Làm thế nào để NGỪNG SO SÁNH với người khác?

  1. Kỹ năng mềm


Trở về từ buổi giới thiệu sách của người đồng nghiệp, tôi không khỏi choáng váng và cảm thấy bị “ngợp” trước những vấn đề được bàn đến trong đó. Tôi thấy mình bị chìm sâu trong một mớ bòng bong của những kiến thức mà từ xưa tôi chưa từng được nghe thấy. Cảm giác tự ti bủa vây lấy tôi, những câu hỏi dồn dập liên tục xuất hiện trong đầu: Tại sao mọi người lại biết đến những thứ đó? Sao mọi người giỏi vậy? Mình có phấn đấu cả đời cũng chẳng bao giờ đạt được một trình độ như thế. Những ngày sau đó tôi gần như bị chìm sâu trong những cảm xúc tiêu cực: cảm giác tự ti, mặc cảm, cảm thấy mình kém cỏi, tôi bắt đầu nghi ngờ khả năng của mình, tôi lo lắng cho con đường phía trước, tôi trách móc bản thân và không hiểu thời gian qua tôi đã làm những gì, tôi đã học những gì, tôi đổ lỗi cho sự ngu dốt của mình, tôi cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong tập thể… Không biết bạn đã bao giờ rơi vào trạng thái như tôi chưa. Nhưng cảm giác đó thật sự rất kinh khủng!

Những ngày sau khi bình tĩnh lại, tôi bắt đầu suy tư và kết nối với bản thân để tìm cho mình câu trả lời: Tại sao tôi lại như thế? 

Cuối cùng tôi cũng đã hiểu, là vì tôi đã so sánh mình với người khác, tôi ghen tị với những thành công của họ.

Sự nguy hiểm của việc so sánh mình với người khác

Tôi đã từng là người rất hay so sánh mình với người khác: so sánh về học thức, so sánh về sự giàu sang, so sánh về hạnh phúc, so sánh về sự may mắn,... và thậm chí là so sánh về những điều vớ vẩn nhất. Sự so sánh này khiến cho tôi:

Luôn cảm thấy người khác giỏi hơn mình, cao siêu hơn mình. Vì vậy cảm giác tự ti, mặc cảm, thiếu niềm tin vào bản thân luôn thường trực trong tôi – cái khiến tôi thất bại bởi suy nghĩ “mình không làm được”, “mình không có khả năng”, “mình có cố nữa cũng chỉ vậy thôi”, “hãy chấp nhận số phận của mình đi”, hãy chấp nhận là một kẻ đứng ngước nhìn từ chân núi, còn người khác như đang đứng trên đỉnh núi cao vời vợi. Vì vậy, lúc đó bản thân chỉ biết nghĩ tới 2 từ “bỏ cuộc” và “thất bại”, vì con đường phía trước tôi đi dường như chỉ toàn là bóng đêm. 

Luôn trách móc bản thân, đổ lỗi cho hoàn cảnh với cảm giác chán ghét, không hài lòng, không nâng niu, trân trọng những bước đi nhỏ của chính bản thân mình. Tôi bắt đầu trách móc chính tôi với những suy nghĩ rằng “nếu mình đậu vào đại học X thì mọi chuyện đã khác” hay “giá như mình được sinh ra ở một gia đình khác thì tốt hơn biết bao nhiêu”,... Cảm giác đấy thật sự rất tồi tệ!

Hình thành thói quen hay so sánh, hay nhìn nhận tôi trong sự đối sánh với người khác. Và dần dần khi sự so sánh diễn ra thường xuyên, tôi đã trở thành một kẻ hay ghen ghét, đố kị, hay ghen ăn tức ở với người khác. Sự ghen ghét, đố kị được hình thành dần dần trở thành mục đích sống phải bằng hoặc thậm chí hơn người khác khiến máu ăn thua trong tôi lớn dần. Tôi trở thành người hiếu chiến, hiếu thắng và bằng mọi giá phải đạt được mục đích của bản thân. Thậm chí, tôi đã từng nghĩ đến những việc này, việc kia để có thể chiến thắng, vượt mặt người khác bằng những hành động chẳng mấy tốt đẹp. 

Tất nhiên, tôi cũng không phủ nhận rằng đôi khi sự so sánh sẽ là động lực thúc đẩy tôi nỗ lực, phấn đấu để thành công, coi “người khác” là tấm gương để noi theo, là cái đích cần đạt tới, để học hỏi. Tuy nhiên, sự so sánh thường sẽ có tác động xấu, mang đến nhiều sự tiêu cực hơn là tích cực. Nó sẽ biến tôi thành một con người ích kỷ, nhỏ nhen, ghen ghét, đố kị, không yêu bản thân…Chính vì vậy, tôi nhận ra rằng việc so sánh với người khác cần được tiết chế và xóa bỏ.

Làm thế nào để ngừng so sánh với người khác?

Trước hết, hãy tự trấn an bản thân rằng việc so sánh với người khác là một bản năng tất yếu của con người. Trong mỗi chúng ta đều tồn tại cả phần con và phần người, nghĩa là sẽ có tính cách tốt và xấu cùng tồn tại. Chính vì vậy, việc so sánh hay ghen ghét đố kỵ là một cảm xúc rất bình thường mà bất kỳ ai cũng có. Chỉ có điều người nào có khả năng tiết chế tốt nó sẽ ít được bộc lộ, còn có những người sẽ thể hiện rất rõ điều đó. Vì vậy, nếu trong bạn có sự so sánh, đố kỵ thì không cần phải che giấu hay trốn tránh, mà hãy dũng cảm đối diện để tìm cách điều chỉnh và hạn chế, không để sự so sánh trở thành thói quen, hiện diện trong mình.

