Lạm bàn về Shakespeare

  1. Nghệ thuật

Disclaimer: Là một “người đọc” không mấy chăm chỉ của cụ, tôi không dám nói mình hiểu hết về cụ nên trong khuôn khổ bài viết này, nhân dịp có vài suy nghĩ về Shakespeare, tôi xin phép được lạm bàn vài câu về di sản văn chương của cụ và cách mà dân Anh – Mỹ khiến những di sản ấy sống mãi. Biết đâu sẽ có đôi điều mà dân Việt ta có thể học hỏi.

https://cdn.noron.vn/2022/05/17/10-best-shakespeare-movies-featured-studiobinder-min-1652799512.jpg

Tôi bắt đầu đọc Shakespeare từ năm 18 tuổi nhưng thú thực là cho đến giờ tôi chưa đọc hết được một tác phẩm nào của cụ. Hầu như kiến thức mà tôi có được về Shakespeare và di sản văn học của cụ nằm ở những cuốn sách rút gọn về tác phẩm, đoạn trích một số tác phẩm của cụ, văn bản trong sách Ngữ Văn có trích đoạn “Romeo và Juliet”, sách tiểu sử về cụ, và một số khóa học về Shakespeare mà tôi đã phải đăng ký để có thể đọc hiểu được những tác phẩm của cụ. Nói không ngoa, dù có được dịch ra tiếng Anh hiện đại thì các tác phẩm của Shakespeare vẫn là thách thức thực sự cho bất cứ người đọc nào, đặc biệt là những người đọc không phải người bản xứ. Lối viết hoa mỹ, những ẩn dụ, phúng dụ, các biện pháp nghệ thuật mà cụ sử dụng thực sự đáng kinh ngạc, và nếu có từng đọc và xem Shakespeare thì mới cảm thấy hết được sự ngưỡng vọng đối với số lượng từ vựng đồ sộ mà cụ đã đóng góp cho tiếng Anh hiện đại. Nếu không có một tài năng văn chương trác tuyệt thì không thể đạt đến trình độ sáng tạo ngôn ngữ như vậy được. Nhưng tên tuổi của Shakespeare còn tồn tại cho đến ngày hôm nay không chỉ phụ thuộc vào việc cụ đã đóng góp bao nhiêu từ vựng cho tiếng Anh, mà còn bởi cho đến ngày nay hậu thế vẫn đọc các tác phẩm của cụ, những vở kịch của cụ vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật hiện đại. Và quả thực phải thừa nhận rằng, nếu muốn biết thế nào là bảo tồn di sản thực sự thì phải nhìn cách dân Anh – Mỹ đang làm với di sản của Shakespeare.

Bắt đầu bằng việc đưa kịch của Shakespeare vào giảng dạy trong các trường học. Romeo và Juliet, Hamlet, Macbeth, Giấc mộng đêm hè, Othello, Julius Caesar là những tác phẩm được giảng dạy nhiều nhất tại các trường trung học Anh – Mỹ. Một số nghiên cứu về lý do tại sao Shakespeare được dạy trong các trường học đã chỉ ra rằng các tác phẩm của Shakespeare làm phong phú và giàu thêm vốn sống của người đọc theo nhiều cách. Việc Shakespeare đưa ra nhiều khuôn thước đạo đức giúp cho người đọc có sự nhạy cảm hơn về mặt đạo đức đối với sự phán xét đúng – sai, về các giá trị nhân văn, cách con người nên sống và đối xử với nhau, cùng với những cảnh báo về việc lạm dụng quyền lực và tác động của nó đến con người (Forrester, 1995; Lund, 2005). Các tác phẩm của Shakespeare mở rộng trí tưởng tượng và tư duy căn bản của chúng ta, cụ chỉ ra nhiều vấn đề như mối quan hệ giữa kẻ thống trị và bị trị, cho người đọc/xem cơ hội được thâm nhập vào tâm trí nhân vật để tự mình trải nghiệm, đưa ra các câu hỏi triết học mà vẫn gần gũi với con người ngày nay như câu nói nổi tiếng trong vở Hamlet – To be, or not to be. Và văn hóa Anh được tái hiện trọn vẹn qua các vở kịch của cụ giúp cho chúng ta thấy được cách một xã hội vận hành và thái độ của nó đối với các thành viên trong đó. (Lukas, George and lee Baxandall, 1965)

