Làm một người nghe tốt hơn
Mỗi khi gặp khó khăn, chúng mình thường muốn chia sẻ với ai đó. Nhưng có lẽ không phải cuộc trò chuyện nào cũng khiến mình nhẹ lòng hơn. Đôi khi, những lời tâm sự bị chặn ngay ở câu: “Tại sao không làm thế này”, “Phải làm thế này”, và tương tự. Có nhiều lý do để người kia nói ra những câu như vậy. Họ muốn giúp bạn nhanh chóng giải quyết vấn đề, họ muốn thể hiện rằng mình từng trải và có đủ hiểu biết để hỗ trợ bạn, họ muốn chấm dứt nhanh cuộc trò chuyện này, họ muốn bạn thấy rằng bạn không cô đơn,... Dù lý do có là gì, thì việc nói ra những lời đó cũng đã vô tình làm tổn thương bạn.
Hồi nhỏ mình có đọc được một câu này: “Đừng bao giờ cho lời khuyên, trừ khi được hỏi.” Và mình thấy nó đúng. Việc vội vã đưa ra giải pháp có thể khiến người kia bàng hoàng, cảm thấy bản thân không được công nhận và thấu hiểu, và có lẽ cũng không muốn tiếp tục chia sẻ nữa. Nguy hiểm hơn thì sẽ tạo nên sự nghi ngờ giá trị bản thân, và dần làm tệ đi sức khỏe tâm lý.
Dạo gần đây mình thấy các dịch vụ lắng nghe ở Việt Nam đang phát triển nhiều. Chính thống thì có tham vấn tâm lý với chuyên gia; ngoài ra cũng có những hoạt động như lắng nghe sâu 1:1 và vòng tròn chia sẻ. Một phần vui mừng vì sức khỏe tinh thần đang dần được quan tâm hơn, một phần mình thấy đau lòng vì những điều cơ bản như sự quan tâm cũng phải bỏ tiền để mua.
Dù bạn không phải là một người học và làm tâm lý, bạn cũng có thể trở thành một chỗ dựa, một đôi tai tin tưởng cho người bên cạnh. Mình chia sẻ mấy điều này học được từ môn tham vấn, hy vọng là có ích cho mọi người.
Một cái nhìn tích cực về con người
Carl Rogers - nhà tâm lý học lỗi lạc người Mỹ - tin rằng bản chất con người thực sự tốt đẹp. Ẩn sâu trong mỗi con người đều là sự chủ động, tích cực, và sáng tạo. Chúng mình hoàn toàn có đủ khả năng để tự giải quyết mọi vấn đề. Nhà trị liệu tâm lý chỉ đóng vai trò như một người dõi theo, cùng thân chủ nhìn lại những điều bất ổn, và củng cố niềm tin, động lực để thân chủ tự vượt qua khó khăn ấy. Để làm được điều ấy, lắng nghe chủ động là một trong những kĩ năng quan trọng.
Lắng nghe chủ động là gì
Hiểu một cách đơn giản, đó là hoàn toàn lắng nghe lời nói, quan sát cử chỉ và biểu cảm của người đối diện, và thể hiện cho họ thấy là bạn đang thực sự lắng nghe. Khi một người tìm đến bạn và chia sẻ, thứ họ cần có thể không phải là lời khuyên hay giải pháp, mà là sự tin tưởng, động viên, và thấu hiểu.
Để lắng nghe chủ động, bạn cần:
Chú ý tới người đối diện. Nhìn vào mắt và quan sát họ, từ lời nói, giọng điệu, cử chỉ, biểu cảm.
Thể hiện rằng mình đang lắng nghe. Bạn có thể thi thoảng gật đầu, mỉm cười hoặc biểu cảm nào đó gần với cảm xúc của người đối diện, dùng những câu từ gợi mở như “Thế hả”, “Rồi sao nữa”,...
Phản hồi. Bạn nên hỏi lại những điều mà mình nghe chưa rõ, hoặc muốn hiểu kĩ hơn. Chẳng hạn, bạn có thể nói “Nãy cậu bảo là abc xyz à”, “Tớ thấy cậu bảo là bcd ghi đúng không”,...
KHÔNG CHEN VÀO KHI NGƯỜI KIA ĐANG NÓI. KHÔNG ĐÁNH GIÁ PHÁN XÉT. Mình hiểu là có những chuyện thực sự rất khó nghe, nhưng thay vì nói luôn và làm tổn thương tới mối quan hệ, bạn có thể cố gắng chậm lại một chút. Nếu khó khăn quá, hãy tưởng tượng bản thân đang nói điều đó với người kia. Không nên đưa ra lời khuyên, giải pháp, hay bất cứ điều gì trái ngược lại với lời nói của người đối diện. Hãy nhớ là con người thực sự tốt đẹp, họ chỉ đang cần một nơi để dựa vào và bộc lộ phần mệt mỏi. Họ không hề yếu đuối hay cần sự hỗ trợ nào, ngoại trừ sự kiên nhẫn và chân thành từ bạn. Bạn đang lắng nghe và quan tâm đến họ, không phải đang phỏng vấn hay tra khảo.
Một số tài liệu hữu ích
Việc lắng nghe, cũng như bất kì kĩ năng nào, đều cần được thực hành rất nhiều. Dưới đây là một vài tài liệu mình thấy có giá trị, bạn có thể tham khảo nhé:
Bài viết có tham khảo từ:
phong cách sống
,tâm lý học
,kỹ năng mềm
,tâm sự cuộc sống
,tư duy
Yêu thương và lắng nghe luôn đi cùng nhau. Nhưng đúng như bạn nói, ở thời đại này để được lắng nghe người ta cũng cần phải trả tiền. Thật đáng buồn!
Tuyết Liên
Yêu thương và lắng nghe luôn đi cùng nhau. Nhưng đúng như bạn nói, ở thời đại này để được lắng nghe người ta cũng cần phải trả tiền. Thật đáng buồn!
Phan Thu Hà
Cảm ơn bạn vì bài viết nhé. Mình đã từng nói với crush của mình là dù mình không giỏi chia sẻ nhưng mình sẽ cố gắng là 1 người biết lắng nghe, vì đôi khi mình cảm giác anh ấy khá là cô đơn. Hy vọng sẽ có ngày anh ấy chia sẻ với mình để mình vận dụng được bài viết của bạn.
Yunie Vân
1 kỹ năng nghe có vẻ đơn giản mà không hề giản đơn, mình chưa gặp được nhiều người biết lắng nghe thực sự ý. Cảm ơn bạn vì bài viết ❤️