Làm thế nào để THUYẾT PHỤC người khác?
Có thể nói trong rất nhiều kỹ năng giao tiếp, thuyết phục là một kỹ năng quan trọng, cần thiết và được thực hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: bạn cần thuyết phục bố mẹ cho ra ở riêng (trong khi bố mẹ bạn không muốn điều đó), thuyết phục lãnh đạo về một phương án giải quyết trong công việc, thuyết phục đối tác/khách hàng ký kết hợp đồng lâu dài…
Thuyết phục là một kỹ năng thường được sử dụng khi có sự khác biệt về ý kiến, quan điểm giữa những người tham gia giao tiếp. Vấn đề đặt ra là bạn cần tạo ra được sự thống nhất về quan niệm, sự đồng thuận về quan điểm, lập trường và cách giải quyết công việc. Lúc này kỹ năng thuyết phục cần được vận dụng: Thuyết phục là đưa ra tình tiết, sự kiện, phân tích, giải thích làm cho người khác thấy đúng, thấy hay mà tin theo, làm theo.
Tuy nhiên, để thuyết phục được người khác thay đổi quan điểm, hành vi của mình, tin theo và làm theo không phải là một điều dễ dàng. Bởi bất kì ai khi đã có ý kiến về một vấn đề nào đó thường kiên định với ý kiến của mình và nhất là với những người có tư tưởng độc đoán, họ thường không muốn tiếp thu ý kiến của người khác (người độc đoán luôn cho rằng ý kiến của mình là phù hợp nhất, muốn mọi người phải theo và không chịu thay đổi). Vậy làm thế nào để có thể dễ dàng khiến người khác thấy quan điểm của mình đúng, hay để tin theo và làm theo? Mình sẽ chia sẻ với bạn một số tips nho nhỏ từ kinh nghiệm cá nhân của mình, cách mà mình đã và đang thực hiện để thuyết phục người khác nhé.
Các bước thuyết phục hiệu quả
1/ Tìm kiếm không gian, thời gian thích hợp
Trong tất cả các tình huống giao tiếp nếu bạn muốn đạt được mục đích cuộc giao tiếp, bạn đều phải biết lựa: lựa ngôn từ, lựa cách thức nói năng, lựa từ xưng hô, lựa ngôn ngữ cử chỉ…và lựa cả thời gian, không gian giao tiếp phù hợp để tiếp xúc với người được thuyết phục. Ví dụ đó là khi họ đang ở một mình, đang thư thái, nghỉ ngơi, đang trong tâm trạng vui vẻ, cởi mở, khi họ đã bắt đầu tâm thế để lắng nghe giải quyết các công việc. Tránh vào những thời điểm không thích hợp như khi họ đang bận, đang căng thẳng, stress, đang tiếp khác…Việc này bạn sẽ cần phải rất tinh tế và lưu ý về thời gian, không gian hẹn gặp.
2/Tạo không khí vui vẻ, thoải mái, bình đẳng
Thuyết phục người khác sẽ liên quan đến sự thay đổi trong nhận thức, quan điểm, niềm tin để có thể chuyển hóa sang hành động. Vì vậy bạn cần tạo ra được một bầu không khí vui vẻ, cởi mở, gần gũi, thân thiện, thoải mái, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt giữa mình và người được thuyết phục. Theo tâm lý chung người nghe sẽ dễ dàng tin bạn hơn, cởi mở hơn, bộc lộ bản thân hơn khi họ cảm thấy được tôn trọng, được ghi nhận, giảm sự đề phòng, phản kháng. Ở đây bạn cần có nghệ thuật tạo sự tương đồng trong giao tiếp. Các nhà tâm lý học giao tiếp đã đưa ra 2 bí quyết sau để tạo sự tương đồng giữa các cá nhân trong giao tiếp:
+ Hiệu ứng “tấm danh thiếp”: là vấn đề được đưa ra thảo luận khi bắt đầu giao tiếp nhằm tạo tâm thế tích cực cho cuộc gặp gỡ, tương tự như tấm danh thiếp khách đưa cho chủ nhà để tự giới thiệu bản thân. Ví dụ: Bạn là nhân viên của một công ty nước ngoài làm việc tại thành phố. Giữa thời điểm cuối năm công ty đang rất bận rộn, nhiều deadline bạn phải hoàn thành nhưng không may mẹ bạn ở quê bị ốm. Bạn cần thuyết phúc lãnh đạo cho xin nghỉ phép vài ngày. Bạn đến gặp sếp và trước khi đề cập đến vấn đề chính bạn mong muốn bạn cần có sự dẫn dắt câu chuyện, có thể là đề cập đến: trời khó chịu – các cụ già dễ ốm – mẹ cũng rất già – do ảnh hưởng thời tiết mẹ bị ốm – lý do cụ thể gây ốm – xin phép nghỉ.
