Làm gì khi con “nói dối như Cuội”
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nói dối và thậm chí, nhiều trường hợp trẻ còn không phân biệt được sự thật với dối trá. Do đó, các bậc cha mẹ cần chú ý tới ngôn từ của trẻ và sớm uốn nắn cho trẻ trở nên chân thật, thẳng thắn.
Nhấn để phóng to ảnh
Cha mẹ không nên vô tình tạo áp lực khiến con có hành vi nói dối
Bình tĩnh
Giữ bình tĩnh là nguyên tắc hàng đầu cho các bậc cha mẹ. Dù lời nói dối của con tồi tệ đến mức nào, cha mẹ cũng nên cố gắng không mắng mỏ, quát nạt con.
Trong những tình huống căng thẳng thì việc cha mẹ giữ bình tĩnh cũng sẽ giúp cho con cái học được cách kiểm sát các cảm xúc, thay vì bộc phát cơn giận dữ, tức tối một cách vô ích.
Không gắn mác con là “kẻ dối trá”
Hành vi “chụp mũ” rằng con luôn luôn nói dối chắc chắn sẽ khiến mọi chuyện trở nên càng tồi tệ hơn. Con cần thời gian để phát triển nhận thức và dần phân biệt được thật - giả, đúng - sai. Do đó, nếu cha mẹ áp đặt định kiến lên con cái, rất có thể con sẽ tự coi mình là kẻ dối trá và điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của con.
Tập trung tìm giải pháp
Thay vì chì chiết, trách móc, cha mẹ nên tập trung tìm kiếm giải pháp hướng con đến việc nói thật. Đừng lên gân “truyền giáo” cho con mà hãy nhẹ nhàng giải thích những lý do cho thấy việc dối trá là không tốt. Cha mẹ cần để con hiểu nói dối là thói quen xấu, dần dần sẽ khiến con mất đi lòng tin của người khác và bị mang tiếng xấu. Hãy khuyến khích con nói thật, dù cho sự thật có đáng sợ đến nhường nào.
Thay đổi hướng tiếp cận
Cha mẹ cần chú ý đến những trường hợp con thường nói dối, ví dụ như khi cha mẹ muốn con dọn phòng. Thay vì hỏi những câu như: “Tại sao con lại không chịu dọn phòng?”, bạn có thể thử nói rằng: “Mẹ nhận ra là con đã không hề dọn phòng. Con có muốn lên kế hoạch để dọn dẹp phòng con không?”. Hãy cố gắng giảm bớt giọng điệu buộc tội và không thúc ép con phải phục tùng.
Lê Minh Hưng