Kỉ niệm ngày Phật đản
Phật Đản (ngày sinh của đức Phật) hay còn gọi là Vesak, thường được tổ chức vào 8/4 hoặc 15/4 Âm lịch hàng năm. Phật Đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều nước Châu Á nhưng không có Việt Nam:( Vào ngày này các Phật tử thường kỉ niệm bằng vinh danh Tam Bảo Phật - Pháp - Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng) và thực hành ăn chay và giữ 5 giới, cũng như các lời dạy khác của Phật về Tứ vô lượng tâm (Từ Bi Hỷ Xả), bố thí, làm việc thiện để tăng trưởng công đức.
Nhân dịp ngày Phật Đản lần thứ 2565 và dịp không-biết-bao-giờ-mới-được-đi-du-lịch-thoải-mái-như-trước mình lại đi sưu tập một chùm ảnh vòng quanh các nước kỉ niệm lễ Phật Đản.
Đầu tiên xuất phát từ Lumbini (Lâm Tỳ Ni) là nơi Đức Phật được đản sanh. Đây là một trong Tứ Thánh Địa của Phật giáo, cùng với Bồ đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), vườn Lộc Uyển (Sanarth) và Câu Thi Na (Kushinagar), đánh dấu bốn giai đoạn quan trọng của cuộc đời của Đức Phật Thích Ca: sinh ra, thành đạo, giảng đạo và nhập niết bàn. Trong khi ba điểm còn lại đều được xác định là ở Ấn Độ, Lumbini lại thuộc vùng đất giáp Ấn Độ của Nepal.
Điểm chính khi đi du lịch Lumbini là ngôi đền Maya Devi được đặt theo tên của hoàng hậu Mada– mẹ đẻ của Thái tử Tất Đạt Đa (sau này là Phật Thích Ca) vào năm 624 TCN. Bà dừng chân tại đây khi đang trên đường về nhà ngoại để sinh con đầu lòng. Khi dạo chơi trong vườn ngắm hoa, bà đã hạ sinh thái tử khi với tay lên một cành hoa Vô Ưu màu trắng. Ngày nay, vườn Lâm Tỳ Ni nằm trong một khu vực rộng lớn, được bao bọc bởi các tu viện, được chia làm hai khu là tu viện phía Đông và tu viện phía Tây, phía Đông là tu viện của Phật giáo Nguyên thủy còn phía Tây là tu viện của Phật giáo Đại Thừa và Kim Cương Thừa. [1]
Gần 400 năm sau, năm 249 trước Công Nguyên, Vua Ashoka (A Dục) đặt chân đến đây mới cho đặt một tảng đá nhỏ đánh dấu chính xác nơi ra đời của người đã khai sáng đạo Phật giải thoát cho nhân gian. Đồng thời Vua A dục còn cho dựng 4 cột đá đánh dấu nơi Phật đản sinh. Vào năm 1986, nhà khảo cổ học người Anh là Cuningham đã khai quật được một trụ đá trong 4 trụ đá được Vua A Dục chôn xuống. Trên trụ đá có ghi: “Vua Piyadasi (A Dục) vào năm trị vì thứ hai mươi đã đích thân tới đây chiêm bái. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được đản sinh tại nơi đây, bốn trụ đá đã được dựng để đánh dấu nơi Đức Thế Tôn được sinh ra. Làng Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật sinh được giảm thuế và tự hưởng tám phần”. Nhờ công ơn của Vua A Dục, những người phương Tây mới tin rằng Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật. Trước đó họ cho rằng Đức Phật chỉ là huyền thoại và giáo pháp của ngài chỉ là tổng hợp các tư tưởng của nhiều nhân vật khác nhau trong lịch sử văn hóa Ấn Độ. [2]
Đại lễ Phật đản ở Nepal gọi là "Jayanti" (sinh nhật Đức Phật) và là ngày nghỉ lễ quốc gia, được tổ chức rộng rãi trên khắp cả nước. Mọi người từ khắp thung lũng Kathmandu và hàng ngàn khách hành hương từ nhiều nơi trên thế giới đến với nhau để mừng Phật đản tại Lumbini. Người ta tặng thực phẩm và quần áo cho những người nghèo và cũng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các tu viện và trường học, nơi Phật giáo được dạy và thực hành.
