Lạc bước Tân Kỳ: khi cái tôi cá nhân là một sự chuyển mình mới mẻ

  1. Nghệ thuật

Họ là "bè lũ năm tên", với năm cá tính khác nhau nhưng có cùng một điểm chung duy nhất, sự mưu cầu thể hiện cái tôi cá nhân thay vì hòa cùng dòng chảy mỹ thuật Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa thời bấy giờ.

The Gang of Five.

(Nguồn: The Factory Contemporary Arts Centre) 

The Gang of Five do một nhóm những nghệ sĩ trẻ Hà Thành đầu những năm 1990 khởi xướng, bao gồm Hồng Việt Dũng, Hà Chí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Hà Quang Vinh. Họ được nhìn nhận ở đây là những nghệ sĩ sáng giá nhất trong thời đại của mình khi tạo ra những bức họa đầy ý niệm, mang đậm tính cách cá nhân trong thời Hậu Đổi Mới. 

Lại nói về thời kì Đổi Mới, đó là vào năm 1986 khi Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện hàng loạt chương trình cải cách về kinh tế và chính trị nhằm đưa đất nước đi lên. Lúc này, ngành sáng tạo nhường chỗ cho những bức tranh cổ động nào đổi mới nước nhà, nào tăng gia sản xuất, nào tiến lên Xã hội Chủ Nghĩa để làm nguồn động lực khích lệ giới cần lao. Đặc điểm của những bức tranh cổ động chính là sự rõ ràng và trực quan, mang đầy tính cổ vũ cho hiện thực bấy giờ. Dường như trong dòng chảy này không có chỗ cho sự thể hiện cái tôi cá nhân, cái tôi nghệ sĩ thì cứ quay cuồng, cứ nửa muốn nhập cuộc nửa muốn thoát xác ra khỏi nhịp điệu của đất nước. 

Bức tranh cổ động bên đường tại thành phố Huế năm 1982.

Vào thời điểm này, tập hợp một nhóm thanh niên đã cùng nhau kết bè, rẽ lối đi riêng trên con đường phát triển nghệ thuật của mình. Họ tụ tập sau giờ tan tầm tại ngôi nhà một thành viên trong nhóm, cùng nhau thưởng trà bàn tranh. Mỗi lần tụ tập sẽ trưng ra vài bức vẽ của một thành viên, cao ngạo mà gọi đó là một "triển lãm cá nhân" giúp mỗi trái tim duy trì bản thân mình, duy trì cái tinh thần ưa thể hiện và rẽ lối của chính mình. 

Khởi đầu từ căn phòng khách bàn tranh mà tên tuổi của nhóm được đưa rộng hơn đến với những người yêu nghệ thuật và nhiều lần được mời tham dự những triển lãm quốc tế. Đến bây giờ, khi sự biểu hiện cá nhân được xem như bình thường thì chúng ta có lẽ sẽ không tưởng nổi những khó khăn mà người nghệ sĩ gặp phải thời đó. Nhưng dù có sao, thì sau bao nhiêu năm, The Gang of Five đã một lần nữa, quay lại với công chúng và trưng bày những tác phẩm của cả nhóm với sự giám tuyển của The Factory Contemporary Arts Centre. Đối với mình, mình không phải người tìm hiểu quá nhiều về tranh nhưng có một bức vẽ mà mình tình cờ xem được vì thế mới quyết định đến xem. 

Với năm cá tính khác nhau và có vẻ chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng mỗi người khi kết bè lại mang một màu sắc rất hợp lí. Người xem có thể chọn cách tách biệt từng nghệ sĩ mà xem, mà ngẫm, mà cảm hoặc có thể xem toàn thể cả bộ ngũ, âu cũng là do sự thấy của mỗi người. Ở đây mình sẽ nói cả về năm nghệ sĩ, duy chỉ xin thêm vài dòng để nói về người chủ bức tranh làm mình tò mò muốn xem. 

  • Hà Chí Hiếu. 

Có lẽ Hà Chí Hiếu là một khởi đầu nhẹ nhàng cho những người chưa biết nhiều về tranh vì tranh của bác rất đáng yêu, mang một nét lãng mạn và bình dị. Bác bị ảnh hưởng sâu sắc từ những năm tháng tuổi thơ khi sơ tán về nông thôn, vì thế chủ đề ở đây cũng đều rất quen thuộc, khi thì con trâu, khi làng quê. Trong bối cảnh thời đại, khi giặc đói, giặc dốt vẫn còn đâu đó thì sự hoài cổ qua con mắt của Hà Chí Hiếu luôn mang một nét bình yên, tách biệt với hiện thực thời đại. 

Mùa đồng - by Hà Chí Hiếu.

Hà Chí Hiếu có một thời kỳ gọi là Thời kỳ Đen, lúc này làng quê vẫn mang một cái gì yên ả nhưng khi nhìn và cảm nhận sâu trong đó là một sự cô độc không hiểu nổi. 

Gái quê - by Hà Chí Hiếu.

  • Hồng Việt Dũng.

Tranh của Hồng Việt Dũng đối với mình có một cái gì đó ma mị, nửa tỉnh nửa mơ. Sự kết hợp màu sắc ở đây luôn là những tone màu ấm, mang một nét lãng đãng cùng với màu sắc không thực sự chói chang.

Trần Quốc Toản - by Hồng Việt Dũng.

  • Đặng Xuân Hòa. 

