Làm thế nào để nói "KHÔNG" trong giao tiếp
Trong những tình huống giao tiếp xảy ra hằng ngày, không phải lúc nào bạn cũng có thể đồng ý hay thỏa hiệp với ý kiến, mong muốn của người khác. Sẽ có lúc bạn sẽ phải bác bỏ hay từ chối một lời đề nghị hay một quan điểm nào đó. Ví dụ một người bạn của bạn mời bạn đi xem phim hay tham gia một bữa tiệc mà bạn không muốn đi (có thể do bạn bận hoặc bạn không muốn đến chỗ đông người hoặc lý do nào đó). Hoặc trong cuộc họp bạn muốn bày tỏ quan điểm, ý kiến trái chiều với người khác, nhất là với sếp chẳng hạn. Vậy bạn sẽ làm thế nào? Nếu gặp phải tình huống này bạn sẽ nói sao cho đúng, nói như thế nào để không làm “mếch lòng” người giao tiếp với mình và không bị coi là bất lịch sử. Mình sẽ đưa ra một số kinh nghiệm của bản thân giúp bạn nhé (tips nho nhỏ và hữu dụng mà mình đã đúc rút ra từ thực tiễn giao tiếp của mình).
Không nên quá thẳng thắn
Các cụ đã từng nói “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” và luôn căn dặn “Lời nói đọi máu”. Lời nói không chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp mà còn có sự tác động, ảnh hưởng rất lớn tới người nghe/người tiếp nhận nó. Trong giao tiếp mình để ý có một số người khi phải từ chối hoặc bày tỏ quan điểm khác với người khác thường ngay lập tức nói “không” hay khi không đồng ý với ai họ sẽ thường nói “Tôi không đồng ý với anh/ Vâng, nhưng…/Ai cho phép các vị làm như vậy/ Về điểm này tôi không đồng ý với ông…Cách nói này người Việt gọi là nói cơ giới hay nói thẳng, nói vỗ mặt. Cách nói một cách quá trực diện như vậy sẽ khiến cho người nghe cảm thấy bị “shock”, hụt hẫng (vì đôi khi họ đang có ý định tốt với bạn nhất là trước một lời mời mà bị từ chối thẳng thừng như vậy). Điều đó cũng đồng thời bộc lộ thái độ bực dọc, sỗ sàng, dễ gây mất cảm tình ở đối tượng, dễ dẫn đến sự đổ vỡ quan hệ hay hỏng việc. Chính vì vậy, trong trường hợp này theo mình bạn nên lựa chọn cách nói tế nhị, nói tình thái, nói giảm, nói tránh, dùng từ ngữ nhẹ nhàng, tình cảm. Ví dụ: Rất tiếc là hiện nay chúng tôi không thể đồng ý với ông; Theo tôi biết thì hình như tình hình không hoàn toàn như vậy …Cách nói này biểu lộ cảm nghĩ, thái độ nhã nhặn, lịch thiệp trong giao tiếp, khiến người nghe sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ dù bị từ chối hay không đồng quan điểm.
Hãy bắt đầu bằng cách nói xin lỗi
Xin lỗi người khác là một phép lịch sự trong giao tiếp. Không nhất thiết bạn phạm lỗi bạn mới phải nói lời xin lỗi mà lời xin lỗi ở đây được thực hiện khi người nói ý thức được việc mình sắp làm phiền người khác hoặc sắp nêu ra điều gì đó không tốt với người nghe, vì vậy họ lấy làm rất áy náy. Lời xin lỗi mở đầu câu nói trước khi đề cập đến điều không tốt thể hiện sự áy náy của người nói (là phép lịch sự trong giao tiếp), giúp cho người nghe khi tiếp nhận cảm thấy tốt hơn, dễ chịu hơn hoăc ít tồi tệ hơn (tạo sự hòa hợp giữa các đối tác giao tiếp). Ví dụ nếu là người lịch sự bạn sẽ nói “Tôi rất xin lỗi phải thông báo với bạn công tay chúng tôi không không thể nhận bạn trong đợt tuyển dụng này. Hẹn gặp lại bạn trong lần tuyển dụng tiếp theo” hoặc “Tôi xin lỗi vì có thể ý kiến của tôi đưa ra không đồng quan điểm với anh”. Chúng ta có thể bắt gặp khá nhiều câu trong tiếng Anh bắt đầu bằng những từ xin lỗi như Unfortunately, I'm afraid, Sorry, but…thể hiện một cách nói lịch sự của người Anh khi phải từ chối hay khác ý kiến với người khác.
Luôn ghi nhận ý kiến của người khác trước khi đưa ra ý kiến riêng và luôn nói cho họ biết tại sao bạn lại không đồng ý với ý kiến của họ nhé
Bản thân mỗi người ai cũng muốn được người khác ghi nhận. Và hơn nữa khi họ đưa ra ý kiến cá nhân có nghĩa là họ đã có sự suy nghĩ, phân tích dựa trên sự hiểu biết và trải nghiệm bản thân (dù quan điểm của họ có thể không thực sự phù hợp). Thế nên trước khi bày tỏ ý kiến riêng bạn nên có sự ghi nhận quan điểm của người nói. Ví dụ: Tôi thấy bài viết của anh rất tốt, chỉ tiếc là quá dài không thể sử dụng được; Phát biểu của anh có nhiều ý kiến hay nhưng tôi e là trong tình hình thực tế hiện nay lại không phù hợp bởi lẽ; Quan điểm của mình khác với của bạn. Để mình giải thích…Khi phủ nhận ý kiến của ai đó bạn cũng nên cho họ biết tại sao nhằm tạo sự thuyết phục từ phía người bị phủ nhận.
Có thể đưa ra lời đề nghị, gợi ý
Trong trường hợp bạn từ chối do thời gian, địa điểm không phù hợp còn về ý tưởng bạn rất ok thì bạn hoàn toàn có thể đưa ra một lời đề nghị, một gợi ý nào đó để hiện thực hóa ý tưởng đó vào thời điểm khác nhé. Ví dụ: Xin lỗi bạn, mình không thể đi xem phim vào tối nay do có buổi học trực tuyến. Hay chúng mình chuyển sang buổi tối mai được không?
Trên đây là một số kinh nghiệm, tips nho nhỏ mà mình đã rút ra trong quá trình giao tiếp của bản thân. Bốn cách để nói “không” là: không quá thẳng thắn, hãy nói lời xin lỗi trước khi từ chối hay đưa ra ý kiến khác, giải thích tại sao bạn không đồng ý và có thể đưa ra một lời đề nghị, gợi ý khác.
Các bạn có thêm kinh nghiệm gì thì bổ sung giúp mình nữa với nhé. Cảm ơn các bạn!
kỹ năng mềm
Cảm ơn bài viết của chị. Đúng là chúng ta nên học cả cách từ chối bên cạnh việc đồng thuận với người khác.
Đỗ Trọng Tín
Cảm ơn bài viết của chị. Đúng là chúng ta nên học cả cách từ chối bên cạnh việc đồng thuận với người khác.
Vũ Cris