Lê Thánh Tông và Kỹ Nữ

  1. Lịch sử

Trích giới Hoa Nương (Kỹ Nữ có bán dâm) trong Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn. 

Giới Hoa Nương:

"Biếng việc nữ công,

Muốn bề nhan sắc.

Dồi dẽ mi quang mặt phấn,

Sắm lo bên (135) lục má hồng.

Răng đen cười hé nguyệt nga, lác ngờ hột đỗ,

Trán rộng vạch ngang vân trận, (136) mẽ tựa hoa mai.

Nụ vàng (137) giắt “pha ngữ” (138) hạt trai.

Quạt ngọc điểm đồi mồi xương vích (139)

Biếc búp dong, tía rọc dáy, yếm chéo cánh, cạnh thêu.

Lục cổ vẹt, đỏ tiết dê, 

xống (140) giang chân, thắt đáy.

Tiếng thót ẻo à, ẽo ợt,

Nết làm chuộng quý, chuộng thanh.

Say mây mưa bàn tán mấy cơn, 

đón nhân tình bằng mèo thấy mỡ.

Đắm trăng gió lân la đòi đoạn, 

mệt thế sự tựa kiến sa dầu.

Chốc mòng (141) Sở quán Tần lầu, (142)

Chấp chới ả Diêu, nàng Ngụy. (143)

Quấn quít sự anh, sự ả.

Dập dìu tin bướm, tin ong.

Làm bạn gửi, lấy chồng quyền, (144)

xụt xịt rằng tôi thương, tôi thảm.

Đưa người lâu, (145) rước khách mới, 

bẻo lẻo chào anh ngược anh xuôi.

Ấy đấng thanh tân,

Này loài thô tục.

Đầu quấn tóc rễ, tấp tểnh phố đắm nguyệt say hoa;

Gót dỉ chân chì, đủng đỉnh muốn mua hài chác (146) hán.

Đi ngoay ngoảy dường đầu rối hát,

Dồi nhếch nhác tựa mặt ma trơi.

Song viết (147) liền tay, gương lờ (148) non ánh,

Hôm mai họp mặt, nội (149) cỏ vườn lau.

Khoe nết thế xem đã dị kỳ,

Ăn lận (150) tính người quen bôi bác

Ân ái vờ, nhân nghĩa cây vối, (151) châu đã đầm đầm,

Nước mắt gừng, tâm sự xôi chiêm, (152) suối đà lã chã.

Miệng thốt cười cợt nhợt

Dạ biến đổi tơi bời.

Ngỡ là hoa khoe tốt, nguyệt khoe thanh, 

sự lẫn lòng nhiều khi đú đởn. (153)

Chẳng cốc châu dễ chìm, 

ngọc dễ nát, hồn cùng vía một phút rụng rời.

Hỡi ôi!

Sống bởi chưng dỗ bạc, dỗ tiền,

Thác cho phải xin ăn, xin uống.

Kệ than rằng:

Nức khí thiên hương áo nhẹ sa,

Làng nam, ngõ bắc thiếu nơi nhà.

Đành màu lụa mặc hòng mua phấn,

Ngắt đống tiền ăn để chác hoa.

Lẩn thẩn chẳng thương thân ảo hóa,

Chốc mòng những mải sự giao ca.

Tiếc xuân khôn tiếc, tiếc chăng được,

Ngày tháng ai hầu kẻ đợi ta?"

Lời lẽ của Lê Thánh Tông về giới Hoa Nương qua bài này thì khá là khinh miệt, điều này cũng không có gì lạ dưới một xã hội trọng Nho Giáo. Ngay cả giới Ca Kỹ (Ca Nhi, Con hát, Ca nương, ả đào vvv) hoàn toàn không liên quan gì đến hoạt động tình dục mà còn bị dè bĩu, thậm chí cấm con cháu thi cử, thì lời lẽ như vậy giành cho giới Hoa Nương là không có gì lạ.

