Làng nghề Tủ thờ Gò Công

  1. Nghệ thuật

  2. Văn hóa

  3. Thấu Ngành Hiểu Nghề

Khảm xà cừ tủ thờ

https://cdn.noron.vn/2021/08/25/615061293097918-1629902515_1024.jpg

Khoảng đầu thế kỷ 20, cây tủ thờ được cải tiến. Bấy giờ có một người khá giả ở làng Kiểng Phước, Gò Công, mua được một cây tủ thờ từ miền Bắc đem vào. Ông Nguyễn Ngọc Hải, làm nghề thợ mộc, tò mò đến xem thấy kiểu dáng mới lạ, về xả ván đóng thử. Từ đó chiếc tủ thờ được cải tiến thêm thắt, thay đổi nhiều chi tiết. Những người thợ đã thiết kế thêm một hàng song tiện, hộc tủ hoặc thêm trám chạm, cẩn…

Tủ thờ trong giai đoạn này có hai hoặc ba trám, cửa mở bên hông. Để tăng thêm vẻ sinh động, các nghệ nhân đã ghép thêm ba hoặc bốn bó đũa. Ở hai đầu mỗi bó đũa có cặp giỏ dâu. Chân quỳ cong và cao, uốn lượn khá duyên dáng. Lúc này có một thợ chạm giỏi tên là Nguyễn Văn Đỏ người từ Bình Dương đến Gò Công hành nghề. Ông rước thợ Bình Dương xuống làm, góp phần hình thành nên thương hiệu tủ thờ Gò Công.

Khoảng năm 1930, tại xóm Ông Non (nay thuộc xã Tân Trung, TX.Gò Công) có một trại đóng tủ thờ, chở đi bán khắp nơi, từ đó tủ thờ Gò Công trở thành thương hiệu. Năm 1936, ông Cai tổng Hòa Lạc Thượng thuê ông Năm Nhâm đóng một cây tủ thờ đặc biệt toàn gỗ quý để đem triển lãm hội chợ và gây được tiếng vang lớn nhờ các giải thưởng ở Sài Gòn. Nhờ đó, ông Năm Nhâm lập một trại đóng tủ thờ kiểu Gò Công ở Sài Gòn. Vậy là thị trường tủ thờ Gò Công tiếp tục được mở rộng. Năm 1945, ông trở về Gò Công và lập trại đóng tủ ở gần cầu Sơn Quy, lấy hiệu là Nhâm - Sơn Quy khá nổi tiếng.

https://cdn.noron.vn/2021/08/25/5395103505559344-1629902667_1024.jpg

Tủ thờ Gò Công lúc bấy giờ đóng toàn bằng gỗ cẩm lai. Mặt trước có hai trám. Hai bên hông có hai cánh cửa. Nhóm thợ thực hiện lần cải tiến này đã được đào tạo ở Trường Mỹ thuật thực hành Lái Thiêu, áp dụng kỹ thuật làm mộng rất tinh vi, không dùng đinh sắt nhưng rất vững chắc. Cây tủ thờ Gò Công bấy giờ ít nhiều ảnh hưởng kiểu tủ Louis của Pháp, nhiều bộ phận bằng gỗ mun được lắp thêm vào như: chuỗi, tộ, giỏ dâu, bông dâu, bó đũa, xà leo... Một số bộ phận như chính trám, tộ… được khảm xà cừ. Chân tủ cũng được cải tiến một bước, được làm với kỹ thuật ngàm mộng chắc chắn, vừa cao ráo vừa có tính nghệ thuật cao. Kiểu tủ này định hình và tồn tại hơn 50 năm.

https://cdn.noron.vn/2021/08/25/0gfmkhjz-1629902363_1024.jpg
Từ khóa: 

nghệ thuật

,

văn hóa

,

thấu ngành hiểu nghề