Trong khi đó ở nước láng giềng Ấn Độ, Lễ Phật Đản được tổ chức ở Sikkim, Ladakh, Arunachal Pradesh, Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), các nơi khác nhau tại Bắc Bengal như Kalimpong, Darjeeling, Kurseong, và Maharashtra (nơi có 73% tín đồ Phật giáo Ấn Độ) và các nơi khác của Ấn Độ theo lịch Ấn Độ. Người Phật tử đi đến Tịnh xá và ở lại lâu hơn các ngày thường, nghe toàn bộ kinh Phật giáo dài. Họ mặc trang phục thường là màu trắng tinh khiết và ăn chay. Kheer, một loại cháo ngọt thường được phục vụ để nhớ lại câu chuyện của Sujata, một cô gái trẻ đã dâng Đức Phật một bát cháo sữa. Mặc dù thường gọi là "Phật Đản", nhưng ngày này đã trở thành ngày Tam Hợp, kỷ niệm Đản sinh, giác ngộ (Nirvāna) và ngày nhập Niết bàn (Parinirvāna) của Đức Phật theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada).
Tại Myanmar, ngày Vesak cũng gọi là ngày Kason, tháng thứ 2 trong 12 tháng theo lịch Myanmar. Đây là tháng nóng nhất trong năm. Nên trong khuôn khổ lễ hội Vesak, người dân nơi đây, với lòng thành kính, đặt những chậu nước tinh khiết trên đầu đội đến những tự viện tưới xuống cây Bồ đề. Họ tưới cây Bồ đề để cảm ơn giống cây này đã che chở đức Thế Tôn trong những ngày thiền định trước khi chứng đạo và ước nguyện năng lực giải thoát luôn trưởng dưỡng trong họ.
Tại Sri Lanka, lễ Vesak được tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch và kéo dài 1 tuần. Ngoài những buổi lễ tụng kinh và cầu nguyện mang tính tôn giáo, lễ hội Vesak còn có nhiều chương trình mang tính lễ hội dân gian. Trong những ngày lễ hội, việc bán rượu và thịt thường bị cấm, người dân phóng sanh một số lượng lớn thú vật, chim, cá… Việc bố thí ("Dana") cũng được xem trọng, mọi người thường đến thăm và phát quà cho trẻ mồ côi và người già neo đơn cũng như lập những quầy cung cấp miễn phí thức ăn uống cho khách qua đường. Người dân thường mặc áo trắng và đi đến đền thờ, tu viện và tham gia vào các nghi lễ truyền thống tại đó, nhiều người ở lại đền thờ cả ngày và thực hành Bát quan trai giới. Xá-lợi Phật được tôn trí trên lưng những chú voi được trang điểm lộng lẫy với sắc màu mang phong cách Nam Á, theo sau là hàng ngàn Phật tử, diễn hành khắp những đường phố.
Vòng vèo một lúc đến Trung Quốc với lịch sử Phật giáo gần 2000 năm. Phật giáo từng là tư tưởng chủ đạo cho chính quyền và người dân trong một số triều đại. Lễ Phật đản được tổ chức từ thời Tam Quốc, đã ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội qua nhiều giai đoạn lịch sử. Nhưng ngày nay Phật giáo không còn ảnh hưởng nhiều trong xã hội Trung Quốc, từ khi theo xã hội chủ nghĩa. Người dân chỉ còn biết đến Phật giáo như là một tôn giáo lo ma chay, cúng kiếng, võ thuật… Lễ Phật đản chỉ có thể được tổ chức trong khuôn viên tự viện và ít được xã hội quan tâm. Tại Hong Kong và Đài Loan, Lễ Phật Đản thường được tổ chức khá long trọng tại chùa, tu viện, học viện Phật giáo với các nghi thức như thắp đèn, cúng dường và tắm Phật. [4]
Tương tự với Nhật Bản, Phật giáo truyền đến từ cuối thế kỷ thứ VI và là tôn giáo chính trong giai đoạn trung và đầu cận đại. Ngày nay, vai trò của tôn giáo ít ảnh hưởng mạnh đến đời sống thường ngày ở Nhật Bản. Lễ Phật đản thường gắn liền với Lễ hội Hoa Anh đào, cũng chỉ giới hạn trong phạm vi tự viện và trong quần chúng Phật tử.
