Kinh tế -xã hội Thái Lan truyền thống và hiện đại
kiến thức chung
I. Kinh tế - xã hội:
1. Kinh tế - xã hội truyền thống: Kinh tế Xiêm nửa cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX:
Sau những hiệp ước kinh tế mà Xiêm (sau này là Thái Lan) kí với các nước Phương Tây, cánh cửa Xiêm đã " mở toang''. Nền kinh tế Xiêm bị cuốn hút, hội nhập ngày càng mạnh mẽ hơn vào hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới. Kể từ đầu những năm 60 của thế kỉ XIX trở đi trung bình hàng năm có tới 300 đến 400 tàu buôn nước ngoài ghé cảng Băng Cốc, trong đó chủ yếu là tàu Anh, sau đó là Đức và Mỹ, Đang Mạch, Thụy Điển, Hà Lan và Pháp. Trọng tải của các tàu buôn nước ngoài đến Xiêm trong những năm 60 của thế kỉ XIX nhiều gấp 2 lần trọng tải hàng của các tàu buôn Xiêm. Thời gian này thị trường ngoại thương của Xiêm có sự chuyển hướng nhanh chóng. Người phương tây nhập vào Xiêm các đồ sứ thủy tinh, sắt, thép, đồng và cả đinh cho công nghiệp đóng tàu và xây dựng nhà cửa....và mua xuất khẩu các mặt hàng của Xiêm như lúa, gạo, đường, tiêu, ớt, da, lông thú, muối.....Trong xuất khẩu, mặt hàng chủ lực của Xiêm là lúa gạo. Nhà nước thực hiện nhiều chính sách khuyến khích việc trồng lúa và sản xuất gạo xuất khẩu. Tính trung bình lượng gạo xuất khẩu của Xiêm trong nửa sau thế kỉ XIX tăng rất nhanh. Năm 1858 mới có 2,5% thì năm 1875 là 23% và 1895 là 60%. Số lượng gạo xuất khẩu tiếp tục tăng trong thập niên đầu thập kỉ XIX: 1900 Xiêm xuất 500.000 tấn, từ 1905 đến 1909 mỗi năm xuất trung bình 882.000 tấn và đến 1910 là 900.000 ngàn tấn.
Hoạt động nhập khẩu vào Xiêm cũng có thể thấy: Lớn nhất là vải bông, chiếm 33% tổng giá trị hàng nhập khẩu, tiếp đó là thuốc phiện, dầu mỏ, đồ uống các loại, bao bì đựng lúa gạo, cuối cùng là các sản phẩm từ sắt thép và đồ máy móc.
Nhìn khái quát bức tranh tổng thể về kinh tế của Xiêm thời kì này, có thể thấy rằng nền kinh tế của Xiêm, đặc biệt là kinh tế đối ngoại, chịu sự chi phối mạnh mẽ của tư bản phương Tây, đặc biệt là thực dân Anh. Các nước tư bản phương Tây khi vào Xiêm, được vua Xiêm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi buôn bán. Cũng chính vì vậy, tham vọng của các nước này đối với Xiêm ngày càng lớn. Xem xét các quan hệ của Xiêm với các nước tư bản phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Hà Lan......cũng như quan hệ của Xiêm với Nhật Bản có thể thấy rõ hơn chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa cũng như ngoại giao "đánh đu", "lựa chiều", "cân bằng lực lượng", lợi dụng mâu thuẫn giữa các kẻ thù, các đối tác của Xiêm nửa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Có thể thấy đây là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội năng động hiện đại
2. Kinh tế - xã hội hiện đại:
a. Cơ cấu theo ngành kinh tế của Thái Lan:
Đến năm 2009, cơ cấu ngành kinh tế của Thái Lan có sự thay đổi:
+ Ngành nông nghiệp chiếm 12,2%
+ Ngành công nghiệp chiếm 45,3 %
+ Ngành dịch vụ chiếm 42,5%
Ta có thể thấy rằng, Thái Lan hiện là một nước công nghiệp mới (trước vốn là nước nông nghiệp truyền thống). Ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu ngành của Thái Lan, còn ngành nông nghiệp lại chiếm tỉ trọng nhỏ. Ngành công nghiệp và dịch vụ đã dần dần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và vai trò của nông nghiệp giảm dần.
Dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu GDP nhưng nông nghiệp vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều lao động nhất và chiếm vị trí quan trọng trong xã hội.
