Kinh tế Thái Lan
kiến thức chung
TỔNG QUAN NỀN KINH TẾ THÁI LAN
Tổng Quát
Nền kinh tế của Thái Lan vào những năm 1980 tiếp tục phát triển theo chiều hướng truyền thống của nó. Nước này vẫn giữ đường lối kinh tế tư bản, phần lớn do các thành phần tư nhân điều khiển với sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng của nhà nước.
Trong những thập niên 1960 và 1970 Thái Lan nằm trong số những nước phát triển có tốc độ tăng trưởng cao nhất và thành công nhất. Nổi bật là sự tăng trưởng về sản xuất cùng với những tiến bộ trong việc giảm bớt nghèo đói, đặc biệt là trong thập niên 1970. Tuy nhiên đầu thập niên 1980 kinh tế Thái Lan lại chững lại, một phần là do sự suy thoái toàn cầu.
Nhà nước cố gắng tạo ra sự tăng trưởng cân đối về kinh tế cùng với sự cải tiến tình hình các dịch vụ xã hội không đủ cung ứng cho nhân dân. Trong những chiều hướng về xã hội và kinh tế có việc tăng cường đô thị hóa, mở rộng các hoạt động công nghiệp với tốc độ nhanh hơn so với nông nghiệp và gia tăng thu nhập trong khối công nghiệp về dịch vụ. Những chiều hướng này, thường liên quan đến công cuộc hiện đại hóa, đã tạo ra những vấn đề mà chính quyền phải đối đầu. Bangkok đã phải đương đầu với tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng và các dịch vụ cơ bản như nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước, năng lượng và các phương tiện giao thông. Mặc dù trước đó nông nghiệp là hoạt động kinh tế quan trọng nhất với hầu hết dân số sống trong vùng nông thôn, diện tích đất canh tác vẫn không gia tăng.
Thực tế, kế hoạch đưa ra là tất cả mọi gia tăng về thu nhập đều từ sự tăng năng suất lao động và năng suất trên diện tích hiện hữu và từ sự phát triển và đa dạng hóa trong sản xuất công nghiệp. Theo đó, nhà nước khích lệ các đơn vị sản xuất sản phẩn nông nghiệp, hóa chất và các thiết bị cơ học và điện tử và những đơn vị tập trung lao động và có hướng xuất khẩu. Vì ngoại thương và đầu tư là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, những điều kiện ngoại vi đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế quốc gia.
Thái Lan thu hoạch nhiều hơn mức tiêu thụ nội địa, do đó tạo điều kiện cho nước này hàng năm đã xuất khẩu được một lượng lớn lương thực. Những mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chính của Thái Lan là lúa gạo, sản phẩm từ củ sắn, cao su bắp và đường. Những mặt hàng xuất khẩu phi nông nghiệp chủ yếu là vải sợi, hàng điện tử và thiếc. Về nhập khẩu, lượng xăng dầu chiếm hơn nửa số lượng tiêu thụ trong nước. Mặc dù Thái Lan là thành viên của ASEAN với những ưu tiên về mậu dịch ở đây, những đối tác thương mại chủ lực lại là Nhật, Mỹ, Úc và các nước trong khối EEC.
Triển vọng lâu dài tùy thuộc phần lớn vào những điều kiện kinh tế thế giới tác động vào kinh tế Thái Lan. Vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, tình hình gia tăng lãi suất giảm nhu cầu và giảm giá với các mặt hàng xuất khẩu và giá xăng dầu tăng đã tạo nên một sự khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế. Sự tăng trưởng tiếp của nền kinh tế tùy thuộc một phần vào sự thành công của chính quyền Thái Lan trong việc cải tiến hiệu quả kinh tế và gia tăng tiết kiệm nội địa qua các chương trình phát triển của nước này.
Đến năm 2002, chính quyền Thái Lan đã được ca ngợi về một chính sách kinh tế đã giúp làm tăng trưởng vượt mức dự kiến. Tuy nhiên việc duy trì được sự tăng trưởng đó đòi hỏi phải tăng cường những cải cách trên diện rộng.
Tình hình xuất khẩu của Thái Lan vào quý 1 của năm 2002 không được khả quan lắm, nhưng sau đó đã đựơc cải tiến vào quý 2 với sự gia tăng nhu cầu từ bên ngoài. Một số nhà xuất khẩu đã chuyển mục tiêu sang các nước châu Á để tránh tình trạng kinh tế trì trệ của một số nước lớn.
Sự kiện Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ cất giảm lãi suất 0,5% đã củng cố thêm những quan ngại về tình hình yếu kém trong việc phục hồi kinh tế của Mỹ. Sức tiêu dùng nội địa rất mạnh của Mỹ đã chững lại, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô và bất động sản. Bộ Tài chính Thái Lan đã yêu cầu ngân hàng trung ương xúc tiến việc cơ cấu lại chế độ vay nợ đối với tất cả các khoản nợ hiện có. Trong khi đó các ngân hàng được yêu cầu giảm bớt mức chênh lệch về lãi suất giữa tiền gửi và nợ vay nhằm cải tiến hiệu quả của chính sách tiền tệ. Chính quyền tin chắc rằng nền kinh tế trong năm 2003 vẫn tiếp tục tiến triển tốt đẹp nhờ sự tin tưởng và số lượng cao trong nhu cầu tiêu dùng. Nhà nước Thái Lan đã chuẩn bị một ngân sách phụ 30 tỉ bạt để giữ nền kinh tế đứng vững trong những điều kiện không thuận lợi từ bên ngoài. Về mặt sản xuất, các sản phẩm điện tử, ti vi và radio, sắt thép và phụ tùng ô tô là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu trong năm 2002. Những ngành công nghiệp này cùng với công nghiệp sản xuất thức uống và công nghiệp chế tạo xe là những động cơ chính trong sự tăng trưởng của năm 2002. Tiêu dùng cá nhân cũng được đẩy mạnh qua việc gia tăng số lượng xe máy và xe khách bán ra. Cán cân mậu dịch thặng dư với sự đóng góp lớn lao về thu nhập của ngành du lịch. Cán cân thanh toán cũng thặng dư nhờ mức xuất chi thấp về vốn.
Nhà nước đã có những chiến dịch mạnh mẽ để cải tiến hệ thống giáo dục, tăng cường các kết nối thông tin giữa những cộng đồng nông thôn với các thị trường của họ và chống tiêu cực. Nếu những mục tiêu này đạt được thì năng suất và nền kinh tế sẽ được cải thiện.
Quỳnh Xuân Tiên