Làm thế nào để cân bằng giữa việc HỌC TẬP, HOẠT ĐỘNG PHONG TRÀO và LÀM THÊM thời sinh viên?
Như nhiều người thường nói, thời sinh viên là quãng thời gian đẹp nhất, khoảng trời thanh xuân tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mỗi người. Khi trở thành tân sinh viên nghĩa là bạn đã bước vào thời kỳ được làm chủ chính mình, làm chủ sự lựa chọn của bản thân, bắt đầu cuộc sống tự lập (nhất là với các bạn xa nhà), được tự do theo đuổi ước mơ và chịu trách nhiệm với từng quyết định của mình… Là sinh viên, tức là bạn đang có trong tay những điều kiện tốt nhất, bạn có sức trẻ, có thời gian, có đam mê, tràn đầy nhiệt huyết và khát khao được cống hiến, được thể hiện bản thân.
Điều đặc biệt hơn nữa, tại môi trường đại học, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau: đó là những buổi học trên lớp, được lắng nghe những kiến thức bổ ích từ thầy cô, được trao đổi, thảo luận, bày tỏ quan điểm trong quá trình làm việc nhóm cùng bạn bè… được nâng cao sự hiểu biết của bản thân qua từng môn học.
Đó cũng là quãng thời gian bạn ngày một trưởng thành, hoàn thiện bản thân khi được tham gia rất nhiều hoạt động đoàn đội ý nghĩa như hoạt động tình nguyện, tổ chức các sự kiện, …
Đó còn là thời điểm bạn bắt đầu dành thời gian đi làm thêm, nhằm kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống hay chỉ đơn giản là học hỏi, rèn luyện kĩ năng thực tế để giúp bạn vững vàng hơn sau khi ra trường.
Có thể nói, tất cả những hoạt động đó đều vô cùng cần thiết khi bạn là sinh viên, bởi chúng lànhững cơ hội để bạn được thử sức, được trưởng thành và được phát triển bản thân. Tuy nhiên, những điều trên chỉ thực sự trở nên có ý nghĩa khi bạn biết cách cân bằng giữa việc học tập, hoạt động phong trào và làm thêm.
Nhưng trên thực tế, không phải sinh viên nào cũng có thể làm được như vậy. Có những bạn chỉ biết học – học – học, ngày ngày đến lớp, lên thư viện, tối về nhà lại học. Dường như cả thế giới thu hẹp lại trong mỗi trang sách, những gì bạn học được là một lượng kiến thức lý thuyết “khổng lồ”, phong phúsong lại thiếu sự trải nghiệm và kiến thức thực tế.
Có những bạn khi là sinh viên rất năng nổ, nhiệt tình tham gia rất nhiều hoạt động phong trào ở trường, ở lớp mà lơ là việc học, dẫn đến kết quả học tập lại không tốt. Kết quả khi ra trường thiếu những kiến thức nền tảng của ngành học nên gặp nhiều khó khă, lúng túng trong việc giải quyết các công việc tại môi trường làm việc.
Có bạn lại quá mải mê với công việc làm thêm mà quên đi hoặc thờ ơ với việc học tập và các hoạt động phong trào. Cuối cùng khi nhìn lại quãng thời gian sinh viên thì lại cảm thấy tiếc nuối vì đã bỏ lỡ một tuổi trẻ nhiệt huyết, vô tư, vui vẻ, từ bỏ đi cơ hội để trưởng thành và hoàn thiện bản thân.
Vậy làm thế nào để có thể cân bằng giữa việc học tập, hoạt động phong trào và làm thêm? Dưới góc nhìn của người đã từng đi qua thời sinh viên và hiện nay là giảng viên đại học, được hàng ngày tiếp xúc và nói chuyện với các em sinh viên, mình xin chia sẻ một số quan điểm cá nhân của mình nhé!
Thứ nhất, bạn cần xác định rõ mục tiêu cần đạt được sau khi kết thúc 4 năm đại học và vị trí việc làm sau khi ra trường
Tại sao bạn cần làm điều này? Vì đây mới là mục tiêu, nhiệm vụ chính bạn cần hướng tới/ đạt được trong thời sinh viên. Đồng thời, nó như là “kim chỉ nam” giúp bạn hướng việc học tập, hoạt động phong trào và làm thêm của mình vào trục chính này. Vì vậy, theo mình ngay từ thời điểm mới trở thành tân sinh viên, bạn nên xây dựng ngay cho mình một mục tiêu, kế hoạch, lộ trình để phấu đấu thay vì chỉ vô thức đón nhận những gì sẽ diễn ra.