Số người lao động vào năm 2001 là 37,2 triệu, phân bố theo từng lĩnh vực:
• 49% nông và ngư nghiệp
• 14% công nghiệp
• 37% dịch vụ
- Thái Lan vốn là một nuớc nông nghiệp truyền thống với dân số nông thôn chiếm khoảng 80% dân số cả nước. Nông nghiệp Thái Lan trong hàng thập kỷ qua có vai trò quan trọng, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân. Cụ thể, Thái lan đã tập trung phát triển các ngành mũi nhọn như sản xuất hàng nông, thủy hải sản phục vụ xuất khẩu, thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp chế biến nông sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là các nước công nghiệp phát triển.
+ Chính sách phát triển nông nghiệp: Một trong những nội dung quan trọng nhất của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2000 - 2005 là kế hoạch cơ cấu lại mặt hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp Thái Lan, nhằm mục đích nâng cao chất lượng và sản lượng của 12 mặt hàng nông sản, trong đó có các mặt hàng: gạo, dứa, tôm sú, gà và cà phê. Chính phủ Thái Lan cho rằng, càng có nhiều nguyên liệu cho chế biến thì ngành Công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm mới phát triển và càng thu được nhiều ngoại tệ cho đất nước.
+ Chính sách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Chính phủ Thái Lan thường xuyên thực hiện chương trình quảng bá vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2004, Thái Lan phát động chương trình “Năm an toàn thực phẩm và Thái Lan là bếp ăn của thế giới”. Mục đích chương trình này là khuyến khích các nhà chế biến và nông dân có hành động kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ thường xuyên hỗ trợ cho doanh nghiệp cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, ngày nay, thực phẩm chế biến của Thái Lan được người tiêu dùng ở các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU chấp nhận.
+ Mở cửa thị trường khi thích hợp: Chính phủ Thái Lan đã xúc tiến đầu tư, thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài vào liên doanh với các nhà sản xuất trong nước để phát triển ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm, thông qua việc mở cửa cho các quốc gia dù lớn hay nhỏ vào đầu tư kinh doanh. Về tiếp cận thị trường xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan là người đại diện thương lượng với Chính phủ các nước để các doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu thực phẩm chế biến. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan có chính sách trợ cấp ban đầu cho các nhà máy chế biến và đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng như: Cảng kho lạnh, sàn đấu giá và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; Xúc tiến công nghiệp và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thái Lan là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về nông sản trên thế giới. Trong đó, nổi bật là phát triển xuất khẩu những sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến, với thương hiệu của nhiều sản phẩm nổi tiếng trên thị trường thế giới, như gạo, hoa quả, thủy sản... nông sản chế biến xuất khẩu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới và nâng cao giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2016, Thái Lan đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với tổng sản lượng xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Từ những thành công và kinh nghiệm của Thái Lan trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản chế biến, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể rút ra một số bài học như sau:
+ Trước hết, phải coi phát triển xuất khẩu nông sản chế biến là một nội dung cụ thể của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp Việt Nam chiếm hơn 60% tổng lực lượng lao động xã hội và hơn 70% diện tích, do đó đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, xuất khẩu nông sản chế biến có tác dụng thúc đẩy nông nghiệp và kinh tế nông thôn, ảnh hưởng tới hiệu quả, cơ cấu và nhịp độ phát triển của nền nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
+ Hai là, cần phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ nông nghiệp. Hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu phải thông qua khâu chế biến. Trong sản xuất nông sản xuất khẩu, áp dụng công nghệ chế biến nhiều trình độ, tranh thủ hiện đại hóa công nghệ ở những khâu mũi nhọn. Với trình độ công nghệ chế biến còn lạc hậu như hiện nay, Việt Nam chưa thể áp dụng một lúc tất cả các trình độ công nghệ cao, hiện đại mà phải sử dụng công nghệ đa dạng, từ khâu thủ công đến hiện đại hóa. Đồng thời, cần phải tiến hành phân loại và lựa chọn để dần dần hướng tới một công nghệ hiện đại ở các khâu chế biến.
+ Ba là, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản chế biến. Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ngành công nghiệp chế biến, nhất là đối với các ngành công nghiệp chế biến mà nguyên liệu có sẵn ở trong nước cần được ưu tiên phát triển. Chính phủ cần tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ về tài chính, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi để sớm mở rộng và nâng cấp các cơ sở chế biến. Để đẩy mạnh xuất khẩu, Nhà nước cần áp dụng một số chính sách khuyến khích và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tinh chế như miễn thuế và cho hưởng lãi suất thấp đối với các nhà máy chế biến.
