Kim Kiều đoàn viên, hình ảnh Tiên Thúy Kiều được xây dựng, và ai mới là người trong lòng của nàng lúc này?
Kim Kiều đoàn viên, hình ảnh Tiên Thúy Kiều được xây dựng, và ai mới là người trong lòng của nàng lúc này?
I.Kim Kiều đoàn tụ
Từ khi trầm mình xuống sông Tiền Đường rồi được sư Giác Duyên cứu vớt, Thùy Kiều lại lần thứ 3 bước vào cửa Chùa. Rồi trong một cơ may mà Trời Phật mang đến, nàng đã được gặp lại người thân, ước nguyện suốt 15 năm của nàng cuối cùng củng được thực hiên. Trong cuộc đoàn viên mừng mừng tủi tủi bên sông Tiền Đường đó, Thúy Kiều thực sự đã rất mãn nguyện, nàng không còn gì để vướng bận với cõi hồng trần nữa mà chỉ còn một lòng muốn sống một cuộc đời thanh đạm nơi cửa Phật mà thôi.
“Được rày tái thế tương phùng,
Khát khao đã thỏa tấm lòng lâu nay!
Đã đem mình bỏ am mây,
Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừạ
Mùi thiền đã bén muối dưa,
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.
Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”
II. Kim Kiều tân hôn
Nhưng với những lời lẽ hết sức thiết tha của cha mẹ, Kiều đành phải nghe theo rời bước cửa chùa để về với gia đình. Trong buổi tiệc đoàn viên sum vầy, Thúy Vân em gái nàng đã đứng lên “trả duyên” cho chị với lý do là mối tình của chị và chàng Kim là mối duyên trời đã định. Thúy Kiều đã nhẹ nhàng từ chối, nàng muốn mọi chuyện hãy cứ thuận theo dòng nước chảy, hãy để những chuyện tình đó mãi mãi là những kỷ niệm đẹp của thanh xuân mà thôi. Được vợ mở lời chàng Kim vui mừng cất lời khuyên nhủ Thúy Kiều: Chúng ta đã thề nguyền, hẹn ước với nhau điều đó có trời đất làm chứng, nay số phận đã cho hai người gặp lại nhau tại sao nàng lại muốn chia rẽ mối tình duyên sâu đậm đó? ! Kiều từ chối Kim Trọng vì nàng cho rằng trọng “đạo vợ chồng” thì chữ Trinh là hết sức quan trọng, trong đêm tân hôn người vợ phải như “hoa thơm phong nhụy, trăng vòng tròn gương” còn nàng bây giờ đã trải qua bao nhiêu là gió táp mưa sa là “trăng đã khuyết là hoa đã tàn” không còn trong trắng, không còn xứng đáng với Kim Trọng. Chàng Kim thì cho rằng chữ “trinh” không thể hiểu khư khư một nghĩa mà còn tùy thuộc vào từng điều kiện hoàn cảnh, ý chàng muốn nói đến ở đây là một chữ “trinh” quyền biến (biến đổi). Như nàng đã không tiếc thân mình, không tiếc hạnh phúc cá nhân để tận hiếu với cha mẹ thì đấy cũng chính là chữ “trinh” của nàng. Và chữ “trinh” này là một chữ trinh cao cả, không bụi bẩn nào có thể vẫn đục được. Để có thể thuyết phục Thúy Kiều, Kim Trọng đã bảo nàng không nên đẩy chàng rơi vào thế khó khi biến chàng thành kẻ phụ bạc, lạnh lẽo giống như Tiêu Lang. Trước những lời khuyên nhủ của cha mẹ, sự chân thành của em gái và tình cảm mà Kim Trọng dành cho nàng thi cuối cùng nàng cũng đã chấp nhận thành hôn với Kim Trọng.