Nhưng có một điều khá trớ trêu đó là Lê Thánh Tông là một ông vua đam mê sắc dục và cũng chính vì vậy mà ông mất sớm. Sử quan Vũ Quỳnh viết trong ĐVSKTT:

"Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng. Trường Lạc hoàng hậu bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm giấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới lại thêm nặng"

Bênh lở loét này là bệnh gì? mà nó lại liên quan đến chuyện tình dục, chăn gối (nhiều phi tần). Nhiều người cho rằng đó chính là bệnh Giang Mai, Lê Thánh Tông chết vì bệnh Giang Mai. 

Tạ Chí Đại Trường viết (sử Việt đọc vài quyển):

"Vua bị thương không phải vì chinh chiến. Đánh Chiêm Thành khải hoàn, vua thấy có mẹ, con đón rước, "thay áo, lên thuyền rồi về hành điện," lành lặn. Mùa đông, tháng 11âl. (1496), "vua không khoẻ", còn gượng làm thơ khoe rằng "Dù Lí (Bạch), Đỗ (Phủ), Ấu (Dương Tu), Tô (Đông Pha) sống lại vị tất đã làm nổi, chỉ có Ta làm được". Thế mà chỉ hơn hai tháng sau, vua ốm nặng một ngày rồi băng, "gươm thần, ấn thần đều biến mất", chỉ còn lại bài thơ và mối hoài nghi người sau không dám nói. Thái tử lên ngôi, cho biết vua cha bị bệnh phong thũng. "Phong thũng" theo cách hiểu thông thường, và của cả y sinh ngày xưa, là chỉ hiện trạng bệnh lở lói, cùi hủi. Vua không bị chiến thương như đã nói, mà sử quan lại có lời mào đầu là vua mắc bệnh nặng "vì nhiều phi tần quá", vậy thì Thánh Tông đã mắc "bệnh xã hội". Vua bị lở lói ở chỗ đó, hay khắp mình mẩy vì giang mai ở thời kì cuối?"

"Cổ Ai Cập đã biết đến bệnh giang mai. Trung Quốc chậm hơn, mãi đến thế kỉ VII, VIII mới bắt đầu biết vài căn "bệnh xã hội" là do giao hợp mà ra. Đầu thế kỉ XVI, y học Minh nhận ra bệnh giang mai và cảnh giác dân chúng về việc giao hợp với gái làng chơi (Reay Tannahill, tr. 193). Y giới Tây phương trước khi biết đến loại kháng sinh, đã chữa bệnh giang mai bằng hợp chất arsenic, y giới Đông cũng chữa bằng thạch tín (arsenic). Thái Y viện đời Lê đã dùng vị mã tiền có thạch tín chữa cho Thánh Tông chăng? Vì thế mới có ghi nhận Trường Lạc Hoàng hậu bôi "thuốc độc" (thạch tín) cho vua?"

Nếu thực sự đúng như nhận định Lê Thánh Tông mắc bệnh Giang Mai thì chỉ có khả năng bệnh đó được lây truyền cho vua từ bên ngoài hậu cung. Tại sao lại bên ngoài hậu cung? vì phi tần của vua chắc chắn phải tuyển chọn rất kỹ càng, còn trinh nguyên và chỉ có mình vua mới được ân ái vậy thì rất khó để phi tần đó mang bệnh rồi truyền lại cho vua. Bệnh nếu lây từ bên ngoài thì có 2 khả năng:

1. Từ nữ tù binh Chiêm Thành, đây là chiến lợi phẩm trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành năm 1471. Cái lệ bắt chiến lợi phẩm này của nước Việt đã có từ thời Lê Đại Hành đánh chiêm. Mà nguôn cung cấp tạp nham như này thì rất khó để kiểm soát và nếu vua "xài" thì rất dễ bị bệnh

2. Từ chính Kỹ Nữ bán dâm, thời Lê Sơ Kỹ Nữ bán dâm đã rất phát triển. Hoàn toàn có khả năng Lê Thánh Tông thích "cơm cà bình dân" mới lạ này hơn là "sơn hào, hải vị cung đình" và đã tìm đến để mua vui. Việc vua chúa mua vui với Kỹ Nữ trong lịch sử không phải là hiếm. Và nếu Lê Thánh Tông mua vui với Kỹ Nữ rồi mắc bệnh Giang Mai thì cũng không có gì lạ.

