Làm bạn với sự mông lung
Mình từng nghe nhiều người nói về những sự mông lung, nhưng mình chưa từng thấy nó đáng sợ hay nhàm chán.
Trường mình khá nặng về nghiên cứu, nên yêu cầu tự học rất nhiều. Sẽ là khập khiễng nếu so sánh với các trường khác, khoa khác, hay bậc học khác; nhưng tụi mình cần đọc ít nhất 80 trang sách chuyên ngành x 4 môn cho mỗi tuần, chưa kể các bài giảng, tiết thực hành, và bài tập nghiên cứu. Đổi lại, tụi mình được thoải mái lựa chọn lịch học, và thậm chí không tới lớp cũng được. Đó vừa là sự tự do, vừa là thử thách. Một mình bước đi trên con đường rộng, sẽ không biết mình đang ở đoạn nào, cần đi tới đâu, phải làm gì để bước tiếp. Khi lạc vào một môi trường xa lạ, con người thường sẽ neo vào những chuẩn mực, hay là những gì mà họ thường thấy người khác làm. Cách so sánh bản thân với người khác cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi niềm tin và thái độ của bạn. Nếu là một người tham vọng và cầu tiến, bạn có thể thấy mọi người thật ưu tú, đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Có thể bạn sẽ thấy tự ti một chút, nhưng rồi lại thật nhiều động lực để tiếp tục. Còn bạn cảm thấy hài lòng với hiện tại, có lẽ bạn sẽ thấy mình còn giỏi hơn rất nhiều người. Bạn chọn cách để mình buông trôi, tới đâu thì tới. Tham khảo: Social norm, Social comparison theory.
Học kì đầu tiên ở trường, mình không khác gì một cái máy: thức dậy lúc 8h, ăn sáng, học, ăn trưa, học, ăn tối, học, đi ngủ lúc 2h sáng. Thậm chí mình cũng tranh thủ nghe những bài giảng, đọc tài liệu trong lúc ăn. Gần như ngày nào cũng vậy. Thành tích của mình khá ổn, nhưng mình không thấy vui. Nếu lỡ trả lời sai 0.1 điểm nào đó, mình sẽ hỏi ngược hỏi xuôi để biết vì sao mình sai, và để biết có ai điểm tốt hơn mình không. Lúc được điểm cao, mình sẽ lại nghĩ rằng ai cũng sẽ làm được vậy. Thế nên mình chẳng bao giờ thấy hài lòng. Sau bốn tháng như thế, mình dành nguyên kì nghỉ hè để không-làm-gì-cả, và đi gặp chuyên gia tham vấn tâm lý ở trường.
Lúc trò chuyện với cô, mình cảm thấy ngạc nhiên vô cùng vì bản thân gần như không nhớ một kỉ niệm hay câu chuyện gì trong một học kì đó. Tất cả chỉ là những quyển giáo trình, bài báo nghiên cứu, các tiết thực hành,... Mình luôn thấy hạnh phúc vì được học, nhưng mình không biết bản thân là ai, đã có những suy nghĩ gì sau khi đã tiếp thu những kiến thức ấy. Mình chưa khi nào thực sự sống trong khoảnh khắc hiện tại, để cảm nhận được suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của bản thân, và những sự vật xung quanh mình. Thêm nữa, mình không ngừng so sánh bản thân với người khác: từ những bạn đạt học bổng của trường, tới những người anh chị đang học PhD (nghe nhảm nhí nhỉ). Việc hà khắc với bản thân và không cho phép mình được sống trong hiện tại đã ảnh hưởng tới lòng tự trọng và việc thể hiện bản thân của mình, nếu dựa trên tháp nhu cầu Maslow. Thế nên, mình không cảm thấy “đủ” và hạnh phúc.
Tháp nhu cầu Maslow. Ảnh:
Lúc ấy, mình biết là bản thân sẽ không thể hạnh phúc nếu chỉ dựa vào những số điểm thật đẹp in trên học bạ.
Mình cần biết con đường mình muốn đi, và làm thế nào để thực hiện nó, một cách thực tế hơn.