Như vậy là Kim Trọng đã trở thành người chồng thứ 5 trong cuộc đời Thúy Kiều. Nhưng đối với nàng cuộc hôn nhân này là một sự cưỡng ép, thực sự nàng không mong muốn sự “kết hợp trở lại” này. Nàng đồng ý thành hôn với Kim Trọng chẳng qua cũng chỉ là một sự “đền ơn, đáp nghĩa” cho chàng mà thôi:
“Nghĩ chàng nghĩa củ tình ghi
Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may”
Suốt đêm tân hôn hai người uống rượu, ôn lại những câu chuyện vui buồn hợp tan từ thủa thề nguyên ngày xưa. Dù nàng cũng đã tầm ngoài 30t, nhưng dù sao vẫn là một trang quốc sắc thiên hương, khi hai người buông rèm lên giường nằm, Kim Trọng trông thấy vẽ đẹp rạng ngời của nàng thì không khỏi động tâm(Hoa xưa ong cũ, mấy phân chung tình). Kim Trọng đã định “làm cái việc của đêm động phòng” ấy nhưng chàng đã bị ngăn lại. Đúng là như một gáo nước lạnh dội lên đầu chàng Kim, 15 năm trước lúc xuân tình phơi phới, chàng cũng đã định làm chuyện đó và nàng cũng đã ngăn lại với lý do “để dành” cho đêm tân hôn. 15 năm sau đúng đêm tân hôn thì nàng cũng ngăn chàng lại bởi vì lúc này nàng đã không còn quyến luyến, hứng thú với chuyện “ái ân nam nữ thường tình” này nữa sau bao nhiêu sóng gió cuộc đời.
15 năm trước:
“Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.
Thưa rằng: đừng lấy làm chơi,
Dễ cho thưa hết một lời đã nao.
vẽ chi một đóa yêu đào,
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.
Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”
15 năm sau:
“Những như âu yếm vành ngoài,
Còn toan mở mặt với người cho qua.
Lại như những thói người ta,
Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa.
Khéo là giở nhuốc bày trò,
Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi!
Người yêu ta xấu với người,
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”
Đối với nàng nếu như hai vợ chồng chỉ dừng lại ở việc “âu yếm vành ngoài” tức là chỉ trò chuyện, tâm sự, thổ lộ với nhau thì còn được(Còn toan mở mặt với người cho qua). Chứ nếu chàng Kim vượt ra khỏi cái “vành ngoài” đó mà muốn ân ái xác thịt thì chàng cũng giống như đám khách làng chơi mà nàng đã thấy quá nhiều, chỉ là những kẻ “Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa” chỉ quan tâm đến cái thể xác mà bỏ qua tâm hồn, tâm tư của nàng. Nếu như chàng tiếp tục muốn bày những trò, làm những chuyện đó thì thực tế không phải yêu nàng mà là đang làm tổn thương nàng (vì thực thế nàng đã quá chán ghét, ghê tởm cái chuyện ái ân nam nữ mà nàng đã trải qua trong kiếp Kỹ Nữ của mình). Tình yêu khi đó sẽ còn cay đắng gấp 10 lần chuyện phụ bạc nhau, hai bên lúc đó không còn là tình yêu nữa mà chỉ còn là sự thù ghét (Khéo thay dở duốc bày trò.
Còn tình đâu nữa, là thù, đấy thôi!
Người yêu ta xấu với người.
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau).
Còn nếu như chàng Kim muốn tính chuyện có con cái nối dõi tông đường thì đã có Thúy Vân rồi:
“Cửa nhà dầu tính về sau.
Thì đà em đó, lựa cầu chị đây”
Đến đây chúng ta có thể hiểu cuộc hôn nhân Kim Kiều chỉ là một cuộc hôn nhân “tình bạn thoang thoảng tình yêu”, nói đúng hơn hai người chỉ là “những người bạn chung phòng”
III.Hình ảnh Tiên Thúy Kiều qua chữ ‘trinh” và “danh tiết”
Qua những câu chữ dưới đây, đại Thi Hào Nguyễn Du thực sự đã “nâng tầm” Thúy Kiều lên một nấc thang khác, nàng thực sự đã rũ bỏ được bụi hồng trần, gột rửa bản thân mình để thành một con người mới. Nói theo quan điểm mang màu sắc tôn giáo thì Kiều đã “đắc đạo” đã ngộ ra chân lý. Đối với những người yêu truyện Kiều thì đây chính là hình ảnh nàng tiên Thúy Kiều.
