Làm thế nào để có thể đối diện và vượt qua những căng thẳng, stress nơi công sở ?

  1. Kỹ năng mềm

Là người đi làm, có lẽ không ít lần bạn đã phải đối diện với những lo lắng, căng thẳng, stress nơi công sở. Đó có thể là những áp lực do công việc mang đến (những khó khăn cần giải quyết, deadline dồn dập…); những bức xúc, bực dọc trong mối quan hệ với cấp trên, với đồng nghiệp, với đối tác, khách hàng; những điều diễn ra không theo ý muốn (có thể do những yếu tố chủ quan hay khách quan)…Nếu cảm xúc này chỉ là tạm thời, thoáng qua và không ảnh hưởng nhiều đến bạn thì bạn không có gì phải lo lắng nhưng nếu nó luôn thường trực trong bạn, diễn ra triền miên thì đó lại là vấn đề bạn cần giải quyết. Bởi sự căng thẳng, stress kéo dài sẽ khiến bạn vô cùng mệt mỏi về tinh thần, thể xác. Nó đem đến cho bạn cảm giác mỗi ngày đi làm như sự tra tấn, đến cơ quan như bước vào “cánh cửa ngục tù”. Công việc như “món nợ”, “quả tạ” treo lơ lửng trên đầu mà chỉ muốn làm cho xong. Cấp trên, đồng nghiệp như những con người xa lạ mà bạn không muốn gắn bó. Bạn cảm thấy lạc lõng trong môi trường làm việc, thiếu sự gắn kết…Và rồi triền miên từ ngày này sang ngày khác sự căng thẳng, mệt mỏi sẽ giết chết con người bạn, đánh mất nhiệt huyết, ý chí và giá trị mà bạn đã xây dựng bấy lâu. Bạn sống vô định, mờ nhạt, mất phương hướng, đau khổ, vật vã trong những cảm xúc tiêu cực, ghen ghét, đố kị, phàn nàn, đổ lỗi cho người khác, cho chế độ…Nếu bạn đang rơi vào những cảm xúc tiêu cực như tôi kể ở trên thì tôi muốn nói với bạn rằng: đã đến lúc bạn cần thay đổi và cần phải tìm cách để đối diện và vượt qua nó.

stress1_252312560

Tôi cũng là người đang đi làm và cũng không ít lần rơi vào những trạng thái cảm xúc tiêu cực tưởng chừng không thể vượt qua. Đã có lúc tôi muốn nghỉ việc, muốn chạy trốn, muốn rũ bỏ tất cả để tìm kiếm sự tự do. Nhưng khi bình tâm suy nghĩ lại tôi nhận thấy không đâu có thể giúp mình bằng chính mình. Không có ở đâu khác có thể đem đến cho bạn tất cả những gì bạn mong muốn. Cuộc sống không hoàn toàn là màu hồng như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Con người cũng không ai là hoàn hảo hết được. Ở đâu và bất cứ khi nào cũng sẽ có mặt này mặt kia, đôi khi là đối lập để tạo nên một sự hoàn chỉnh. Bởi vậy, bạn đừng trông chờ vào một môi trường làm việc mà 100% là tốt đẹp. Điều quan trọng ở đây là thái độ sống của bạn, sự đối diện và vượt qua những vấn đề mà bạn gặp phải. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn cách mà tôi đã vượt qua sự căng thẳng, stress nơi công sở như thế nào sau hơn 10 năm đi làm.

Điều đầu tiên là bạn phải có thái độ sống tích cực. Trong rất nhiều yếu tố tạo nên thành công của bạn thì thái độ chiếm đến 80% bên cạnh kiến thức và kỹ năng mà bạn có. Như tôi đã chia sẻ trong một bài viết gần đây (Thái độ sống tích cực – nền tảng của hạnh phúc và thành công) thái độ hay nói cách khác là những suy nghĩ, cảm xúc, góc nhìn, phản ứng của bạn trước những sự việc diễn ra là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn vượt qua những khó khăn, thử thách. Cách nhìn của bạn (tích cực hay tiêu cực) sẽ quyết định kết quả mà bạn nhận được. Thế nên những khó khăn mà bạn đang phải đối diện nơi công sở thay bằng góc nhìn tiêu cực bạn hãy đón nhận nó một cách tích cực, vui vẻ. Ví dụ: những áp lực trong công việc là thử thách để bạn vượt qua nó, rèn luyện ý chí, sự tập trung, nỗ lực, lòng kiên nhẫn và khả năng chịu đựng; sự độc đoán của cấp trên giúp bạn rèn luyện sự nhẫn nhịn, những đòi hỏi, yêu cầu cao trong công việc của lãnh đạo thúc đẩy bạn phải học tập không ngừng…Hãy luôn nhìn thấy cơ hội hơn là những khó khăn, thử thách; thay bằng sự kêu ca, phàn nàn, đổ lỗi hãy tìm giải pháp và hành động để thay đổi nó. Bạn hãy luôn tin rằng trong tai họa đều ẩn chứa những món quà mà thượng đế ban tặng cho bạn. Chỉ có điều bạn sẽ làm thế nào để có thể có được món quà đó.