Để làm được điều này, bạn cần hiểu rõ về ngành học của mình, hiểu được tương lai bản thân muốn gì, muốn có được điều gì, từ đó xác định mình sẽ phải đầu tư công sức vào những công việc nào.
Ví dụ bạn đặt mục tiêu tốt nghiệp với học lực giỏi, nhận được chứng chỉ tiếng anh B1 và có được kĩ năng dẫn chương trình thì hướng đi sẽ là ưu tiên nỗ lực học tốt các môn học, dành thời gian cho việc học tập nhiều hơn; dành thời gian cho việc học tiếng Anh, tham gia các hoạt động tình nguyện với các tổ chức nước ngoài nhằm nâng cao khả năng tiếng Anh, dành thời gian tham gia các lớp học thêm về tiếng Anh; hướng tới việc tham gia các phong trào với vai trò là MC, xung phong phát biểu, dẫn chương trình cho một số sự kiện nhỏ của lớp, của câu lạc bộ, để rèn luyện kĩ năng dẫn chương trình.
Thứ hai, bạn cần lập kế hoạch cho bản thân trong từng giai đoạn cụ thể.
Trong bốn năm học ở đại học, bạn nên lập kế hoạch cho bản thân theo từng giai đoạn cụ thể để có thể sắp xếp thời gian một cách hợp lý nhất với những mục tiêu được đặt ra. Bởi nếu không có kế hoạch đôi khi bạn sẽ học tập, làm việc một cách tùy hứng khiến cho hiệu quả đạt được không cao. Ví dụ, nếu là năm nhất đại học bạn sẽ đặt ra mục tiêu gì? Kết quả cần đạt được? Tương tự năm hai đại học, năm ba đai học và năm bốn…
Khi đã lập ra kế hoạch thì chính bản thân phải luôn ý thức cố gắng bám sát kế hoạch, tuân thủ những hạn định, tránh tình trạng trì hoãn, lỡ dở mục tiêu vì mải mê làm những công việc vô ích hoặc chạy theo những cám dỗ khác trong cuộc sống.
Đồng thời, trong kế hoạch cần có sự điều phối hài hòa khoa học giữa cả 3 khía cạnh học tập, hoạt động phong trào và làm thêm, tránh tình trạng chồng chéo các công việc, thời gian làm việc này lại lấn sang thời gian làm việc khác, hoặc vì căng thẳng với quá nhiều việc liên tiếp mà kết quả cuối cùng đều không tốt.
Thứ ba, để có thể cân bằng giữa việc học, hoạt động phong trào và làm thêm là bạn cần có kỹ năng sắp xếp thời gian hiệu quả
Đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng giúp bạn cân bằng được giữa việc học, hoạt động phong trào và làm thêm. Kỹ năng quản lý thời gian là việc bạn biết sắp xếp thời gian, phân chia thời gian và sử dụng thời gian hợp lý. Ví dụkhoảng thời năm nhất, năm hai có thể dành nhiều nhất thời gian hơn cho việc học kiến thức nền tảng và hoạt động phong trào để bắt đầu xây dựng những kĩ năng mềm cho bản thân, đồng thời đi làm vừa phải một số công việc cần sự giao tiếp để bớt đi sự nhút nhát, trở nên mạnh dạn, khéo léo hơn. Tới năm ba khi bắt đầu học chuyên ngành thì nên dành nhiều thời gian cho những công việc yêu cầu kĩ năng chuyên môn, vừa duy trì thu nhập vừa là cơ hội để đem những kiến thức được học trên lớp vận dụng vào công việc thực tế. Nghĩa là bạn cần học cách sắp xếp thật khoa học thời gian dành cho việc học, hoạt động phong trào và làm thêm dựa trên tiêu chí về sự ưu tiên với 3 hoạt động này tùy thuộc vào giai đoạn thực hiện.
Trong một quỹ thời gian nhất định, bạn phải biết ưu tiên công việc nào trước, việc nào sau. Nếu bạn đang trong giai đoạn thi cuối kỳ, hãy dành 1 tuần trước ngày thi để tập trung học tập, gác lại toàn bộ công việc của câu lạc bộ và việc làm thêm để không bị ảnh hưởng đến kết quả. Còn trong những ngày hè thảnh thơi, thoải mái, hãy tìm hiểu và tham gia thêm nhiều hoạt động, nỗ lực tìm kiếm nhiều công việc hơn để có thể trau dồi được nhiều kiến thức và kỹ năng cho bản thân.