Sôi nổi hơn một chút là lễ 석가 탄신일 (Seokga tansinil), có nghĩa là "Phật đản" hoặc 부처님 오신 날 (Bucheonim osin nal) có nghĩa là "ngày Đức Phật đến" tại Hàn Quốc. Lễ hội Phật đản diễn ra tại nhiều nơi công cộng, và trên những đường phố. Lễ hội lồng đèn (연등회, Yeon Deung Hoe) thường kéo dài 1 tuần cho đến ngày chính thức Phật đản.
Đại lễ Phật đản là một ngày lễ chính thức tại Thái Lan và thường được gọi với tên khác là Visakah Puja. Vào ngày này, người dân sẽ tập trung tại các ngôi chùa để lắng nghe các nhà sư thuyết pháp, tụng kinh, quyên góp, dâng thức ăn, hoa và nến. Khi tới Thái Lan trong dịp Lễ Phật Đản, các tín đồ Phật giáo có thể đến một số địa điểm nổi bật như chùa (gọi là Wat) như Wat Pan Tao tại Chiang Mai, Wat Yai Chai Mongkhon ở Ayutthaya; Wat Saket, Wai Traimit, Wat Phra Dhammakaya ở Băng Cốc.
Ngày Phật Đản cũng được gọi là Visaka Bochea tại Campuchia và Vixakha Bouxa tại Lào. Tại Lào, trong thời gian lễ hội Vesak, khí trời nóng bức và không mưa, người ta thường bắn pháo hoa với ước nguyện sẽ có mưa.
Phật đản được tổ chức khắp Indonesia với cái tên Waisak vào ngày rằm tháng 4 âm lịch. Tại đền Borobudur (Ba La Phù Đồ), hàng ngàn nhà sư Phật giáo sẽ hội tụ với nhau để tụng các câu thần chú và câu kinh trong một nghi lễ gọi là "Pradaksina". Các nhà sư kỷ niệm ngày đặc biệt với việc hứng nước thánh (tượng trưng cho sự khiêm tốn) và vận chuyển ngọn lửa (tượng trưng cho ánh sáng và giác ngộ) từ vị trí này đến vị trí khác. Các nhà sư cũng tham gia vào nghi lễ "Pindapata", nơi họ nhận được từ thiện và cúng dường từ người dân Indonesia. [3]
Cuối cùng quay về với quê hương chúng ta. Theo truyền thống Đại lễ Phật Đản ở Việt Nam được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch. Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật. Riêng năm nay chúng ta đón lễ Phật Đản hơi đặc biệt một chút với quy trình 5K để đảm bảo sự an lành, hạn chế hoạt động cộng đồng.
Nói riêng thêm một chút về nghi lễ tắm Phật xuất hiện ở nhiều nơi. Nghi lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử. Hai dòng nước nóng và lạnh của lễ tắm Phật tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch; cảnh giới vui, buồn; sướng khổ của cuộc đời mà tất cả ai ai trong chúng ta khi được sinh ra đều sẽ trải qua. Theo truyền thuyết này, khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng Đức Phật đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Tương tự Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng xinh xắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Tư thế đứng của Phật với tay chỉ trời và đất được gắn với bài kệ trứ danh, cũng là một bài học cho nhân loại về sau:
"Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn "
(Trên trời dưới trời này, hãy tìm hiểu giá trị của mình chứ đừng tìm hiểu giá trị nào nằm ngoài con người của mình).
Nguồn: [1]
[2]
[3]
[4]
đức phật
,phật đản
,tôn giáo
,du lịch
,tâm linh
Phật răn dạy các tín đồ rằng không được sát sinh, vậy ăn có phải là 1 hành vi thúc đẩy sự sát sinh không?
Rukahn
Phật răn dạy các tín đồ rằng không được sát sinh, vậy ăn có phải là 1 hành vi thúc đẩy sự sát sinh không?
Nguyenphuhoang Nam
Một ngày lễ long trọng và đặc biệt ý nghĩa với lời nhắn gửi từ Đức Phật: "Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn".