KỸ NĂNG/TƯ DUY SÁNG TẠO - nền tảng quan trọng trong thời đại số

  1. Kỹ năng mềm

Bạn có tin là mình có khả năng sáng tạo không? Hay sáng tạo là khả năng thiên phú, là một “đặc ân” riêng có chỉ dành cho những người được tôn luyện, hoạt động trong các ngành nghệ thuật như các họa sĩ, ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ…Trước đây, mình đã từng có những suy nghĩ như vậy. Mình không tin vào khả năng sáng tạo của bản thân và chính mình đã dán nhãn cho mình “rằng thì là mà” mình không thể sáng tạo, không làm được công việc liên quan đến sáng tạo. Mình chấp nhận là một người cũ kỹ, đi theo lối mòn quen thuộc và nghiễm nhiên khi nói đến bất cứ lĩnh vực nào đòi hỏi sự sáng tạo, cần có nhiều ideas, mình đã nghiễm nhiên gạt mình ra khỏi đó…Và chính điều đó đã khiến con người mình ngày một mòn đi, luẩn quẩn trong một vòng tròn các hành động lặp đi lặp lại, không có sự đổi mới và thậm chí đánh mất đi rất nhiều cơ hội để làm mới bản thân và khám phá, khơi dậy những tiềm năng vốn có bên trong mình. Vì vậy, trong bài viết này mình rất muốn chia sẻ với các bạn rằng: ai cũng có thể sáng tạo, ai cũng có sẵn trong mình khả năng sáng tạo và sáng tạo là một kiểu tư duy chứ không phải là năng khiếu hay thiên phú. Vì vậy, chúng ta hãy tìm cách để khơi nguồn cho nó, luyện tập nó, hình thành thói quen suy nghĩ và làm việc sáng tạo. Mình tin rằng nếu bạn kiên trì, bền bỉ, chắc chắn kỹ năng tư duy sáng tạo của bạn sẽ ngày một được mài sắc và trở thành một phản xạ tự nhiên trong bạn.

ky-nang-nghe-nghiep-sang-tao-getfly-crm

Vì sao chúng ta cần rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo ?

Như bạn biết đấy, bản chất con người không ai thích sự lặp đi lặp lại, đi theo lối mòn (tâm lý làm mãi cũng chán) mà ai cũng thích cái mới (tư duy mới, cách làm mới, hiệu quả mới), sự bứt phá mang tính bước ngoặt trong cuộc sống và công việc…Đặc biệt, trong môi trường làm việc nếu bạn là người sáng tạo, có nhiều ý tưởng đóng góp cho sự phát triển, thay đổi của tổ chức bạn sẽ có được nhiều lợi thế: sự ưu ái từ lãnh đạo, sự nể phục, tôn trọng của đồng nghiệp, sự thuận lợi trong cách thức giải quyết công việc, giúp nâng cao hiệu suất công việc…và chắc chắn là bạn sẽ có được nhiều cơ hội thăng tiến, một sự nghiệp vẻ vang đang mở ra trước mắt bạn. 

Đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghệ số hiện nay, với sự phát triển đột phá của nhận thức, tư duy con người đã và đang sáng tạo ra những máy móc hiện đại, robot, người máy có thể thay thế chính con người trong nhiều hoạt động. Theo các con số thống kê gần đây “20 năm tới đây, 70-75% những công việc đơn giản, thủ công trong các ngành nghề này có thể sẽ bị thay thế”. Điều đó đồng nghĩa với việc máy móc sẽ dần thay thế chúng ta với khả năng thao tác chính xác, đúng lập trình, kế hoạch. Xu hướng tự động hóa trong các hoạt động sẽ được đẩy mạnh. Chính vì vậy, đòi hỏi sự thay đổi bứt phá từ mỗi cá nhân, tổ chức nhằm đáp ứng nhanh, chính xác các yêu cầu ngày càng cao của thời đại số. Sự đổi mới trong nhận thức, tư duy cho đến hành động, những kỹ năng cần có để thích ứng, khả năng ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số và hệ thống mạng trong làm việc là những thay đổi cần có trong thời đại ngày nay. Và như vậy, nếu bạn là người không ngừng tiến lên, nâng cao năng lực bản thân, có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng xã hội và đặc biệt khi bạn có kỹ năng tư duy sáng tạo, chắc chắn bạn sẽ có khả năng thích nghi cao mà không sợ bị đào thải khỏi môi trường làm việc của mình. “Môi trường sống của chúng ta kể cả ở Việt Nam đang thay đổi ở một tốc độ chưa từng có do Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại. Trong sự thay đổi ấy, luật tiến hóa của vạn vật sẽ là tấm lưới chọn lọc những ai tồn tại. Đó không phải là người thông minh nhất, cũng không phải người mạnh nhất hay nhanh nhất mà là người có khả năng thích nghi cao nhất” (Trương Nguyện Thành – Giáo sư Đại học Utah).

