Khủng hoảng kinh tế: Bài học nhìn từ Thái Lan
kiến thức chung
Việt Nam đã bước vào năm 2008 với nhiều bất ổn, dù các vấn đề chưa đến mức khủng hoảng như ở Thái Lan năm 1997...
Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với Thái Lan trong cuộc khủng hoảng năm 1997 - trung bình ở mức 10%/năm - Nguồn: GSO, BVSC.
“Việt Nam đã bước vào năm 2008 với nhiều bất ổn, mặc dù các vấn đề chưa đến mức khủng hoảng như ở Thái Lan năm 1997 nhưng các triệu chứng đã cho thấy một tương lai nguy hiểm”.
Đó là nhận định của các chuyên gia Thái Lan tại hội thảo quốc tế “Tăng cường, chuyển đổi cơ cấu và chính sách kinh tế ở Việt Nam - Thời kỳ đổi mới” do Trung tâm Kinh tế phát triển và Chính sách công Việt Nam (Đại học Kinh tế Quốc dân) phối hợp vớiĐại học Thammasat (Thái Lan) tổ chức theo nghị định thư giữa hai chính phủ Việt Nam và Thái Lan.
GS.TS Praipol Koomsup, Đại học Thammasat, một chuyên gia hàng đầu của Thái Lan trong việc phân tích tài chính vĩ mô đã có những nhận định về sự tương đồng giữa kinh tế Thái Lan giai đoạn hoàng kim (1987-1997) và những thành tựu của kinh tế Việt Nam thời kỳ 2002-2007, cũng như một số điểm chung giữa cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 của Thái Lan và những khó khăn mà kinh tế Việt Nam đang gặp phải hiện nay.
5 nguy cơ tương đồng?
Theo GS.TS Praipol Koomsup, sự tăng trưởng rất cao và liên tục của Thái Lan, kết hợp với nguồn cung tín dụng mở rộng của các định chế tài chính đã tạo ra một tình huống “dễ mua, dễ bán” mà rốt cuộc đã dẫn đến đầu cơ tràn lan vào nhiều loại tài sản, đặc biệt là bất động sản và chứng khoán.
Do vậy, giá các loại tài sản này tăng rất nhanh, lên đến mức cao và không bền vững. GS.TS Praipol Koomsup đã ví nó giống như một bong bóng được thổi hơi quá nhiều và luôn sẵn sàng nổ.
Năm 1997, nền kinh tế “bong bóng” của Thái Lan đã bị nổ tung do nhiều yếu tố, mà một nửa trong số những nguyên nhân là do tác động xấu của tình hình thế giới, phần còn lại thuộc về những điểm yếu trong chính sách mà Chính phủ Thái Lan đã áp dụng.
Theo GS.TS Praipol Koomsup, kinh tế Việt Nam giai đoạn 2004-2007 đã có những thành tựu đáng mừng nhưng cũng đầy tiềm ẩn. Ông đã chỉ ra 5 nguy cơ tương đồng giống như Thái Lan những năm trước 1997.
Thứ nhất, nền kinh tế đã quá nóng. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm của Việt Nam đã được duy trì ở mức 7-8%/năm. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 10%, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ tài chính) tăng 8%, trong khi lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ tăng 3,4% đã cho thấy mức độ đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản.
Thứ hai, thâm hụt tài khoản vãng lai. Do nền kinh tế được mở rộng, trong thời gian qua đã gây ra cầu nhập khẩu cao hơn vốn và hàng hóa trung gian. Trong 2 năm 2005-2006, kinh ngạch nhập khẩu tăng từ 34,9 tỷ USD lên 42,6 tỷ USD (tăng 22,1%); năm 2007 đạt 58,9 tỷ USD (tăng 38,3%); 9 tháng đầu năm 2008 ước đạt 64,4 tỷ USD.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nằm ở mức thấp hơn, đến 9 tháng đầu năm 2008 ước đạt 48,6 tỷ USD đã dẫn đến thâm hụt thương mại liên tục gia tăng qua các năm.
