Lao động trẻ em ở Thái Lan: Từ chuyện con tôm
kiến thức chung
Hai năm sau những cáo buộc của các nước nhập khẩu về việc lạm dụng lao động trẻ em trong ngành chế biến tôm, vấn đề lao động trẻ em ở Thái Lan đã được cải thiện rõ nét.
Một gia đình nhập cư đang bóc vỏ tôm ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan.
Đó là kết quả của những nỗ lực đầy thiện chí giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chính phủ Thái Lan và các công ty tư nhân nước này.
Sóng gió năm trước
Cuối năm 2012, nguy cơ một cuộc khủng hoảng thương mại và thậm chí cả chính trị giữa Thái Lan và Mỹ hiện hữu khi phía Mỹ nói rằng tôm đông lạnh xuất khẩu của Thái Lan có giá thấp hơn các nước khác vì các cơ sở chế biến tại nước này sử dụng lao động trẻ em, công nhân nhập cư bất hợp pháp.
Thời điểm đó, đại diện Phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Thái Lan cho biết Thái Lan có thể bị xếp vào cấp độ 3 trong bản báo cáo nhân quyền vì Mỹ có bằng chứng cho thấy nước này lạm dụng lao động trẻ em và Chính phủ chưa nỗ lực cải thiện tình hình. Nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã cảnh báo về khả năng hạn chế hoặc ngừng hẳn mua tôm của nước này nhằm bảo vệ uy tín và thương hiệu của công ty.
Theo luật Bảo vệ lao động Thái Lan, tuổi tối thiểu để lao động là 15 và các công nhân tuổi từ 15-18 được phép làm những công việc không độc hại.
Sau đó không lâu, ngành xuất khẩu tôm của Thái Lan bị giáng thêm một đòn nữa khi trang mạng MailOnline của Anh cho rằng ngành chế biến tôm đã lạm dụng lao động nhập cư từ các nước láng giềng và hủy diệt môi trường biển. Báo điện tử viết rằng những lao động đến từ Campuchia, Myanmar đã phải làm việc nhiều giờ trong ngày và không có ngày nghỉ, bị trả lương thấp và thậm chí bị đánh đập. Tác giả bài báo cũng cho rằng các tàu đánh bắt tôm của Thái Lan đã vét hết sinh vật biển như bạch tuộc nhỏ, cua con… lên tàu gây hại trầm trọng đến cân bằng sinh thái biển.
Nhiều năm qua, Thái Lan là nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường Mỹ, chiếm 1/3 tổng nguồn cung tôm cho thị trường này. Đây được xem là một trong những ngành công nghiệp chính của Thái Lan, mỗi năm mang về khoảng 2,5 tỷ USD.
Đứng trước tình thế bị mất thị trường Mỹ và EU, những nhà nhập khẩu tôm lớn nhất, Chính phủ và các hiệp hội xuất khẩu và chế biến tôm của Thái Lan nhanh chóng vào cuộc. Các biện pháp giải quyết tình trạng lao động trẻ em và nâng cao tiêu chuẩn sống lao động nhập cư trong ngành sản xuất tôm và chế biến thủy sản đã được triển khai. Những nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, dịch vụ an ninh xã hội và đăng ký giấy phép cho các lao động được tiến hành nhằm thể hiện là một nhà cung cấp có trách nhiệm.
Chuyển biến lạc quan
Thư ký thường trực Bộ Lao động Thái Lan Jirasak Sukhonthachart nói rằng tình trạng lao động trẻ em ở Thái Lan đã cải thiện. Maurizio Bussi, quan chức ILO phụ trách Thái Lan, Campuchia và Lào cũng cho biết tình trạng này đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong ngành chế biến hải sản và tôm, tờ Bangkok Post đưa tin. Trong khi đó, Mỹ đã đưa Thái Lan vào danh sách một trong mười quốc gia có tiến bộ về cải thiện tình trạng lao động trẻ em.
Ông Sukhonthachart cho biết hiện đã có 19. 074 lao động nhập cư Thái Lan đã được đăng ký năm 2011, 14.972 trẻ được đăng ký năm 2012. Theo đó, đã có hơn 50 nghìn trẻ em nhập cư đã được tham gia vào hệ thống phúc lợi xã hội và con số này dự báo sẽ tăng mạnh trong năm tới.
Theo Văn phòng thống kê quốc gia Thái Lan, năm 2011 có khoảng 227 nghìn trẻ em được tuyển dụng nhưng số trẻ được tuyển dụng năm 2012 giảm còn 198 nghìn, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi 15-18.
Tuy vậy, theo khuyến cáo của ILO, Thái Lan cần thiết lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ lao động nhập cư để đảm bảo quyền lợi các trẻ em này.
Chông gai đường đến trường
ILO và cộng đồng ở các tỉnh tập trung nhiều lao động nhập cư đã thiết lập các trường học dạy những môn cơ bản và các tiếng Thái, Myanmar và Anh cho trẻ nhập cư. Ở tỉnh Samut Sakhon, hiện đã có 3.500 trẻ em theo học ở các trường đặc biệt này và năm nay dự kiến có thêm 5.000 trẻ nhập trường.
Apitchaya Nguanbanjong, một quan chức ILO cho biết hơn 8.000 trẻ em, cả từ Thái Lan và từ các gia đình di cư, tuổi dưới 18, đang làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến thủy sản ở các tỉnh Samut Sakhon, Surat Thani, Songkhla và Nakhon Si Thammarat. Nhiều trẻ em trong số đó không được tiếp cận giáo dục bởi vì bố mẹ là người di cư bất hợp pháp và không đăng ký cho con đi học vì sợ cảnh sát bắt.
Một thách thức khác là nhiều phụ huynh Thái Lan quan niệm rằng con cái của họ không nên học chung với những trẻ em nước ngoài và bố mẹ của các lao động trẻ em nhập cư cũng cho rằng con cái của họ đến Thái Lan để làm việc, không phải để đi học.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Thuy Mai