+ Hiệu ứng “người mình”: nghĩa là mọi sự giống nhau giữa cá nhân với đối tác giao tiếp và được đối tác giao tiếp cho là có ý nghĩa quan trọng sẽ làm tăng thêm hiệu quả giao tiếp. Trong giao tiếp bạn nên tìm kiếm điểm chung để dễ dàng kết nối, như điểm chung về ngành nghề, quê quán, sở thích, tính cách…(Thấy sang bắt quàng làm họ)
Ngoài ra bạn còn có thể có nhiều cách khác nhau để tạo ra sự tương đồng trong giao tiếp
3/Tôn trọng và lắng nghe, thấu hiểu quan điểm của người được thuyết phục
Thuyết phục không chỉ là nhăm nhăm vào ý kiến, quan điểm của bản thân, đích mà cuộc giao tiếp cần đạt đến mà trước đó bạn sẽ cần tôn trọng, lắng nghe quan điểm của người được thuyết phục: quan điểm của họ là gì? Vì sao họ lại có quan điểm như vậy? quan điểm của họ có gì là phù hợp, có gì chưa phù hợp…Đồng thời bày tỏ sự cảm thông, thấu hiểu, ghi nhận ý kiến của họ. Làm như vậy bạn vừa thể hiện được sự tôn trọng với người được thuyết phục (nguyên tắc hàng đầu trong giao tiếp), vừa nắm bắt được ý kiến của họ và có phương án giải thích phù hợp.
4/ Đưa ra lý lẽ rõ ràng, có cơ sở để thuyết phục (lý giải những rào cản, lý do làm như vậy, cần làm như thế…)
Sau những bước ở trên bạn mới nên đưa ra quan điểm của mình trên cơ sở những lý lẽ, minh chứng rõ ràng, có cơ sở khoa học và thực tiễn, có tính khả thi cao, có giá trị, ý nghĩa…Đồng thời lý giải những rào cản, những băn khoăn thắc mắc của người được thuyết phục, giải thích để họ hiểu vì sao mình lại quan điểm như vậy và tại sao cần/nên thế. Để làm được điều này bạn cần có sự hiểu biết thấu đáo về vấn đề, có cơ sở để nhìn nhận đúng và có kỹ năng truyền đạt thông tin tốt, tạo được niềm tin, sự chú ý và khâm phục từ người nghe (cần có sự tư duy về vấn đề một cách rõ ràng, chắc chắn và có sự chuẩn bị kỹ).
Một số chú ý khi thuyết phục
- Để thuyết phục người khác tin và nghe theo mình bạn cần sử dụng lời nói nhã nhặn, ôn tồn, lịch sự, ngắn gọn, có trọng tâm, lập luận phù hợp với trình độ của người nghe (Bài viết nói bao nhiêu cho đủ và nên nói như thế nào)
- Bạn cũng phải biết thừa nhận những điểm có lý trong ý kiến của người đối thoại, không nên phủ nhận sạch trơn quan điểm của người khác và chỉ nhất nhất quan điểm của mình mới đúng, mới hay.
- Thuyết phục không phải là dồn người khác vào thế bí, buộc họ phải theo ý kiến, quan điểm, lập trường của mình. Nó sẽ dễ tạo ra những mâu thuẫn, xung đột, một thua, một thắng và như vậy không phải là cuộc giao tiếp thành công bởi một trong những nguyên tắc trong giao tiếp là nguyên tắc win – win (hài hòa lợi ích giữa những người tham gia giao tiếp).
- Khi thuyết phục cần chú ý sự tác động đến nhận thức, tình cảm và ý chí của người được thuyết phục. Mọi lời lẽ, hành động của bạn nếu xuất phát từ trái tim, sự chân thành thì mình tin là bạn sẽ thành công.
- Chú ý tư thế ngồi, vị trí, khoảng cách khi thuyết phục, kết hợp sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ khi thuyết phục. Khi thuyết phục bạn nên ngồi gần, cùng phía với người được thuyết phục với ánh mắt, nụ cười, khuôn mặt cởi mở, thân thiện, sự khiêm tốn, chân thành…sẽ tạo niềm tin hơn cho người được thuyết phục.
Chúc bạn thành công!
kỹ năng mềm
Thuyết phục sếp tăng lương nghe chừng khó quá! 🤣🤣
Nguyễn Thành Tài
Thuyết phục sếp tăng lương nghe chừng khó quá! 🤣🤣