Kho tàng Ca dao - Tục ngữ Việt Nam
Chợt thấy dạo này trên Noron! mọi người chia sẻ nhiều kiến thức hay ho quá nên nhã hứng góp vui bằng những câu ca dao - tục ngữ Việt Nam ta nhé!
Ca dao - tục ngữ có lẽ đã đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi chúng ta từ hàng ngàn năm trước. Người Việt cổ chúng ta xưa đã rất ưa ca hát, họ hát khi lao động, hát ru con, ru em trong những ngày thường, hát trao duyên nam nữ trong những dịp lễ hội. Cũng từ đó, ca dao ra đời, diễn đạt sâu sắc tình cảm, tâm trạng, suy nghĩ và cảm xúc của người bình dân trong lao động, trong xã hội, trong gia đình và những người xung quanh. Không chỉ có nội dung sâu sắc, ca dao còn là những kết tinh về nghệ thuật. Khi nói đến nghệ thuật ca dao, chúng ta thường quan tâm đến ba khía cạnh chính:
- Thể thơ
Ca dao thường được sáng tác theo hai thể truyền thống: lục bát và song thất lục bát. Ngoài ra, còn có thể nói lối. Mỗi thể có những quy định khác nhau về tiếng, gieo vần và thanh điệu. Nếu một bài ca dao tuân theo những quy định ấy thì ta có dạng nguyên thể, nhưng ca dao thường hay sử dụng loại biến thể với lối sử dụng từ ngữ và số tiếng rất linh hoạt.
- Cách diễn ý, lập ý
Ca dao thường diễn ý bằng so sánh và ẩn dụ. Những hình ảnh được đem ra so sánh, ẩn dụ đều rất gần gũi với người bình dân như con hạc, con nhạn, sợi dây, hạt mưa, mặt trời, sông biển, núi non...hay những hình ảnh bền vững như tự nhiên, vũ trụ, thân thuộc như hạt lúa, của khoai. Hiện tượng lặp ý dưới hình thức đối đáp, mở đầu, điệp,... cũng thường được sử dụng trong ca dao.
- Ngôn ngữ ca dao
Ngôn ngữ trong ca dao là ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày nhưng đã được chui rèn, gọt giũa qua bao thế hệ người Việt Nam, góp phần rèn giũa tiếng Việt và bảo vệ tinh hoa của tiếng Việt trong suốt trường kì lịch sử của dân tộc.
Ca dao - Tục ngữ chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sa, không chỉ về tình yêu đôi lứa mà còn là lời than trách cho thân phận cho một kiếp người. Người dân xưa chịu nhiều tầng áp bức bóc lột đè nén, cái nghèo, cái khổ đeo bám, người phụ nữ bị luật “tam tòng” trói buộc. Họ mang tất cả những điều đó gửi gắm vào lời ca dao, hình thành nên “những câu hát than thân” mà tiêu biểu trong những câu hát ấy là lời người phụ nữ bé mọn trong xã hội cũ.
Dưới đây là nội dung của 1 số câu ca dao - tục ngữ phổ biến:
1. Ngợi ca tinh thần học tập
- Có công mài sắt - Có ngày nên kim
Câu tục ngữ khuyên răn chúng ta khi làm bất cứ việc gì cũng nên đặt vào đó sự quyết tâm cũng như lòng kiên trì thì ta mới đạt được thành công như ý nguyện.
- Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Với câu tục ngữ này, ông cha ta đã mách bảo, khuyên dạy rằng, muốn nên người, muốn hiểu biết nhiều, có kiến thức rộng, am hiểu sự đời, phải lăn lộn với cuộc sống, phải đi nhiều, phải đi đây đó để thu lượm, học hỏi những tri thức của cuộc sống để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân mình.
