũng đang làm về blockchain, họ nói cho tôi nghe khá nhiều về tiền ảo và blockchain, họ thần thánh nó một cách quá mức, họ cho rằng nó là tương lai, nó sẽ là thứ không thể thiếu, nó sẽ làm thay đổi thế giới, nó sẽ....rất nhiều cái khác nữa. Trong con mắt của 1 lập trình viên thuần tuý như tôi thì blockchain hay tiền ảo cũng chỉ là một phần của công nghệ thông tin, nó có nhiều sự mới lạ nhưng không phải là tất cả, tương lai của nó sẽ như thế nào tôi cũng không dám chắc nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ thần thánh hoá nó đến mức giống như mấy người kia, những người có chút kiến thức về nó nên có lẽ chưa hiểu hết được mọi điều nên đã thần thánh nó đến như vậy, tôi hoàn toàn có thể cảm thông điều này. Trong một nghiên cứu được tiến hành tại các trường trung học thì người ta nhận thấy rằng, những thí sinh được điểm thấp nhất luôn là những người đưa ra dự đoán về số điểm mà mình sẽ đạt được rất cao, hơn mức thực tế mà họ nhận được, ngược lại những thí sinh đạt điểm cao lại có xu hướng dự đoán số điểm mình sẽ đạt được khá thấp hoặc rất sát với số điểm thực tế mà họ sẽ đạt được, đơn giản vì họ hiểu về năng lực thực sự của bản thân và hàm lượng kiến thức của bài thi sẽ như thế nào. Tôi không muốn bạn đánh mất sự tự tin của mình sau khi đọc xong những dòng này nhưng xin đừng tự tin thái quá bởi vì trong một số trường hợp nó sẽ khiến bạn không thể cải thiện được kỹ năng của mình. 

 

 

  • Vùng nguy hiểm thứ 4 đó là sự ngạo mạn, cái tôi thái quá của bản thân, sự mong muốn được thể hiện mình. Ở đây xuất hiện một nghịch lý đó là những người có kiến thức càng nhiều về một lĩnh vực nào đó thì lại càng tỏ ra ngạo mạn, tỏ ra tự tin một cách thái quá, trái ngược với quan điểm đó là sự tự tin thái quá sẽ luôn tỷ lệ nghịch với lượng kiến thức mà người đó có được. Để lý giải cho vấn đề này các nhà nghiên cứu cho rằng một phần nào đó bên trong chúng ta luôn có xu hướng thể hiện và thoả mãn cái tôi của mình, chúng ta học tập và nghiên cứu về lĩnh vực đó không phải vì chúng ta bị ép buộc mà vì chúng ta yêu thích nó, chúng ta mong muốn được như vậy. Khi đạt được thành tựu, chúng ta có xu hướng chia sẻ và sự sẻ chia đó sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề khác. Có bao giờ bạn thực sự mong muốn chia sẻ điều gì đó nhưng lại bị người khác hiểu nhầm đó là sự khoe khoang hay không, tôi tin là có. Giả sử tôi có một chiếc xe, bạn cũng có 1 chiếc, chiếc xe của tôi chỉ đáng giá 50 triệu và khi tôi khoe nó, điều này hết sức bình thường. Bạn thấy vậy, bạn cũng chụp ảnh khoe xe của mình, nhưng chiếc xe của bạn trị giá 50 tỷ, tôi tin chắc là sẽ có nhiều người nói bạn là một kẻ khoe khoang và ngạo mạn, dù hành động của hai người không có gì khác biệt nhưng cách nhìn nhận của người khác chắc chắn là không bao giờ giống nhau. Sự chia sẻ, nếu tích cực tức là khi chúng ta nhận được nhiều lời khen ngợi, ai cũng đều thích được khen ngợi, và sự khen gợi làm cho ta tự mãn, ngạo mạn, rơi vào vùng phấn khích và tự tin thái quá là điều khó tránh khỏi. Có nhiều nguyên nhân khác khiến chúng ta ngạo mạn, dấu hiệu để nhận biết điều này đó là khi chúng ta cho rằng mình tốt hơn người khác, chúng ta có xu hướng coi thường người khác và tự hưởng thụ thành quả cá nhân, đừng để những thứ đó đánh lừa bạn, hãy tỉnh dậy đi trước khi quá muộn.