Hãy hình thành cho mình một tâm thế, suy nghĩ tích cực. Mỗi người chúng ta đều có mục đích sống, niềm đam mê và thế mạnh khác nhau, sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh, môi trường khác nhau vì vậy mà con đường chúng ta đi cũng sẽ khác nhau. Vậy nên mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Khi tôi được chiêm ngưỡng thành công của một anh bạn với công trình nghiên cứu suốt 8 năm qua - điều mà chắc chắn tôi sẽ không bao giờ làm được, tôi vô cùng choáng ngợp và ngưỡng mộ. Thế nhưng đó là đam mê, là sự nghiệp của anh ấy, là lĩnh vực mà anh ta theo đuổi thì tôi đâu thể đòi hỏi bản thân mình phải hiểu sâu hay làm được. Thế nên những cảm xúc đó là một điều cực kỳ bình thường. Còn tôi, chẳng phải tôi cũng đang nghiên cứu về sự nghiệp trồng người, tìm tòi, khai thác những kiến thức bổ ích, ý nghĩa để truyền tải đến mọi người đây sao? Những điều này chắc gì anh ta đã làm được. 

- Hãy đối xử tốt với bản thân. Hãy là người bạn tốt nhất của chính bạn và đừng quá khắt khe với bản thân. Bạn không cần phải chứng minh bất cứ điều gì với bất kỳ ai hay để gây ấn tượng với người khác. Bạn cũng không cần phải cho họ thấy sự tiến bộ của mình. Bạn không cần phải nói với họ những gì đang xảy ra trong cuộc sống của bạn. Tập trung vào cuộc sống của chính bạn và hạnh phúc của bạn. Tự khen ngợi bản thân và cảm ơn vì công việc bạn đã làm, con người bạn đã sống. Hãy biết ơn những gì bạn đã đạt được, và tự hào về bản thân.

Thay bằng việc so sánh mình với người khác bạn hãy so sánh mình với ngày hôm qua. Sự tiến bộ, thay đổi của bản thân ngày hôm nay so với ngày hôm qua là một điều cực kỳ đáng trân trọng. Chúng ta chẳng cần phải là bản sao của một ai cả, hãy cố gắng để trở thành một phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình là đủ rồi. 

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là bạn cần biết mình muốn gì, giá trị cá nhân của mình là gì để phấn đấu và thực hiện nó. Bạn chưa bằng người khác - bạn không thất bại. Nhưng nếu bạn không có lý tưởng sống - bạn đã chấp nhận mình là người thua cuộc. Hãy khẳng định giá trị riêng có của bản thân. Khi bạn nghiêm túc theo đuổi ước mơ của mình, tôi tin chắc rằng bạn sẽ chẳng còn thời gian để so sánh mình với người khác hay những thứ vớ vẩn nữa. Ước mơ, mục tiêu phía trước sẽ là động lực thúc đẩy bạn trên hành trình phát triển bản thân. 

Hãy luôn tự hào về bản thân bạn và sống với những cảm xúc chân thật nhất của chính mình. So sánh bản thân với người khác là thói quen mà nhiều người gặp phải. Dần dần khi tư duy, sự nhìn nhận của bạn thay đổi, bạn sẽ nhận thấy rằng sự so sánh với người khác là một sự điên rồ. Và chắc chắn sẽ phải tốn khá nhiều thời gian để bạn có thể thay đổi. Đừng đầu hàng!


Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Ta chỉ nên so sánh ta với chính ta của ngày hôm qua. Ngày hôm nay mà hơn được ngày hôm qua là đang lên dốc rồi, cứ tiếp tục hướng đó thôi.

Vấn đề cốt lõi của việc so sánh với người khác có lẽ là do ta chẳng thể nào thực sự biết rõ về họ. Ta nhìn thấy thành quả nhưng không nhìn thấy gian khổ, thời gian, công sức đằng sau. Ta không thể thấy được những điều kiện dù xấu hay tốt, bên trong lẫn bên ngoài của người ta. Đôi khi người ta có thể đặt một bức bình phông và ta tưởng ta biết về họ. Khi so sánh 2 thứ, ta phải biết được cả 2 thì mới so sánh được.

Trả lời

Ta chỉ nên so sánh ta với chính ta của ngày hôm qua. Ngày hôm nay mà hơn được ngày hôm qua là đang lên dốc rồi, cứ tiếp tục hướng đó thôi.

Vấn đề cốt lõi của việc so sánh với người khác có lẽ là do ta chẳng thể nào thực sự biết rõ về họ. Ta nhìn thấy thành quả nhưng không nhìn thấy gian khổ, thời gian, công sức đằng sau. Ta không thể thấy được những điều kiện dù xấu hay tốt, bên trong lẫn bên ngoài của người ta. Đôi khi người ta có thể đặt một bức bình phông và ta tưởng ta biết về họ. Khi so sánh 2 thứ, ta phải biết được cả 2 thì mới so sánh được.