KHI TÍNH CÁCH KHÔNG QUYẾT ĐỊNH HÀNH VI CỦA CHÚNG TA, MÀ LÀ HOÀN CẢNH!
Phép thử một câu truyện kinh thánh cổ cho thấy rằng, hoàn cảnh có khả năng đánh bại tính cách trong việc quy định hành vi của một người.
Một lỗi sai cơ bản chúng ta thường phạm phải khi đánh giá người khác chính là mặc định rằng, hành vi là tấm gương phản chiếu tính cách. Suy nghĩ này đã phớt lờ đi tác nhân chính ảnh hưởng cách hành xử của một người. Đó chính là Hoàn cảnh.
Những tính cách của chúng ta ắt hẳn có một ảnh hưởng nhất định đối với những tình huống mà chúng ta đối diện hằng ngày cũng như đối với cách mà chúng ta xử lý những tình huống ấy. Nhưng những ảnh hưởng ấy vẫn có thể bị xóa đi hoàn toàn bởi những nhân tố hoàn cảnh – cho dù có nhỏ đến mức nào đi chăng nữa.
Mặc dù vậy nhưng đừng tin tất cả những gì tôi nói, mà hãy thử xem xét một góc nhìn hiện đại dưới đây về một câu truyện kinh thánh cổ. Hai nhà tâm lý học xã hội Darley và Batson (1973) xuất chúng, với sự quan tâm sâu sắc về những nhân tố ảnh hưởng hành vi giúp đỡ của con người của mình, đã quyết định kiểm tra tính xác thực của dụ ngôn* “Người Samaritanô Nhân Hậu.” Dụ ngôn này kể về chuyến đi của một người đàn ông Do Thái đến Giêri-hô (Jericho). Trên chuyến đi ấy, ông bị bọn cướp tấn công đến mức sau đó phải nằm hấp hối bên vệ đường. Một vị mục sư và một kẻ hầu ở đền đi ngang qua ông nhưng chẳng ai buồn giúp đỡ. Nhưng rồi, một người Samaritanô (người Samaritanô thường rất ghét người Do Thái) đã dừng lại để giúp đỡ người đàn ông tội nghiệp ấy.
(“dụ ngôn”: những truyện có/có thể có trong cuộc sống, phản ảnh hiện thực với thực tế cuộc sống và hiện thực trong xã hội loài người nhằm mục đích minh họa cho một chân lý/luân lý, từ đó rút ra bài học đạo đức và hướng dẫn cách sống. Nguồn: Giáo xứ Vinh An)
Tuy bài học đạo đức của câu truyện khá rõ ràng, nhưng Darley và Batson tự hỏi rằng, liệu chúng ta đã quá vội vã trong việc đánh giá vị mục sư và kẻ hầu ở đền hay không? Rằng có thể, họ chỉ đang vội mà thôi?
BÀI KIỂM TRA "NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN HẬU"
Trong thí nghiệm tâm lý học xã hội kinh điển của Darley và Batson, các nhà thí nghiệm đã tuyển chọn 67 sinh viên từ Chủng viện Thần học Princeton, bảo với họ rằng đây là một cuộc nghiên cứu về việc dạy-học và hướng nghiệp trong mảng tôn giáo. Các sinh viên phải điền một số bảng câu hỏi trắc nghiệm tính cách và tham gia thuyết trình ngắn trong một căn phòng gần đó. Một số sinh viên được yêu cầu thuyết trình về những loại công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp từ chủng viện hoặc về dụ ngôn “Người Samaritanô Nhân Hậu.”
Những sinh viên này không hề biết rằng, họ đang tham gia vào bài kiểm tra trên. Bởi sau khi hoàn thành những bảng câu hỏi và bắt đầu di chuyển sang căn phòng kia để thực hiện bài thuyết trình, các sinh viên sẽ gặp một diễn viên đóng thế (experimental confederate) nằm dọc hành lang, người gập lại đầy đau đớn, mắt nhắm chặt và luôn miệng ho rất dữ. Những sinh viên sẽ phải đi ngang qua người diễn viên ấy, nhưng liệu họ sẽ dừng lại và giúp đỡ anh ấy chứ?
