Không có gì là Huyền Bí

  1. Khoa học

  2. Tôn giáo

  3. Triết học

Bài viết này không nhằm ủng hộ các giáo luật của các giáo hội thuộc các tôn giáo trên thế giới. Và đồng thời cũng không huyền bí hoá khoa học và sự thật.

Trong bài viết này tôi sẽ đề cập đến Thiên Chúa giáo, Phật giáo và Khoa học. Để chia sẻ với những ai đang tìm kiếm một góc nhìn đa chiều mà vẫn tìm thấy những điểm chung của tôn giáo và khoa học. Cá nhân tôi nhận thấy các tôn giáo nói chung đang huyền bí hoá các giáo lý của họ. Vì vậy, tôi đặt tiêu đề bài viết như một quan điểm chống lại sự huyền bí và giáo điều. Cũng hi vọng ai có thể đọc những dòng không phải từ tay viết chuyên nghiệp này, có thể tiếp thu tinh thần và hiểu rằng tôi đang dùng quan điểm để chống lại quan điểm. Chứ không phải dùng quan điểm để hạ bệ, tấn công bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào.

Nói về Thiên Chúa giáo

Chính vì tinh thần không huyền bí hoá sự thật, thế nên tôi sẽ nhìn nhận Thiên Chúa chính là Vũ Trụ. 

Vì Chúa chính là nguyên nhân đầu tiên của mọi thứ, cho nên trước khi có tất cả thì chỉ có Chúa mà thôi. Và nếu vậy, không mất đi tính logic, dù thế nào đi chăng nữa, Vũ trụ và Thiên Chúa phải đồng nhất. Giả sử Thiên Chúa có thể tách rời khỏi Vũ Trụ. Vũ trụ đó phải nằm trong một thứ tồn tại ngoài Chúa, điều đó là không thể vì mâu thuẫn với việc Chúa là nguyên nhân đầu tiên của mọi thứ, bao gồm cả thứ chứa cả Vũ Trụ. Vì vậy khẳng định lại, Chúa và Vũ trụ đồng nhất.

Cả Phật Giáo và khoa học dường như không thể loại bỏ đi nguyên nhân đầu tiên tạo ra vũ trụ, cho dù diễn giải dưới dạng nào thì vẫn không thể nào giải quyết được vấn đề có tồn tại một nguyên nhân đầu tiên hay không. Và vì thế Phật Giáo và Khoa học cho rằng phải có thứ gì đó (gọi là vũ trụ hay tên gọi gì cũng được) tồn tại tự thân không có nguyên nhân tạo ra nó. Và vì thế 2 trường phái này lại gặp Thiên Chúa giáo tại 1 điểm, chính là tồn tại 1 thực thể không cần đến nguyên nhân tạo ra nó. Lập luận này củng cố cho luận điểm Chúa đồng nhất với Vũ Trụ, vì cả 2 không cần đến nguyên nhân trước đó. Không gì tạo ra Chúa và cũng không gì tạo ra Vũ trụ.

Để tránh việc nhiều người trích dẫn Kinh Thánh như là một bằng chứng hay dẫn chứng mà không dựa trên những lập luận logic. Tôi sẽ đề cập đến Chúa Jesus một chút. Chúa Jesus là một "con người" (hoặc ít nhất tồn tại như một con người) bằng xương bằng thịt. Chúa Jesus cũng là người lên án mạnh mẽ tính giáo điều, thứ chỉ chú trọng hình thức mà bỏ qua bản chất thực sự. Lấy ví dụ ngày Sa-bát, là ngày được nhắc đến nhiều trong Kinh Thánh (là ngày mà Chúa Trời ban cho con người được nghỉ ngơi). Nhưng người Do Thái đã đặt ra tới 39 điều cấm kỵ (không được làm các công việc liên quan đến thể xác), bởi họ nghĩ rằng làm như vậy là đẹp lòng Chúa. Điều này làm cho ngày Sa-bát vốn là ngày để nghỉ ngơi, không phải làm việc nhọc xác, lại trở thành ngày bủa vây với hàng chục điều cấm kị. Hơn nữa, người ta bắt bớ, lên án nhau vì không giữ các điều cấm đó. Vì vậy, Chúa Jesus chống lại sự giáo điều đi ngược lại với mục đích tốt đẹp của nó. Qua đó ta thấy rằng, nếu chỉ quan tâm đến hình thức và quan trọng hoá quá mức cái hình thức đó thì cái ý nghĩa thật sự sẽ méo mó và dần dần không ai nhận ra sự thật nữa.