Thứ tư, cần biết sắp xếp, phối hợp các công việc để hướng tới mục tiêu chung
Nhiều người lầm tưởng rằng, học tập, hoạt động phong trào và làm thêm là những công việc không liên quan tới nhau, nhưng sự thực nếu biết cách điều phối thì chúng luôn có sự liên kết, ảnh hưởng tích cực qua lại nhau để hướng tới mục tiêu chung là giúp hoàn thiện bản thân sinh viên.
Những kiến thức ta học được trên giảng đường là nền tảng tri thức cốt lõi để vận dụng trong quá trình làm việc, hoạt động phong trào giúp ta cảm thấy tự tin hơn và rèn luyện được những kĩ năng mềm cần thiết, làm thêm là cơ hội để trải nghiệm thực tiễn, sau này khi ra trường không quá bỡ ngỡ với công việc. Tất cả đều là những hoạt động cần thiết, cần được lựa chọn cẩn thận, sắp xếp hợp lý, thực hiện nghiêm túc nâng cao năng lực sinh viên và đạt được những mục tiêu sau tốt nghiệp. Vì vậy, bạn nên lựa chọn giữa việc học tập - các hoạt động phong trào – việc làm thêm có sự hỗ trợ nhau, đều hướng tới mục tiêu chung và giúp hoàn thiện, phát triển bản thân theo hướng tích cực. Hãy nên chọn những công việc làm thêm mang lại lợi ích cho việc học tập của bạn, như xin vào một cửa hàng sửa chữa máy tính nếu bạn học công nghệ thông tin, hoặc làm cộng tác viên cho một tờ báo nếu bạn học chuyên ngành về báo chí. Với xã hội phát triển như bây giờ, những công việc nghiêm túc, chuyên nghiệp như thế không thiếu, quan trọng là bạn phải biết lựa chọn để có thể thích nghi.
Cuối cùng, bạn phải đảm bảo được sức khỏe
Dù bạn có tập trung vào việc học, hoạt động phong trào hay làm thêm thì hãy luôn nhớ rằng, tài sản lớn nhất của tuổi trẻ chính là sức khỏe. Nếu bạn đang phải gồng mình lên đuổi theo những deadline “không tưởng” thì đừng ngại ngần chia sẻ điều này với cấp trên, hoặc giảng viên để đề nghị giãn deadline. Nếu bạn cảm thấy chật vật trong việc tìm kiếm ý tưởng mới thì việc cắm đầu trong phòng làm việc trước màn hình máy tính cũng sẽ chẳng giúp ích gì. Vậy thì chi bằng hãy tự thưởng cho mình đôi phút nghỉ ngơi thư giãn để “refresh” lại bản thân, biết đâu từ đó mà các ý tưởng mới lại tuôn trào. Hãy nhớ rằng bạn không chỉ làm việc trong một hay hai năm, mà bạn cần sức khỏe để làm việc cả đời. Vậy nên đừng phung phí nó vào những cách làm việc thiếu khoa học nhé.
Trên đây là những chia sẻ của mình về việc cân bằng giữa việc học tập, hoạt động phong trào và làm thêm thời sinh viên. Hy vọng sẽ giúp các bạn sinh viên có những kế hoạch và mục tiêu tốt hơn trong thời gian tới!
kỹ năng mềm
Đúng là bây giờ các bạn sinh viên có rất nhiều cơ hội để trải nghiệm bên ngoài, nhưng việc học vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất
Phạm Phương Thúy
Đúng là bây giờ các bạn sinh viên có rất nhiều cơ hội để trải nghiệm bên ngoài, nhưng việc học vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất
Nguyễn Văn Quân
Việc học của mình cũng đã có 1 thời gian bị chi phối bởi những hoạt động ngoại khóa. May sao mình cũng đã vượt qua được và tự rút ra được những bài học ý nghĩa cho bản thân.
Hồ Khánh Linh
Qua thời sinh viên em thấy rất hiếm bạn có thể cân bằng được, thường là các bạn ý sẽ thiên về một mặt nào đó hơn.
Hoàng Thu Trang
Cảm ơn bài viết rất ý nghĩa của chị!
Trần Đức Việt
Bài viết rất thực tế chị ạ
Đình Tú
Đọc xong bài chia sẻ này mới nhận ra nhiều điều. Cảm ơn chị ạ!
Ngọc Nhi
Đọc xong thấy hình ảnh mình trong đó :((
Nguyễn Kiều Thơ
Đúng là bây giờ 3 hoạt động này chi phối sinh viên rất nhiều, phải khó lắm mới có thể cân bằng được
Đàm Ngọc Linh
Cảm ơn chia sẻ của chị nhiều ạ!
Nhiên Ngọc Huyền
Sinh viên là quãng thanh xuân đẹp nhất, vậy nên hãy biết cách cân bằng để sau này không phải hối tiếc