https://cdn.noron.vn/2022/05/17/macbeth-2015-review-1447865186-1652799528.jpg

Tuy nhiên, văn học trong nhà trường bao giờ cũng mang tính hàn lâm, dù mặt này hay mặt khác, và không phải lúc nào những thứ được dạy trong trường học cũng tiếp cận gần hơn đến công chúng. Vậy thì phải làm sao? Thì lên phim chứ sao. Từ các bộ phim kinh điển đến các bộ phim lâm li ba xu, từ việc bê nguyên vở kịch lên phim cho đến biến tấu cho hợp với mọi đối tượng, sức sáng tạo của các nhà làm phim là vô biên chỉ với chất liệu từ các vở kịch của Shakespeare. Chúng ta có Richard III (1995) của Richard Loncraine với diễn xuất thần sầu của Ian McKellen, có Henry V (1944) của Laurence Olivier – Winston Churchill đã vinh danh Olivier vì đã tạo nên một bộ phim ngợi ca vinh quang của quân đội Anh trong Thế chiến II, Hamlet (1948) của Olivier đã thắng giải Oscar cho Phim xuất sắc nhất, Hamlet (1996) của Kenneth Branagh, Macbeth (1971) của Roman Polanski, Much Ado About Nothing (1993) của Kenneth Branagh, và hơn tất cả là Romeo and Juliet (1968) của Franco Zeffirelli – một trong những phim chuyển thể Shakespeare xuất sắc nhất mọi thời đại và Romeo của Leonard Whiting mãi mãi là hình tượng bất diệt trong lòng công chúng chứ không phải anh chàng Romeo tóc vàng của Leonardo DiCaprio (xin lỗi anh Di Caprio, nhưng Leo kia xuất sắc hơn). Rồi chúng ta lại có Ten Things I Hate About You (1999) của Gil Junger – bộ phim được lấy cảm hứng từ vở hài kịch The Taming of The Shrew với vẻ điển trai nao lòng và ánh mắt đầy diệu vợi của Heath Ledger, cùng vẻ đẹp thanh xuân rạng ngời của Julia Stiles. Hay, bộ phim rom-com tuổi teen She’s the Man (2006) của Andy Fickman được chuyển thể từ vở Twelfth Night. Chúng ta cũng có Hamlet (2000) với diễn xuất tình bể bình của Julia Stiles với Ethan Hawke, My Own Private Idaho (1991), West Side Story (1961), Macbeth (2015), Much Ado About Nothing (2012), và hiển nhiên rồi, Romeo + Juliet (1996) – bộ phim đã đưa tên tuổi chàng DiCaprio đến với công chúng yêu điện ảnh thế giới, đã khắc ghi mãi mãi chàng Romeo điển trai, tràn đầy sức sống trong lòng giới mộ điệu.

https://cdn.noron.vn/2022/05/17/cqszifwrr6vygonzdhdxivbwxzmbveoriginal-1652799564.jpg

Hãy nhìn cách dân Anh – Mỹ đem Shakespeare làm cảm hứng không ngừng cho nghệ thuật của mình, ta mới thấy rằng sức sống của những di sản, dù quý giá đến đâu, cũng phải bắt nguồn từ sự trọng thị của công chúng và hậu thế. Shakespeare bước ra khỏi tòa tháp ngà của văn chương kinh điển và học thuật, và mãi sống trong lòng công chúng ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi là vì cụ có những hậu thế không ngừng sáng tạo từ nguồn cảm hứng cụ đã nhen nhóm, từ những chất liệu mà sức lao động nghệ thuật vĩ đại và đáng kinh ngạc của cụ đã tạo ra.

Nói chuyện lại nghĩ đến mình. Người Việt Nam có câu “Truyện Kiều còn là tiếng Việt còn”. Nhưng Truyện Kiều – một tác phẩm đã được viết cách đây nhõn hai thế kỷ, lấy cảm hứng từ một câu chuyện chữ Hán và được viết bằng chữ Nôm thì thật khó có thể khiến công chúng liên tưởng đến tiếng Việt hiện nay. Dù đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn phổ thông, nhưng việc đưa Truyện Kiều đến gần với học sinh, hay công chúng vẫn là điều nan giải. Điều chúng ta đang làm là để Truyện Kiều vẫn nằm mãi trong các hàn lâm viện, tức chỉ có một người được thụ hưởng nền giáo dục phổ thông hoặc cao cấp thì mới có khả năng lĩnh hội được tác phẩm, mà đấy là với điều kiện lý tưởng là người đó học hành tử tế. Trong khi đó, với giới bình dân, Truyện Kiều là một điều xa lạ, nó được viết bởi một người xa lạ, mang một thứ tiếng Việt xa lạ với hầu hết người dân. Nếu như chúng ta không có cách nào để đưa tác phẩm này đến với công chúng thì chúng ta không có cách nào để chứng minh cho câu “Truyện Kiều còn là tiếng Việt còn”, có chăng đó chỉ là một lời cảm thám vô thưởng vô phạt của một học giả nào đó của quá khứ đã chẳng còn liên hệ với đời sống mai sau. Hãy nhìn cách dân Anh – Mỹ làm với Shakespeare, nếu chúng ta muốn gìn giữ hay khơi dậy nguồn cảm hứng từ những di sản xưa cũ, thì cách chúng ta làm cũng cần thay đổi.

Từ khóa: 

bàn về nghệ thuật

,

shakespeare

,

kịch

,

văn chương

,

di sản

,

nghệ thuật

Mình sẽ đề xuất bài viết này với đội vận hành của Noron mới được bạn ạ 🤣 nên được lên fanpage

Trả lời

Mình sẽ đề xuất bài viết này với đội vận hành của Noron mới được bạn ạ 🤣 nên được lên fanpage