 

pexels-photo-886521

 

Khi rơi vào bốn vùng trên chúng ta rất dễ có xu hướng tự tin thái quá, tuy nhiên nếu muốn hạn chế được căn bệnh này thì chúng ta cần phải hiểu được nguyên nhân của nó chứ không thể nào chỉ trông chờ vào việc tránh bốn vùng đó ra là mọi chuyện sẽ ổn. Thành thực mà nói nếu né tránh hết cả bốn vùng thì chắc chỉ còn cách lên Sao Hoả mà sống. Nguyên nhân của sự tự tin thái quá, có 5 nguyên nhân chính sau, hãy đọc thật kỹ những điều mà tôi sắp nói bên dưới vì nó thực sự là những điều quan trọng, nghiêm túc đấy.

 

  • Nguyên nhân thứ nhất là sự ảo tưởng về tính vượt trội. Hầu hết chúng ta, một cách tự nhiên và vô thức đều có xu hướng ảo tưởng về tính vượt trội của bản thân mình. Đầu tiên dễ dàng nhận thấy nhất đó là sự khác biệt về ngoại hình, một vài đặc điểm nhận dạng của bản thân khi so sánh với những người xung quanh bạn. Và đây chính là điều mà những cuốn sách self-help lợi dụng một cách triệt để, nó thổi bùng lên lệch lạc của người đọc về sự khác biệt của bạn, cho rằng bạn là duy nhất, bạn sẽ chỉ sống một lần trong đời bạn khác biệt và có những việc chỉ bạn mới có thể làm được mà thôi. Nếu bạn cho rằng mình khác biệt, tôi hoàn toàn đồng ý với điều này nhưng con chó nhà tôi nó cũng khác biệt, con chó nhà bạn cũng khác biệt, vậy sự khác biệt có ý nghĩa gì, nó chẳng có ý nghĩa gì cả, bởi vì khi tất cả mọi thứ đều khác biệt thì tất cả mọi thứ đều bình thường, đó là sự thật. Ảo tưởng về tính vượt trội thường được bộc lộ qua hai con đường chính đó là lạc quan một cách phi thực tế về khả năng của bản thân và phi thực tế tương lai của bản thân mình. Nếu ai đó hỏi bạn rằng, khả năng lái xe của bạn như thế nào, liệu chúng ta có nói chúng ta lái xe rất tệ hay không, ngay cả khi chúng ta lái xe tệ thật chúng ta cũng sẽ nói là chúng ta lái xe bình thường, hoặc chúng ta lái xe cũng được, chúng ta có xướng đánh giá bản thân mình cao hơn mức bình thường. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì mọi thứ vẫn chưa rõ ràng lắm, nếu bây giờ bạn được hỏi là: Nếu so với người khác thì bạn thấy khả năng lái xe của mình như thế nào, tôi cá là sẽ nhận được mấy câu trả lời kiểu như thế này:

 

Em nói thật với anh chứ khả năng lái xe của em hơi bị được luôn, ăn đứt mấy thằng khác, mấy cái thằng đấy đi xe ngu bỏ mẹ, em là em hiền đấy chứ nói thật là nhiều lúc nhìn chỉ muốn đạp cho phát.

 

Cái thằng đấy á, trời ơi cái thằng đấy nó đi xe như ngáo ý anh chấp làm gì, em đây thuộc loại đi xe siêu đẳng con mẹ nó rồi, bây giờ mà có cuộc thi đua xe ở trên đường Hà Nội thì xin lỗi anh, em nhất là cái chắc.

 

Nói về khả năng đi xem, em mà đứng thứ 2 thì cả cái vũ trụ này không ai dám đứng thứ nhất, em xin lỗi anh nhưng đó là sự thật.

