Làm thế nào để độc lập tài chính từ khi còn đi học?
*BÀI VIẾT DÀNH CHO CÁC EM SINH VIÊN MUỐN TỰ LẬP TỪ SỚM
Tầm này 4 hoặc 5 năm về trước, anh cũng có mối lo như các em. Tuy nhiên anh còn hay hỏi bản thân một câu hỏi nữa: "Làm sao để vào đại học không cần xin tiền bố mẹ nữa nhỉ?" Đơn giản hồi đó anh chỉ nghĩ rằng bố mẹ đã nuôi mình 18 năm rồi, giờ là lúc mình nên có trách nhiệm hơn với cuộc sống cá nhân;và khi được khen là "tự lập", anh còn thấy ngầu nữa:)) Anh tin là nhiều em cũng có suy nghĩ này. Nhưng tự lập cũng có điểm tốt và xấu của nó. Trong bài biết này anh sẽ chỉ cho các em cách để tự lập ngay từ khi còn đang đi học.
Bài viết gồm 3 phần ha:
Cái giá của việc tự lập: các em được gì và mất gì?
Những bước đầu của việc độc lập tài chính
Cách quản lý tài chính khi đã thu hoạch được những đồng tiền đầu tiên
1. Cái giá của việc tự lập: các em được gì và mất gì?
Một ngày các em có 24 tiếng. Trừ đi 8 tiếng ngủ và 4 tiếng ăn uống là 12 tiếng để đi học, di chuyển qua lại các địa điểm, đi làm, yêu đương, tập thể dục, giải trí. Trong 12 tiếng này, các em vừa phải duy trì việc học tốt, tập luyện cho khỏe mạnh và kiếm tiền. Vì thế nếu không cân bằng được việc đi làm với việc đi học, các em sẽ rất dễ chểnh mảng việc trên lớp. Chắc các em đều nghe những câu chuyện của sinh viên đi làm mà kết quả học tập thụt lùi. Đơn giản thôi, vì lao động là vinh quang mà. Khi các em lần đầu nếm cái vinh quang đó với đồng lương đầu tiên kiếm được, các em sẽ trải qua một cảm giác cực "phê":)) Nhưng hãy nhớ lại mục tiêu của mình nha. Đó là tự lập tài chính hoặc tự lập được một phần tài chính khi còn đi học, chứ không phải là bỏ học để trở thành tỷ phú tự thân. Nếu quá sa đà vào việc kiếm tiền trước mắt, các em sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội phát triển về sau.
Anh đã gặp nhiều bạn vì kiếm được một số tiền không nhỏ với một sinh viên hàng tháng mà bỏ qua cơ hội học tập, thi cử để có thể phát triển cao hơn. Hệ quả là sau khi ra trường, các bạn bắt đầu chững lại với công việc kiếm tiền thời vụ, thay vì phát triển lên cao như bạn bè cùng trang lứa. Đổi lại nếu các em cân bằng được việc kiếm tiền và học hỏi phát triển, các em sẽ có những năm tháng đại học vô cùng chất lượng vì không phải học bù:))
2. Những bước đầu của việc độc lập tài chính
Khi là sinh viên, thường một em sinh viên sẽ học hết 1 tầm (sáng/chiều) của một ngày. Nếu có học tăng ca thì mới học nhiều hơn thôi. Các em vẫn có thể đi làm tối để kiếm thêm. Chi phí sinh hoạt ở Hà Nội trung bình là 4 triệu/tháng cho một em ở trọ (có thể ở cùng người khác để giảm chi phí), di chuyển bằng xe máy và ăn uống đan xen giữa tự nấu và ăn ngoài. Khoản tiền nhà luôn là khoản đắt nhất, nếu giảm được khoản này các em sẽ tiết kiệm được kha khá tiền. Để kiếm ra số tiền như vậy mà vẫn cân bằng được việc học, các em chỉ nên dành ra 3 tới 4 tiếng để đi làm, nhưng tuyệt đối là không nên làm đêm nha. Nếu vẫn muốn sáng mai dậy được và không đi học với một cái não zombie.
