Kinh nghiệm học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu?
Em đang bắt đầu học tiếng Nhật và hiện tại sau 1 tuần em đã thuộc được bảng chữ hiragana. Mục tiêu của em là đạt N3 trong khoảng từ 6-8 tháng. Mọi người có ai đã từng tự học tiếng Nhật qua sách, internet có thể chia sẻ cho em một vài tips để học hiệu quả không ạ? Em xin cảm ơn
ngoại ngữ
Anh không tự học, nhưng có một vài lời khuyên mà anh nghĩ tự học hay được dạy thì cũng nên biết.
- Nên học chậm thôi. Dục tốc bất đạt. Những người đạt N3 trong 6 tháng mà anh biết thì hoặc là vô cùng thông minh, hoặc là chỉ học tiếng Nhật và không làm gì khác. Nếu em phải làm những việc khác nữa, và không phải là người có tài năng xuất chúng, thì đừng ép mình quá. Nếu em học hai tuần, hay hai tháng mới nhớ bảng chữ cái thì cũng không phải là vấn đề. Nền tảng phải xây thật chắc.
- Đừng học từ, hãy học cách diễn đạt, và học từng cách diễn đạt một. Một từ có thể có nhiều nghĩa trong các cấu trúc khác nhau, hãy học từng cấu trúc ấy, tốt nhất là vào các ngày khác nhau, để tránh bị lẫn lộn. Hãy học cách diễn đạt bằng cách nhớ cả tình huống, học thuộc lòng cả câu, hoặc/và dùng Anki Deletion Cloze. Học từ từ, tiến từng bước từng bước một giống như xây nền móng rồi đặt từng viên gạch một cách chắc chắn cho đến khi có cả tòa nhà. Xây nhà kiểu hời hợt thì nhanh cao, nhưng gió mạnh thì chắc chắn đổ. Biết nhiều từ vựng mà đến khi phỏng vấn dùng từ sai thì có tốt bằng biết ít mà diễn đạt đúng ý mình không?
- Việc ôn tập quan trọng ít nhất là ngang với học kiến thức mới. Việc học thường xuyên (ngày nào cũng học) là tối quan trọng. Nhiều người cố gắng nhồi nhét từ vựng với ngữ pháp, nhưng việc đó cũng giống như cố gắng đổ đầy nước vào một cái bể mà nước đang chảy ra ngoài qua những vết nứt. Những vết nứt là không thể tránh khỏi, hãy ưu tiên gắn chúng lại thay vì cố đổ thêm nước vào.
- Mấy bạn giáo viên thiếu kinh nghiệm thường hướng dẫn người học mỗi ngày học một số lượng từ mới hay mẫu ngữ pháp mới nhất định, ví dụ như "mỗi ngày học 10 từ mới." Có hai vấn đề với cách hướng dẫn này. Thứ nhất, chỉ học từ mới là cách hiệu quả nhất để biết rất nhiều từ nhưng không biết nói hay viết như thế nào trong tình huống cụ thể. Nên học cách diễn đạt. Thứ hai, đặt mục tiêu như thế khiến người học có cảm giác thỏa mãn khi học đủ một số từ nhất định, trong khi điều quan trọng hơn là ôn tập. Hãy đặt mục tiêu khác đi, chẳng hạn "Học và ôn tập 10 mẫu câu một ngày." Khi ấy em sẽ thấy học một câu ôn chín câu cũng là hoàn thành mục tiêu, và theo anh thì đó là mục tiêu tốt hơn.
- Nên có một nếp sống quy củ. Nếu em đặt mục tiêu học một tiếng mỗi ngày mà không biết một tiếng là vào lúc nào thì sẽ khó thực hiện. Nếu sống có kỷ luật thì có thể dễ dàng sắp xếp một khoảng thời gian cho việc học mỗi ngày và tạo thói quen. Việc học đều đặn là rất quan trọng. Bỏ học một ngày không có nghĩa là không tiến lên, mà là lùi lại. "Việc học như thuyền đi ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi."
- Nên tìm giáo viên, ít nhất là khi bắt đầu. Thử nhiều con đường chắc chắn không đi nhanh bằng được một người có năng lực chỉ cho một con đường tốt. Tự học từ khi mới bắt đầu là một việc không nên làm, khả năng có những cách hiểu sai lầm và khuyết một vài kiến thức nền tảng là rất cao. Càng học nhiều em sẽ càng có khả năng hoàn thiện kiến thức nền bị hổng, vừa sửa được lỗi sai, nhưng sẽ tốn nhiều thời gian. Vừa muốn giỏi nhanh vừa tự học từ đầu là một tai họa.
- Nên nghe nhiều và đọc nhiều. Trừ khi em luyện phát âm với giáo viên, hãy nghe cho đến khi không thể lẫn các âm của tiếng Nhật. Nhiều người Việt có kiểu phát âm tiếng Nhật đặc trưng đến nỗi chỉ nghe thôi cũng biết không chỉ là người nước ngoài, mà còn chắc chắn là người Việt Nam. Đó là hậu quả của việc gặp giáo viên không có tâm, thấy sai không sửa, hoặc do tính nóng vội muốn nói được nhanh. Dục tốc bao giờ cũng bất đạt. Nhiều giáo viên Việt Nam không phát âm được phụ âm trong わ hay trợ từ は, và không phát âm được chữ つ、học viên cứ thế phát âm わ thành "góa" và つ thành "trự" nghe rất buồn cười. Nên nghe nhiều và đọc nhiều để tránh cái vết xe ấy, rồi sau này sẽ có thể nói đúng và viết đúng. Đã sai rồi thì sửa mất rất nhiều thời gian.
- Một điểm liên quan đến đọc là em có thể dễ dàng đọc tiếng Nhật mà không cần phát ra âm thanh trong đầu (subvocalization). Chỉ cần hiểu điều ấy thì có thể đọc nhanh gấp 5-6 lần bình thường mà không cần cố gắng nhiều. Bây giờ có thể em chưa hiểu đâu, nhưng hãy lưu câu trả lời này và 1-2 năm sau đọc lại.
- Trên mạng có nhiều người nói rất hay nhưng không biết cách dạy. Nếu họ quảng cáo sách vở hay khóa học thì đặc biệt cẩn thận. Tất nhiên giáo viên giỏi thì cũng quảng cáo, nhưng họ không cố gắng thể hiện là họ giỏi trước mặt người học một cách lộ liễu đâu. Sông sâu chảy lặng, lúa chín cúi đầu. Để nhìn ra ai có thực lực thì cần có chút kinh nghiệm, nhưng nói trước để em tránh mất tiền và thời gian một cách vô ích.
- Cuối cùng, cách tốt nhất là học chậm mà chắc, thường xuyên, liên tục. Làm thế thì ai cũng sẽ giỏi, thông minh hơn thì giỏi nhanh hơn thôi. Một khi đã học, đừng đặt ra cái đích cuối cùng, hãy xác định sẽ học mãi mãi, cũng đừng coi trọng các kỳ thi quá. Nhà cao có thể xây cao hơn nữa. Người Nhật trưởng thành cũng vẫn gặp từ mới trong sách báo phải tra từ điển. Tất cả những người kêu mình mất gốc, như ở tiếng Anh chẳng hạn, thực ra chẳng qua vì không nỗ lực mỗi ngày, dù chỉ một chút, mà thôi. Chúc em may mắn nhé.
Hideki
Anh không tự học, nhưng có một vài lời khuyên mà anh nghĩ tự học hay được dạy thì cũng nên biết.