Làm thế nào để trở thành công dân mạng tử tế?
Trong thời đại công nghệ số và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, dù là cá nhân hay tổ chức nào đi chăng nữa, chúng ta cần chuẩn bị tâm lý thật kỹ cho những sức ép có thể xảy ra bất kỳ lúc nào từ "đám đông trên mạng". Vậy trở thành công dân mạng văn minh cần những gì? Hãy tuân thủ "4 nguyên tắc vàng" sau đây.
1. Quy luật vàng: Đồng cảm, trắc ẩn và tử tế
Quy tắc đầu tiên xuất phát từ việc rèn luyện sự tử tế, văn minh, vị tha mà mỗi cá nhân thể hiện. Chúng ta cần học cách đồng cảm với mọi người xung quanh, văn hóa, lịch sự trong cách thể hiện ngôn ngữ, thái độ trên mạng xã hội. Nguyên tắc xây dựng một cộng đồng là dựa trên sự tử tế, đồng cảm, giá trị mà cộng đồng mang lại là lan tỏa tinh thần tương thân tương ái. Do đó, nếu một trong những yếu tố này không được duy trì sẽ dẫn đến sự suy giảm văn hóa của tập thể. Bởi lẽ, cách hành xử không chuẩn mực của mỗi cá nhân sẽ trực tiếp ảnh hưởng, tác động đến thái độ, suy nghĩ của số đông và dễ dàng gây ra những vấn đề tiêu cực.
Vì vậy, việc mỗi cá nhân sống tích cực trên mạng xã hội sẽ góp phần vào hành trình "tích tiểu thành đại" những yêu thương. Như trong giai đoạn chống Covid-19, tinh thần đồng cảm, tử tế là điều mà cộng đồng cần có để cùng chung tay, vững tâm đẩy lùi dịch bệnh. Từ lời kêu gọi tử tế của những người ở tuyến đầu chống dịch “We stay at work for you. Please stay at home for us" - "Chúng tôi đi làm vì bạn, xin bạn ở nhà vì chúng tôi”, ý thức cộng đồng được hình thành và trở thành trào lưu. Mọi người nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh và bắt đầu sống trách nhiệm với chính bản thân, mọi người xung quanh. Điều chúng ta nên vui mừng là tinh thần đoàn kết và san sẻ từ cộng đồng được lan tỏa. Từ một mạng xã hội ảo, suy nghĩ tử tế đã biến thành hành động thật và ý nghĩa.
2. Tôn trọng sự khác biệt
Mỗi chúng ta là một cá thể độc nhất, sự khác biệt làm nên tính cách, cuộc sống của mỗi người và tô điểm cho cuộc sống thêm nhiều màu sắc. Chúng ta không thể "hòa nước vào dầu", bởi lẽ về cơ bản, chúng có cấu trúc và tính chất khác nhau. Con người cũng thế, chúng ta không thể hoàn toàn giống nhau hoặc ép buộc người khác phải đi theo chuẩn mực của chính mình. Điều duy nhất mỗi cá nhân có thể làm được chính là tôn trọng sự khác biệt của người khác và học cách nhìn nhận đa chiều. Khi có sự bất đồng quan điểm, hãy thận trọng suy nghĩ, tránh việc công kích vào cá nhân khác.
Nạn Body Shaming (miệt thị cơ thể) được ví như hành vi "giết người bằng lời nói" và rất phổ biến trên mạng xã hội Việt Nam. Hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh từng bị cư dân mạng so sánh các đặc điểm trên khuôn mặt giống với loài cá. Một cô gái nhận những chê bai nhan sắc khiếm nhã, thiếu văn minh từ người lạ vì được "lên sóng" khi ngồi trên khán đài theo dõi trận bóng giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan. Lý do đơn giản vì bị cho rằng "Nhan sắc thế này mà cũng xuất hiện trên truyền hình”. Có thể nói, dù bản thân chưa từng tạo nên "sóng gió", nhưng các nhân này vẫn bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của phong trào body shaming quy mô quốc gia đầy hung hãn.
Thực tế, việc mỗi cá nhân lên tiếng phản biện về các vấn đề luôn là điều được khuyến khích. Tuy nhiên, góp ý, tranh luận không phải có nghĩa là "ném đá" cho bõ ghét hay dùng từ ngữ nhục mạ người khác rồi dửng dưng với tổn thương của họ và không nhận trách nhiệm của mình. Việc xúc phạm lên sự khác biệt của người khác không khác gì một con dao hai lưỡi đang chĩa thẳng vào tim, giết chết sự tự tin của họ và cả nhân cách của chính bạn.