Có rất nhiều công việc các em có thể làm khi mới bước vào môi trường đại học như: làm phục vụ, chạy grab, dạy thêm, dịch thuật, trợ lý cá nhân,... Ở đây, anh sẽ chia sẻ các bước các em có thể làm để chọn ra một công việc phù hợp với bản thân nha:
Bước 1: Liệt kê ra em cần bao nhiêu tiếng để học và có thể đi làm bao nhiêu tiếng một ngày (mà vẫn đảm bảo sức khỏe)
Bước 2: Liệt kê ra chi phí sinh hoạt hàng tháng. Sau đó ghi rõ phần nào là trợ cấp từ bố mẹ, phần nào có thể cắt giảm hoặc tăng lên/bổ sung
Bước 3: Đặt mục tiêu cho bản thân cho thể tự chu cấp một trong các phần phí sinh hoạt đã liệt kê ở trên
Bước 4: Khảo sát về một ngày làm việc của các công việc và mức thù lao tương ứng em sẽ nhận được
Bước 5: Phân loại các công việc dựa vào số tiền kiếm được tương ứng với số thời gian bỏ ra. Chọn công việc nào kiếm được nhìu mà bỏ ra ít thời gian nha. Tất nhiên là nó cũng cần phù hợp với mấy em nữa
Một vài lưu ý cho mấy đứa khi đi làm thêm đó là:
- Đừng làm ca đêm, vì sáng mai không dậy nổi đâu. Buổi sáng mà toang, thì toang cả ngày đấy
- Cần quan tâm tới lượng thời gian mấy đứa cần bỏ ra để kiếm tiền. Vì thời gian quý hơn tiền (nếu thời gian được dùng đúng)
- Nên tích hợp việc học vào việc kiếm tiền. Ví dụ ngồi trông quán vẫn có thể học bài hoặc vừa đi xe grab vẫn có thể nghe podcast
3. Cách quản lý tài chính khi đã thu hoạch được những đồng tiền đầu tiên
Sau khi kiếm được một số tiền nhỏ, hoặc chỉ đơn giản là quản lý số tiền bố mẹ cho, các em có thể làm theo những bước sau:
Bước 1: Chia nhỏ số tiền đã có vào các hũ khác nhau. Anh thường chia vào 5 hũ chính như sau:
"Sinh hoạt": Thường chiếm 60% vì đây là khoản chi phí để các em sống sót qua từng tháng.
"Học tập": Chiếm 10%, dành cho việc mua các khóa học/sách/tài liệu để tăng cường trí tuệ
"Sức khỏe": Chiếm 10%, dành cho việc tập luyện, sử dụng các sản phẩm có lợi cho sức khỏe
"Khẩn cấp": Chiếm 10%, chỉ dùng vào những tình huống khẩn cấp
"Tiết kiệm": Chiếm 10%, khi đạt một khoản lớn, các em có thể gửi ngân hàng
Bước 2: Ghi chép lại những chi tiêu của mình vào google sheet để biết hàng hàng các em đang chi tiêu tiền vào việc gì. Sau một quý, các em nên review lại một lần xem đâu là khoản chi tốn kém nhất. Xem liệu nó có cần thiết không, có cần điều chỉnh gì không.
Lưu ý: Cách trên chỉ hiệu quả nếu các em nghiêm túc trong việc sử dụng mỗi hũ vào đúng mục đích của nó. Đừng có hết tiền sinh hoạt lại lấy tiền tiết kiệm ra tiêu nha. Hơn nữa, thói quen chia hũ nên được hình thành từ khi các em có ít tiền trong người, để tránh sau này khi cầm một số tiền lớn, các em sẽ chi tiêu phung phí.
Nguyễn Thị Thùy
Đông Quân
Năm 2 đại học rồi mà vẫn không độc lập được tài chính, cũng đi làm thêm có lương r nhưng tháng nào cx vẫn phải xin tiền bme =(((((