Làm thế nào để "CAI NGHIỆN ĐƯỢC ĐIỆN THOẠI" ?

  1. Kỹ năng mềm

Bạn có rơi vào trạng thái: mở máy tính ra để làm việc nhưng phải dành vài phút, thậm chí vài tiếng để check facebook, message, zalo, email, đọc tin rồi mới có thể bắt đầu công việc? Hoặc cứ làm việc một lúc (khoảng 15 - 20 phút) bạn lại phải ngó nghiêng, “lướt” facebook một chút rồi mới yên tâm làm việc tiếp? Một ngày bạn dành quá nhiều thời gian bên chiếc smartphone. Đi đâu chẳng may quên điện thoại, bạn đứng ngồi không yên, cảm thấy vô cùng khó chịu, bồn chồn, chỉ muốn lao ngay về nhà để “vồ” ngay lấy nó…Nếu bạn đang có những “triệu chứng’ như trên thì mình e là bạn đã mắc chứng bệnh “nghiện” điện thoại !

Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, chiếc điện thoại smartphone cùng với nhiều phương tiện hiện đại khác đã trở thành một công cụ hữu ích giúp chúng ta giải quyết rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Với tính năng tích hợp, chiếc điện thoại như một vật đa năng chứa đựng trong nó tất cả những gì mà con người cần: gọi điện, nhắn tin, xem phim, chụp ảnh, quay phim, đọc báo, xem truyền hình, bán hàng, học tập, kết nối…Phải nói rằng sự ra đời của chiếc điện thoại smartphone đã đem lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của chúng ta, tạo ra nhiều thay đổi trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Con người trở nên thông minh hơn, năng động hơn, có nhiều cơ hội để thể hiện năng lực, giá trị bản thân, kết nối thường xuyên với bạn bè, gia đình, kéo gần khoảng cách, thúc đẩy mối liên kết trên toàn cầu…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chiếc smartphone cũng đem đến cho cuộc sống của con người những tác hại khôn lường mà đôi khi chính chúng ta không kiểm soát được. Chúng ta trở thành kẻ ghen ghét, đố kị với hạnh phúc của người khác khi so sánh cuộc sống của mình với cuộc sống của họ, kéo theo đó là sự căng thẳng, stress, những mặc cảm, tự ti vì mình không có được những điều mà người khác đang có. Điện thoại cũng ảnh hưởng đến sức khỏethể chất và tinh thần của mỗi người khi hàng ngày, hàng giờ chúng ta dành quá nhiều thời gian dán mắt vào màn hình điện thoại được thiết kế nhỏ gọn. Mắt chúng ta trở nên thâm quầng, lờ mờ sau những đêm thức trắng xem phim trên chiếc smartphone đầy ma lực. Chúng ta trở nên lười vận động, suy nghĩ, tư duy trước một vấn đề bởi khi cần bất cứ điều gì ta đã có ông Google vạn năng giải đáp. Điều nguy hại hơn nữa là ta thường bị cuốn theo các dòng trạng thái thông tin trên mạng xã hội (qua chiếc smartphone) mà khi đi ra nó đã tiêu tốn của ta vài tiếng đồng hồ. Đó là chưa kể việc chúng ta sẽ mất dần thói quen đọc sách giấy (khi mọi thứ đã có sẵn trên điện thoại) hoặc có người cho rằng giờ đây không cần sách nữa vì chúng ta đã có thể tìm kiếm mọi thông tin trên chiếc điện thoại.

Dường như chiếc điện thoại smartphone đang chiếm lĩnh mọi không gian, thời gian của chúng ta. Nhiều người khi ăn cơm cũng phải để điện thoại bên mình bởi nếu không chỉ cần bỏ lỡ một vài phút không online là bao thông tin có thể trôi tuột mất. Về nhà, bố mẹ mỗi người một chiếc điện thoại, trẻ con không còn biết chơi cùng ai nữa khi mà bố mẹ chúng đang vội dõi theo những thông tin như vũ bão trên mạng xã hội. Vào quán café, dù ngồi cùng bàn nhưng mỗi người một chiếc điện thoại. Vợ chồng khi đi ngủ, mỗi người một điện thoại. Vào lớp học, sinh viên mải miết lướt điện thoại mà không nghe thầy cô giảng bài …Chúng ta không còn có nhu cầu giao tiếp, kết nối với người khác nữa. Chỉ cần một chiếc smartphone bên mình là ta có thể ở một mình với nó.

Có thể thấy rằng, chiếc smartphone như một kẻ “sát nhân thầm lặng” đã và đang “cướp đi” của chúng ta quá nhiều thứ: thời gian, sự tập trung, sự kết nối, thói quen tư duy…Chúng ta đang bị mắc một hội chứng với tên gọi là “bệnh sợ bị bỏ lỡ’, bệnh nghiện sự kết nối 24/24.