Thúy Kiều nhắn nhủ với chàng Kim trọng mấy lời rằng:
“Chữ trinh còn một chút này.
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan,
Còn nhiều ân ái chan chan,
Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi!”
Chữ “trinh” mà nàng nói ở đây khác gì với chữ “trinh” bình thường và khác gì với “lấy hiếu làm trinh” của Kim Trọng?. Thực ra chữ “trinh” của nàng cũng là một chữ “trinh” quyền biến (biến hóa) như chữ trinh của Kim Trọng. Kim trọng nói với nàng rằng: “như nàng lấy hiếu làm trinh”, thực tế đây là một câu nói miễn cưỡng của Kim Trọng để nàng Kiều không thấy hổ thẹn mà chấp nhận lấy mình. Tuy đều là một chữ “trinh” quyền biến nhưng không hề gượng gạo khiên cưỡng như của chàng Kim. Chữ “trinh” mà nàng nói với Kim Trọng đó chính là tấm lòng là bản chất sâu thẳm bên trong con người của nàng. Thể xác của nàng bị cuộc đời xô đẩy bây giờ đã như một cánh hoa tàn, nhưng tấm lòng của nàng, tâm hồn của nàng thì vẫn luôn kiên trinh như vậy. Chữ trinh mà Kiều muốn Kim trọng “cầm cho vững” đó là chính là tấm lòng, là tâm hồn, là tình yêu mãnh liệt còn lưu giữ lại của một cô bé Kiều tuổi mười lăm dành cho chàng. Chàng hãy cố giữ lấy đừng vì những ân ái dục vọng tầm thường mà mất đi chữ trinh đó.
Còn đối với chàng Kim sau khi nghe “bạn cùng phòng” nói vậy thì chàng cũng vui vẽ trả lời cho đẹp lòng:
“Chàng rằng: Gắn bó một lời,
Bỗng không cá nước chim trời lỡ nhaụ
Xót người lưu lạc bấy lâu,
Tưởng thề thốt nặng cũng đau đớn nhiều!
Thương nhau sinh tử đã liều,
Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình.
Chừng xuân tơ liễu còn xanh,
Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân.
Gương trong chẳng chút bụi trần,
Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm!
Bấy lâu đáy bể mò kim,
Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoả
Ai ngờ lại họp một nhà,
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!”
Ý của Kim Trọng là: đã cùng nhau nặng một lời thề nguyền, vì lưu lạc mà duyên lứa đôi bị chia rẽ, chàng đã nhiều lần không ngại hiểm nguy đi tìm nàng. Nay cơ duyên trời ban khiến đôi lứa lại được sum vầy, vì vậy chỉ có yêu thương mặn nồng mới mới tỏ được tấm lòng thủy chung sắt đá của nhau. Những tưởng vì nàng còn trẻ nên việc ái ân chăn gối là chuyện bình thường nên chàng mới làm vậy. Nay đ rõ được ý của nàng “Gương trong chẳng chút bụi trần” nên chàng càng thêm kính phục nàng. Bấy lâu nay ta đi tìm nàng là vì lời thề nguyên năm xưa mà thôi chứ đâu phải vì chuyện ân ái trai gái năm xưa, đâu phải cứ “ái ân” thì mới vợ chồng đâu!
Ây da. Chàng Kim tuy là học rộng tài cao nhưng khả năng diễn xuất thì có vẽ hơi kém. Đây rõ ràng là những lời chửa thẹn cho đỡ xấu hổ của một người đàn ông mà thôi. Người đàn ông mà 15 năm trước bị người yêu từ chối “ân ái” và 15 năm sau vẫn vậy.
Thúy Kiều sau khi nghe được những lời đó của Kim Trọng (tuy chỉ là chửa thẹn) nhưng nàng cũng rất vui và lấy làm cảm phục chàng Kim:
“Mấy lời tâm phúc ruột rà,
Tương tri dường ấy mới là tương tri.
