Kỹ năng ĐẶT MỤC TIÊU theo nguyên tắc SMART
Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng liệu tương lai sau này tôi sẽ làm gì? Có mục tiêu nào sắp tới hay không? Bản thân tôi là một người cực kỳ khó tính và cầu toàn, vì vậy trước khi bắt tay làm một việc gì đó, tôi đều đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng và phải cố gắng bằng mọi cách để đạt được.
Vậy tại sao tôi muốn chia sẻ bài viết này? Vì tôi thấy nhiều bạn có có thành tựu, nhưng chưa biết cách đặt mục tiêu cũng như thực hiện sao cho hiệu quả. SMART là một trong những nguyên tắc hay nhất mà tôi từng áp dụng để đặt mục tiêu một cách rõ ràng cho bản thân.
Áp dụng nguyên tắc SMART có thể giúp đặt mục tiêu rõ ràng, đúng đắn (Nguồn: Internet)
Mục tiêu là gì?
Mục tiêu là cái đích mà chúng ta muốn đạt tới trong một khoảng thời gian nhất định, về một lĩnh vực hay công việc nào đó. Mục tiêu bao gồm nhận thức, thái độ hoặc hành vi.
Kỹ năng đặt mục tiêu theo nguyên tắc SMART
Nguyên tắc SMART được hiểu là: cụ thể – đo lường được – khả thi – thực tế – thời gian.
S – Specific: Càng cụ thể càng tốt
Để thiết lập được một mục tiêu đúng đắn, đầu tiên bạn phải được xác định nó một cách cụ thể, rõ ràng. Bạn phải biết mình sẽ làm gì, phải thực hiện như thế nào thì mới có thể có khả năng đạt được hiệu quả tốt nhất. Nhà giáo dục học nổi tiếng Jack Canfield trong quyển sách “Những nguyên tắc thành công” đã khẳng định rằng: “Một mục tiêu mơ hồ sẽ cho một kết quả mơ hồ mà thôi”. Và chắc chắn là một kết quả mơ hồ như thế chẳng ai mong muốn cả.
Một trong những cách tôi thường dùng để xác định một mục tiêu cụ thể là tưởng tượng về chúng. Chẳng hạn, lúc còn ngồi trên giảng đường Đại học, mục tiêu trong 15 năm tới của tôi là mua được một căn nhà nhỏ, nhưng ngôi nhà này sẽ trông như thế nào? Nhắm mắt lại, tôi sẽ hình dung ngôi nhà đó có bao nhiêu phòng, được thiết kế theo phong cách nào, những vật dụng trang trí bao gồm những gì? Tôi nhớ lúc đó tôi có lấy bút chì ra, nguệch ngoạc mấy nét vẽ trông cũng khá ổn.
Bạn càng hình dung ra rõ ràng mục tiêu của tôi, bạn càng biết chính xác những gì bạn cần làm để đạt được nó.
M – Measurable: Đo lường được
Nghĩa là mục tiêu phải được gắn liền với các con số. Nguyên tắc SMART đảm bảo mục tiêu của bạn phải có sức nặng, có thể cân, đo, đong, đếm được. Bạn phải biết được chính xác những gì mình cần đạt được là những gì, bao nhiêu.
Ai trong chúng ta hầu hết cũng luôn muốn có một nguồn tài chính ổn định, nhưng “ổn định” là như thế nào? Có thể với người này, “ổn định” chính là nguồn thu nhập 10 triệu đồng/ tháng, nhưng có người lại chỉ khoảng 5 triệu đồng. Những con số cụ thể mà bạn đặt ra chính là động lực để thúc đẩy tinh thần bạn, khiến bạn luôn tự nhắc nhở mình rằng phải luôn cố gắng, nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất.
A – Achievable: Tính khả thi
Tôi của khoảng 10 năm về trước, là một nhân viên quèn, chỉ mới ra trường được 1 năm, với mức lương 3 triệu đồng/ tháng (tự lo tiền ăn, tiền ở), tôi đưa ra mục tiêu cho bản thân rằng phải đi du lịch được 2-3 nước trên thế giới vào cuối năm. Bạn hoàn toàn có thể nhận thấy rằng đó thực sự là một mục tiêu không dễ thực hiện một chút nào đúng không?
Tính khả thi là một yếu tố rất quan trọng khi ta đưa ra mục tiêu. Nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ về năng lực, hoàn cảnh của bản thân trước khi đề ra một chỉ tiêu nào đó, nếu không muốn bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng như vậy không có ý nghĩa là bạn chỉ lập cho mình một mục tiêu quá đơn giản và dễ dàng, như thế sẽ khiến bạn không cảm thấy thích thú và được thách thức.
R – Realistic: Tính thực tế
Mục tiêu bạn đặt ra cho bản thân không nên quá xa vời với thực tế. Để làm được điều này, bạn phải ngồi tính toán xem khả năng, vật chất, thời gian, nguồn hỗ trợ,…xem bạn có thể thực hiện được hay không.
Khi đặt mục tiêu tương thích với định hướng cuộc sống và sự nghiệp, bạn có thể tập trung để phát triển và hoàn thiện bản thân mình. Nếu đặt mục tiêu quá xa vời và không phù hợp, bạn sẽ mãi mãi không bao giờ hoàn thành được nó.
T – Time bound: Thời gian
Mục tiêu đặt ra luôn phải có thời hạn. Nếu không có thời gian cụ thể, bạn sẽ không thể phân chia công việc một cách hợp lý để thực hiện, bạn cũng sẽ không hình dung được quá trình hoàn thành mục tiêu đó sẽ diễn ra trong bao lâu và mình sẽ phải cố gắng như thế nào. Thay vì nghĩ thời gian là áp lực, hãy xem đó là động lực để bạn có thể thành công sớm hơn.
Khi bạn có được những mục tiêu cụ thể trong bất cứ thời điểm hay lĩnh vực nào, bạn sẽ biết điều chỉnh bước đi của mình để có thể đạt được những kết quả tốt nhất. Hy vọng bạn có thể áp dụng hiệu quả nguyên tắc SMART để nhận được những điều xứng đáng với những nỗ lực của bản thân!
kỹ năng mềm
Mình đọc khá nhiều bài viết về SMART nhưng đây là bài viết có tâm và dễ hiểu nhất mình từng đọc. Cảm ơn bạn!
Nguyễn Thị Thu Hương
Mình đọc khá nhiều bài viết về SMART nhưng đây là bài viết có tâm và dễ hiểu nhất mình từng đọc. Cảm ơn bạn!