Làm nghề Business Analyst (chuyên viên Phân tích kinh doanh) thế nào cho tốt?
Những chia sẻ trong bài viết sau đây đến từ bạn Hương Nguyễn - cử nhân chuyên ngành Hệ thống Thông tin Kinh doanh (Business Information System - BIS) tại đại học RMIT Việt Nam. Trong bài viết này, Noron! Talk sẽ thay lời Hương kể lại hành trình đến với nghề Business Analyst - chuyên viên Phân tích kinh doanh - công việc hiện tại của bạn.
Con đường đến với nghề không bằng phẳng
Quá trình học
Hương chia sẻ: trong suốt quá trình học đại học, bạn đã từng đưa ra quyết định thay đổi ngành, một phần vì đại học RMIT là một trong số ít các trường đại học cho phép điều đó, phần còn lại vì bạn cảm thấy không thực sự có hứng thú với ngành học hiện tại.
Thế nên, sau khi học hết học kỳ 1 trong năm đầu tiên, Hương đã quyết định chuyển từ ngành Tài Chính (Commerce) sang BIS. Ở ngành học mới, bạn cảm thấy phù hợp hơn. Ngoài ra, vì BIS là ngành tích hợp giữa quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin (CNTT), nên có thể mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp. Và quan trọng nhất là, bộ phận tư vấn hướng nghiệp tại trường đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tiềm năng phát triển của ngành học này trong tương lai.
(ảnh: Business Analyst training).
Quá trình đến với nghề
Tại đại học RMIT, các sinh viên khi bước vào năm thứ 3 sẽ có cơ hội được thực tập tại một công ty tự chọn bất kỳ. Đây là một hình thức giúp các sinh viên có được những trải nghiệm trực tiếp với nghề, nhằm phát triển một góc nhìn chính xác, khách quan về nghề nghiệp mà mình quan tâm.
Hương chia sẻ rằng bạn đã trải qua 3 tháng thực tập tại một Marketing Agency với quy mô nhỏ (dưới 10 người) với nhiều đồng nghiệp người nước ngoài. Cũng tại đây mà bạn đã thu nhận được rất nhiều kiến thức, kĩ năng cứng về marketing và các kĩ năng mềm khác.
Vào năm thứ 5 đại học, Hương tiếp tục chuyển sang làm việc cho một công ty startup, cũng với quy mô dưới 10 người. Vì là một startup, nên các nhân viên công ty thường phải đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Nhờ vậy, Hương đã phát triển được thêm các kĩ năng như chăm sóc khách hàng và hướng dẫn các bạn thực tập sinh. Công việc này kéo dài khoảng 1 năm rưỡi trước khi Hương chuyển sang công việc tiếp theo, cũng là công việc hiện tại của bạn.
Năm thứ 6 và 7 đại học, Hương ứng tuyển thành công vào vị trí Associative Business Analyst (BA) tại một công ty gia công phần mềm quy mô lớn (trên 800 nhân viên). Vì làm việc cho một công ty lớn, nên Hương có điều kiện được tập trung hơn vào chuyên môn của mình. Cũng tại đây mà bạn hiểu được cách vận hành của một công ty lớn.
Những chia sẻ về nghề BA
Các khó khăn
Một trong những bất cập mà Hương đã chia sẻ, về việc làm cho các công ty lớn, đặc biệt là với những công ty gia công phần mềm, là các chuyên viên BA thường sẽ không được tự lựa chọn dự án cho mình. Các dự án sẽ do bộ phận nhân sự sắp xếp cho bạn. Việc này vô hình chung tạo ra các rào cản để bạn có thể phát triển những mảng kĩ năng hoặc kiến thức mong muốn của mình.
Những hiểu lầm xoay quanh vấn đề "lựa chọn domain"
Đây thực chất là một trong những câu hỏi thường gặp của những bạn trong ngành. Bản chất của nghề BA là phân tích, xác định các vấn đề trong một doanh nghiệp, và đưa ra các giải pháp có giá trị cho doanh nghiệp đó. Các doanh nghiệp thì có thể thuộc về rất nhiều các phân ngành đa dạng, khác nhau. Những phân ngành này còn được gọi là 'domain'. Một doanh nghiệp có thể thuộc về các phân ngành như ngân hàng, bảo hiểm, kĩ thuật công nghệ, thương mại điện tử, viễn thông, giao thông vận tải...
Một trong những hiểu lầm mà nhiều người có về nghề BA là: trước khi nhận một dự án cho một công ty nào đó, chuyên viên BA sẽ cần phải có được một số vốn kiến thức vừa đủ về domain cụ thể của công ty đó. Những kiến thức và kĩ năng khác chỉ là phụ. Tuy nhiên, Hương cho biết: kinh nghiệm làm việc của bạn chứng minh rằng thực chất kĩ năng làm việc hiệu quả với cả khách hàng và đội ngũ lập trình viên trong công ty mới là yếu tố quan trọng nhất. Sự kết nối chính là yếu tố cốt lõi. Cụ thể hơn: các chuyên viên BA nên tập trung phát triển 2 kĩ năng chính yếu là communication (kĩ năng giao tiếp) và negotiation (kĩ năng thương lượng).
Sau khi xây dựng được lòng tin và sự kết nối nơi khách hàng và đồng nghiệp, các BA hẵng chuyển sang bước tiếp theo là thu thập các kiến thức đặc thù của domain của công ty khách hàng.
(ảnh: Small Business Bonfire).
Các lời khuyên khác
Ngoài ra, Hương cũng chia sẻ rằng những kĩ năng như networking (kĩ năng 'mở rộng các mối quan hệ chuyên nghiệp') và khả năng sử dụng tiếng Anh, một tư duy rộng mở, dễ tiếp nhận (open-mindedness) cũng rất cần thiết. Những kĩ năng này khi kết hợp với nhau sẽ giúp các chuyên viên BA nhận được nhiều dự án hơn.
Hương cũng chia sẻ: khi làm việc trong các công ty lớn, chúng ta không cần phải quá 'ba đầu sáu tay'. Các BA chỉ cần tập trung làm thật tốt và trọn vẹn công việc BA của mình. Còn các công việc khác, như quản lý dự án thì đã có Project Manager lo, hoặc việc lập trình đã có đội ngũ kĩ thuật lo. Multi-task thực sự không phải một điều nên làm.
Cuối cùng, tuy hầu hết bạn trẻ và người mới đi làm thường theo đuổi giấc mơ 'làm công việc mình đam mê', nhưng đối với Hương thì việc rèn luyện và sở hữu những kĩ năng làm việc mới thực sự là quan trọng.
Nghề Phân tích Kinh doanh quả thực là một nghề thú vị, nhưng cũng như bao ngành nghề khác, nó luôn chứa đựng những khó khăn và thử thách nhất định. Bạn có quan tâm về lĩnh vực nghề này không? Hay bạn đã có những trải nghiệm trong ngành nghề này? Hãy cùng chia sẻ trong bài viết nhé!
chân dung nghề nghiệp
,business analyst
,chuyên viên ba
,phân tích kinh doanh
,career challenge
,thấu ngành hiểu nghề
Mình chưa hiểu rõ lắm về công việc, vai trò của BA trong dự án là gì? Bạn có thể chia sẻ rõ hơn không ?
Nguyễn Khánh Chi
Mình chưa hiểu rõ lắm về công việc, vai trò của BA trong dự án là gì? Bạn có thể chia sẻ rõ hơn không ?