+ Bốn là, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ các khâu bảo quản, chế biến nông sản theo hướng sơ chế tại chỗ, tinh chế tập trung với các quy mô và trình độ thích hợp. Trong đó, coi trọng quy mô vừa và nhỏ. Việc phát triển các ngành chế biến nông sản ở Việt Nam có vai trò quan trọng làm giảm tỷ lệ hao hụt, làm tăng giá trị nông sản, đáp ứng mục tiêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nông sản theo hướng hạn chế tối đa xuất khẩu sản phẩm dưới dạng thô và sơ chế với giá rẻ.
+ Năm là, đẩy mạnh nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chế biến, bảo quản và lưu thông tiêu thụ. Xây dựng kết cấu hạ tầng tốt để nối liền các cơ sở chế biến khai thác nguyên liệu với các trung tâm chế biến, khai thông sản phẩm chế biến với thị trường tiêu thụ. Nâng cấp hệ thống thông tin, dự báo sản xuất và thị trường, hệ thống kho tàng, phương tiện cất giữ và bảo vệ sau thu hoạch, cơ sở thương mại và cung ứng vật tư, cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ kỹ thuật. Đây là một nguyên nhân gây ra nhiều thất thoát và làm giảm chất lượng hàng nông sản.
+ Sáu là, thực hiện liên kết và hợp tác sản xuất kinh doanh. Hiện nay, việc liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh đang rất yếu khâu sản xuất và xuất khẩu nông sản ở Việt Nam. Liên kết này bao gồm: giữa nuôi trồng trong nông nghiệp và trong chế biến nông sản xuất khẩu, giữa chế biến nông sản xuất khẩu với các ngành công nghiệp khác cũng như các ngành thuộc kết cấu hạ tầng, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước.
- Nổi bật trong tình hình kinh tế của Thái Lan phải kể đến ngành du lịch của nước này. Ngành du lịch chiếm khoảng 6,5% GDP toàn quốc. Năm 2011, đã có hơn 19 triệu khách du lịch tới Thái Lan, tăng 19,84% so với năm 2010 (theo thống kê Cục Du lịch Thái Lan). Thái Lan đã thu được 734,6 tỷ Bat năm 2011, tăng 23,92% so với năm 2010
6 yếu tố làm nên sự phát triển của du lịch Thái Lan:
+ Quan tâm cơ sở vật chất được đặt lên hàng đầu: Trong những năm vừa qua, chính phủ Thái Lan đã đầu tư rất mạnh vào hệ thống giao thông công cộng, tàu điện trên không Skyrail đảm bảo việc đi lại trong thành phố nhanh chóng và thuận tiện. Đặc biệt, ý thức của người tham gia giao thông bên Thái Lan rất nghiêm chỉnh chấp hành, chính vì vậy, tình trạng ùn tắc, kẹt xe hầu như không có. Đường xá giao thông được cải thiện là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp ngành du lịch Thái Lan ngày càng thu hút du khách khắp nơi trên thế giới.
+ Dịch vụ luôn tuân theo tiêu chuẩn quốc tế: Hệ thống khách sạn sang trọng, hầu hết các nhân viên khách sạn đều có trình độ tiếng anh rất tốt. Các nhân viên bán hàng cũng vậy, họ đều được đào tạo một cách chuyên nghiệp trong cách giao tiếp, gây ấn tượng đối với du khách quốc tế. Tại các điểm du lịch Thái Lan, các bảng biểu chỉ dẫn bằng tiếng Anh giúp du khách hiểu và nắm rõ điểm tham quan.
+ Phát triển du lịch đường sông: Dòng sông Chao Phraya là một trong những hệ thống phát triển du lịch đường sông. Chính phủ Thái Lan đã quy hoạch các công trình tuyệt đẹp 2 bên bờ sông và lòng sông được rất nhiều cá vàng. Ngồi trên du thuyền trên sông Chao Phraya, du khách sẽ viếng thăm chùa Xá Lợi được áp dụng cho các tour du lịch thuần túy ở Thái Lan.
+ Khách hàng được coi là thượng đế: Khi đi mua sắm chính là lúc du khách cảm thấy thỏa mái nhất. Hầu như bạn chẳng bao giờ thấy vẻ mặt cau có của các nhân viên bán hàng khi bạn mặc cả giá. Họ luôn giữ nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt và những câu nói nhẹ nhàng điềm tĩnh. Chính vì vậy, bạn sẽ thực sự được coi là thượng đế khi đi mua sắm hoặc sử dụng dịch vụ ở Thái Lan.