Những người Công giáo đều công nhận Chúa là sự thật. Nhưng tôi hỏi, có ai tìm thấy sự thật khi cứ chăm chăm vào cái hình thức bên ngoài mà không phân tích mổ xẻ để tìm thấy bản chất bên trong không? Nếu vậy các bạn có tìm thấy Chúa mà các bạn nói là các bạn tin không?

Và từ đây, tôi bổ sung thêm khái niệm về Chúa, Chúa là sự thật, là chân lý. Nghĩa là bao gồm toàn bộ các quy luật chi phối vũ trụ trong toàn bộ thời gian tồn tại của nó. Những quy luật đó vượt ra mọi khuôn khổ của không gian và thời gian. Hay nói cách khác là những quy luật này không bị giới hạn bởi không thời gian. Bởi chính nó chi phối không gian và thời gian.

Và thêm nữa, nếu Chúa là sự thật thì Sự Thật phải để người ta biết đến chứ không phải chỉ để người ta tin vào. Những điều ta tin chỉ trở thành sự thật khi ta biết đến nó. Như tiêu đề bài viết này vậy, không có gì là HUYỀN BÍ.

Kinh Thánh có nói rằng Thiên Chúa ban cho con người sự thông minh để phân biệt đúng sai. Và cả cuộc đời của mình, Chúa Jesus hầu như chỉ giảng đạo bằng dụ ngôn. Có nghĩa là con người phải sử dụng trí tuệ của mình mà tìm thấy ý nghĩa của dụ ngôn. Từ đó khám phá ra sự thật và cũng là khám phá Thiên Chúa.

Nắm được tinh thần này, các bạn theo các tôn giáo (nhất là Thiên Chúa giáo nói chung) sẽ không cần phải sử dụng những bằng chứng sơ sài, hay lập luận một cách rất thiếu logic để bảo vệ niềm tin của các bạn nữa. Thay vào đó các bạn có thể tìm thấy bản chất thực sự, thậm chí giải thích những điều các bạn tin mà vẫn không mâu thuẫn với khoa học.

Ví dụ:

  1. Con người được tạo ra từ đất. Đất là gì? Là một hỗn hợp các chất vô cơ và hữu cơ không quy định bất cứ thành phần nào bắt buộc, cũng không quy định hàm lượng bắt buộc. Khi chết đi thì tất cả chúng ta cũng đều hoà vào cát bụi và trở lại thành đất mà thôi. 
  2. Vì Adam và Eve mà loài người phải chịu khổ. Tôi không bàn tính đúng sai hay sự thật đằng sau câu chuyện này. Tuy nhiên, nếu phải đứng trên góc nhìn của người Công giáo, tôi sẽ nhìn nhận con người được Chúa ban cho khả năng làm cha mẹ, để hiểu cái cảm giác con mình không nghe lời mình. Không ai giải thích được tình máu mủ ruột thịt. Nhưng chúng ta đều biết tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là như thế nào. Chẳng phải Thiên Chúa, nếu Ngài có thật thì cũng yêu thương con cái của Ngài sao? Mà cha mẹ thì thường hay nói: Khi nào con làm cha làm mẹ đi rồi con sẽ hiểu đó sao. Chẳng phải vẫn phù hợp với việc Chúa hay dùng dụ ngôn để dạy dỗ con người sao?
  3. Hay như thuyết tiến hoá mà hầu như ở khắp các mặt trận về tôn giáo đều ra rả lên án. Hãy liên hệ với điều này, khi con người tạo ra xe ngựa, và sau này tạo ra xe hơi. Nó đều có bánh xe hình tròn, cái bánh xe hình tròn là cái kế thừa. Nguyên tắc kế thừa này có ở mọi việc các bạn làm, từ chế tạo, sáng tác, nấu nướng,.... Cái xe ngựa không tiến hoá thành cái xe hơi. Nhưng cái xe hơi lại kế thừa những đặc điểm của xe ngựa. Nếu có ai đó tạo ra mọi thứ, chắc hẳn họ cũng áp dụng nguyên tắc kế thừa này. Sự tiến hoá cũng vậy, các cá thể có thể nói là riêng biệt. Một cá thể không thể tự tiến hoá, mà các thế hệ sau của nó kế thừa những đặc điểm của nó và qua nhiều thế hệ thì nó thay đổi hình dạng. Chứ không phải để 1 cái xe ngựa trong kho 100 năm thì nó trở thành xe hơi.
    Chúa cũng tạo ra loài người sau cùng, đúng chứ? Hoặc ít nhất là sau khi tạo ra muôn loài. Như vậy nếu nói Chúa (hoặc vũ trụ hay tự nhiên) đã áp dụng nguyên tắc kế thừa của tiến hoá.