Chở che đùm bọc thiếu chi,
Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay”
Vậy tại sao nàng lại nói “Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay” ??? Chữ “danh tiết” ở đây cũng giống như chữ “trinh” ở trên, đối với nàng hôn nhân với Kim Trọng lần này là một việc “đền ơn, đáp nghĩa” mà thôi chứ không ái ân vợ chồng thường tình. Vì vậy khi Kim Trọng hiểu được cho nàng thì chính là giữ gìn cái “danh tiết” đó cho nàng hay nói cách khác là gìn giữ tấm lòng của nàng không bị biến tướng, vẫn đục. Như trút bỏ được gánh nặng trong lòng, tâm tư của Kiều cũng vui vẽ hẳn lên. Nàng vui thì tiếng đàn của nàng cũng vui lên, tiếng đàn không còn “sầu não, ai oán, thê lương” như ngày xưa mà thay vào đó là những âm trong trẻo, ấm áp, khoan thai, êm dịu, nhẹ nhàng như mùa xuân đến. Tiếng đàn của nàng vui tươi đến nỗi Kim trọng cũng phải ngạc nhiên “xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy”.
Qua chữ “trinh” và “danh tiết” của nàng Kiều, chúng ta thấy được một tư tưởng vượt thời đại hàng trăm năm của Nguyễn Du. Ngài Tố Như muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng: trinh hay không, danh tiết hay không là nằm ở tấm lòng, ở tâm hồn của mỗi con người chứ không phải ở cái màng mỏng manh dễ rách, dễ vỡ đó. Đây giống như một lời ngầm lên án xã hội phủ phàng và đòi quyền lợi cho những người phụ nữ của tác giả.
Sau một thời gian chung sống “vừa là vợ chồng, nhưng là bạn bè” với những thú vui thanh cao, tao nhã cùng với chàng Kim thì một lần nữa Thúy Kiều lại quyết định rút lui về nơi cửa Phật. Đối với nàng lúc này những duyên nợ cũng những ước nguyện đều đã được thỏa mãn (Ba sinh đã phỉ mười nguyền), tâm hồn nàng đã được nhẹ nhõm thì là lúc nàng ra đi. Còn chàng Kim lúc này cũng cũng một cuộc sống phú quý giàu sang và hạnh phúc viên mãn bên người vợ Thúy Vân xinh đẹp.
Cảnh nàng rút lui nương nhờ của phật:
“Ba sinh đã phỉ mười nguyền,
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
Nhớ lời lập một am mây,
Khiến người thân thích rước thầy Giác Duyên .
Đến nơi đóng cửa cài then
Rêu trùm kẻ ngạch cỏ len mái nhà,
Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu ?
Nặng vì chút nghĩa bấy lâu,
Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai “
Cuộc sống viên mãn hạnh phúc của Kim Trọng – Thúy Vân
“Một nhà phúc lộc gồm hai,
Nghàn năm dằng dặc quan giai lần lần.
Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
Một cây cù mộc một sân quế hòe .
Phong lưu phú quý ai bì,
Vườn xuân một cửa để bia muôn đời”
Vậy là “ân nghĩa” đối với Kim Trọng thì nàng Kiều cũng đã trả. Ước nguyện sum họp với gia đình đã hoàn thành, trả ân đối với những người có thể trả nàng cũng đã làm. Nàng rủ bỏ được bụi hồng trần, bước lên một nấc thang mới sống một cuộc đời mới, nàng xứng đáng để người ta gọi : lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều.
IV.Ai mới là người cuối cùng còn lại trong trái tim nàng?
Tại sao Thúy Kiều lại từ chối một cuộc hôn nhân đúng nghĩa với Kim Trọng? Kim Trọng là mối tình đầu của nàng là người mà 15 năm trước cô bé Kiều yêu tha thiết?. Có hai lý do mà Kiều đưa ra để lý giải cho lựa chọn của Mình đó là: nàng không còn xứng đáng với Kim Trọng, không còn là “hoa phong nhụy, trăng tròn vòng gương” và nàng cảm thấy mình thực sự cũng không còn quyến luyến với kiếp hồng trần này với những ái ân nam nữ nữa. Ngoài hai lý do đó thì còn lý do nào nữa không? Thúy Kiều có thể hiểu và tha thứ cho Hoạn Thư khi có kiếp “chung chồng” là Thúc Sinh với mình. Vậy không có lý do gì mà nàng không hiểu cho em gái mình cả, dù Thúy Vân có chân thành “trả duyên” cho chị đi chăng nữa thì vẫn sẽ còn nỗi niềm của một người phụ nữ “chung chồng”. Chắc chắn rằng Kiều hiểu điều đó và nàng lựa chọn như vậy là hợp lý.