Đây chính là tác giả đã đưa mình đến đây sau khi xem chân dung tự họa của ông. Lần đầu nhìn, mình thấy một sự buồn, có lẽ do màu xanh kia càng củng cố niềm tin của mình vì nó làm mình nhớ đến thời kì Xanh - The Blue Period của Picasso. Lần thứ hai, khi nhìn vào bức tranh này, mình không thấy buồn nữa, có lẽ do đôi mắt của nhân vật không thật sự buồn mà đó là một đôi mắt sáng ngắc ngoải, nhưng vẫn không buồn. 

Đặng Xuân Hòa và chân dung tự họa.

(Nguồn: The Factory Contemporary Arts Centre)

Đặng Xuân Hòa thích chơi với màu sắc, chơi với những mảng màu và sự hỗn độn. Tranh của bác thường là những bức chân dung về con người và sự vật, rất gần gũi, hỗn loạn nhưng vẫn có nét hài hòa. Bác bị ảnh hưởng nhiều từ phong cách phương Tây và cụ thể là Henri Mantisse (là đối thủ và là bạn đồng nghiệp của Picasso), tuy nhiên bản năng nghệ sĩ và phong cách phương Đông vẫn dẫn Đặng Xuân Hòa tìm kiếm chủ đề trong cuộc sống đời thường của chính mình. 

Gia đình - by Đặng Xuân Hòa

Đồ vật Con người - by Đặng Xuân Hòa

  • Phạm Quang Vinh. 

Tranh của Phạm Quang Vinh là những đường nét đậm cùng với thử nghiệm trên nhiều chất liệu. Tranh của bác Vinh luôn làm cho mình có một cảm giác nặng nề khi xem, chỉ muốn thật sự thoát ra khỏi phòng này chứ không muốn theo dõi quá lâu. Tuy nhiên kết cấu trong tranh rất đặc và hoàn toàn choán đôi mắt người nhìn. Có lẽ cái hay trong tranh của Phạm Quang Vinh chính là cách làm cho người xem chú ý đến tranh, đến những hình mẫu trong tranh đến mức khó chịu, cái khó chịu trong sự thừa nhận cái tài của người nghệ sĩ. 

Phạm Quang Vinh và chân dung tự họa.

(Nguồn: The Factory Contemporary Arts Centre) 

Họa sỹ và Mẫu - by Phạm Quang Vinh. 

  • Trần Lương. 

Ngày còn là một cậu bé, Trần Lương hay thường ra những hồ nước thăm thú. Trí tưởng tượng bảo cậu rằng ở dưới nước kia có lẽ là một thế giới khác, một thế giới nào đó đang giương đôi mắt lên và nhìn lại, và quan sát chúng ta. 

Tranh của Trần Lương chả hiểu gì cả, mà chả hiểu thật, cái sự hiểu một bức tranh của bác Lương có lẽ do cảm nhận của từng người. Với mình đây là những con mắt tò mò, những con mắt cứ soi xét xem từng hành động của con người để mà làm gì không biết. Họ có bàn luận về chúng ta như chúng ta đang bàn luận về nhau chứ? Họ có dán những cái nhãn cho những hành động khó hiểu của chúng ta ? Hay họ chỉ cứ nhìn, nhìn với ánh mắt ngây ngô của một đứa trẻ tò mò trước cả thế giới.

A Ơ Ư - by Trần Lương. 

(Nguồn: The Factory Contemporary Arts Centre) 

Suy cho cùng, mình vẫn chỉ là một lữ khách tình cờ thấy một bức vẽ hay ho rồi dừng lại tìm hiểu mà xem, mà thưởng, mà tán dương. Nếu các bạn có cơ hội, xin hãy cứ ghé triển lãm và thu về cho mình cảm nhận của bản thân và xin hãy để ý đến điều làm cho bè lũ này trở nên đặc biệt chính là giá trị thời đại và cách rẽ lối khác biệt. 

(Nguồn: The Factory Contemporary Arts Centre) 

Từ khóa: 

nghệ thuật đương đại

,

nghệ thuật

,

the factory

,

nghệ thuật

Mình thấy bức tranh Gia đình của tác giả Đặng Xuân Hòa có cái gì đó rất lôi cuốn và bí ẩn. Ánh nhìn của 3 người bên trái và đứa con tập trung vào người đàn ông (có vẻ như là người cha), ánh nhìn của người đàn ông lại nhìn vào đứa con rất gay gắt, còn người phụ nữ cao nhất không rõ thuộc phe nào nữa. Trước đây khi nhắc đến họa sĩ Việt Nam mình chỉ biết các cụ Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí,... nay mới biết thêm lớp họa sĩ trẻ hơn nhưng nổi loạn này, cảm ơn bạn về bài viết. Ánh mắt trong chân dung tự họa của bác Hòa giống ánh mắt tự họa của Picasso nhỉ?

Trả lời

Mình thấy bức tranh Gia đình của tác giả Đặng Xuân Hòa có cái gì đó rất lôi cuốn và bí ẩn. Ánh nhìn của 3 người bên trái và đứa con tập trung vào người đàn ông (có vẻ như là người cha), ánh nhìn của người đàn ông lại nhìn vào đứa con rất gay gắt, còn người phụ nữ cao nhất không rõ thuộc phe nào nữa. Trước đây khi nhắc đến họa sĩ Việt Nam mình chỉ biết các cụ Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí,... nay mới biết thêm lớp họa sĩ trẻ hơn nhưng nổi loạn này, cảm ơn bạn về bài viết. Ánh mắt trong chân dung tự họa của bác Hòa giống ánh mắt tự họa của Picasso nhỉ?