Tôi nói như vậy để nhắn nhủ tới các bạn cứ răm rắp tin và nghe theo giáo hội mà không tin vào SỰ THẬT (Chúa là SỰ THẬT) nghĩa là các bạn cũng không tin Chúa mà tin vào một nhóm người phàm mà thôi.

Một điều tôi thấy khá thú vị khi tìm hiểu về giáo lý Công giáo, đó là tiếng nói của Chúa chính là lương tâm của mỗi người. Dù chúng ta khác nhau nhưng lương tâm của chúng ta dường như là 1 mà thôi. Để tránh rơi vào huyền học, tôi sẽ không xem như đây là một thừa nhận mà chỉ dừng lại ở một vài nhận xét. Lương tâm không thể quan sát hay sờ nắn, cũng không có một văn bản nào được khắc vào bên trong con người. Lương tâm cũng không có một ngôn ngữ riêng của nó, cũng chẳng có những điều luật cụ thể như pháp luật. Nó có thể được thể hiện thông qua ngôn ngữ và trải nghiệm của mỗi người. Vì vậy quan điểm về lương tâm có thể khác nhau ở mỗi cá nhân thông qua hình thái ngôn ngữ và trải nghiệm. Nhưng nó đều là những điều mà mỗi cá nhân cảm thấy đó là điều thiện lương, tốt đẹp và đúng đắn.

Một vài điều về Chúa (theo tôn giáo)

Chữ "Chúa" có nghĩa là gì? Tại sao lại dịch God thành "Chúa"?

Trong tiếng Việt (Hán Việt), Chúa = Chủ = người đứng đầu. Và vì vậy, trong tôn giáo nói chung, chúng ta hiểu Chúa là đấng đứng đầu, tạo ra tất cả.

Hình hài của Chúa như thế nào? Sẽ rất là thiếu khách quan nếu chỉ căn cứ vào Kinh Thánh mà khẳng định Chúa có hình dạng như con người. Ngày nay, theo tôi được biết, các nhà thờ không dạy như thế, mà chỉ nói con người mang những đặc điểm của Thiên Chúa, như con cái mang các đặc điểm của cha mẹ vậy. Có điều đặc điểm này thuộc về tâm hồn như sự thông minh, sự lương thiện,...

Nói về Phật giáo

Đối với tôi mà nói, bấy lâu nay Phật giáo vốn dĩ không phải là một tôn giáo theo cách nhìn của tôi. Hoặc có thể nói, tôi rất thích triết lý của Phật giáo, cho nên tôi chỉ tiếp thu những điều có thể lý giải theo cách mà tôi chấp nhận.

Nói đến Đạo Phật, người ta thường nghĩ tới luân hồi, nhân quả, đầu thai,....

Tuy nhiên tôi lại luôn luôn nhớ Đức Phật thường dạy chúng ta không tin bất cứ điều gì trừ khi chính chúng ta biết đó là sự thật. Vì vậy, dù cho trong Đạo Phật người ta có dạy điều gì thì chúng ta cũng chỉ nghe chứ không thể tin. Không thể tin không có nghĩa là nó không đúng mà là vì nó chưa được kiểm chứng và chính chúng ta chứng thực nó.