Thời gian gần đây chính mình cũng bị rơi vào thói nghiện ngập đó. Và khi cảm thấy những tác hại khôn lường (như mình đã chỉ ra ở trên), đặc biệt là sự mất tập trung khi làm việc, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc, thể chất và tinh thần…mình quyết định cần phải “cai nghiện”. Vậy làm thế nào để có thể “cai nghiện” điện thoại và trở thành người dùng thông minh? Đây là một số cách mà mình đang áp dụng và bước đầu đã có kết quả:

Trước hết, bạn cần nhìn nhận lại về cuộc sống, công việc, các mối quan hệ của bản thân, kiểm chứng kết quả các việc mà bạn đang làm trong thời gian gần đây để xem chiếc smartphone có thật sự là vật bất ly thân, cần thiết cho công việc và đem lại nhiều lợi ích cho bạn. Nếu cần thì việc bạn sở hữu một chiếc điện thoại smartphone bên mình là điều hết sức bình thường. Nhưng nếu quả thực chiếc smartphone đang đưa đến nhiều kết quả không tốt, bạn cần phải nhận rõ tác hại của nó và “cai nghiện” nó bằng nhiều cách, như:

Cài đặt chế độ kiểm tra/nhắc nhở việc bạn dùng điện thoại mỗi tuần (thời lượng, đánh giá, so sánh…) để bạn biết được mình đang dùng smartphone ở mức độ nào.

Khi làm việc (như đọc sách, viết lách, hội họp, dạy học) đòi hỏi sự tập trung cao độ, hãy tắt điện thoại hoặc để chế độ máy bay, chế độ không làm phiền nhằm tách bản thân ra khỏi thiết bị. Tốt nhất là bạn nên để mình xa điện thoại, hoặc trong khoảng thời gian làm việc đòi hỏi sự tập trung, khẩn cấp bạn có thể gỡ bỏ các chương trình, phần mềm dễ gây phân tâm, thu thu hút sự chú ý tò mò trên smartphone (như facebook, zalo, tiktok…).

Nên đặt ra thời gian check tin nhắn, email, vào facebook, đọc tin tức…và cố gắng thực hiện theo. Ví dụ mình sẽ dành thời gian này vào đầu buổi sáng trước mỗi buổi làm việc, giờ nghỉ trưa hoặc khi nghỉ giải lao…Điều này hoàn toàn linh hoạt, phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất công việc, thời gian biểu của bạn mỗi ngày. Tuy nhiên, lời khuyên của mình là các bạn nên nghiêm túc, rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân.

Hình thành thói quen không dùng điện thoại khi đang làm việc khác: khi café với bạn bè, khi chơi với con, trong cuộc họp, đi học…Bạn nên dành thời gian trọn vẹn, tập trung toàn bộ tâm trí, sự chú ý vào thời điểm, khoảng khắc tham gia. Ví dụ: mình đã làm được điều này khi tham gia khóa học “Nhà giáo dục đổi mới sáng tạo”. Mình đã hoàn toàn tắt điện thoại để dành toàn bộ sự chú ý, lắng nghe và tiếp nhận kiến thức trong lớp học. Hay buổi tối là khoảng thời gian sum họp gia đình, bố mẹ gần gũi, nói chuyện với con, dạy con học tập…vì vậy, nếu không quá cần thiết bạn nên tắt hoặc không nhất thiết phải check điện thoại khi về đến nhà.

Có thể sẽ nhiều bạn nghĩ rằng nếu tôi không để ý điện thoại, check tin thì rất có thể sẽ bỏ lỡ cuộc gọi, tin nhắn quan trọng (trừ khi công việc của bạn rất cần thiết phải check điện thoại một cách thường xuyên) còn lại đa phần công việc của chúng ta không quá khẩn cấp, quan trọng đến như vậy. Mình đã thử điều này khi tắt điện thoại trong vòng nửa ngày và kết quả là không có điều gì quan trọng cả. Hoặc bạn lo lắng người khác sẽ không liên lạc được với bạn, trách móc bạn nhưng mình tin rằng nếu bạn xây dựng cho mình một phong cách làm việc thì dần dần người khác sẽ hiểu và biết thời điểm nào nên điện thoại cho bạn hoặc sử dụng hình thức kết nối phù hợp.

Sử dụng phương pháp quản lý thời gian Pomodoro để có thể tập trung vào làm việc một cách tối đa. Hiện nay mình đang áp dụng và thấy nó khá hiệu quả. Bạn có thể tham khảo về phương pháp này nhé.

Sẽ thật là khó chịu khi buộc mình phải từ bỏ một thói quen, từ bỏ chiếc điện thoại đã trở thành vật bất ly thân của bạn lâu nay. Nhưng mình tin rằng nếu bạn quyết tâm, cố gắng bạn sẽ làm được. Tất nhiên thời gian đầu bạn nên từng bước tách dần chiếc điện thoại chứ không nên hoàn toàn đoạn tuyệt với nó. Mình hy vọng một số chia sẻ này sẽ hữu ích với bạn. Hãy là người thông minh khi sử dùng các thiết bị công nghệ các bạn nhé!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Em đúng kiểu nghiện khó bỏ luôn😥 😥 😥

Trả lời

Em đúng kiểu nghiện khó bỏ luôn😥 😥 😥

Xịn quá chị ơi😍 😍 😍

em rơi đúng vào tình trạng như chị nói luôn ạ

chia sẻ của chị rất hữu ích ạ

Chắc từ nay phải quyết tâm thôi, chứ không thì bỏ lỡ nhiều thứ lắm

Đúng là chứng nghiện này khó bỏ thật sự :((

Cảm ơn chia sẻ của chị!

Cảm ơn chị, em sẽ áp dụng những phương pháp này ạ

Bây giờ có rất nhiều người nghiện điện thoại, mong mọi người có thể thấy được chia sẻ hữu ích của chị

Hay quá! em cảm ơn cô đã chia sẻ. Đáng sợ nhất là việc nghiện điện thoại còn khiến chúng ta bị thiếu ngủ, khó ngủ ạ.