>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>.

Chú thích trong bài Giới Hoa Nương:

(135). Bên hoặc biên: mái tóc.

(136). Vân trận: mái tóc rẽ ngang giống như làn mây.

(137). Nụ: bông tai. Nụ vàng là bông tai bằng vàng.

(138). Nguyên văn viết “pha ngữ” phải là danh từ để đối với đồi mồi, nhưng chưa rõ là chữ gì.

(139).Vích: một loại rùa.

(140). Xống dang chân: mang váy (váy rộng có thể dang chân, hoặc quần có hai ống chân?), phía dưới thắt lại (thắt đáy).

(141). Chốc mòng: mơ tưởng, ước mong.

(142). Quán Sở lầu Tần: Nơi trai gái hẹn hò.

(143). Nàng Diêu, ả Ngụy: Ngụy tử, Diêu hoàng là tên hoa Mẫu đơn. Trong bài Mẫu Đơn ký của Âu Dương Tu, mẫu đơn nhiều cánh màu đỏ là mẫu đơn tướng nước Ngụy, mẫu đơn nhiều cánh màu vàng là của nhà họ Diêu. Theo bài Mẫu đơn vinh nhục của Khâu Toàn, mẫu đơn vàng là của nhà họ Diêu, chỉ vua, con màu đỏ là của nhà họ Ngụy, chỉ hậu phi. Đáng lẽ ả Ngụy, chàng Diêu mới đúng. Nói chung, tich này nói nam nữ nên duyên.

(144). Bạn gửi, lấy chồng quyền: bạn bè, vợ chồng tạm thời.

(145). Người lâu: người cũ.

(145). Tóc rễ: tóc nhiều, cứng như rễ (tóc rễ tre).

(146). Chác: bán. Hài hán: chiếc hài.

(147). Song viết: chữ này có nhiều cách giải thích. Có thể là song nhặt, là cửa sổ có nhiều chấn song chặt chẽ.

(148). Gương lờ: lờ là mờ, tối, không rõ. Gương lờ là gương mờ, hay trăng lờ mờ (gương nga) non ánh là núi phương tây lúc chiều có ánh mặt trời lóe lên..

(149). Nội: ruộng vường, đồng quê.

(150). Lận: làm gian, ăn gian, dối trá.

(151). Cây vối: cây vối lá vị đắng. thường dùng làm nước uống như lá chè.

(152). Xôi chiêm: không rõ là nếp vụ chiêm hay nếp Chiêm Thành? Vụ chiêm thì chỉ trồng lúa ngắn hạn, và khoai, bắp, đậu, it khi trồng nếp vì nếp khó trồng, phải đất tốt, có đủ nước. Nếu có nơi trồng nếp chiêm thì nếp này khô khan, cứng, không dẽo thơm như nếp trồng vụ mùa. Đây có lẽ là nếp vụ chiêm, trồng tháng hạ. Trong Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn có nhắc đến sách Trung Hoa khen ngợi thóc nếp Chiêm Thành.

(153). Đú đỡn: đú đỡn. Đùa vui quá đáng, có tính dâm dục.

1ceda77be1de6eb9ca39bb1b8813a014


Từ khóa: 

kỹ nữ

,

lịch sử

Nghe từ "Hoa nương" thật sự thấy nó rất hay, rất thơ.

Trả lời

Nghe từ "Hoa nương" thật sự thấy nó rất hay, rất thơ.