Ví dụ khi nói đến lục đạo luân hồi, thì chúng ta đang là con người, chúng ta biết chúng ta đang làm người. Nhưng không vì thế mà chúng ta tin rằng có 5 cõi khác mà chúng ta có thể chuyển sinh vào.

Nhưng chúng ta là ai? Hay "tôi" là ai?

Điều gì khiến bạn là bạn mà không phải ai khác?

Liệu tồn tại một thứ nào đó duy nhất mà chỉ cần thứ đó là có thể phân biệt bạn với người khác? Hay là bạn chỉ có thể là duy nhất khi tổng hợp tất cả các mối liên hệ của bạn với vũ trụ?

Ví dụ, chỉ cần vân tay có thể nhận dạng được một người vì không có ai trùng vân tay. Tuy nhiên chúng ta không thể chứng minh điều này mà chỉ xác nhận nó thông qua thống kê, kiểm chứng.

Hoặc cái tôi như 1 con số tự nhiên, chỉ có 1 cách duy nhất để phân tích số đó thành tích của các số nguyên tố, và chuỗi này là duy nhất. Vì vậy bạn được xác định là duy nhất.

Mất đi một cái tay thì tôi vẫn là tôi, thậm chí nếu có một quả tim nhân tạo thì nếu thay thế nó đi tôi vẫn còn là tôi. Ngày nay khoa học cũng chưa thể nghiên cứu hết về cơ thể người. Tuy nhiên, rất có khả năng có thể thay thế mọi bộ phận trên cơ thể con người. Vậy tôi là ai mà không có cái gì làm tôi không còn là tôi? Tôi thích chơi bóng đá. Phải chăng tôi là sở thích đó? Nếu vậy phải là duy nhất mình tôi thích bóng đá. Nhưng tất cả sở thích đó đều không thuộc về bất cứ cá nhân nào. Cũng như tất cả mọi sở thích hay kể cả những suy tưởng, những ý nghĩ trong đầu đều không phải chỉ riêng cá nhân nào có. 

Phật cũng nói rằng ông không là ai cả. Một cách nói thể hiện rằng ông không cho rằng mình có gì đặc biệt, riêng biệt so với tất cả mọi người. Vậy nếu tôi không là ai cả thì cái gì sẽ đi vào luân hồi khi tôi chết đi? Theo thuyết luân hồi, thì khi con người đã giải thoát thì sẽ không bị cuốn vào luân hồi nữa. Vậy cái tôi có còn không?

Có vật chất nào hoặc bất cứ thứ gì trú ngụ ở đâu đó bên trong chúng ta để tạo nên cái tôi hay không? Điều này khoa học chưa chứng minh cũng không phủ nhận. Kể cả một số người có nói về các chiều không gian khác, hay một số thứ có vẻ khoa học để nhằm nói về linh hồn, bổ sung cho quan điểm của Phật giáo và tôn giáo nói chung. Thì với góc nhìn của Đạo Phật, cũng không thể tin hoặc không thể khẳng định là đúng được. 

Cũng như là trong Phật giáo có nói nhiều điều có thể gọi là đi trước khoa học hàng nghìn năm. Cũng không thể vì vậy mà khẳng định toàn bộ là đúng. Một số bạn hay hiểu lầm rằng "không khẳng định" bằng với "phủ định". Thì điểm này mình nói qua là nó không bằng nhau đâu, để tránh những phản bác không đáng có. Tạm thời, chúng ta chưa tìm ra bất cứ vật chất gì tạo nên cái tôi. Thì theo cả Phật Giáo và Khoa học đều không thể khẳng định về sự tồn tại của nó.

Theo hiểu biết của tôi, thì con người chúng ta đều phát triển từ 1 tế bào, tế bào này được hợp nhất từ 1 tế bào trứng và 1 tinh trùng để tạo thành. Vậy cái tôi nếu có cũng sẽ nằm trong tế bào này, và nó cũng nằm trong chỉ 1 trong 2 thành phần hợp thành tế bào này (tinh trùng hoặc trứng). Nói đến đây, chắc là chúng ta cũng gần như đoán biết rằng vốn chẳng có một thứ vật chất nào tạo nên cái tôi cả. Nhưng chúng ta vẫn chưa khẳng định được. Nhưng từ góc độ này, mọi chuyện có vẻ đơn giản hơn nhiều rồi.

