Kinh nghiệm dịch thơ và dịch triết văn
1. Maiakôvxki sửa bản dịch tiếng Nga một bài thơ tiếng Anh, mặc dù ông không biết tiếng Anh
Một câu thơ của Whitman được dịch sang tiếng Nga có nghĩa là: “đêm đêm có những người đàn bà đứng vỉa hè bán xác thịt (plotb) để nuôi miệng”. Trong nhiều ngôn ngữ phương Tây có sự phân hoá giữa 2 từ: xác thịt và thịt. Anh: flesh và meat; Pháp: chai và viande; Nga: plotb và mjaco.
Đọc câu thơ dịch nói trên M. cho rằng W dùng từ “thịt”chứ không phải “xác thịt” và M. đúng. Một nhà văn đương thời với Maia có nhận định về “gu” của Maia: “Năm 20 tuổi, Maia có “gu” của một người 120 tuổi”. Với một cái “gu” chín chắn, già dặn như vậy Maia thấy ngay một nhà thơ lớn như Whitman, xót xa cho thân phận ê chề những gái điếm, chỉ có thể hạ bút viết về những người đàn bà đứng đường bán “thịt”, nói về họ như là những người bán “xác thịt” thì tầm thường quá.
M. không biết tiếng Anh. Chỉ biết mỗi một câu: “give me a cup of tea”.
2. Một trường hợp không hiểu và dịch sai
Câu thơ của Verlaine:
Rien n’est plus cher que la chanson grise là où l’indécis au précis se rejoint.
Ban đầu tôi dịch là:
Không có gì quý bằng bài ca mầu xám ở đó sự chính xác và sự mơ hồ giao nhau
Từ “gris” có 3 nghĩa: màu xám với ý nghĩa là u ám, buồn nản chếnh choáng hơi men lửng lơ (không vui, không buồn, không giận, không thương...).
Gần đây tôi mới nhận thấy trong thơ của Verlaine trạng thái lửng lơ là tiêu biểu, nhất là sau khi tìm hiểu bài Trong bài này tiêu biểu cho tâm trạng của nhà thơ là đoạn:
Cực quá nỗi buồn/ chẳng rõ nguồn cơn/ không ghét không thương/ mà ngao ngán buồn.(C’est bien la pire peine/ De ne savoir pourquoi/ Sans amour et sans haine/ Mon coeur a tant de peine)
Từ Verlaine cho đến nay, trạng thái lửng lơ và buồn vui vô cớ luôn luôn là một nét không thể thiếu được của tâm trạng, tâm cách con người hiện đại. Ngoài ra bài Mưa trong lòng tôi đến nay vẫn được xem là bài thơ hay nhất viết về thành phố. Để miêu tả thành phố Verlaine tuyệt nhiên không quan tâm đến ngoại cảnh, ông làm thơ về mưa trong lòng người.
3. Về từ “cốc” trong những bản dịch Đạo đức kinh
Về Đạo đức kinh: 81 thiên, khoảng 5.000 từ, thế kỉ VI trước CN, Lão tử được xem là tác giả của Đạo Đức Kinh là nhân vật được hư cấu, ở phương Tây có hàng chục bản dịch. Riêng câu đầu “Đạo khả đạo phi thường Đạo” có hơn chục cách hiểu khác nhau. Trong ĐĐK từ “cốc” được dùng 7-8 lần. “Cốc” có 3 nghĩa: hang, dòng nước giữa 2 quả núi (khe lạch), lỗ sâu. Tôi đối chiếu 7 bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cẩn, Phan Ngọc, Cao Xuân Huy (trích dịch), của Michael Lafargue (Mỹ), Benjamin Schwartz (trích dịch), Francois Jullien (trích dịch). Từ “cốc” một số tác giả dịch là “hang”, Nguyễn Hiến Lê và những tác giả phương Tây dịch là “khe lạch”. Chọn cách dịch nào? Lấy ví dụ chữ “cốc” trong thiên 66.
“Giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả, dĩ kì thiện hạ chi, cố năng vi bách cốc vương”. Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê: “Sông biển sở dĩ làm vua trăm khe lạch... vì khéo ở dưới thấp nên làm vua trăm khe lạch”.
Trong thiên này, “cốc” hiểu là khe lạch thì xác đáng hơn. Giữa khe lạch và sôngbiển đều là “nước” và có quan hệ cao thấp. Giữa hang và sông biển không có liên hệ nào cả.
4. Dịch thơ Maiakovxki
Trong sáng tác của Maiacôpxki, thơ tình là một mảng quan trọng và phức tạp hơn thơ tuyên truyền, thơ chính trị của ông rất nhiều, nhưng ngay khi làm thơ tuyên truyền chính trị, Maiacốpxki không bao giờ quên những ước lệ và những luật chơi của nghệ thuật thơ ca. Chính vì vậy dịch thơ ông rất khó. Bình một câu thơ hay của Êxênin, Maiacôpxki đặc biệt tán thưởng âm “dr” dùng trong câu thơ. Ông nói; “Chính cái âm “dr” này khiến cho nhà thơ là thơ... Thiếu cái âm “dr” này, thơ sẽ khô khan..., thơ bị biến thành một thứ văn chương của mục sư...”. Một người Việt Nam thưởng thức được cái hay của “dr” trong câu thơ Nga đã là khó, giờ lại tìm một âm tương đương trong tiếng Việt lại càng khó. Về mặt này những người dịch thơ nhiều khi cảm thấy bất lực.
