Làng cổ Đường Lâm , vùng đất Hai Vua

  1. Văn hóa

 Dọc theo sông Hồng về phía Tây, cách thủ đô Hà Nội chừng 30 km có một vùng đất cổ. Ở đó có một ngôi làng đá ong, kết tinh của nền văn minh vùng châu thổ sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Đó là Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. 

Làng cổ Đường Lâm - vùng đất hai vua - ảnh 1

Làng cổ Đường Lâm hiện vẫn giữ được những nét đặc trưng của một làng Việt truyền thống với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, điếm canh, giếng nước, ruộng, gò, đồi, miếu, chùa…Chỉ cách một quãng đường ngắn nối với đô thị ồn ào, nhưng khung cảnh làng Đường Lâm vô cùng yên ả. Phong cảnh làng toát lên vẻ đẹp thuần khiết của một làng nông thôn Bắc bộ điển hình.

Đây cũng là ngôi làng thuần Việt với hầu hết các công trình như giếng làng, cổng làng, đình, chùa làng xây bằng đá ong và gỗ kết hợp với các vật liệu có sẵn ở địa phương, nhưng trải qua hàng thế kỷ vẫn tồn tại đến ngày nay. Nét cổ ở làng Đường Lâm nằm ở kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Cổng làng xây bằng đá ong có kiến trúc hình vòm. Vốn dĩ trước đây làng có tới 5 cổng, một cổng lớn và 4 cổng trấn tứ phương. Nhưng hiện tại chỉ còn sót lại cổng làng duy nhất được xây dựng từ năm 1833, trên cổng còn có dòng chữ “Thế hữu hưng ngơi đại”, tạm hiểu là “thời nào cũng có người tài giỏi”. Cổng làng Đường Lâm ở giữa khung cảnh thiên nhiên với màu xanh của đồng lúa, bên cạnh ao làng và cây đa cổ thụ đầu làng. Có lẽ bởi vậy, cổng làng Đường Lâm là một trong những cổng làng đẹp, là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sỹ, các nhà nhiếp ảnh. Anh Nguyễn Chính, nghệ sỹ nhiếp ảnh, quê ở làng Đường Lâm kể: "Trải qua những thăng trầm biến động, nhưng hôm nay trở về làng, tôi vẫn cảm thấy sự nguyên vẹn. Sự vẹn nguyên ấy bắt nguồn từ cộng đồng dân cư nông thôn bảo thủ trồng lúa nước ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Cũng chính vì vậy mà nó giữ lại bao kỷ niệm, những di sản mà cho đến nay khiến ta vẫn ngỡ ngàng". 


Làng cổ Đường Lâm - vùng đất hai vua - ảnh 2

Một ngôi nhà cổ ở Đường Lâm có rất nhiều chum tương do người dân tự làm

Đình Mông Phụ là công trình bề thế ở khu đất cao giữa làng. Đình Mông Phụ được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông), có nét đặc trưng của đình Việt. Đình Mông Phụ mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt – Mường ( của người Việt cổ), đình có sàn gỗ cách mặt đất, mô phỏng kiểu kiến trúc của nhà sàn. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình hai râu rồng. Bên trong đình còn có nhiều cổ vật quý được nhiều thế hệ gìn giữ. Làng Đường Lâm còn nổi tiếng bởi những ngôi đền thờ, các lăng, miếu thờ các vị đại vương. Người dân Đường Lâm tự hào là người dân vùng đất hai vua là vua Ngô Quyền và Phùng Hưng. Đền thờ vua Ngô Quyền đã được tu sửa nhiều lần, lần gần đây nhất là vào thời Vua Tự Đức (1848 – 1883). Ngô Quyền là vị vua nổi tiếng với trận đánh trên sông Bạch Đằng nhấn chìm toàn bộ chiến thuyền của quân Nam Hán. Trận chiến lịch sử ấy đã chấm dứt 1000 năm đô hộ của phong kiến Trung Hoa, lập nên triều Đại Ngô, nêu cao nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt. Đền thờ vua Phùng Hưng được xây dựng ở thôn Cam Lâm, cũng chính là nơi nhà vua chiêu mộ quân sỹ, phất cờ khởi nghĩa năm 791 chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Ngôi đền và các di tích lăng tẩm của các vị vua là bằng chứng kể về truyền thống lịch sử của làng. Ông Phùng Khắc Thành ở thôn Cam Lâm, cho biết: "Ngày xưa vua Phùng Hưng triệu tập quân tướng về đây tổ chức tập luyện để mở màn cuộc khởi nghĩa. Sau khi ông mất, dân làng xây dựng Đền ở đây. Khuôn viên ngôi đền trước đây to rộng lắm, nhưng những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp, làng tiêu thổ kháng chiến, ngôi Đền bị phá hủy rồi được xây dựng lại, chứ trước đây có đền có các hàng cột to và ngôi đền uy nghi tráng lệ lắm".

Nét nổi bật ở Đường Lâm là những ngôi nhà cổ. Trong làng hiện có tới 956 ngôi nhà cổ, tập trung nhiều nhất ở các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Nhiều ngôi nhà được xác định xây dựng từ các năm 1649, 1703, 1850... Những ngôi nhà có cổng, tường rào quanh nhà xây bằng đá ong theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính. Nhà cổ chủ yếu dựng bằng gỗ mít và gỗ lim với những nét chạm trổ tinh xảo. Ông Kiều Văn Thông ở xóm 3, thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, cho biết: "Ngôi nhà của tôi được làm hoàn toàn từ gỗ trên nền đất đá ong. Nhà có 5 gian, hai chái. Gian giữa để thờ có bàn thờ, trang trí cửa võng, có bàn ghế, sập gụ Các nét chạm trổ vẫn được giữ nguyên với các tích phong cảnh thể hiện nền nếp của các cụ ngày xưa. Ngoài sân vườn vẫn có cái giếng đá ong cổ. Đó là cái cha ông để lại cần phải bảo tồn để nó không mai một đi".  

Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19 tháng 5 năm 2006. Cùng với những di tích lịch sử, những phong tục tập quán của người dân, làng cổ Đường Lâm là địa danh nổi tiếng thu hút khách du lịch bốn phương tới tham quan để hiểu thêm về lịch sử, nét văn hóa độc đáo của các làng quê Việt.


Nguồn: vovworld.vn

Từ khóa: 

văn hóa