Giả sử, cái tôi đến từ 1 trong 2 thành phần (tinh trùng và trứng) như trên. Vậy, mỗi cái tôi có thể tạo ra hàng triệu triệu cái tôi khác? Làm sao mà 1 cái riêng biệt lại có thể tạo ra hàng triệu thứ khác không hề giống nhau? Vậy, từ lập luận này, tôi có thể khẳng định cái tôi không phải là 1 yếu tố đơn.

Vậy cái tôi có phải 1 tổ hợp không? Nếu vậy, tổ hợp đó phải duy nhất. Chỉ cần khác 1 yếu tố cấu thành dù là nhỏ nhất cũng có thể biến tổ hợp đó thành tổ hợp khác. Vì vậy tôi của hôm nay đủ để khác với tôi của hôm qua. Và cuối cùng, không có tôi nào cả, vì chẳng có gì là riêng biệt, mọi thứ đều biến động và thay đổi liên tục. Nên dù cái tôi là đơn hay tổ hợp đều không phù hợp với logic.

Đạo Phật thì chủ trương không có cái tôi riêng biệt. Khác với những hiểu lầm hoặc một số nhánh của Đạo Phật đã làm sai lạc đi cái tinh thần đó. Vì chính Đức Phật đã nói ngài không là ai cả, tức không thừa nhận cái tôi rồi. Và cũng như tôi đã phân tích ở trên.

Khi chúng ta chết đi, xác thân sẽ phân huỷ, tan rã và hoà vào vũ trụ. Ngay cả khi ta sống, phần xác cũng luôn luôn thay đổi. Một phần thân xác sẽ trở lại với vũ trụ, đồng thời có những thành phần vũ trụ khác hội tụ trên cơ thể của ta. Mặt khác, không chỉ thân thể, mà tin thần cũng vậy. Hôm nay tôi đọc được 1 cuốn sách, hay nghe được một câu nói. Câu nói ấy, hay ý tưởng từ cuốn sách ấy sẽ trở thành 1 phần tâm trí của tôi. Và tôi cũng vậy, tôi cũng thông qua những cách tương tự để trở thành một phần của người khác. Kể cả hơi thở, chúng ta sử dụng chung 1 bầu không khí, trong bầu không khí đó chứa những phần tử bé nhỏ của thân xác tôi và mọi người. Những thành phần ấy không ngừng chuyển từ cơ thể này sang cơ thể khác. Đây cũng chính là cách giải thích về luân hồi mà thiền sư Thích Nhất Hạnh thường dùng. Vật chất cũng luân chuyển và ý thức cũng không ngồi yên. 

Vật chất thì đương nhiên là luân hồi vì ta có thể quan sát nó, phân tích và kiểm chứng dễ dàng. Tinh thần cũng luân hồi, nhưng chúng ta cũng có thể chứng minh bằng lập luận. Một ý thức của cá nhân có thể truyền cho các cá nhân khác. Và ý thức đó ảnh hưởng đến những quyết định của các cá nhân đó. Đồng thời nó tạo ra những thay đổi và tiếp tục luân hồi ý tưởng mới đó. 

Lý do người ta huyền bí sự luân hồi là do sự thiếu nhận thức về cái tôi, sự vọng tưởng về một cái tôi riêng biệt, tách rời với mọi thứ. Và vì vậy, nhận thức của họ về nhân quả cũng sai lạc đi theo cùng 1 cách đó là "nhân quả huyền bí". Và còn nhiều điều khác, tuy nhiên, trong phạm vi 1 bài viết thì không thể nào bàn đến tất cả được. Và để bàn sâu hơn, tôi nghĩ chắc sẽ cần chiêm nghiệm thêm nhiều năm nữa.

Tôi xin khép lại những chia sẻ của mình ở đây với thông điệp: KHÔNG CÓ GÌ LÀ HUYỀN BÍ.

Từ khóa: 

khoa học

,

tôn giáo

,

triết học