Làm thế nào khi không có tiền để nuôi dưỡng đam mê?
Làm thế nào khi không có tiền để nuôi dưỡng đam mê? Đây là một câu hỏi được gửi đến Phạm Vĩnh Lộc trong sự kiện Hỏi Khó Chuyên Gia vừa rồi của anh ấy. Đối với nhiều người, tìm được đam mê đã khó, giờ đây để nuôi dưỡng niềm đam mê ấy còn khó hơn nhiều lần vì thực tế là bên cạnh đam mê, ta còn nhiều mối lo như cơm áo gạo tiền.
Phạm Vĩnh Lộc toát ra niềm đam mê với Lịch sử, Du lịch và trải nghiệm cuộc sống, anh được biết đến nhiều bởi các câu chuyện lịch sử có phong cách hài hước, gần gũi, các mốc lịch sử không còn khó nhớ, nguyên nhân thành bại cũng không còn quá khô khan bởi cách hành văn không giống lối đi cũ.
Tuy nhiên, để duy trì được niềm đam mê, anh cũng đã phải vất vả nhiều, chẳng hạn như với niềm yêu thích du lịch, khám phá đó đây của mình:
"Anh 24 tuổi, để dành 15 triệu cho kế hoạch của mình. Anh làm cty và đi phụ bếp. Ngoại trừ 8 triệu cho chuyến phiêu lưu ra bắc 2 tuần, số tiền còn lại chi ra hai miền trung và nam. Ăn uống bình dân, tự lái xe, ở nhờ nên tiết kiệm khá nhiều chi phí.
Có thể nếu không có gap year mà chuyên tâm đi làm thì chắc anh sẽ có nhiều tiền hơn bây giờ, nhưng một năm xuyên Việt đã cho anh những thứ có giá trị hơn cả tiền. Đó là những bài học trên đường đi, vô số kiến thức về tổ quốc, cải thiện kỹ năng giao tiếp, sự tiết kiệm và cẩn thận. Anh được tự do lang thang ngắm nhìn nhân gian, xem dân ta sinh hoạt thế nào, phong tục tập quán ra sao bằng chính mắt mình chứ không bó hẹp trong những cuốn sách. Và càng đi nhiều thì lại say mê, rồi muốn đi nữa, và cố gắng phấn đấu để được đi tiếp.
Có thể sự nghiệp của anh sẽ xuất phát chậm hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng đổi lại là anh có một tuổi trẻ bổ ích và đáng nhớ. Dù sao đây cũng là độ tuổi hợp lý nhất vì còn đủ sức khỏe, còn ham học hỏi và chưa vướng bận gia đình. Anh không bao giờ hối hận khi dành 1 năm trong cuộc đời cho gap year và niềm đam mê của mình." - Phạm Vĩnh Lộc.
Tản mạn một chút, "Làm thế nào khi không có tiền để theo đuổi đam mê", từ chia sẻ của Vĩnh Lộc, bản thân mình nhận thấy nếu đã là đam mê, thì ắt sẽ có hứng khởi để tìm cách sống với nó bằng việc đánh đổi bởi thời gian, sức lực cho các công việc làm thêm, làm chính, kiếm thêm thu nhập. Nếu đam mê gắn liền với nghề nghiệp và sự nghiệp, là nguồn sống chính yếu, thì có thể sẽ dễ dàng hơn.
Và quan trọng hơn, liệu rằng chúng ta có nên tập trung cho câu hỏi Lựa chọn đam mê như thế nào hơn là làm thế nào để duy trì nó hay không?
Sẽ là vô ích nếu ta lựa chọn một đam mê vượt quá khả năng hoặc quá ít cơ hội để đam mê ấy trở thành sự thực. Ta không thể trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nếu mới chạy bộ vài trăm mét đã đi tìm bóng mát đứng thở. Ta chẳng thể trở thành ca sĩ nổi tiếng nếu giọng hát của ta có "quyền năng" giải tán đám đông. Ta cũng nên cân nhắc từ bỏ một vài mục tiêu như mua được nhà riêng trước tuổi 30, nếu kinh nghiệm thương trường và nguồn vốn cho đến lúc này vẫn xoay quanh ví tiền của bố mẹ…
Không hiếm trường hợp, điều ta lựa chọn cuối cùng hoàn toàn không liên quan, thậm chí đối lập với lĩnh vực yêu thích ban đầu. Đôi khi, đam mê thật sự xuất hiện trong những công việc ta "buộc" phải làm để duy trì cuộc sống, và như thế ta vừa có tiền và vừa được sống với đam mê.
Còn đối với bạn, bạn có đang gặp khó khăn khi duy trì đam mê của mình hay không?