Làm sao nói dài, nói dai nhưng không nói dại ?
Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống một cuộc trò chuyện tự dưng đi vào bế tắc, dường như chẳng còn nội dung gì đáng nói và não bạn như chợt đông đá? Trừ khi hai bạn là người yêu, còn trải qua 30 giây im lặng trong một cuộc trò chuyện với những người mới quen thì quả là thảm họa. Xin phép chia sẻ những mẹo mình đã học được. Bạn có thể dùng ngay vào lần tới hẹn hò hay buổi gặp mặt networking tới, không chỉ để đối phó mà còn tránh tình huống này xảy ra.
1. Để ý tới nội dung cuộc trò chuyện.
Mục đích cuộc gặp gỡ của bạn sẽ quyết định nội dung câu chuyện, nhưng cũng đừng để những câu chuyện mở đầu vô thưởng vô phạt. Nhìn chung ở hầu hết trong những tình huống giao tiếp thông thường, 4 chủ đề con người thích nói nhất có thể gói gọn trong 4 chữ FORD.
F – Family (Gia đình)
O – Occupation (Nghề nghiệp)
R-Recreation (Sở thích)
D-Dream (Ước mơ)
Đặt nội dung câu chuyện trong 4 chủ đề này là cách khá tốt để đối phương mở lòng sẵn sàng chia sẻ và lắng nghe, chắc chắn thú vị hơn nhiều so với cuộc bàn luận về thời tiết. Chỉ cần lưu ý đừng dùng những câu hỏi quá riêng tư hay quá đột ngột ở những nơi không phù hợp.
2. Hỏi những câu hỏi mở.
Nếu cuộc trò chuyện của bạn tự dung im bặt, nguyên nhân đôi khi là do cách hỏi của bạn. Nếu vô tình đặt câu hỏi liên tiếp, bạn chính là anh chàng rau dền
- Em có thích ăn rau dền không? Dạ không
- Thế anh trai em thích ăn rau dền không ? Dạ cũng không
- Thế mẹ em thích ăn rau dền không ? Dạ không
Đó là những ví dụ khá rõ về những câu hỏi đóng. Giả sử sau câu hỏi đầu tiên, chàng trai có thể hỏi thêm về sở thích ăn uống của cô gái. Từ đây câu chuyện có rất nhiều hướng đi mới: thói quen nấu ăn, những nhà hàng ưa thích,…
3. Dùng những lời nhận xét.
Nếu chỉ liên tục dừng ở mức đặt câu hỏi, khả năng cao người khác sẽ sợ bạn khác gì nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Hãy chèn vào những lời khen, nhận xét và hay thậm chí vài câu đùa nếu bạn tự tin vào khiếu hài hước của bản thân. Nếu người đang nói chuyện với bạn nhìn thật tráng kiện, bạn có thể khen đồng thời nhận xét anh ta giống một vận động viên. Nếu người đang nói chuyện với bạn rất hay cười, hãy thử họ biết điều đó và nhận xét họ rất hợp với vị trí chăm sóc khách hàng hay giáo viên mẫu giáo. Nếu nhận xét của bạn chính xác, chúc mừng bạn có thêm nội dung để đào sâu. Nếu nhận xét của bạn sai, nó vẫn khơi lên sự tò mò từ đối phương về lí do của lời nhận xét, và bạn lại có cơ hội để nói về ấn tượng với họ. Chỉ cần những nhận xét của bạn không quá nịnh bợ và không quá xúc phạm, khả năng cao cuộc trò chuyện sẽ có nhiều hướng đi thú vị.
4. Chơi trò "gợi nhớ tới”
Mẹo cuối cùng là một trò bạn có thể tự chơi trong trường hợp đầu óc trống rỗng. Cách chơi khá đơn giản: bạn nhìn quanh một vòng về môi trường, không gian bài trí lúc đó và chọn 1 chủ đề để tiếp tục cuộc hội thoại. Ví dụ: quán bia gợi nhớ tới lần đầu đi chơi ở Hà Nội. Kể cả khi không có gì khiến bạn thấy thân quen, trò chơi vẫn có thể khiến bạn gợi nhớ về những lần bạn tới môi trường hoàn toàn mới. Đừng ngần ngại chia sẻ điều đó. Chính những cảm xúc và câu chuyện cá nhân của bạn mới là những yếu tố khiến câu chuyện hấp dẫn.
Còn bạn có những mẹo nào khiến cuộc trò chuyện thú vị, hãy chia sẻ để mọi người cùng học bên dưới nha.
kỹ năng mềm
Rất hay! Cảm ơn bạn :D
Người ẩn danh
Rất hay! Cảm ơn bạn :D