Khi liêm chính là có tội
Liêm chính là có tội
Án lưu đầy (Ostracism) là một bộ luật nổi tiếng của người Athens thời Hy Lạp cổ đại.
Bộ luật này bề ngoài được đặt ra để hạn chế quyền lực của những người nổi tiếng, khiến cho họ không thể lợi dụng danh tiếng của mình để thao túng dân chúng và phá hoại nền dân chủ. Nhưng về bản chất, bộ luật này được đặt ra để xoa dịu thói ghen ghét của người dân Athens, nhờ vậy có thể khiến họ xả bớt ham muốn hại người mà không phải thực hiện những hành động không thể vãn hồi.
Cụ thể: cứ mỗi năm một lần, người Athens sẽ tiến hành bỏ phiếu để lựa chọn ra một công dân nổi tiếng trong dân chúng và đưa đi lưu đày. Người được chọn sẽ có 10 ngày để rời khỏi thành phố. Thời gian lưu đầy là 10 năm, nếu người được chọn tìm cách trở lại thành phố trước khi hết thời gian thì sẽ bị xử tử. Ngoại lệ duy nhất là khi có chiến tranh, người bị lưu đầy nếu như có tài năng về lĩnh vực quân sự thì có thể được triệu hồi về để chỉ huy đội.
Chính vì bộ luật được tạo ra để thỏa mãn “sự đố kỵ và lòng ham muốn hại người của dân chúng”, nên những người bị lĩnh án thường là các anh hùng, những người có cống hiến to lớn cho đại nghiệp của thành bang.
Trường hợp nổi tiếng nhất trong những người từng bị kết án lưu đày là Aristides – người liêm chính. Ông nổi tiếng là một người thanh liêm và chính trực hiếm có trong lịch sử Athens.
Trong khi những kẻ khác chạy chọt để ngồi vào chức quan coi khố và tìm cách để vơ vét của cải trong kho tàng Athens càng nhiều càng tốt. Thì Aristides lại thẳng thắng vạch trần toàn bộ đường dây biển thủ công quỹ đã tồn tại qua nhiều đời quan lại tại Athens. Khi biết rằng mình không thể chiến thắng được bè lũ tham quan, ông đã quyết định từ chối chức vụ này trong các nhiệm kỳ sau vì không muốn nhúng chàm.
Sau chiến thắng ở Marathons, Aristides được giao nhiệm vụ ở lại trông coi chiến lợi phẩm. Dù gia cảnh nghèo khó và của cải quý giá quân Ba Tư để lại rất nhiều, nhưng Aristides tuyệt nhiên không đụng vào một món đồ và cũng không cho thuộc hạ xâm phạm các chiến lợi phẩm. Điều này đã khiến danh tiếng về lòng chính trực của ông vang xa.
Trong những vụ án mà Aristides tham gia, ông luôn làm mọi người cảm thấy kính phục vì sự công bằng và chính trực. Một lần, khi Aristides đang truy tố một kẻ thù trước tòa. Bồi thẩm đoàn đã chán không muốn nghe bị cáo trình bày nữa nên muốn kết án luôn. Nhưng Aristides lại đứng ra bênh vực bị cáo và yêu cầu tòa tôn trọng các quyền của anh ta. Lần khác khi Aristides phân xử cho hai bên, một bên nhắc cho Aristides rằng bên kia đã từng gây ra những tổn thất nặng nề cho ông. Nhưng Aristides chỉ nói:
- Đừng nhắc với tôi anh ta đã gây ra những chuyện gì cho tôi, mà hãy nói anh ta đã làm gì với anh. Tôi ở đây để phân xử việc của anh chứ không phải việc của tôi.
Chính vì việc này, người dân Athens vô cùng tin tưởng Aristides và thường nhờ ông phân xử tranh chấp thay vì kiện nhau ra tòa. Chính vì điều này mà ông bị vô số người căm ghét.
Một trong số đó Themistockles, một nhà lãnh đạo tài ba nhưng lại có tính vụ lợi. Trước đây, khi có người nói Themistockles sẽ là người lãnh đạo tuyệt vời nhất nếu như ông chịu đối xử bình đẳng với tất cả mọi người. Themistockles đã đáp lại rằng:
- Tôi hi vọng là tôi sẽ không bao giờ ngồi ở một tòa án, mà ở đó tôi không thể trao cho bạn bè mình một vài lợi thế hơn với người lạ.
Khi Themistockles biết chuyện Aristides được người dân nhờ phân xử riêng thay vì ra tòa án công khai. Ông đã khéo léo tuyên truyền rằng: bằng cách bí mật xử riêng những vụ án, Aristides chỉ còn thiếu một đội cận về vũ trang là biến thành một nhà cai trị Athens đích thực.
Người Athens vốn đang phấn khởi với chiến thắng trước quân xâm lược Ba Tư, nên cảm thấy ghen ghét với bất kỳ ai trở nên nổi tiếng hơn họ. Vậy là, người dân Athens từ khắp nơi kéo về kinh thành yêu cầu phạt lưu đầy Aristides với lý do: Lo ngại Aristides phá hoại nền dân chủ.
Yêu cầu ngay lập tức được chấp thuận và tiến hành bỏ phiếu. Trong cuộc bỏ phiếu, một ông già mù đã cầm mảnh gốm (dùng để ghi tên đối tượng muốn đưa đi lưu đày) đưa cho Aristides và nhờ ông ghi tên mình lên đó. Aristides quá đỗi kinh ngạc khi không nhận ra ông già là ai, liền hỏi lại xem mình đã làm gì ông già mà lại phải nhận hình phạt này. Ông già đã trả lời:
- Chưa từng, tôi thậm chí còn không biết người này. Nhưng tôi đã chán ngấy khi người ta gọi hắn là “Ngươi liêm chính” ở khắp mọi nơi!
Nghe xong, Aristides chỉ im lặng ghi tên mình vào mảnh gốm rồi trả lại cho ông già. Sau khi bị lưu đầy khỏi thành phố, ông đã cầu nguyện là thần linh bảo vệ cho thành phố mãi phồn thịnh, người dân không bao giờ gặp phải tai họa gì mà khiến họ phải nhớ đến tên ông.
Nhưng sau đó, chiến tranh với Ba Tư lại nổ ra người dân lập tức cử người tới khẩn cầu ông, xin ông mau chóng trở về để một lần nữa lãnh đạo họ chiến đấu chống lại quân Ba Tư.
Minh họa: Bức tranh "Aristides and Countryman" - Ảnh bìa tác phẩm Famous Men of Greece của John Haaren
lịch sử
Thói ghen ghét đố kỵ đã giết chết rất nhiều tài năng của nhân loại :(
Nguyenphuhoang Nam
Thói ghen ghét đố kỵ đã giết chết rất nhiều tài năng của nhân loại :(