Các nhà thí nghiệm nghĩ rằng, quyết định dừng lại hay không sẽ tùy thuộc vào việc các sinh viên đang vội đến mức độ nào. Vì vậy, họ đã thử kiểm tra giả thuyết này bằng cách cho các sinh viên một tấm bản đồ kèm theo 1 trong 3 chỉ dẫn sau:
- “Ồ, bạn trễ mất rồi. Các trợ lý đã đợi bạn cả chục phút trước rồi đấy. Đi nhanh lên nào…”
- “Trợ lý đã sẵn sàng trong phòng, mời bạn nhanh chóng di chuyển.”
- “…Còn vài phút nữa các trợ lý mới có mặt, nhưng bắt đầu di chuyển từ bây giờ vẫn sẽ tốt hơn.”
Việc này đã tạo ra ba trạng thái khẩn cấp khác nhau: cao, trung bình và thấp. Vì vậy, sẽ có một vài sinh viên rời khỏi căn phòng đầu tiên suy nghĩ rằng, họ nên đi thật nhanh trong khi một số khác thì sẽ thong thả hơn rất nhiều. Mỗi một trạng thái khẩn cấp cũng được chia làm 2 nhóm thực hiện 2 bài thuyết trình khác nhau: hoặc về dụ ngôn “Người Samaritanô Nhân Hậu” hoặc về triển vọng nghề nghiệp cho những sinh viên tốt nghiệp của chủng viện. Điều này đồng nghĩa rằng, các nhà thí nghiệm có thể đánh giá ảnh hưởng của cả các trạng thái khẩn cấp và chủ đề của bài thuyết trình đối với hành vi giúp đỡ của các sinh viên. Liệu khi được giao thuyết trình về câu truyện dụ ngôn phù hợp, các sinh viên sẽ bị “thúc” (nudged)/sẽ có động lực giúp đỡ người khác hơn?
Trước khi tôi công bố kết quả, các bạn hãy thử đoán xem câu trả lời là gì? Bạn nghĩ sẽ có bao nhiêu vị mục sư (trong tương lai) sẽ dừng lại để giúp đỡ người đàn ông Do Thái bên vệ đường? Bạn nghĩ nếu là bạn, bạn sẽ dừng lại hay không? Và những ảnh hưởng của hoàn cảnh so với của tính cách cá nhân đối với hành vi của các học viên chủng viện là gì?
KHI VỘI VÃ, CHÚNG TA KHÓ MÀ DỪNG LẠI
Và đây là kết quả: trung bình chỉ có 40% các sinh viên dừng lại để giúp đỡ người diễn viên đóng thế (một số thậm chí còn bước chân qua anh ấy dù anh ấy đang bị thương); bên cạnh đó, trạng thái khẩn cấp của từng người có ảnh hưởng rất lớn đối với hành vi của họ. Dưới đây là phần trăm các sinh viên dừng lại giúp đỡ dựa trên từng trạng thái khẩn cấp:
- Khẩn cấp Thấp: 63%
- Khẩn cấp Trung bình: 45%
- Khẩn cấp Cao: 10%
Chủ đề bài thuyết trình mà các sinh viên phải trình bày cũng ảnh hưởng quyết định giúp đỡ của họ. Trong số những sinh viên được giao nhiệm vụ thuyết trình về các nghề nghiệp phù hợp sau khi tốt nghiệp, chỉ có 29% đồng ý giúp đỡ; trong khi đó, lại có đến 53% đồng ý giúp đỡ ở nhóm được giao cho dụ ngôn “Người Samaritanô Nhân Hậu.”
Các chỉ số này đã thể hiện một điều, đó chính là những khía cạnh nhỏ của hoàn cảnh vẫn có ảnh hưởng lớn đối với hành vi của con người. Bên cạnh đó, các nhà thí nghiệm cũng đã thu thập những thông tin về tính cách của các sinh viên, đặc biệt là thông tin về độ “sùng đạo” của họ. Khi so sánh ảnh hưởng của tính cách với ảnh hưởng của hoàn cảnh – ảnh hưởng của mức độ khẩn cấp, mức độ phù hợp của chủ đề thuyết trình với thực tế – họ thấy rằng ảnh hưởng của mức độ sùng đạo là không đáng kể. Trong trường hợp này, hoàn cảnh dễ dàng đánh bại tính cách.