2. Thể hiện tình cảm gia đình
- Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ "Hiếu" mới là đạo con
Lời ca dao tuy giản dị mà ý nghĩa thật lớn lao, nó ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ và nhắc nhở đạo làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu. Công cha đi liền với nghĩa mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta mượn hình ảnh núi Thái Sơn và nước trong nguồn vô tận để so sánh với công lao nghĩa mẹ.
- Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Ca dao nói ít mà gợi nhiều. Chỉ hai từ quê mẹ mà gợi ra cho người đọc một trường liên tưởng vô cùng lớn. Người con xa quê trông về quê mẹ mà lòng day dứt khôn nguôi.
3. Truyền đạt kinh nghiệm trong lao động, sản xuất
- Con trâu là đầu cơ nghiệp
Con trâu gần gũi và quan trọng hàng đầu đối với cuộc sống thường nhật của người nông dân. Câu tục ngữ nói lên tầm quan trọng của việc tạo duyên và giữ duyên trong định hướng nghề nghiệp và xây dựng cơ nghiệp.
- Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng / Ngày tháng mười chưa cười đã tối
Câu tục ngữ nói về sự chênh lệch giữa thời gian ban ngày và ban đêm của các tháng, chính là sự quan sát của người nông dân xưa về các hiện tượng tự nhiên của trời đất để đúc rút ra câu tục ngữ này. Đây là câu ca dao mà ông bà đã truyền lại cho chúng ta rất chính xác nhờ vào những kinh nghiệm đã đúc kết được, chính những kinh nghiệm ấy đã đem lại cho những người nông dân, nông nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể hiểu rõ hơn được những quy luật của sự chuyển biến của thiên nhiên, trời đất cũng như của các mùa trong năm, thời gian ngày đêm để có những biện pháp trồng trọt chăn nuôi cho phù hợp, đem lại hiệu quả tăng gia tốt nhất.
4. Tình nghĩa thầy trò
- Tiên học lễ, hậu học văn
Học là cả một quá trình lâu dài và bền vững, câu tục ngữ trên nói về tầm quan trọng của việc học lễ nghĩa, học lễ nghĩa trước rồi mới học văn hóa, bởi học lễ nghĩa rất quan trọng, là bước tiến của cuộc đời mỗi con người.
- Không thầy đố mày làm nên
Câu tục ngữ nhắc đến tầm quan trọng của người thầy, người cô. Khi chúng ta đến trường, thầy cô luôn có một vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức đến chúng ta, những kiến thức ấy là hành trang quý báu đến chúng ta, giúp chúng ta có những kiến thức vững chải để bước ra xã hội và thành công.
- Học thầy không tày học bạn
Bên cạnh học tập từ thầy cô, những người truyền đạt kiến thức cho chúng ta thì chúng ta cũng nên học tập bạn bè. Sau những giờ học trên trường, những giờ học khó khăn để có được những giờ học thoải mái và trau dồi kiến thức chúng ta cần phải học tập cùng với bạn bè. Câu tục ngữ không đề cao vai trò của người thầy cũng không đề cao vai trò của bạn bè mà cần có sự hài hòa giữa thầy cô và bạn bè.
Làng quê Việt Nam qua bao đời vẫn yên bình, êm ả, những làn điệu ca dao - dân ca vẫn mượt mà, đằm thắm. Ca dao - tục ngữ là đời sống tâm hồn người Việt, cùng với người Việt, ca dao - tục ngữ sẽ bất tử trước thời gian.
tinh hoa việt nam
,văn học việt nam
,ca dao
,tục ngữ
,ca dao - tục ngữ
,văn hóa
Trong nhà mình có bố mình hay thích nói chuyện dùng ca dao tục ngữ ý, đôi lúc mình vừa hâm mộ bố, vừa không hiểu bố nói gì :))
Sunny Lee
Trong nhà mình có bố mình hay thích nói chuyện dùng ca dao tục ngữ ý, đôi lúc mình vừa hâm mộ bố, vừa không hiểu bố nói gì :))