Mấy bạn nữ thì dịu dàng hơn:

Dạ em thấy cũng được anh ạ, cũng không tệ lắm và cũng không gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh, so với người khác thì cũng không đến nỗi nào.

 

À vâng, em đi xe cũng an toàn anh, đội mũ bảo hiểm, dừng đèn đỏ rất đúng quy định, em nghĩ như vậy là hơn người khác rồi.

 

Nếu không tin bạn có thể ra ngoài đường hỏi thử nhé, tôi tin là kết quả sẽ không khác đâu.

pexels-photo-1549697

Còn về vấn đề tất cả chúng ta có xu hướng phi thực tế hoa tương lai của bản thân. Ai cũng cho rằng trong tương lai thì mọi chuyện nhất định sẽ tốt hơn, tuy nhiên nếu nhìn lại lịch sử hàng ngàn năm đã qua thì không thể đảm bảo cho điều này, tương lai đôi khi còn tồi tệ hơn quá khứ rất nhiều. Vấn đề chính ở đây là tại sao chúng ta luôn, dù cho hoàn cảnh có tồi tệ đến thế nào đi chăng nữa thì chúng ta vẫn luôn có 1 một sự lạc quan đến khó tin về ngày mai., để lý giải cho điều này chỉ câu chuyện về chiếc hộp Pandora, hay chính xác hơn đó là Hy vọng. Chúng ta luôn luôn hy vọng, hy vọng vào ngày mai, vào một phút sau, vào một tiếng sau.

Chúng ta hy vọng vào buổi chiều khi có một buổi sáng không được như ý muốn, nếu buổi chiều vẫn tồi tệ chúng ta lại tiếp tục hy vọng vào buổi tối và mọi chuyện cứ liên tục diễn ra như vậy trong suốt cuộc đời mỗi người. Hy vọng là nguồn gốc của sự sống, nó đến một cách vô thức và không ngừng thôi thúc chúng ta trong tất cả mọi chuyện. Chúng ta làm vì chúng ta có hy vọng, nếu như biết chắc chắn sự việc sẽ thất bại nhiều người sẽ không làm. Nếu biết tuần sau chúng ta sẽ chết thì nhiều người sẽ không còn động lực để làm những công việc hiện tại, khi đánh mất hy vọng, chúng ta sẽ đánh mất mọi thứ. Hy vọng vào một tương lai tốt đẹp không phải điều xấu, nó thúc đẩy chúng ta trở thành thứ gì đó tốt hơn nhưng nó thiên về cảm xúc quá nhiều và nếu xét trên khía cạnh logic thuần tuý thì chẳng có điều gì vô lý hơn hy vọng cả. Điều này rất dễ nhận thấy trong quá trình giáo dục con cái, cha mẹ rất rất hy vọng vào đứa con của mình dù họ biết rằng nó chẳng có tài năng gì đặc biệt lại lười biếng, nhưng sự hy vọng một cách quá mù quáng đã che mờ đi cái thực tế ấy, điều này thật khó để nói là tốt hay xấu, để bào chữa nhiều người cho rằng đó là tình yêu thương vô bờ bến mà cha mẹ dành cho con nhưng cá nhân tôi cho rằng khi để cho sự yêu thương quá lớn che lấp mất những yếu tố khác, thì kết cục còn tồi tệ hơn thế rất nhiều. Dù trong bất cứ trường hợp nào đừng từ bỏ hy vọng, nhưng xin đừng hy vọng một cách mù quáng, đừng để nó che lấp đi những thứ mà đáng nhẽ ra nếu chấp nhận thực tế, thì kết quả trong tương lai có lẽ đã tốt hơn rất nhiều.

