Làng nghề làm Tàu hủ ky
“Không biêt nghề làm tàu hủ ky ở xóm này có từ hồi nào nhưng hồi tôi còn nhỏ thì dân ở đây đã sản xuât tàu hủ ky rồi. Nghe đâu hồi trước năm 1900, nghề làm tàu hủ ky có nguồn gốc lâu đời của người Hoa. Hồi đó, đâu có thành xóm tàu hủ ky như bây giờ. Chỉ có 3 hộ là ông Châu Phành, ông Châu Sầm và ông Nguyễn Thành Lợi theo nghề này”
Cách đây ngót nghét gần 100 năm trước có hai anh em người Hoa tên là Châu Phạch và Châu Sầm đem nghề làm tàu hủ ky đến đất Mỹ Hòa ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long mà lập nghiệp (dải đất nằm kẹp giữa sông Hậu và nhánh Cái Vồn, nay gần chân cầu Cần Thơ). Bà con trong vùng thấy hay đến xin truyền nghề, dần dà số người làm tàu hủ ky đông lên thành hẳn một làng nghề xôm tụ.
Người ta kể rằng hồi xưa, có một gia đình nghèo khổ làm nghề bán sữa đậu ngoài chợ. Ngày nọ, vợ chồng họ cãi nhau to đến mức quên nồi sữa đang đun trên bếp bị đóng thành váng. Người vợ tiếc của không nỡ bỏ đi nên vớt lấy váng đậu treo lên sào phơi cho ráo rồi quên bẵng đi mất. Khi nhà chẳng còn gì ăn vợ chồng lại lục đục, chị vợ nhìn thấy váng đậu khô bữa nọ còn vắt trên vách bếp bèn lấy ra chế biến với hy vọng sẽ thành món ăn qua cơn đói. Nhưng thật không ngờ là miếng váng đậu đó đã trở thành một món ăn ngon hơn cả tưởng tượng.
Đó là sự tích, còn để làm tàu hủ ky chuyên nghiệp, người ta bỏ đậu vào ngâm chừng 2 tiếng để đậu nở và mềm rồi xay thành bột, sau đó đưa vào máy ly tâm (thợ gọi nôm na là máy chặt) vắt lấy nước. Nước đậu nguyên chất được bỏ lên chảo đun để lấy váng. Thông thường người ta xếp 18 chảo thành hai hàng gọi là một dàn, tùy theo quy mô từng gia đình mà số dàn này nhiều hay ít.
Năm 2013, làng nghề truyền thống tàu hủ ky Mỹ Hòa đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa– Bình Minh”. Đến năm 2017, tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh đạt giải thưởng sản phẩm tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long.