1. Tìm một người dẫn dường
Mình thường nghe về việc tìm kiếm mentor để hỗ trợ định hướng. Nhưng cá nhân mình thấy việc khó khăn hơn cả là hiện thực hóa những điều ấy vào lộ trình phát triển của bản thân. Những thiếu sót trong việc học hỏi từ mentor mà mình đã trải qua và đã chứng kiến là:
Nghe quá ít/nghe quá nhiều. Vì bạn đang bắt đầu tìm hiểu về một lĩnh vực, hãy cố gắng tìm một (vài) người thật giỏi trong chuyên ngành. Một người là đủ nếu người đó thật sự am hiểu về lĩnh vực đó, nhưng được nghe từ nhiều góc độ cũng là một trải nghiệm tốt.
Mentor không hẳn là kiểu người mình muốn trở thành. Mình hiểu rằng học không bao giờ là thừa, và có thể học từ bất kì ai. Nhưng từ xuất phát điểm, một mentor giỏi, tâm huyết, và có cùng định hướng, giá trị như mình mong muốn, sẽ giúp bạn đi rất xa.
Quá phụ thuộc vào mentor. Điều này thể hiện ở bạn chưa có những chính kiến riêng và thường tham khảo ý kiến quá mức cần thiết.
Cố trở thành “bản copy” của mentor. Chúng ta thường bắt đầu học bằng cách bắt chước. Điều đó không sai. Cá nhân mình cũng chới với rất nhiều lần vì để cố được xuất sắc như anh chị. Nhưng mà, thời gian và những trải nghiệm sẽ giúp bản thân nhận ra giá trị của riêng mình, và con đường mình cần đi sẽ ngày một rõ hơn.
2. Phát triển theo hình chữ T
Mô hình phát riển tư duy theo hình chữ T. Ảnh:
Hiểu một cách đơn giản, bạn có thể trải nghiệm và hiểu biết ở nhiều lĩnh vực, nhưng sau đó hãy tập trung vào một chuyên môn. Để đạt được điều này, bạn có thể bắt đầu từ một trong ba hướng: đi linh tinh trước, vào chuyên ngành luôn, hoặc là cả hai. Mình thấy có một
Dù là con đường nào, thì trải nghiệm đa dạng và nghiên cứu chuyên sâu là điều cần thiết. Càng đi nhiều sẽ thấy mình chỉ là một con người rất nhỏ trên thế gian này. Nhưng mình tin là, khi mệt mỏi, và nhìn lại, bạn sẽ thấy tự hào về con đường mình từng đi qua. Đầu tư nghiêm túc vào chuyên ngành sẽ khiến bạn có đủ tự tin, cũng như kiến thức và kĩ năng để kiếm tiền:) và sống hạnh phúc.
Bạn có thể làm một chữ T để biết rõ về con đường mình đi, nhé.
3. Đặt ra kế hoạch và mở lòng với những sự thay đổi
Những mục tiêu là ngọn hải đăng để bạn neo vào trong quãng đường phát triển sự nghiệp, và nhất là những khi rối lòng. Có khi bản thân tràn đầy động lực thì làm được vô số thứ, ôm đồm bao việc. Nhưng khi tâm trạng tụt xuống, tụi mình có thể nghi ngờ bản thân, không biết nên bắt đầu từ đâu, làm sao để biết là mình đang ổn hay không.
Thế nên, mình thường sẽ đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ:
Học kì 2/2021
Điểm trung bình: 80
Đi thực tập
Tham gia làm nghiên cứu
Viết blog
2021 - 2023:
Tốt nghiệp bằng khá/giỏi
Đi làm tại NGO
Có một lớp học nhỏ với các em Tiểu học
Đừng lấy chồng vội:-)
Thay vì so sánh với người khác, mình sẽ tập trung nhiều hơn vào mục tiêu của mình. Có rất nhiều cách đặt mục tiêu, nhưng mình thường chọn những điều mình thật sự cần, mình có thể cố gắng, mình thực hiện một cách linh hoạt, và gắn kết với con đường mà mình muốn phát triển. Bạn có thể tìm hiểu về
Và dù không thể đạt trọn vẹn mục tiêu, thì gần đủ cũng là một điều xuất sắc rồi.