  • Nguyên nhân thứ 2 là đó là sự ảo tưởng về khả năng kiểm soát. Sự ảo tưởng này xuất hiện mỗi ngày, bất cứ khi nào gặp điều không may chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho người khác, cho thứ gì đó và không muốn nhận lỗi về mình, và tất nhiên khi chúng ta cho rằng mình không phải là người có lỗi thì chúng ta thấy mình vẫn rất tốt, vẫn rất tuyệt vời, còn người khác thì rất tệ, họ chẳng được như mình. Ảo tưởng về khả năng kiểm soát xuất phát từ hai khuynh hướng mạnh mẽ tồn tại trong bản thân mỗi người. 
  • Thứ nhất: Điều này xuất phát từ việc chúng ta cho rằng mình có thể kiểm soát được số phận của bản thân, tức là làm chủ được được số phận của mình, tuy nhiên sự thật thì không hẳn là như vậy. Trong cuốn sách từ tốt đến vĩ đại, khi tìm hiểu về các CEO của những công ty đã vươn lên mạnh mẽ, tức nhà lãnh đạo cấp 5 thì có một điểm chung đó là họ vô cùng khiêm tốn, họ cho rằng họ làm được như vậy là nhờ may mắn chứ không phải do họ tài giỏi. Người châu Á thì có câu: Người tính không bằng trời tình hay mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Để một sự việc diễn ra thành công, ngoài sự tính toán của con người thì còn có vô vàn những yếu tố khác nữa tác động đến và những yếu tố hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, đó là ý nghĩa của từ thiên trong câu nói trên. Tất nhiên cũng không thể phủ nhận sự thành công của một người là do sự nỗ lực không ngừng, nhưng có phải người đó là người nỗ lực nhiều nhất, có phải người đó là người thông minh nhất, hay đó chỉ đơn giản là sự lựa chọn của số phận, của một sự ngẫu nhiên mang tính thời điểm và tình huống điển hình. Hãy nhìn vào các quyết định của những chính trị gia trên thế giới, bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì có rất nhiều trong số đó gần như không có hoặc có rất ít dữ liệu, nếu thành công thì những quyết định đó sẽ được ngợi khen, nhưng nếu thất bại thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Không cần phải nhìn vào những nơi xa xôi như vậy, hãy nhìn ngay vào những quyết định trong chính cuộc đời bạn, bao nhiêu trong số đó là bạn nghĩ mình có thể làm chủ được, hay thật ra chỉ là những định mang tính thiên về cảm xúc, hoặc dựa hoàn toàn vào số phận. Bạn quyết định yêu 1 người, kết hôn với 1 người, có gì đảm bảo nó sẽ dài lâu? Bạn vào làm việc tại một công ty, lấy gì để đảm bảo rằng công ty đó là phù hợp với bạn? Bạn chọn 1 công việc, liệu đó có phải là việc mà bạn làm giỏi nhất? Sự thành công chỉ đơn thuần là sự cố gắng và nỗ lực của bản thân hay là sự lựa chọn một cách ngẫu nhiên của số phận? Thật khó để đưa ra một câu trả lời chính xác những tôi tin chắc chắn một điều nếu chỉ dựa vào sự nỗ lực đơn thuần của bản thân thì không bao giờ đủ.
  • Thứ hai: Chúng ta luôn cho rằng khả năng ra quyết định của mình là vượt trội hơn người khác. Trong rất nhiều trường hợp ngay cả khi cảm thấy quyết định của mình không thật sự đúng nhưng chúng ta vẫn có xu hướng tin vào quyết định của mình hơn là nghe theo lời khuyên của người khác. Điều này xuất phát từ cái tôi cá nhân, hay đúng hơn là giới hạn về mặt nhận thức của cá nhân. Không ai có thể phủ nhận rằng, kiến thức là vô hạn còn hiểu biết của con người là hữu hạn nên trong số rất nhiều trường hợp, khi đưa ra quyết định chúng ta chỉ quyết