Tuy nhiên, điều gì đang ngăn trở kỹ năng/ tư duy sáng tạo của chúng ta? Qua quá trình quan sát và trải nghiệm, mình nhận thấy nó nằm ở một số nguyên nhân sau: 

Những điều cản trở kỹ năng/tư duy sáng tạo của chúng ta

Thứ nhất, do nhận thức: chúng ta thường cho rằng không phải ai cũng có khả năng sáng tạo mà chỉ những ai có khả năng, tính thiên phú mới có thể sáng tạo. Như vậy, nghiễm nhiên chúng ta đã cho rằng độc quyền của sự sáng tạo chỉ dành cho một ai đó, không phải là mình, mình không có khả năng sáng tạo…Chính chúng ta đã dán nhãn cho bản thân mình không có khả năng sáng tạo và khi không có khả năng thì chúng ta không khai thác, mài giũa nó và dần dần theo thời gian nó sẽ bị lãng quên và vùi lấp. Như vậy, chính chúng ta đã vô tình “giết chết” khả năng sáng tạo của mình. 

Thứ hai, chúng ta cần nhận ra bản chất thực sự của sự sáng tạo. Sáng tạo là sự bứt phá ra khỏi cái cũ để tạo ra cái mới, là khai thác và mở rộng khả năng của bạn. Bạn có thể sáng tạo ở bất cứ lĩnh vực, ngành nghề, không gian, thời gian nào chứ không phải sáng tạo chỉ dừng lại ở cách thể hiện bằng nghệ thuật. Ví dụ bạn hoàn toàn có thể sáng tạo trong cách làm việc, sáng tạo trong sử dụng thời gian của bản thân, sáng tạo trong cách chơi thể thao…

Thứ ba, chúng ta thường bị những định kiến về khả năng sáng tạo, về sự phù hợp hay sự tuân theo những quy tắc, luật lệ hay thuần phong mỹ tục…Chính điều này làm ta xa rời tính sáng tạo. Vì vậy, tính sáng tạo sẽ thường ít thấy ở những người có tính tuân thủ, thích sự an toàn và hay lo lắng, sợ rủi ro khi tạo ra sự khác biệt. Họ sẽ thường sợ bị mắc lỗi và sợ sai dẫn đến việc không dám làm, không dám thử bởi quan niệm thất bại là sự tồi tệ mà càng tránh càng tốt. Điều này đã hạn chế sự sáng tạo cũng như triệt tiêu sự sáng tạo. 

Thứ tư, môi trường giáo dục với phương pháp giáo dục khô cứng, mang tính áp đặt, khuôn mẫu cũng đã giết chết sự sáng tạo của con người. Do đó, ở đâu càng nhiều các quy tắc, áp chế thì càng ít sự sáng tạo. Ví dụ bố mẹ quá nghiêm khắc với con cái, không cho con được trải nghiệm, thử sức, được sai mà bắt buộc phải tuân thủ, nghe lời; trường học quá nhiều các môn học khô cứng, giáo điều, ít các môn học thiên về kích thích sự sáng tạo…cũng là những nguyên nhân hạn chế tính sáng tạo của mỗi chúng ta. 

Ngoài ra, sự ảnh hưởng từ những người xung quanh, người mà bạn tiếp xúc hàng ngày: ý kiến của bạn không được công nhận, bị vùi dập, phủ định “từ trong trứng nước” hoặc khi ý tưởng vừa được nhen nhóm đã bị người khác chê cười khiến bạn không muốn/không dám phát biểu. Từ đó hình thành suy nghĩ “Ý kiến của mình sẽ không bao giờ được chấp nhận, có được công nhận đâu mà phát biểu”. Điều này dễ thấy khi bạn làm việc với những người độc đoán, hay áp đặt quan điểm của mình cho người khác và không bao giờ biết lắng nghe. 

unnamed (1)

Vậy làm thế nào để kích thích và rèn luyện kỹ năng/ tư duy sáng tạo ? 

Trên cơ sở những lý do ở trên, mình cho rằng điều đầu tiên chúng ta cần làm là thay đổi nhận thức.Thực tế thì sáng tạo đều có trong bản thân mỗi người. Mình đã từng được biết rằng, mỗi người chúng ta đều có hai thùy não, trái và phải. Não trái là trung tâm điều khiển tư duy logic, tính toán, xử lý còn não phải chính là “cái phòng sáng tạo” của mỗi chúng ta. Chỉ có điều chúng ta sẽ sử dụng và khai thác nó đến đâu còn ai ai cũng đều có cả hai thứ đó. “Nhiều người nghĩ mình không sáng tạo, nhưng về cơ bản, nhận định này chẳng đúng chút nào. Tất cả chúng ta đều có khả năng tạo ra các liên kết thần kinh mới và lấy ra những thứ thậm chí chưa từng có trong ký ức của mình” [A mind for numbers: cách chinh phục Toán và Khoa học (ngay cả khi bạn vừa trượt môn đại số) – Barbara Oakley, tr.35]. 