Dĩ nhiên, mục tiêu là một chuyện. Nếu những kế hoạch này thay đổi, thì bạn có thể ăn mừng, vì thay đổi có nghĩa là bạn đang học hỏi.
4. Dành thời gian cho bản thân
Cứ đến chiều thứ 6 là não mình sẽ tự sập nguồn, và mình dành nguyên cuối tuần chỉ để đọc sách, nấu ăn, viết lách. Vui nữa thì làm việc nhẹ nhàng, những việc mà có thể tạo ra giá trị cho bản thân và hữu ích với mọi người. Có lẽ vì tinh thần thoải mái, nên điểm số của mình cũng tự cao lên. Mình cũng có thời gian để làm thêm việc này việc nọ, ngoài giờ học.
Có nhiều cách để chăm sóc bản thân. Hiện tại thì mình đang
Mình thiền để tập trung hơn. Những lúc bị suy nghĩ cuốn trôi, hay xao nhãng khi học bài, mình biết là nên đưa sự chú tâm vào hiện tại, để hoàn thành mọi việc thật nhanh và cẩn thận. Những khi đạt được một thành công nhỏ, mình sẽ chỉ quan tâm tới cảm xúc hoan hỉ vui mừng đó thôi. Suy nghĩ quá nhiều đến những mục tiêu sau này sẽ chẳng khiến mình thấy hạnh phúc gì cả. Rồi những lúc tâm trạng chùng xuống, mình ngừng đặt câu hỏi “Tại sao”. Trong lòng mình chỉ thầm nhủ rằng: Mình là một con người nên mình có cảm xúc buồn, và mình biết ơn vì bản thân không vô cảm.
Thiền giúp mình hiểu là nên neo vào những thứ trong hiện tại, và bao dung với bản thân nhiều hơn. Nghe một bài nhạc vui, uống một cốc trà sữa mát lạnh, nhâm nhi một miếng bánh chuối thật thơm. Mình sẽ chỉ hạnh phúc bởi thấy bản thân đang sống, trong khoảnh khắc này.
Nếu bạn đã đọc đến những dòng này, cảm ơn bạn thật nhiều nhé
Mình thấy may mắn vì tâm trí an yên để thoải mái viết ra những điều này, trước khi vô tình quên đi mất. Mình của hiện tại vẫn đầy những mông lung và trắc trở. Và có thể bạn cũng vậy. Gửi đến bạn một cái ôm thật lâu. Mông lung, nghĩa là tụi mình còn có rất nhiều lựa chọn; chỉ là tạm thời chưa biết đâu là điều thật sự dành cho mình, và mình cần làm gì. Hãy cứ thong dong và đều đặn. Một chút định hướng về con đường mình đi, thêm một chút mông lung trong lúc khám phá, sẽ tạo nên một hành trình đáng nhớ.
Mong bạn thật hạnh phúc nhé.
tâm lý học
,hướng nghiệp
,chuyện tuổi 20s
,kỹ năng mềm
,tâm sự cuộc sống
Nhiều lúc mình sợ rằng không hà khắc với bản thân thì mình sẽ buông lỏng mất, những lúc muốn giải trí gì đó thì mình lại sợ. Sợ rằng mình sẽ tụt xa người khác, mình đang đi trên con đường rất vô định, mình còn kém so với nhiều người .
Nguyễn Thị Thùy
Nhiều lúc mình sợ rằng không hà khắc với bản thân thì mình sẽ buông lỏng mất, những lúc muốn giải trí gì đó thì mình lại sợ. Sợ rằng mình sẽ tụt xa người khác, mình đang đi trên con đường rất vô định, mình còn kém so với nhiều người .
Khang Lê Minh
Cảm ơn cậu vì bài viết, mình nhìn thấy bản thân trong những chia sẻ của cậu
Độc Cô Cầu Bại