3. Suy nghĩ trước khi trả lời, bình luận
Người xưa có câu: "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" với mục đích nhắn nhủ chúng ta cần thận trọng trong việc đưa ra phát ngôn, bình luận của mình. Bởi lẽ, lời nói cũng có thể tổn thương người khác, đặc biệt là với mạng xã hội. Thời đại internet ngày càng phát triển, tốc độ lan truyền của một câu nói là "nhanh như chớp". Một thông tin sai sự thật có thể truyền từ một cá nhân đến hàng triệu, hàng tỷ người dùng khác và làm sai lệch vấn đề. Vì thế, dù không được kiểm duyệt trước thông tin đăng tải, chúng ta vẫn cần có trách nhiệm với lời nói, hành động của mình.
Ngày 28/7/2020, trên trang cá nhân của mình, ca sĩ Hòa Minzy đăng tải một phát ngôn được cho là của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Nội dung về việc cảnh báo người du lịch và cho rằng tuần sau là mốc quan trọng để chuyển từ 75 ca lên 100 - 500 ca nhiễm bệnh, đồng thời khuyên mọi người nên ở nhà, hạn chế ra đường. Tuy nhiên, thật sự đây không phải là phát ngôn của Phó thủ tướng. Ngay lập tức, Hòa Minzy bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải thông tin sai sự thật.
Có thể nói, việc đăng tải thông tin không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín của cá nhân mà còn tác động đến nhận thức của những người xung quanh. Vì thế, chúng ta cần thật tỉnh táo chọn lựa thông tin đáng tin cậy và xem xét kỹ lưỡng trước khi phát ngôn trên mạng. Tránh tình trạng gây tổn thương đến người khác và gây hại đến uy tín của chính mình, hay thậm chí là chịu trách nhiệm trước pháp luật.
4. Sẵn sàng đấu tranh
Một cá nhân trên mạng xã hội có thể là người hành xử thiếu văn minh nhưng cũng có thể là nạn nhân của những hành vi đó. Không còn giới hạn ở trên đường hay nhà riêng, bắt nạt thời hiện đại có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, miễn là họ truy cập internet. Các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng lâu dài hoặc thường xuyên đe dọa trực tuyến có thể khiến cả nạn nhân và kẻ bắt nạt có nguy cơ lo lắng, trầm cảm, thậm chí là có hành vi tự sát. Vì thế, không chỉ giữ cho bản thân mình thật tử tế, chúng ta cần phải thật "vững tâm" và mạnh mẽ để đấu tranh với những trò đùa bắt nạt trên mạng xã hội hay bình luận ác ý, sai sự thật.
Trong bối cảnh người dùng mạng đăng tải nhiều nội dung mang tính thù hận, chính trị cực đoan và chưa có chính sách rõ ràng để giải quyết tình trạng này, tập đoàn Unilever đã tuyên bố tạm dừng quảng cáo đến hết năm 2020 trên các nền tảng Facebook, Instagram, Twitter với lý do quảng cáo vào thời điểm này không làm tăng thêm giá trị cho mọi người và xã hội. Đây là một quyết định mạnh tay đến từ một trong những tập đoàn từng chi nhiều tiền nhất thế giới cho quảng cáo.
Thời đại công nghệ số ngày càng phát triển luôn tiềm ẩn những vấn đề bất cập và sẵn sàng biến chúng ta thành nạn nhân của những trò bắt nạt, đưa tin sai lệch. Hãy thật tỉnh táo và ghi nhớ những nguyên tắc ứng xử thông tin trên internet. Từ đó, cùng nhau xây dựng những cộng đồng trực tuyến văn minh, tử tế và tràn ngập sự đồng cảm, yêu thương.
Công thức thành công là gì nếu thiếu đi giá trị của tình yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy cùng lan tỏa các câu chuyện truyền cảm hứng đáng để chúng ta chiêm nghiệm mỗi ngày.
kỹ năng mềm
Việt Nam bị xếp vào một trong những quốc gia kém văn minh nhất trên không gian mạng
RYU PYU
Việt Nam bị xếp vào một trong những quốc gia kém văn minh nhất trên không gian mạng