15 năm trước Kiều yêu Kim Trọng với tất cả sự chân thành của mình, Kiều yêu một chàng thư sinh nho nhã, lãng mạn. Nhưng đấy là tình yêu của cô bé tuổi 15 và Kiều bây giờ không còn là cô bé ngày xưa, tình yêu 15 năm trước cũng đã không còn. Khi đã không còn yêu như ngày xưa nữa thì ân ái xác thịt đối với nàng chỉ là một cái gì đó “thấp kém” không có sự cao cả, thậm chí nó có thể gợi đến cho nàng những sự tủi nhục, sự mất tự tin, những ký ức của một thời làm Kỹ Nữ tiếp khách làng chơi. Kể cả nếu cuộc sống với Kim Trọng ban ngày thảnh thơi uống rượu, đánh đàn, ngâm thơ tối đến âu yếm, ái ân mặn nồng thì thực tế nó cũng không thể mang lại cảm xúc “vui vẽ, tâm đầu ý hợp” cả thể xác lẫn tinh thần giống như khoảng thời gian hơn 1 năm trời sống cùng Thúc Sinh. Huống hồ những cảm xúc đó lúc này nàng cũng không còn thiết tha nữa.
Đối với Thúc Sinh, thì Thúy Kiều cũng đã đền đáp ân nghĩa của mình. Đối với Kim Trọng, nàng đã se duyên mình cho em và cũng đã có một khoảng thời gian “tình bạn thoang thoảng hương tình yêu”, như vậy coi như nàng cũng đã đền đáp được cái ân tình của chàng Kim ngày xưa. Như đã nói ở trên nàng đã báo ân với những người nàng có thể báo, chứ không phải là nàng đã báo hết ân đối với tất cả mọi người. Có một người nàng thực sự yêu thương, kính trọng và cả một sự ân hận nữa đó chính là Từ Hải. Đối với nàng Từ Hải là một vị anh hùng “đầu đội trờ chân đạp đất”, sống với Từ Hải nàng được mang lại cảm giác được bảo vệ, yêu thương, được nâng niu, được tôn trọng. Từ Hải vừa là một người chồng, là một người tri kỷ và cũng là một người bạn, nàng và chàng hai người ý hợp tâm đầu. Cuộc sống của nàng vừa là vợ chồng vừa là bạn bè với Từ Hải nó khác hẳn cuộc sống vợ chồng nhưng thực tế là bạn bè của nàng với Kim Trọng:
“Nghe lời vừa ý gật đầu,
Cười rằng: Tri kỷ trước sau mấy người!
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!
Một lời đã biết tên ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!
Hai bên ý hợp tâm đầu,
Khi thân chẳng lọ là cầu mới thân!”
.............
“Anh hùng mới biết anh hùng,
Rầy xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?”
Một trai anh hùng, một gái thuyền quyền chìm đắm trong men say tình yêu, ái ân hạnh phúc. Để rồi một ngày người anh hùng ấy “sinh vi tướng, tử vi thần”. Cái chết của vị anh hùng khí khái bao trùm trời đất đó để lại trong lòng nàng một nỗi đau vô tận, một sự day dứt và ân hận.
“khóc rằng trí dũng có thừa,
Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này!
Mặt nào trông thấy nhau đây ,
Thà liều sống thác một ngày với nhau.
Dòng thu như dội cơn sầu,
Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.”
..................
“Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời.”
Người anh hùng ấy, mối tình đẹp ấy, cái chết hiên ngang nhưng chứa đầy uất hận ấy.... Thúy Kiều làm sao có thể quên được, có lẽ hết cả kiếp này nàng cũng không bao giờ quên, mà đúng hơn là nàng không muốn quên. Nàng chọn cách rủ bỏ mọi thứ lùi về cửa Phật có lẽ cùng vì muốn trọn một chữ ‘tình” với người Anh Hùng đó mà thôi.