Để kích thích khả năng sáng tạo của bản thân bạn hãy vận dụng phương pháp brainstorming (động não). Đây được coi là một trong những công cụ hữu ích để sản xuất ý tưởng. Phương pháp này khuyến khích bạn được phép đưa ra, viết ra bất cứ suy nghĩ, ý tưởng nào xuất hiện trong đầu bạn. Bạn được suy nghĩ tự do, thoải mái mà không hề sợ sai, sợ bị phán xét, chỉ trích mà thay vào đó là sự tôn trọng cho dù đó là những ý tưởng điên rồ, ngốc nghếch nhất. Mọi ý kiến, suy nghĩ của bạn đều được công nhận, có thể trở thành giải pháp giải quyết vấn đề hay là đường dẫn tới những ý tưởng khác. Đây là phương pháp khá thú vị đã được mình áp dụng cho chính bản thân trong quá trình học tập, làm việc. Nó giúp mình tự do bay bổng, thả hồn mình trong không gian vô biên của cảm xúc và suy nghĩ. Và thật kỳ diệu bởi chính những suy nghĩ tưởng như vô nghĩa nhất lại hé lộ cho mình những ý tưởng tuyệt vời cho những vấn đề mà mình đang tìm kiếm giải pháp. Bạn hãy thử áp dụng xem nhé. 

Một cách nữa để phát huy khả năng sáng tạo của bạn là đừng bao giờ sợ thất bại. Hãy dũng cảm dấn thân, hãy dám làm, dám thử bởi sự sai lầm sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc vấn đề và tìm ra phương án tốt hơn. Vậy nên bạn “Cứ thử đi vì cuộc đời cho phép”.  Nhưng điều quan trọng là bạn cần ý thức về việc bạn sẽ khai thác được gì, học được gì từ sai lầm đó để giúp bạn trưởng thành hơn trong nhận thức và tư duy. Vì vậy, muốn sáng tạo luôn cần lòng dũng cảm bạn nhé. 

Thực hành tư duy phân tán: tư duy phân tán là cơ sở cho sự sáng tạo. Như mình đã phân tích trong bài Áp dụng tư duy tập trung và tư duy phân tán trong việc học: thay bằng việc tập trung chú ý cao độ cho một việc gì đó bạn cho phép tư duy của mình được thư giãn, nghỉ ngơi, “tâm trí trôi dạt”, “tư duy đang lan tỏa trong não”. Tư duy phân tán “cho phép chúng ta đột nhiên có được cái nhìn sâu sắc mới về vấn đề đang phải chật vật giải quyết, để hiểu vấn đề một cách rộng mở hơn và đó là cơ sở tìm ra giải pháp mới bên cạnh giải pháp cũ đã có. Do đó, bạn nên dành nhiều thời gian cho những hoạt động thư giãn, nghỉ ngơi như đi dạo, nghe nhạc, xem phim, đi bơi…bởi đôi khi cảm hứng, những giây phút thăng hoa thường đến từ những giây phút bạn tự do, thư thái, cởi mở nhất. Ai cũng có khả năng sáng tạo nếu bạn cho mình cơ hội được suy nghĩ tự do. Khi bạn có sự cởi mở với bản thân (đừng giới hạn nhận thức hay cố định bản thân) bạn sẽ cho mình nhiều cơ hội hơn để thử, để tìm đến những giải pháp mới, sự sáng tạo mới.

Không ngừng học hỏi, mở rộng, nâng cao sự hiểu biết của bản thân: mọi quá trình nhận thức của chúng ta đều được hình thành trên cơ sở kế thừa và phát triển. Vì vậy, mọi sự sáng tạo đều cần thực hiện trên những cái đã có. Muốn rèn luyện và phát triển tư duy/kỹ năng sáng tạo bạn cần có nền tảng kiến thức phong phú, đa dạng về cả bề rộng lẫn bề sâu. Những người có kiến thức và trải nghiệm sẽ có khả năng mở rộng và đa dạng hóa vấn đề cho tư duy sáng tạo. Muốn sáng tạo bạn hãy dành nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi các vấn đề trong cuộc sống, đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ những vấn đề mang tính vĩ mô như vũ trụ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn cho đến các vấn đề vi mô như cỏ cây, hoa lá, hơi thở… . Đừng bao giờ chỉ đóng khung mình trong một sự hiểu biết hạn hẹp mà hãy cởi mở đón nhận, thâu lượm mọi thứ từ cuộc sống xung quanh. Đó sẽ là chất liệu khơi nguồn sáng tạo cho bạn. 

ban-lam-viec-cang-bua-bon-chi-em-cong-so-cang-de-tro-thanh-thien-tai-08d-4921748

Bất kỳ kỹ năng nào cũng đều cần được rèn luyện, nỗ lực để hình thành và duy trì. Tư duy kỹ năng sáng tạo cũng vậy. Hãy dành thời gian để hiểu về nó, nhận thức bản chất của nó và vận dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày bạn nhé. 

“Cách tốt nhất để có một ý tưởng hay là tạo ra thật nhiều ý tưởng” (Linus Pauling). Chúc các bạn ngày một sáng tạo! 

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Hi tôi đang tự hỏi mấy ai nhận ra điều này giống như bạn và làm thế nào để thay đổi
Trả lời
Hi tôi đang tự hỏi mấy ai nhận ra điều này giống như bạn và làm thế nào để thay đổi

Cảm ơn bài viết của chị ạ.