Rèn luyện để có một cơ thể khỏe mạnh, một trạng thái tinh thần tốt. Hãy lựa chọn cho mình một môn thể thao yêu thích, hình thành thói quen và duy trì tập luyện hàng ngày. Việc vận động hàng ngày không những đem lại cho bạn sức khỏe tốt, vóc dáng thon gọn mà còn là liều thuốc tinh thần cực tốt giúp bạn xả stress, lấy lại năng lượng tích cực. Ngoài ra, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý cũng rất cần thiết để bạn có một trí tuệ sáng suốt khi giải quyết các công việc.

Đọc sách – bồi dưỡng đắp tâm hồn, tiếp nhận nguồn thông tin tích cực. Mỗi khi gặp stress, căng thẳng tôi thường lựa chọn cho mình cuốn sách yêu thích (đặc biệt là dòng sách phát triển bản thân có nội dung liên quan đến những vấn đề đang gặp phải), dành chút thời gian đọc và suy ngẫm. Tôi tin rằng, những thông tin thú vị sẽ ít nhiều giúp bạn tự tin hơn và vượt qua sự căng thằng, mệt mỏi.

Hãy luôn chia sẻ, nói ra những cảm xúc của bản thân. Khi gặp các vấn đề bức xúc, lo lắng, mệt mỏi bạn hãy chia sẻ với một ai đó (có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp…). Tuy nhiên không phải ai bạn cũng có thể chia sẻ nhất là trong môi trường công sở “tai vách mạch rừng”, đôi khi bạn sẽ gặp phải những người đồng nghiệp xấu, bề ngoài cảm thông với bạn nhưng bên trong lại đang “mở cờ trong bụng”. Vì vậy, cách tốt nhất là nên chia sẻ với người mà bạn cảm thấy tin tưởng và hiểu bạn, người sẽ đem lại cho bạn nguồn năng lượng tích cực, động viên, khích lệ bạn vượt qua những khó khăn mà bạn đang gặp phải. Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng khi căng thẳng, lo âu đừng bao giờ giữ mãi trong lòng, đau khổ gặm nhấm nó bởi những cảm xúc tiêu cực bị tích tụ lâu ngày sẽ thiêu đốt nhiệt huyết, đam mê trong bạn, giết chết con người bạn.

Ngoài ra, viết cũng là một cách giúp bạn xả stress. Nếu không thể chia sẻ với ai bạn có thể viết nhật ký. Viết là một cách để bạn có thể trải lòng mình một cách chân thật nhất, giúp bạn nhìn lại, tự vấn chính mình và các mối quan hệ xung quanh. Bạn sẽ như có một người bạn đang âm thầm lắng nghe mà không hề có sự phán xét. Không những vậy, việc viết hàng ngày, ghi lại suy nghĩ, cảm xúc của bản thân trước các sự việc diễn ra cũng là một cách giúp bạn rèn luyện cho mình kỹ năng viết, kỹ năng gọi tên cảm xúc để có thể tìm cách hài hòa, cân bằng cảm xúc.

stress-100217-1486719220185

Kết nối với các mối quan hệ tốt đẹp, những người tích cực, vui vẻ, khao khát những giá trị sống tốt đẹp (hạn chế kết giao với những người hay kêu ca, phàn nàn, nói xấu người khác, ghen tị, chỉ mang lại nguồn năng lượng xấu). Bạn luôn cần “develop” nhiều hơn mọi sự kết nối, sự tương tác để làm giàu có sự hiểu biết và tâm hồn mình bởi người có tâm hồn thì làm cái gì cũng đẹp. Hãy xây đắp các mối quan hệ bằng sự chân thành, bằng sự kết nối tâm hồn và cảm xúc. Không ghen ghét, đố kị với đồng nghiệp, chạy theo những ảo tưởng, hư danh, áp đặt mong muốn của mình vào người khác. Đồng thời, hãy luôn mở rộng các mối quan hệ ra bên ngoài công sở để có thêm nhiều những người bạn mới, những quan điểm, cách nhìn mới để nâng cao sự hiểu biết của bản thân. Sức mạnh của các mối quan hệ không những đem lại cho bạn niềm vui, sự chia sẻ mà còn hỗ trợ đắc lực cho bạn trong công việc và cuộc sống. Cho nên đừng bao giờ thờ ơ hay “sống một mình” bởi bạn muốn thành công, hạnh phúc bạn luôn cần những người bạn, người thầy, người đi trước dẫn đường chỉ lối.

