Không có cái gọi là "Pressing tầm cao" - các bình luận viên bóng đá đều không hiểu thứ họ đang nói!
Dạo gần đây tôi hay nghe các bình luận viên sử dụng cụm từ "Pressing tầm cao" để diễn tả các diễn biến của trận đấu, nhất là các trận đấu của Tottenham và Liverpool. Thực chất, trong chuyên môn không có cái gọi là "Pressing tầm cao", mà cụm từ này chỉ sinh ra do sự cao hứng của các bình luận viên mà thôi. Tôi sẽ tóm gọn lại và chia sẻ một kiến thức về Pressing trong bóng đá mà tôi vô tình được đọc được từ một chuyên gia:
Đầu tiên là phải hiểu khái quát Pressing là gì? Pressing không phải là một hành động đơn lẻ, nó là một tổ hợp các hành vi tác chiến chiến thuật từ cá nhân đến tập thể và tổ hợp đó được lên kế hoạch, hoạch định từ trước một cách khoa học. Tổ hợp hành vi tác chiến được gọi là pressing này được thực hiện khi và chỉ khi đội nhà đang không cầm bóng, với một mục đích duy nhất: để bóp nghẹt thời gian, không gian chơi bóng của đối thủ nhằm mục đích đoạt lại bóng một cách nhanh nhất.
Pressing vì thế sẽ bao gồm các hành vi: quây, be, che chắn, tắc bóng, áp sát, cắt bóng, phong tỏa các khả năng chuyền bóng, di chuyển vị trí hướng đến điểm nóng (điểm đối phương cầm bóng) để cân bằng hoặc tạo ưu thế về quân số. Việc pressing vì thế được lên kế hoạch rất khoa học và kỹ lưỡng. Ví dụ, trước khi đá với Real Madrid chẳng hạn, đối thủ của họ sẽ phải phân tích khả năng mạnh yếu của từng cầu thủ Real trong việc khống chế bóng bổng, sệt, ở các không gian khác nhau trên sân; phân tích cách chơi bóng, thói quen chuyền bóng của các cầu thủ Real, đặc biệt là các trụ cột như Modric, Casemiro, Asensio… Tìm hiểu kỹ đối thủ rồi, họ mới có thể lên một kế hoạch hoàn hảo nhất có thể để khi ra sân, họ biết phải làm gì (như một phản xạ tự nhiên) để nhằm đoạt lại bóng từ những đối thủ mà mình đã học thuộc bài.
Trong pressing, người ta cũng phân loại ra nhiều loại pressing khác nhau, từ pressing toàn sân, pressing theo tuyến, pressing theo khu vực, pressing theo nhóm và pressing cục bộ.
Nhưng dù có phân loại khác nhau nhiều thế nào đi nữa thì tổng thể, pressing vẫn được chia thành 3 kiểu chính dựa trên 3 khu vực trải dài trên sân lần lượt là:
- Defensive Pressing (Pressing tuyến thủ - tạm dịch)
- Offesive Pressing (Pressing tuyến công - tạm dịch)
- Ultra Offensive Pressing (Pressing cực đoan -tạm dịch)
Có thể cái mà các bình luận viên gọi là "Pressing tầm cao" chính là Ultra Offensive Pressing. Thực chất có thể hiểu "Pressing tầm cao" là High-pressure kết hợp với Ultra Offensive Pressing thì có lẽ sẽ gần nghĩa hơn, nhưng như vậy cũng không chính xác (High-pressure tôi sẽ nói đến ở phần sau). Nhưng thực tế, giữa ultra offensive pressing và high pressure là hai khái niệm khác nhau. Giữa chúng, tuy có những điểm chồng lấn nhưng bản chất không hoàn toàn là một. Và vì thế, không thể có cái gọi là “pressing tầm cao” mà chỉ có “pressing tuyến tấn công cực đoan” tạm dịch rút gọn là "Pressing cực đoan" hoặc tạo áp lực từ tuyến trên (High-Pressure) mà thôi.
Bài viết được tham khảo và tổng hợp từ kiến thức bóng đá của Blogger Minh Quang Hà (fb.com/quangminh.ha1)