Làm thế nào để phát triển du lịch bền vững?
kiến thức chung
Thực tế, không phải đến nay, vấn đề phát triển du lịch bền vững, gồm các nội dung như: bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa bản địa trong phát triển kinh tế nói chung, trong lĩnh vực du lịch nói riêng… mới được đặt ra. Nhưng tại không ít địa phương ở Việt Nam, vấn đề này chưa được đặt ra đúng mức, thậm chí bị coi nhẹ trong một thời gian dài, dẫn đến tình trạng phát triển du lịch bất chấp các nguyên tắc, coi lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu, nên trong quá trình khai thác, phát triển du lịch bỏ qua cả lợi ích của cộng đồng.
Hậu quả tất yếu từ việc phát triển du lịch quá nhanh, quá nóng, thiếu bền vững ở một số địa phương đã thể hiện qua tình trạng cơ sở hạ tầng không được đầu tư, nâng cấp; thiếu sự kiểm soát của cơ quan có chuyên môn; bản sắc văn hóa của địa phương bị phai nhạt, thậm chí pha tạp. Nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế không đáp ứng với tốc độ phát triển, hoạt động du lịch đơn điệu, nhàm chán, thiếu sáng tạo...
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch. Du lịch tại một số nơi bị rơi vào tình trạng chạy theo nhu cầu nhất thời để đáp ứng một cách vội vã. Các yếu tố này tác động tiêu cực tới hoạt động du lịch, dẫn đến suy giảm hiệu quả, chất lượng và tiềm năng phát triển du lịch.
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, du lịch được xem là lĩnh vực đặc thù của sự kết hợp giữa văn hóa và kinh tế, của việc phát huy lợi thế văn hóa - lịch sử - tự nhiên để đóng góp vào sự phát triển đất nước. Vì thế, phát triển du lịch không chỉ dựa vào điều tra, khảo sát, lập dự án, xây dựng tiện nghi đáp ứng nhu cầu, quảng bá và mời gọi… mà cần sự kết hợp của các địa phương, ban, ngành, sự tham gia của cộng đồng.
Để có một ngành du lịch phát triển bền vững, cần tiến hành đồng bộ các yếu tố như: hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, bảo đảm tính khoa học, toàn diện; ổn định đời sống cho người dân; giữ gìn văn hóa bản địa và môi trường tự nhiên; chú trọng công tác bảo tồn, phát triển nguồn nhân lực...Và chỉ khi có sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố này, du lịch toàn cầu nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng mới có thể phát huy tiềm năng sẵn có, tạo dựng nên một thương hiệu du lịch mạnh trên thế giới.
Nội dung liên quan
Phương Bi