định dựa trên vùng an toàn mà phạm vi kiến thức của bản thân mà thôi. Hai câu chuyện Thầy bói xem voi và Ếch ngồi đáy giếng chính là minh chứng rất rõ ràng cho điều này. Người đứng ở tầng 30 thì nhìn thấy bầu trời xanh ngắt và những đám mây đẹp đẽ, còn kẻ đứng ở tầng một thì chỉ thấy khói bụi và kẹt xe. Sự khác biệt về tầm nhìn là rất lớn, có thể tại thời điểm hiện tại bạn, với một lượng kiến thức nhất định bạn cho rằng quyết định của mình là đúng nhưng sau đó khi có thêm kiến thức bạn lại thấy đó là một quyết định rất sai lầm. Một quyết định tốt là một quyết định có thể tối ưu tốt nhất lượng kiến thức, dữ liệu, thông tin có giới hạn mà bạn đang có trong thời gian ngắn nhất, nó có thể đúng ở hiện tại nhưng tương lai thì không ai dám đảm bảo, vậy nên xin đừng quá tự tin vào quyết định của mình
  • Nguyên nhân thứ 3 đó là do trí tưởng tượng hạn chế của chúng ta. Mọi người nghĩ trí tưởng là thứ không có giới hạn, vậy còn câu nói, mọi thứ vượt xa sức tưởng tượng của tất mọi người thì sao. Thực ra trí tưởng của con người cũng chỉ là một thứ có giới hạn mà thôi. Trong hầu hết mọi tình huống chúng ta hiếm khi nào có thể dự đoán được hết các khả năng có thể xảy ra. Chúng ta nghĩ mình đã lường trước được hết mọi kịch bản nhưng đó là điều không thể, luôn luôn có những kẻ hở trong mọi kịch bản cũng như câu nói nổi tiếng trong giới lập trình viên: No system is safe. Khi xem những bộ phim viễn tưởng, phim của Marvel chẳng hạn, thì người ngoài hành tinh dù có kỳ quái thế nào thì cũng chỉ xoay quanh hình dáng của con người, chỉ là làm cho to hơn hoặc nhỏ đi, thay đổi chút màu da, khuôn mặt, điều mà bộ phim Tây duy ký đã làm cách đây rất rất lâu rồi. Có vậy thì mới thấy rằng trí tưởng tượng của loài người còn hạn chế đến mức nào.
  • Nguyên nhân thứ tư đó là được các nhà nghiên cứu tài chính hành vi gọi là lệch lạc khẳng định. Có lẽ nhiều người đã đọc cuốn sách Điều kỳ diệu của tiệp tạm hoá Namiya. Khi chúng ta nhờ ai đó tư vấn về vấn đề cá nhân, có nghĩa là chúng ta đã có xu hướng quyết định theo hướng của riêng mình, chúng ta làm vậy là để tìm sự đồng thuận của người khác chứ không phải là vì chúng hoàn toàn không có một sự lựa chọn nào trước đó. Ban đầu chúng ta sẽ tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè sau đó là các chuyên gia. Dù trong trường hợp nào, khi đã nghiêng về 1 phương án, chúng ta tham khảo càng nhiều thì mục đích khi ấy chỉ là cố gắng để khẳng định thêm về quyết định của mình chứ không phải là làm cho nó giảm bớt đi. Lệch lạc khẳng định rất phổ biến trong cuộc sống của tất cả chúng ta, và những người thành công là những người loại bỏ rất tốt lệch lạc này. Jack Ma từng nói: Khi một ý tưởng nào đó được đưa ra mà được rất nhiều người hướng ứng, tán thành thì đó là ý tưởng tồi, vì nếu chúng ta nghĩ ra được thì đối thủ cũng có thể nghĩ ra được. Trong buổi nói chuyện với cán bộ nhân viên Viettel, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có nói ở Vin Group có một bộ phận tiếp nhận phản ánh của người dùng, cái nào khen thì vứt đi, cái nào chê thì mang đây. Khi chúng ta viết một bài viết nào đó, nếu có ý kiến đồng thuận, chúng ta sẽ rất vui mừng, nhưng nếu bị phản đối chúng ta sẽ phản biện lại, thậm chí trong nhiều trường hợp, chúng ta còn không thể nào hiểu nổi là tại sao quan điểm