Công việc dịch Maiacôpxki của tôi bắt đầu từ những năm học ở Liên Xô. Bà Varvara Arutcheva, chuyên viên Viện Bảo tàng Maiacôpxki đã kiên trì giúp tôi “khai phá” văn bản. Trong gần một năm, hầu như ngày nào cũng đến Viện Bảo tàng. Suốt buổi bà Arutcheva kèm tôi đọc thơ Maiacôpxki, bà giảng cho tôi từng câu, từng chữ, đặc biệt để giúp cho tôi cảm thức được ngữ điệu của thơ, bà đọc đi đọc lại những câu thơ cho tôi nghe, giảng đến đâu đánh dấu trọng âm đến đấy... Riêng bản trường ca Về chuyện ấy là một tác phẩm tuyệt hay nhưng rất khó, may mắn sao tôi được sự giúp đỡ trực tiếp của bà Lili Brick là người trong một thời gian dài có quan hệ thân thiết với nhà thơ và được nhà thơ đề tặng bản trường ca nói trên. Không gặp Lili Brick chắc là không dịch được Về chuyện ấy. Mà bỏ bản trường ca này thi coi như chưa có Maiacôpxki.
Đến nay, tôi đã dịch xong hầu hết những tác phẩm chính của Maiacôpxki. Còn lại một tác phẩm quan trọng chưa dịch được, đó là bản trường ca Cây sáo - cột sống. Đây không phải là một tác phẩm khó dịch. Nhưng trước mắt tôi có bản dịch của Trần Dần là một bản dịch tuyệt vời. Tôi đã dịch đi dịch lại nhiều lần bản trường ca này nhưng cho đến nay chưa có bản nào sánh được với bản dịch của Trần Dần.
5. Cái khó của dịch triết và khoa học xã hội, nhân văn phương Tây
Độc giả Việt Nam trung bình ngày nay đọc những bản dịch triết học phương Tây, những người thông minh có thể chớp được những tia sáng trong đó, nhưng đa số thường là hiểu láng cháng, câu chữ và khái niệm lộn xộn, hoặc có nắm được câu chữ thì cũng chỉ đủ để viết luận văn gãy gọn, chứ không thực sự hiểu, càng không thể thấm nhuần... Không nên trông cậy nhiều ở những bản dịch. Đọc lại những bản dịch của tôi có những đoạn chính tôi cũng không hiểu, lại phải lấy nguyên tác ra đối chiếu, hoá ra tôi dịch khá chính xác nhưng cứ phải đối chiếu với nguyên tác thì mới hiểu. Cũng như dịch thơ, dịch triết học là một vấn đề nan giải. Dịch đâu có phải chỉ là chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà là chuyển từ nền văn hoá này sang nền văn hoá khác.
Sau đây là một đoạn trích từ một bức thư tôi gửi cho Francois Jullien, tôi đã dịch 4 công trình triết học của tác giả này: “...đối với những độc giả Việt Nam không qua đào tạo Tây học việc hiểu những văn bản triết học Âu Tây qua bản dịch không dễ chút nào. Lấy ví dụ phạm trù hình thức (tiếng Pháp: forme), một phạm trù triết học cơ bản. Khi ta nói ý niệm hoặc tư tưởng (tiếng Pháp: idée) là hình thức, một sinh viên Pháp chẳng hạn hiểu ngay điều ta muốn nói, vì trong triết học phương Tây, từ đầu nguồn, với học thuyết của Platon, tư tưởng mặt nào đó đã được khẳng định như là hình thức và cũng từ đó hình thức có thể có tính nội dung sâu sắc; với một sinh viên Việt Nam quả là khó mà hiểu ra điều này, bởi vì trong văn hoá triết học Việt Nam, tư tưởng trước hết là nội dung, mà đã là nội dung thì không thể là hình thức. Rất nhiều trường hợp khiến tôi nghĩ đến sự kinh ngạc của giáo sư triết học Đức Wilhem von Humboldt sau một lần tiếp xúc với những triết gia Pháp (vào hạ tuần tháng năm 1798); ông được mời sang Pháp thuyết trình về triết thuyết của Kant và đến khi những người nghe bài nói chuyện của ông phát biểu ý kiến thì ông thất vọng hoàn toàn:
“...quả thật không thể nào hiểu được nhau... họ cũng nói: ý chí thuần tuý, cái thiện đích thực, cái tôi, tự ý thức thuần tuý nhưng họ chẳng hiểu gì hết. Họ cũng dùng những thuật ngữ ấy nhưng họ hiểu chúng theo một nghĩa khác. Lý trí của họ không phải là lý trí của chúng ta, không gian của họ không phải là không gian của chúng ta, trí tưởng tượng của họ không phải là trí tưởng tượng của chúng ta.” [xem Magazine litteraire, tháng 12,1997,tr.32]...
(Nguồn: HNV)
sách
,ngoại ngữ
Vẫn không hiểu sao có những người không biết tiếng anh mà vẫn dịch được, mình học mấy năm rồi mà nhiều đoạn không hiểu đc
Lê Long Vũ
Vẫn không hiểu sao có những người không biết tiếng anh mà vẫn dịch được, mình học mấy năm rồi mà nhiều đoạn không hiểu đc