+ Ẩm thực đường phố Thái Lan rất phong phú: Ở Thái Lan, văn hóa ẩm thực đường phố vô cùng đa dạng và phong phú. Du khách đến các khu phố ẩm thực bán đầy đủ tất cả các đồ ăn tươi, sống chín thưởng thức hương vị cay nồng của các món ăn Thái.
+ Sự tôn trọng của du khách đối với hoàng gia Thái Lan: Khi du khách tham quan cung điện hoàng gia Thái Lan, yêu cầu bắt buộc về trang phục được quy định nghiêm ngặt. Du khách phải mặc trang phục chỉnh tề, kín đáo mới được tham quan điều này thể hiện sự tôn trọng đối với chính phủ hoàng gia Thái Lan. Du khách đừng bao giờ nói xấu vua Thái Lan và các thành viên trong gia đình hoàng tộc vì đây được coi là vô cùng khiếm nhã.
- Ngoài ra, Thái Lan còn kết hợp nông nghiệp với dịch vụ du lịch như du lịch trang trại: vừa nghỉ dưỡng, vừa thăm quan và thưởng thức các loại trái cây. Có thể kể đến vườn trái cây Supattra là một ví dụ điển hình của sự kết hợp giữa làm nông nghiệp và tổ chức dịch vụ du lịch đáng để học tập và ứng dụng (Vườn trái cây Supattra nằm ở tỉnh Rayong, cách thủ đô Bangkok chừng hai giờ đi xe. Nơi đây đã được khách du lịch truyền tai nhau là "thiên đường" của các loại trái cây nhiệt đới. Du khách tới đây thăm quan sẽ được chủ vườn tổ chức cho đi thu hoạch trái cây trong thời gian mùa vụ khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Các hoạt động này sẽ giúp du khách cảm thấy thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng ở thành phố. Cuối cùng thì các sản phẩm thu hoạch được đều được chủ vườn tặng miễn phí cho du khách, khiến khu vườn luôn đông khách vào các mùa vụ thu hoạch). => Có thể thấy du lịch sinh thái vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển bền vững, đưa các sản phẩm truyền thống của vùng thành sản phẩm du lịch mà vẫn đem lại nguồn thu nhập cho người dân.
- Tuy nhiên, trong 163 nước được điều tra thì Thái Lan xếp thứ 65 về tham nhũng (năm 2006)
b. Lao động theo trình độ chuyên môn:
Hiện nay (năm 2017), ước tính Thái Lan có 38,3 triệu lao động, trong đó, vào quý I, số người đang có công ăn việc làm là 37,5 triệu người. Mỗi năm, có 5,4 triệu người mới bước vào thị trường lao động.
- Lao động phổ thông là 16,9 triệu người, chiếm 45% tổng số lao động. Trong tổng số đó, 11,2 triệu người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, số còn lại làm việc trong các ngành công nghiệp cần nhiều lao động. Hầu hết trong số họ không có bằng cấp, chỉ có bằng tiểu học. Nhóm này phải đối mặt với nguy cơ bị thải loại lớn nhất.
- Có 6,15 triệu lao động bán chuyên nghiệp, chiếm 16,4% tổng số lao động. Hầu hết trong số họ đã tốt nghiệp trung học cơ sở và có thể được hưởng lợi từ đào tạo nghề.
- Có 6,1 triệu công nhân có bằng trung học phổ thông và đào tạo nghề, chiếm 16,3% trong tổng số lao động. 8,02 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học có bằng cử nhân, chiếm 21,4% tổng số lao động. Hai nhóm này có tiềm năng nhất để theo kịp xu hướng công nghệ cao.
Có thể thấy, lao động phổ thông còn chiếm tỉ trọng cao, trình độ học vấn còn khá thấp
Tuy vậy, ông Thanit (Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Phát triển Lao động Quốc gia) cho biết, các cơ sở giáo dục Thái Lan cỏ vẻ như còn thiếu tích cực và chậm chạp trong việc đào tạo ra những học viên theo yêu cầu của các ngành công nghiệp. Các doanh nhân cũng cần phải đẩy nhanh việc nâng cấp sản phẩm để họ không bị tụt hậu trong cuộc đua toàn cầu gay gắt.
Ông Thanit cũng kêu gọi chính phủ tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu về triển vọng và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở Thái Lan.
Nội dung liên quan
Đinh Bách Đạt