của mình lại là sai, tại sao lại có người không đồng ý với nó, mọi người có thể thấy điều rất nhiều trên các trang mạng xã hội hiện nay. Và nếu thành thật một chút thì mọi người sẽ thấy những bình luận kiểu như: Bài viết rất hay. Bài viết rất tuyệt thực chất không có nhiều giá trị, như trong thuật ngữ của riêng mình vẫn hay gọi: Những kẻ ngốc tự ngợi khen lẫn nhau. Và đó là sự tự ngợi khen chính mình chứ không phải là lời khen dành cho người khác, bạn khen vì nó giống với quan điểm của bạn, nó thay bạn cất lên tiếng nói của chính mình, bản cảm thấy nó an toàn cho mình và cảm thấy nếu mình làm vậy thì mình cũng rất tuyệt vời, bạn nghĩ mình cao thượng ư, thành thật xin lỗi là không phải như vậy. Thật lòng mà nói, nếu xét về mặt giá trị kiến thức một cách thuần tuý thì chính những bình luận mang tính phản biện lại luận điểm của mình mới là những bình luận thực sự có giá trị, thật sự đáng giá, nên lần nào vào công ty mới tôi cũng nói với mấy anh giỏi hơn mình: Anh chửi em cũng được, mắng em cũng được nhưng phải cho em kiến thức, còn lời khen ngợi sáo rỗng thì xin lỗi, em không thật sự cần.
  • Nguyên nhân thứ 5 là sự chọn lọc ký ức, thứ vô cùng âm thầm nhưng lại có sức ảnh hưởng rất rất lớn đến tất cả chúng ta. Thông thường, tất cả chúng ta đều không muốn mọi người nghe hay nhắc về thất bại của mình, chúng ta chỉ muốn nge về sự thành công của bản thân mình mà thôi. Vì cảm giác thành công mang lại cảm xúc tích cực, còn thất bại thì luôn mang đến những cảm xúc tồi tệ. Từ đó, chúng ta có âm thầm loại bỏ những ký ức đau buồn, những lần thất bại và luôn khắc sâu những chiến thắng, những lần mà chúng ta thành công và điều này vô tình đã làm cho căn bệnh tự tin thái quá thêm trầm trọng.
  • Một nguyên nữa cũng rất phổ biến đó là lệch lạc do ký ức sẵn có. Chúng ta không xa lạ gì với câu nói: Tôi nhớ mà, tôi đã thấy nó ở đó. Tôi chắc chắn mà, tôi đã làm như vậy. Liệu những lời nói này có đáng tin hay không? Sự thật tuy có đau lòng nhưng chúng không hề đáng tin. Tôi có một câu nói thế này: Trí tưởng tượng của tôi mạnh đến mức có thể biến bất cứ thứ gì thành ký ức, và biến ký ức trở thành trí tưởng tượng. Ví dụ: Tôi chưa từng đi đến Sao Hoả, nhưng đặt trong một điều kiện giả tưởng gần giống như vậy, tôi nhắm mắt lại và bên tai thì thầm những câu nói khiến cho tôi khi tỉnh giấc, tôi tin chắc là mình đã từng đến sao Hoả, tin chắc vào điều này 100% và không bao giờ nghi ngờ, hay nói cách khác, ký ức là thứ hoàn toàn có thể được gieo cấy vào bên trong chúng ta, chúng không chỉ đến từ trải nghiệm thực tế mà còn đến từ vô vàn những hình ảnh khác, những sự tác động khác nữa và trong số đó, nhiều thứ không hề xảy ra ở thực tại. Chúng ta có thể gọi vắn tắt đó là sự ảo tưởng sức mạnh bản thân, có thể hiểu được điều này vì mỗi khi thất bại, hay thua cuộc chúng ta luôn có xu hướng tưởng tượng ra một kết quả hoàn toàn mỹ mãn, hoàn toàn đẹp để dần dần xoá nhoà đi những ký ức đâu buồn kia, dần dần nó trở thành một phần của ký ức, một cách âm thầm, ban đầu chúng ta tự nhủ là không phải nhưng sau đó chúng ta dần chấp nhận và hoàn toàn chấp nhận. Khi kể cho ai đó nghe về thành công, hay nếu như bạn đã từng nghe về những câu chuyện thành công thì rất nhiều tình tiết được thêm vào bởi cách trên, chứ chúng hoàn toàn không có thật.

