Làm sao để kiểm soát cơn giận của bạn?
“Uhm...Đúng là mình của bây giờ không còn là mình sốc nổi của mười mấy năm về trước, nóng tính, cáu kỉnh và dễ nổi giận. Giờ đây đã rất điềm tĩnh, nhẹ nhàng hơn và có thể dung hòa mọi chuyện theo hướng tích cực nhất.”
Sau bao nhiêu năm nhìn lại mới chợt nhận ra, đúng là bản thân mình đã thay đổi rất nhiều. Có lẽ chính sự trưởng thành theo năm tháng đã khiến mình tự biết cách điều chỉnh mọi hành vi, kiểm soát mọi cảm xúc của bản thân.Vậy làm thế nào để có thể kiểm soát cơn giận của bản thân một cách hiệu quả nhất?
Thay đổi hoàn cảnh
Đây không phải là một việc nên làm, hay có thể làm nữa mà mà đối với mình, đó là điều bắt buộc phải thực hiện để có thể kiểm soát cơn giận của bản thân một cách tích cực nhất. Vì sao ư? Đơn giản thôi, sự kết hợp giữa việc tránh xa con người, tình huống gây ra sự tức giận của bản thân và làm các giác quan “bất ngờ” với môi trường mới là cách tốt nhất giúp bạn lấy lại được bình tĩnh. Nếu như ngay lúc đó bạn không thể tìm được một địa điểm khác hợp lý, hãy tưởng tượng! Tưởng tượng mình đang ở trong một khung cảnh thư giãn tuyệt đối. Có thể là sân chơi thời thơ ấu, một khu rừng yên tĩnh, một hòn đảo hoang hay một vùng đất trong mơ cũng được - bất kỳ địa điểm nào khiến bạn cảm thấy thoải mái và yên bình. Tập trung tưởng tượng vào từng chi tiết của địa điểm ấy: ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, thời tiết, mùi hương,...Hãy tưởng tượng cho tới khi bạn hoàn toàn đắm mình vào đó, ngưng lại một vài phút và chắc chắn bạn sẽ bình tĩnh trở lại.
Hít thở sâu
Nếu tim đập loạn xạ vì giận dữ, hãy làm chậm lại bằng cách kiểm soát nhịp thở. Hít thở sâu là một trong những bước quan trọng nhất trong thiền chánh niệm, giúp kiểm soát cảm xúc một cách dễ dàng. Phương pháp này có lẽ chúng ta ai cũng đều biết đến, nhưng chắc chắn không phải bất cứ ai cũng có thể thực hiện tốt được. Bạn có thể thực hiện theo các bước:
- Đếm đến 3 khi hít vào, giữ hơi thở tầm 3 giây hoặc lâu hơn, sau đó đếm đến 3 rồi thở ra. Hãy tập trung vào việc đếm nhịp khi thở.
- Đảm bảo hít thở đầy lồng ngực theo mỗi nhịp để ngực và bụng được mở rộng. Sau đó thở mạnh ra, nhớ nghỉ giữa các lần hít thở.
- Tiếp tục hít thở đến khi lấy lại được sự kiểm soát cơn giận dữ.
Tham gia các hoạt động thể chất
Chất Endorphin được sản sinh khi tập luyện thể dục giúp chúng ta bình tĩnh. Vận động cơ thể còn giúp thoát khỏi cơn thịnh nộ và đối phó với cơn giận. Hơn nữa, duy trì tập luyện thường xuyên còn giúp điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Khi tập luyện, hãy tập trung suy nghĩ về bài tập và cơ thể, đừng để tâm tới những suy nghĩ xuất hiện trong đầu. Một số phương pháp tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp có thể giúp bạn kiểm soát cơn tức giận như: Chạy bộ hoặc đi bộ, Đạp xe, Bơi lội, Khiêu vũ, Yoga, Thiền,.. hay các hoạt động mạnh mẽ hơn dành cho nam giới như: Nâng tạ, Bóng rổ, Võ thuật, Quyền anh.
Ngủ đủ giấc vào ban đêm
Người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7- 8 tiếng mỗi đêm để giữ gìn sức khỏe. Thiếu ngủ có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm khả năng tiết chế cảm xúc sao cho phù hợp. Vì vậy, việc ngủ đủ giấc sẽ giúp cải thiện tâm trạng và làm nguôi cơn tức giận của bạn. Bản thân mình khi còn trẻ, thật sự mình đã cực kỳ xem nhẹ sự quan trọng của giấc ngủ. Điều đó cũng cực kỳ dễ hiểu cho lý do vì sao mình lại trở nên nóng tính và dễ nổi giận đến như vậy. Đặc biệt là các bạn sinh viên bây giờ với chế độ “ngủ ngày cày đêm” thực sự rất nguy hiểm, vì mình đã trải qua nên mình rất hiểu điều đó. Và nếu bạn bị rơi vào trạng thái mất ngủ kinh niên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Có thể bạn cần phải thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen sinh hoạt để có thể cải thiện giấc ngủ được sâu và ngon hơn.
Viết nhật ký
Nghe thì có vẻ hơi hài hước và vô lý nhỉ, nhưng mình đã trải qua,đã thực hiện và có thể nói cực kỳ hiệu quả. Hãy bắt đầu viết chi tiết về cơn tức giận của bản thân. Nếu gặp trường hợp mất kiểm soát cảm xúc, hãy viết chúng vào nhật ký. Nhớ viết cụ thể rằng bạn cảm thấy thế nào, điều gì khiến bạn tức giận, bạn đã ở đâu, cùng với ai, bạn đã phản ứng ra sao và sau đó cảm thấy thế nào. Sau một khoảng thời gian viết nhật ký, bạn có thể tìm ra được điểm chung trong từng cơn giận dữ của mình để xác định được nguyên nhân, điều gì đã khiến bản thân tức giận tức giận đến thế. .
Sau một thời gian, bạn có thể đánh giá lại nhật ký của mình và hiểu được nguồn cơn, cũng như tự nhận thức được rằng lúc đó mình đã đúng hay sai, để có thể kiểm soát cảm xúc của mình ở những lần tiếp theo và không lặp lại.
Hy vọng rằng những chia sẻ của mình sẽ thật sự hữu ích đối với các bạn. Chúc các bạn có được một cuộc sống luôn vui vẻ, lạc quan và tràn ngập niềm hạnh phúc!