Tính đến tháng 9/2008, thâm hụt thương mại đã lên đến 15,8 tỷ USD, tương đương 12% GDP. Một tỷ lệ lớn hơn so với Thái Lan thời kỳ “bùng nổ” và lớn hơn nhiều so với tiêu chuẩn tối thiểu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 3-4%.
Thứ ba, lạm phát cao. Tỷ lệ lạm phát giai đoạn 2004-2007 là 7-8%, đến tháng 5/2008 là 25,3%. Bên cạnh đó, việc đầu cơ đã dẫn đến giá nhà, bất động sản hay chứng khoán liên tục tăng giá, đặc biệt là trong năm 2007. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với Thái Lan trong cuộc khủng hoảng năm 1997 (trung bình ở mức 10%/năm).
Thứ tư, duy trì tỷ giá hối đoái cố định. Điều này đã làm tăng dự trữ ngoại tệ, tăng cung tiền và các khoản tín dụng.
Thứ năm, thu hút ngân sách cũng đang là một nguy cơ. Theo GS.TS Praipol Koomsup, với việc tổng chi tiêu của Chính phủ Việt Nam trong năm 2007 ước tính tăng khoảng 17,9% so với năm 2006 đã dẫn đến thâm hụt ngân sách tăng cao hơn (4,9%) trong năm 2007.
Cùng với thâm hụt tài khoản vãng lai, điều này đã dẫn đến các tình trạng thâm hụt kép cùng với mức tiết kiệm quốc dân thấp có thể làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó một nguy cơ là trong năm 2008, đầu tư chứng khoán ước sẽ giảm 2 tỷ USD. Sự giảm sút về vốn trong loại hình đầu tư này diễn ra giống với trường hợp của Thái Lan trong năm 1996-1997.
Vẫn có dấu hiệu tích cực
Tuy nhiên, GS.TS Praipol Koomsup cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện nay tích cực hơn so với kinh tế Thái Lan năm 1997. Việt Nam vẫn kiểm soát được nợ nước ngoài.
Những năm trước nợ nước ngoài của Thái Lan chiếm khoảng 70% GDP thì nợ nước ngoài của Việt Nam hiện chỉ vào khoảng 30% GDP. Mặc dù thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam là 12% (cao hơn mức 8% của Thái Lan trước năm 1997), tuy nhiên theo GS.TS Praipol Koomsup, các thâm hụt này chủ yếu được gây nên bởi FDI và đầu tư danh mục.
Những dòng vốn này có tính dài hạn, nên khả năng rút vốn “bốc hơi” như Thái Lan là không cao.
Lạm phát của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2008 ở mức cao, tuy nhiên theo nhận định của GS.TS Praipol Koomsup, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hành động nhanh trong các nỗ lực kiềm chế lạm phát và đầu cơ.
GS.TS Praipol Koomsup đánh giá cao việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 của Chính phủ Việt Nam (từ 8,5% - 9% xuống 7%) làm hạ nhiệt sự tăng trưởng bằng việc thắt chặt chính sách tài khóa, giảm chi tiêu chính phủ, tạm dừng một số dự án đầu tư và giảm chi tiêu hiện hành sẽ tạo cho nền kinh tế lắng xuống và có thể bình ổn.
Việc nền kinh tế phụ thuộc vào các hoạt động xuất khẩu chắc chắn sẽ chịu những tác động bất lợi. FDI sẽ giảm, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, giá dầu và các loại hàng hóa đã giảm và dự báo sẽ ở mức thấp trong thời gian dài, tất cả những điều đó có thể làm giảm sức ép về lạm phát của Việt Nam nhưng đồng thời cũng làm giảm xuất khẩu và dẫn đến tăng trưởng sẽ giảm.
Điều đáng quan tâm là Chính phủ sẽ có chính sách mới thế nào trong kịch bản mới và thách thức “tăng trưởng thấp, lạm phát thấp”...
Nội dung liên quan
Ngọc Thư