pexels-photo-1536619

Sau khi đã hiểu về nguyên nhân tạo nên căn bệnh Tự tin thái quá nhiều người sẽ tự tìm cách để tránh khỏi nó càng nhiều càng tốt. Dưới đây tôi xin đưa ra một vài chiến lược mà tôi hay sử dụng để mọi người tham khảo, có thể nó sẽ hữu ích với bạn, tôi hy vọng là vậy:

  • Hãy thật cảnh giác với một số lượng dữ liệu ít ỏi và càng phải cẩn thận hơn khi mà thông tin quá nhiều: Hãy quyết định những việc quan trọng thông qua dữ liệu chứ đừng quyết định bằng cảm xúc. Tôi biết điều này là không dễ nhưng nếu tránh khỏi những sai lầm ngớ ngẩn thì bạn cần phải làm như vậy. Tuy nhiên đừng nghĩ là dữ liệu càng nhiều thì khả năng chính xác càng cao, còn phải tuỳ thuộc vào độ rộng và độ sâu của dữ liệu đó nữa. Ví dụ bạn có dữ liệu của 100 triệu người về một cuộc thí nghiệm. Tuy nhiên 100 triệu người đó lại đều là người Trung Quốc, sẽ đáng giá hơn nếu nó được trải đều trên toàn thế giới, nhưng khi được trải đều ra toàn thế giới thì những người tham gia lại đều là đàn ông, sẽ tốt hơn nếu như 100 triệu người đó bao gồm cả đàn ông và phụ nữ, tốt hơn nếu nhiều độ tuổi khác nhau, tốt hơn nếu nhiều tôn giáo khác nhau, tốt hơn nếu thu nhập khác nhau, tốt hơn nếu nghề nghiệp khác nhau. Hãy nhớ là dữ liệu thì cũng cần phải được phân loại, có dữ liệu tốt, có dữ liệu tồi và có những dữ liệu tệ hơn bãi rác.
  • Có rất nhiều tiêu chí để lựa chọn dữ liệu, đúng là nó quan trọng nhưng hãy phân tích chứ đừng vội vàng tin vào nó. Và hãy nhớ thông tin chỉ là thông tin chứ không phải kiến thức, trong nhiều lĩnh vực thông tin rất quan trọng, nhưng trong nhiều trường hợp, thông tin lại hoàn toàn không có giá trị. Bạn nghĩ rằng mình có nhiều dữ liệu, mình có nhiều thông tin và bạn tự tin một cách mù quáng vào khả năng ra quyết định của mình, đó thực sự là một sai lầm đấy.
  • Hãy xem xét tỉ mỉ mọi thứ: Cẩn thận thì không bao giờ là thừa, hãy ghi nhớ điều này.
  • Hãy tự phán xét mình trước khi phán xét người khác: Đây là nguyên tắc của cá nhân, bạn có thể làm theo hoặc thay đổi sao cho phù hợp.
  • Luật sư của quỷ: Devils advocate - đây là một thuật ngữ được bắt nguồn từ một quá trình trong đó các Giáo hoàng trong giáo hội Thiên chúa giáo cân nhắc quyết định phong thánh cho một nhân vật nào đó. Nói ngắn gọi đây là nhiệm vụ. Giáo hoàng sau đó sẽ chỉ ra một người chuyên trách luật Giáo hội(canon lawyer) hay còn gọi là luật sư của quỷ, vị luật sư này có nhiệm vụ điều tra và tiến hành vụ kiện phản đối quyết liệt quyết định phong thánh của Giáo hoàng. Bạn cũng nên có một luật sư của quỷ cho riêng mình, hay đúng hơn tôi nghĩ là ai cũng nên có. Đó là anti fan của, hắn chỉ một nhiệm vụ duy nhất đó là soi mói và bới móc những khuyết điểm của bạn, để đầu óc của bạn dù có bay bổng cỡ nào thì cũng luôn giữ được đôi chân ở bên dưới mặt đất.
