Kiểm duyệt, cấm đoán khiến điện ảnh và nghệ thuật nói chung ở Việt Nam không có bước đột phá?
Nghệ thuật Việt Nam, mà cụ thể là điện ảnh Việt Nam trong những năm qua hầu như không có trường hợp nào mang tính đột phá lớn về tư tưởng hay nghệ thuật kể chuyện. Trong khi đó, các nghệ sĩ thì tự kiểm duyệt chính mình cũng như tự bó mình vào trong một chiếc vòng kim cô an toàn mà vốn dĩ nếu tự do sáng tạo thì lại bị kìm kẹp không thương tiếc. Chưa kể, một số nghệ sĩ khác thì vì bị kiểm duyệt quá nhiều dẫn đến tự thỏa hiệp với bản thân, làm ra những sản phẩm chất lượng vừa và thấp, để chiều theo thị hiếu đám đông. Lâu dần, cái gọi là nghệ thuật trong điện ảnh và cả ngành giải trí dường như không còn nữa.
Chuyện gì đã khiến tình hình trở nên bi đát như thế? Có phải là từ chính những câu chuyện kiểm duyệt muôn thuở? Những Bụi đời Chợ Lớn, Xích lô, Bi đừng sợ, Bẫy cấp 3 và rừng xác sống hay Chàng trai năm ấy như một bài học để chúng ta có được cái nhìn sâu sắc vào vấn đề sáng tạo của người nghệ sĩ Việt Nam. Có thể với các nhà kiểm duyệt, việc bắt lý các nhà làm phim là một chuyện hết sức đơn giản vì kiểu gì mà chẳng có những vi phạm không thế này cũng thế kia, như một khi đã bị cảnh sát giao thông tuýt còi thì kiểu gì cũng lòi ra vi phạm vậy. Nhưng với các nhà làm phim, các nghệ sĩ Việt Nam thì để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật hay, để đời thì họ cần phải sáng tạo với một tư duy vô cùng cởi mở vượt ra ngoài những khuôn khổ sáo mòn mà vốn dĩ đó không phải là chuyện ngày một ngày hai. Ấy vậy nhưng, với tư duy kiểm duyệt cho rằng các nhà làm phim đang có dấu hiệu của sự... nổi loạn, họ đã kiểm duyệt và thậm chí là cấm chiếu những tác phẩm điện ảnh có khả năng sẽ khai sáng và mang lại những ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ cho thế hệ sau. Như Xích lô của Trần Anh Hùng là một ví dụ, vì đã đụng chạm đến hiện thực trần trụi của xã hội. Hay Bụi đời Chợ Lớn của Charlie Nguyễn cũng vậy, bị thổi còi vì miêu tả hiện thực đời sống quá "dữ dội". Nhưng thực tế thì sao? Giữa phim ảnh và đời thực làm sao biết được cái nào dữ dội hơn?
Hơn ai hết, chúng ta đều biết rằng bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều có quyền được sáng tạo và hư cấu hiện thực. Miễn là những điều họ thể hiện thuyết phục được công chúng và họ sẵn sàng chịu trách nhiệm với chính mình thì chẳng có gì là phi hiện thực cả. Nhưng thay vì phân loại theo đúng độ tuổi thì các nhà kiểm duyệt lại ra tay sinh sát không thương tiếc, biến những tác phẩm nghệ thuật trở nên lởm chởm không logic, không còn linh hồn nữa. Thử hỏi, liệu còn ai dám sáng tạo? Thử hỏi, liệu có nghệ sĩ nào còn đủ tự tin để vượt qua rào cản?
Có lẽ, đây cũng là một trong những lý do khiến nền công nghiệp nội dung, giải trí ở Việt Nam thiếu những sản phẩm nội địa bom tấn như bạn Hường Hoàng có hỏi lần trước.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này?
bụi đời chợ lớn
,xích lô
,bi đừng sợ
,trần anh hùng
,charlie nguyễn
,kiểm duyệt phim
,phim bom tấn
,phim ảnh
Dưới góc nhìn của mình thì chính người Việt mình khá khắt khe với nhau và dễ dãi với "người ngoài".
Lê Minh Hưng
Dưới góc nhìn của mình thì chính người Việt mình khá khắt khe với nhau và dễ dãi với "người ngoài".