Kỹ năng nào biến bạn trở thành một Leader giỏi?
Trở thành Leader vừa là một cơ hội, vừa là thách thức lớn. Nếu trước đây bạn quen với việc là một developer thì đây có vẻ là thử thách dành cho bạn bởi tính chất công việc đã được nâng cấp hơn, đòi hỏi bạn nhiều kỹ năng hơn. Qua bài viết này, hi vọng có thể giúp bạn có cái nhìn tổng quan về những kỹ năng cần thiết của một Leader.
Vậy Leader là gì?
Leader có thể hiểu là trưởng nhóm, lãnh đạo, chỉ huy, là những người đứng đầu, kiểm soát một tổ chức, tập thể riêng biệt. Leader là người xác lập ra phương hướng, tạo ra những kế hoạch cụ thể và truyền cảm hứng cho tập thể.
Các kỹ năng cần có của một leader
Quản lý và lập kế hoạch
Đây là một trong những kỹ năng quan trọng và cần thiết của một Leader. Leader cần nắm bắt rõ công việc của nhóm, có tầm nhìn rộng để quán xuyến công việc tốt nhất. Họ cần điều chỉnh công việc để có thể phù hợp với năng lực từng thành viên, chủ động đưa các phương án mới nếu thấy cách làm việc chưa đạt hiệu quả. Một kế hoạch tốt sẽ mang đến một kết quả tốt. Trước bất cứ dự án nào, leader cần xem xét và sắp xếp những đầu việc, phương hướng triển khai một cách hợp lý để nhân viên nắm bắt và theo sát thực hiện từng khâu một cách hoàn chỉnh.
Xử lý tình huống
Bất kỳ sự kiện, dự án nào cũng có thể phát sinh những tình huống bất ngờ. Với tính chất là người đứng đầu, Leader cần chứng tỏ bản lĩnh của mình trong việc đưa ra những quyết định nhanh chóng, mang tính khả thi cao. Vì thế họ cần đầu óc nhạy bén, tính cách quyết đoán, biết chọn lựa phương án thông minh để “cấp cứu” tình hình.
Tạo động lực, truyền cảm hứng, kết nối nhân viên
Nhân viên quyết định gắn bó với công việc một phần vì mức lương, phần quan trọng không kém đó chính là người lãnh đạo. Họ cảm thấy được trân trọng bởi những nỗ lực và thành tựu, họ thấy mình học hỏi được nhiều điều từ leader. Đó mới thực sự là thành công của một Leader. Khi làm việc nhóm không thể tránh khỏi những mâu thuẫn giữa các thành viên, nhưng thời khắc mệt mỏi, bế tắc khi không tìm ra phương án giải quyết. Lúc này Leader có vai trò rất quan trọng bởi họ chính là phải giữ cho cán cân trở lại vị trí cân bằng. Họ thúc đẩy nhân viên, gắn kết nhân viên bằng những cách làm thông minh, tinh tế. Đó có thể là những buổi bonding, tâm sự mỏng, sự quan tâm, cổ vũ hàng ngày.
Giao tiếp
Tương tự như kỹ năng kết nối thành viên trong team, Leader cần khả năng giao tiếp tốt. “If you just communicate, you can get by. But if you communicate skillfully, you can work miracles”- Jim Rohn (Đại ý: Nếu bạn chỉ giao tiếp giỏi, bạn có thể tồn tại. Nhưng nếu bạn giao tiếp khéo léo, bạn có thể tạo ra điều kỳ diệu). Bất cứ công việc nào cũng cần truyền truyền tải qua việc giao tiếp. Giao tiếp ở đây bằng cả lời nói, chat, mail. Giao tiếp là nền tảng bởi Leader sẽ vận dụng kỹ năng này để truyền tải,phổ biến công việc đến từng thành viên. Nếu có sự giao tiếp, hiểu ý tốt thì hiệu quả công việc sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Đối mặt với áp lực
Đảm nhận vị trí là một Leader đồng nghĩa bạn cần có nhận trách nhiệm với bản thân và cả thành viên trong team. Tất nhiên dù là người thúc đẩy mọi người, nhưng không phải Leader lúc nào cũng mang trong mình năng lượng tích cực. Họ cũng có những lo lắng và có thể có sai sót trong những quyết định của mình. Vì thế áp lực mà Leader phải đối mặt rất lớn, Nếu không phải người mạnh hơn áp lực, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và nặng nề
Ngoài các kỹ năng kể trên, một Leader cần rất nhiều yếu tố khác như: Quản lý thời gian, tư duy làm chủ, tìm kiếm cơ hội, chuyên môn tốt,..
Đừng lo lắng và sợ hãi nếu bạn phải đảm nhiệm vị trí này. Đây sẽ là một trải nghiệm hết sức thú vị giúp bạn nâng cấp bản thân.
Lê Thu Hương
Kim Anh
Cảm ơn chia sẻ của bạn nhé! Làm leader mang trách nhiệm lớn thật.