  • Tư duy đối nghịch: Hãy chọn ra 1 ý kiến bất kỳ hay một điều được công nhận là đúng đắn một cách rộng rãi rồi phản đối nó. Điều này làm tôi nhớ về những kỷ niệm hồi nhỏ. Đầu tiên đó là vấn đề nhặt rau muống, tôi là một kẻ lười biếng, tự thắc mắc là tại sao rau muống phải hái tận gốc rồi khi mang lên lại phải nhặt thêm 1 lần nữa, tại sao không hái ở ngọn luôn như rau lang, thế là tôi xuống ruộng rau muống của nhà hái mỗi phần để ăn chứ không hái tận gốc, tôi khá hào hứng với phát kiến vĩ đại của mình, chạy đi khoe mẹ và kết quả...à mẹ tôi thì cũng không nói gì, chỉ là sau đó cái vườn rau lụi luôn, không lên được nữa, phải cuốc lên trồng lại. Một lần khác khi nấu cơm, tôi thấy cái việc đợi cho nước sôi hết thật là mất thời gian, tại sao ngay khi nước sôi không đổ luôn đi có phải là tiện hơn không, nghĩ là làm, và kết quả là cơm không chín được.... =))). Tôi còn thí nghiệm nhiều cái hay ho khác nữa, sau này sẽ kể tiếp.
  • Hãy luôn học hỏi để nâng cao kiến thức của mình, hãy nhớ là chất lượng thì luôn tốt hơn số lượng: Hãy cố gắng để leo đến tầng cao hơn, khi đó tầm nhìn của bạn sẽ khác.
  • Hãy tìm cách phản biện lại mọi thứ trước khi tin vào nó: Đây cũng là một nguyên tắc cá nhân, trước khi tin vào một điều gì, tôi sẽ luôn tìm cách phản biện lại, chỉ đến khi nào không biết phản biện sao nữa thì tôi mới hơi hơi tin, để thật sự tin còn cần thêm thời gian nữa.
  • Hãy cân nhắc mọi khía cạnh phản biện: Phản biện có những quy định chung mà hai bên hoặc nhiều bên cùng phải tuân thủ. Tôi thấy nhiều người mở miệng ra là phản biện nhưng thực chất là đang nguỵ biện chứ hoàn toàn không phải là phản biện. Phản biện phải dựa trên một nền tảng kiến thức chung được các bên chấp nhận và phải hướng tới một mục đích cụ thể nào đó.
  • Hãy ghi chép và không ngừng ghi nhớ về những thất bại và những sai lầm mà mình đã từng mắc phải một cách ngớ ngẩn đến thế nào, đừng ảo tưởng về sức mạnh của bản thân mình quá mức, nhất là những người trẻ như bạn và cũng như tôi. Đọc lại những thất bại, hay sai lầm của cá nhân mình ban đầu cũng không vui vẻ gì nhưng dần dần bạn sẽ quen với nó, và quan trọng là bạn phải biết cách dựa trên những sai lầm đó để cải thiện khả năng của mình trong tương lai chứ nếu chỉ ghi để đọc cho vui thì thật là vô giá trị.

Sẽ còn nhiều chiến lược khác nữa để có thể loại bỏ được lệch lạc này và bạn cần phải tự tìm ra nó theo cách phù hợp với chính mình. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp vì đây chỉ là bước khởi đầu, sẽ còn rất rất nhiều lệch lạc nhận thức khác nữa mà bạn cần phải khắc phục. Đừng vội, rồi chúng ta sẽ cùng tiềm hiểu và loại bỏ nó ở những bài viết tiếp theo, cùng chờ xem nó sẽ còn thú vị hơn nhiều đấy.

Từ khóa: 

lệch lạc nhận thức

,

tâm lý học