Làm sao hình thành tư tưởng riêng cho bản thân?
Qua quan sát và trao đổi với nhiều người, tôi nhận thấy một thực tế là không phải ai cũng ý thức được họ đang tương tác với môi trường, xã hội dựa trên những cơ sở nào. Chúng ta thường phản ứng lại những tác động của môi trường xung quanh theo những gì được dạy từ môi trường hay từ một người nào đó, và ngay cả người đó cũng đi học từ người khác.
Ta vui, buồn, giận, ghét, yêu thương, căm hờn, tự hào… hoặc đánh giá người khác tốt, xấu, hiền, dữ… đánh giá một sự việc là hay, dở, đúng, sai… theo một cơ chế gần như là “tự động”. Chúng ta góp nhặt những tư tưởng xung quanh và xem nó như một công thức để rồi áp dụng mà không hề hiểu tại sao. Qua bài viết này, tôi muốn thảo luận về vấn đề “làm sao để hình thành nên tư tưởng cho bản thân mình?”
Tư tưởng cá nhân là gì?
Thời gian qua, tôi nhận được khá nhiều câu hỏi dạng “làm thế nào để tìm ra hay hình thành tư tưởng cho bản thân mình?” từ những người rất trẻ. Họ ý thức được rằng mình đang phản ứng, đang suy nghĩ và hành động theo những quy chuẩn không phải của riêng mình. Họ mong muốn tìm kiếm và hình thành nên một hệ thống quan điểm do chính họ tạo ra để hiểu và áp dụng cho bản thân.
Tư tưởng hay quan điểm, hay thế giới quan của một người là một hệ thống lý luận, lập luận được hình thành trong tâm hồn mỗi người mà dựa trên đó người ta đưa ra những suy luận và phản ứng khi gặp kích thích từ môi trường bên ngoài. Nó giống như một bộ lọc để chọn lọc những gì ta muốn hấp thu và giống như một cặp kính khi ta nhìn ra ngoài thế giới.
Làm sao để hình thành tư tưởng cá nhân?
1. Quan sát nội tâm:
Mỗi ngày, hãy dành ra khoảng 15 phút, tìm một nơi yên tĩnh, thoải mái để ngồi trong im lặng. Chỉ ngồi thôi, không làm gì khác. Chọn một tư thế ngồi thoải mái để không phải xoay tới xoay lui. Hít thở sâu, cho hơi thở đi xuống bụng rồi thở ra chậm rãi. Sau một vài hơi thở, thân thể ta sẽ thả lỏng, thoải mái…và buồn ngủ. Nhưng nhớ đừng ngủ, ta đang luyện tập, ta đang tìm hiểu nội tâm mình. Tiếp tục hít thở và “nhìn” vào tâm trí mình, xem có những suy nghĩ nào đang xuất hiện và chạy nhảy trong đó. Ví dụ: “Có ai nhìn mình không ta?” “Tại sao mình lại nghe lời làm việc ngu ngốc này?” “Giờ này TV chiếu phim gì?” “Vừa nãy có em hot girl mới add friend…” Bạn sẽ thấy có rất nhiều, rất nhiều suy nghĩ chạy lung tung, và những suy nghĩ càng về sau càng hấp dẫn, rồi nó sẽ dẫn bạn chạy theo luôn.
Dừng lại, hít thở và tiếp tục quan sát. Đừng chạy theo những suy nghĩ đó trong 5 phút là thành công ban đầu rồi. Đây là một bài tập thiền căn bản, điểm quan trọng là nó giúp ta phân biệt được những suy nghĩ xuất hiện trong đầu và bản thân ta, giúp ta không bị những suy nghĩ đó làm chủ bản thân. Quan sát nội tâm cũng giúp ta hiểu bản thân mình hơn, có lợi cho những hoạt động về sau.
2. Dừng một nhịp:
Trước khi muốn nói câu gì đó, làm hành động nào đó hãy dừng lại một nhịp và quan sát nội tâm, xem suy nghĩ nào đang có ở đó, rồi tự hỏi xem đó có phải là suy nghĩ của chính mình hay không, hay đó là một “cơ chế tự động” của não bộ đã được lập trình từ bao nhiêu năm qua? Bước này rất quan trọng. Nó giúp ta tránh nhiều sai lầm không đáng, hạn chế cơn giận.
3. Để tâm vào những việc mình làm
Ta có thể học được rất nhiều thứ chỉ bằng việc quan sát cuộc sống, trong những sinh hoạt hàng ngày hoặc trong những bài học nhàm chán trên giảng đường, chỉ cần ta để tâm khi làm những việc đó. Để tâm là sao? Là khi lái xe chỉ lái xe, khi ăn cơm chỉ ăn cơm, khi học tiếng Anh thì không nhớ sang “tiếng em”. Lúc làm việc, hãy thử quan sát nội tâm xem có bao nhiêu suy nghĩ chạy đến quyến rũ tâm trí bạn làm bạn xao lãng khỏi hiện tại. Đuổi nó đi hết và tập trung tâm trí vào việc đang làm.
Cũng như việc đọc sách: Không phải cứ đọc nhiều sách là tốt, chỉ đọc một vài quyển mà hiểu hết những điều hay trong đó mới tốt hơn. Có những điều tác giả không nói, nhưng nếu chú tâm ta sẽ liên hệ với thực tế của mình để nghĩ ra nhiều điều hay hơn!
4. Học hỏi từ người khác
Chúng ta có quá nhiều bậc tiền bối tài ba, họ cũng đã đi qua con đường mò mẫm tìm hiểu thế giới, tìm hiểu nội tâm.. Không việc gì ta phải tự mò nữa, hãy đi theo bước chân họ. Ngày nay, chỉ cần muốn học, ai ai cũng có thể dễ dàng tiếp xúc với tri thức, cụ thể nhất là thông qua sách. Hãy đọc sách và học hỏi nghiêm túc. Điểm lưu ý quan trọng trong việc học hỏi chính là phải tôn trọng ý tưởng của người khác. Đừng bao giờ cố tình lãng tránh, bỏ quên tác giả hay thậm chí nhận vơ kiến thức, lý luận, câu nói nào đó là của mình. Muốn có lý luận của riêng mình thì hãy tôn trọng lý luận của người khác, nếu không thì ta sẽ mãi chỉ là con vẹt, không hơn.
5. Hãy im lặng
Muốn hấp thu và cảm thụ được những đạo lý, tư tưởng trên đời thì cần phải im lặng. Cũng giống như ăn cơm vậy, không thể vừa nhai cơm vừa mở miệng được. Im lặng, chậm rãi “tiêu hóa” những gì đã học, đừng vội vàng “phát thanh” lên cho cả thế giới biết mình cũng là “học giả” cao siêu. Làm vậy giống như vừa ăn được miếng ngon, chưa kịp nuốt thì đã ói ra bằng hết. Như vậy cả đời cũng không bổ béo lên được mà còn làm ô nhiễm môi trường.
Lời kết: Hãy nhìn thế giới bằng con mắt của bạn!
Tôi viết bài viết này, cũng như những bài viết khác từ trước đến nay, với tâm thái của một người học trò chia sẻ những gì mình học được cho các bạn học khác. Xin chúc cho tất cả chúng ta đều có một cuộc sống minh triết và trọn vẹn.
Tran Ngoc An