Không nên coi công việc là mối quan tâm duy nhất. Ngoài công việc bạn có thể lựa chọn cho mình những công việc, những sở thích mà mình yêu thích để làm. Đó cũng là cách thúc đẩy bạn chiến thắng những áp lực, căng thẳng trong công việc. Ví dụ, là một người đam mê đọc sách và viết lách, khi căng thẳng tôi thường tìm kiếm một cuốn sách mà mình yêu thích để đọc hay viết một cái gì đó chia sẻ với cộng đồng facebook. Hoặc tôi có một người bạn đam mê việc làm bánh, nấu ăn. Mỗi khi căng thẳng bạn ấy thường vào bếp và nấu một món ăn yêu thích. Bạn cũng có thể tìm kiếm những hạnh phúc nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, những giây phút nghỉ ngơi, bình an bên gia đình, bạn bè…Điều đó sẽ giúp bạn vượt qua được những stress lấy lại tinh thần và năng lượng trở lại với công việc.

Tất cả những gì tôi chia sẻ ở trên có thể không ngay lập tức giúp bạn vượt qua được những căng thẳng, stress nhưng tôi tin rằng nếu bạn thực sự quan tâm đến vấn đề này, tích cực thực hành và rèn luyện nó thì tôi tin rằng một ngày nào đó tất cả những vấn đề khó khăn gặp phải nơi công sở chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần tạo được “nội lực bên trong”, “sức mạnh tinh thần” bên trong chính con người mình để cho dù bạn có phải đối diện với bất cứ điều gì trong cuộc sống hay công việc bạn cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và “enjoy” với mọi thứ. Chúc bạn luôn happy!

Từ khóa: 

căng thẳng stress

,

kỹ năng mềm

Bài viết hay quá ạ! Đúng là giữa đi học và đi làm khác nhau xa ạ! ^^ e hồi hộp quá không biết sau này đi làm có rơi vào những tình trạng mà c đã kể trên không.
Trả lời
Bài viết hay quá ạ! Đúng là giữa đi học và đi làm khác nhau xa ạ! ^^ e hồi hộp quá không biết sau này đi làm có rơi vào những tình trạng mà c đã kể trên không.
Cám ơn bài viết rất dày tâm huyết của bạn. Mình nghĩ các bạn trẻ hiện nay không thiếu người sống theo kiểu vật vờ, mất phương hướng, thậm chí là buông thả. Nhưng không phải vì đó là bản tính của họ, họ vốn không phải những con người thụ động, mà sau những ''đòn roi'' từ cuộc sống, từ xã hội, họ dần tập cách trở nên lãnh cảm, lạnh lùng để tự vệ.
Kiểu như ''tôi cố gắng phấn đấu để làm gì, khi mà không thể nào biết được khi nào mới được tăng lương, và có tăng thì đến bao giờ tôi mới thực hiện được ước mơ của mình?''. Sống trong một xã hội và môi trường việc làm ngày càng cạnh tranh căng thẳng, thì những hiện tượng trên nếu có xảy ra cũng là điều dễ hiểu.
Không biết bạn có thể chia sẻ thêm một vài cách thức giải quyết những mâu thuẫn giữa đồng nghiệp với nhau không nhỉ? Mâu thuẫn với sếp còn dễ (thường là nhân viên xuống nước, và nhân viên cũng ít khi làm việc trực tiếp với sếp) chứ với đồng nghiệp mình thấy phức tạp hơn nhiều.
Mình thấy việc stress do công việc là rất vớ vẩn.
Công việc luôn là thế, nhiều áp lực, và vận hành theo quyết định của người đứng đầu hoặc số đông, chứ không bao giờ chạy theo cách mình nghĩ.
Vì thế bạn chỉ có thể tận hưởng nó, hoặc từ bỏ nó. Chẳng việc gì phải stress cả!