ĐÁNH GIÁ BỐI CẢNH
Trước khi tôi yêu cầu bạn tưởng tượng kết quả, những dự đoán của bạn có gần đúng với thực tế hay không? Có lẽ, bạn thấy ngạc nhiên bởi ảnh hưởng không-mấy-lớn của tính cách với việc các sinh viên dừng lại hay đi tiếp? Đây chính là điều làm nhiều người không khỏi giật mình, và các nhà tâm lý học gọi đây là “quy chụp sai lệch cơ bản” (fundamental attribution eror – FAE). FAE là khuynh hướng ngộ nhận rằng hành vi của một người phản ánh tính cách của họ thay vì hoàn cảnh họ gặp phải. Trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta nghĩ, những nghiên cứu như trên đã chứng tỏ rằng hoàn cảnh thường là nhân tố quyết định hành động của chúng ta hơn tính cách.
Nếu lần này bạn thấy vị mục sư tập sinh bước lại giúp đỡ người đàn ông gặp nạn, bạn sẽ nghĩ gì? Có lẽ đã đến lúc họ nên chuyển nghề sang làm trong mảng nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (investment banking) chăng? Cũng có thể đấy, nhưng cân nhắc thí nghiệm trên của Darley và Batson, điều đó có lẽ thật bất công đối với vị mục sư (và các nhà nghiệp vụ ngân hàng đầu tư – investment bankers) bởi lẽ tất cả chúng ta đều phải chịu những áp lực hoàn cảnh, thứ áp lực có thể át đi ảnh hưởng của tính cách cá nhân (ngoài ra, bạn có thể tham khảo “hiệu ứng bàng quan” – the bystander effect). Những hành xử “xấu” không có nghĩa là người ấy “xấu,” cũng như những hành xử “đẹp” cũng chưa chắc xuất phát từ một cái tâm “đẹp.”
Câu ngạn ngữ cổ “Một người có thể được đánh giá dựa trên hành vi của họ” chỉ là một nửa sự thật. Hành vi của một người, và của chúng ta, thông thường nói lên rất ít về tính cách của họ nhưng lại nói lên rất nhiều về sự phức tạp của hoàn cảnh đang diễn ra.
Nguồn:
- https://www.spring.org.uk/2009/12/when-situations-not-personality-dictate-our-behaviour.php
- https://www.psychologytoday.com/us/blog/darwins-subterranean-world/201712/top-10-cool-psychological-research-findings
- https://beautifulmindvn.com/2017/02/03/nhung-thanh-kien-quy-chup/
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BB%87u_%E1%BB%A9ng_b%C3%A0ng_quan
- http://gxvinhan.blogspot.com/2014/07/ngu-ngon-va-du-ngon.html
- http://www.tgpsaigon.net/suy-niem/20121007/18610
Người dịch: Lê Huỳnh Phúc (Program Content Builder - PSY)
thấu hiểu bản thân
,tính cách
,hành vi
,hoàn cảnh
,tâm lý học
Cho mình hỏi một câu thế này với, trong kết quả của BÀI KIỂM TRA "NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN HẬU", chỉ có 10% số lượng sinh viên thuộc trường hợp khẩn cấp cao là dừng lại giúp đỡ người diễn viên khi họ đi ngang qua. Nếu như nói 90% còn lại do ảnh hưởng của hoàn cảnh khiến họ không dừng chân và giúp đỡ người bị đau, và điều này không thể quy chụp cho tính cách của họ là thờ ơ, vô tâm, vậy 10% người còn lại tại sao họ không bị ảnh hưởng? Và kết quả này có chứng minh được rằng 10% người dừng lại giúp đỡ có tính cách "nhân hậu" hay "tốt bụng" hơn 90% người còn lại vì thậm chí họ không bị tác động bởi hoàn cảnh mà sẵn sàng đứng ra giúp đỡ người khác dù họ biết họ đang vội hay không?
Tống Hồ Trà Linh
Cho mình hỏi một câu thế này với, trong kết quả của BÀI KIỂM TRA "NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN HẬU", chỉ có 10% số lượng sinh viên thuộc trường hợp khẩn cấp cao là dừng lại giúp đỡ người diễn viên khi họ đi ngang qua. Nếu như nói 90% còn lại do ảnh hưởng của hoàn cảnh khiến họ không dừng chân và giúp đỡ người bị đau, và điều này không thể quy chụp cho tính cách của họ là thờ ơ, vô tâm, vậy 10% người còn lại tại sao họ không bị ảnh hưởng? Và kết quả này có chứng minh được rằng 10% người dừng lại giúp đỡ có tính cách "nhân hậu" hay "tốt bụng" hơn 90% người còn lại vì thậm chí họ không bị tác động bởi hoàn cảnh mà sẵn sàng đứng ra giúp đỡ người khác dù họ biết họ đang vội hay không?