Khẩu vị của người đọc Trung Quốc?
kiến thức chung
Dưới sự tác động của thị trường, văn học Trung Quốc thập niên 90 đã phát sinh những thay đổi lớn. Thể hiện rõ nhất của sự thay đổi này là khuynh hướng thế tục hóa trong văn học[11].
Văn học Trung Quốc trước đây dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo, hết sức xem trọng chức năng giáo hóa. Tuy nhiên, cho đến thập niên 90, cảm hứng về cái vĩ đại, cao cả nhạt dần, khía cạnh đời tư, cá nhân được đề cao, tính giải trí của văn học được xem trọng. Thể loại tản văn, với đặc trưng là tính trữ tình, tính tự do phóng khoáng, ngôn ngữ tự nhiên tươi mới, hình thức linh hoạt… trở nên hấp dẫn bạn đọc. Tiêu biểu phải kể đến tản văn của Chu Tác Nhân, Lâm Ngữ Đường, Lương Thực Thu, Từ Chí Ma… tiếp đó là Quý Tiễn Lâm, Kim Khắc Mộc, Trương Trung Hành, Tô Hiệp, Tư Hảo, Diệp Mộng, Đường Mẫn… và sau này là Hoàng Nhân, Tố Tố, Hoàng Ái Đông Tây…Vào thời điểm ra đời, tản văn của các tác giả trên như cánh cửa mở ra cho độc giả một thế giới mới bên ngoài thế giới cũ mà văn học chủ lưu mang lại, trở thành một “sản phẩm văn hóa” được lưu hành và chào đón trên thị trường. Những tác phẩm của họ mặc dù chưa có giá trị nghệ thuật cao, nhưng ít nhất đã đáp ứng được thị hiếu của bạn đọc trong thời buổi công nghiệp hóa đô thị.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thị trường tuy cởi mở, nhưng tính sàng lọc của thị trường cũng rất tàn khốc. Bối cảnh thị trường hóa đặt ra thách thức lớn đối với nhà văn: vừa phải đáp ứng thị hiếu của độc giả, vừa tạo ra những sản phẩm có chất lượng lâu dài. Về vấn đề này, nhà văn Trần Trung Thực có một nhận định đáng chú ý khi ông đề cập đến “Khả độc tính” (可读性, thuật ngữ tiếng Anh: readability – tạm dịch: “tính có thể đọc của văn bản”). Tác giả Bạch lộc nguyên cho rằng, nhà văn cần điều chỉnh văn phong của mình cho phù hợp trình độ đọc của độc giả mình hướng đến, đồng thời, tác phẩm của nhà văn cũng phải có giá trị nghệ thuật lớn. Khả năng đọc của người đọc có tác động đến sự sáng tác của nhà văn và tính chất của thị trường văn học. Bởi một khi người đọc trở thành người mua, tác phẩm văn học trở thành sản phẩm, thì sự lựa chọn của người mua, thị hiếu của người mua, liền trở thành một nhân tố hàng đầu.
Để “phục vụ” và thích ứng với nhu cầu của người đọc, các tác giả tiểu thuyết Trung Quốc thập niên 90 đã sử dụng một số phương thức sáng tác chủ yếu: cường điệu hóa tình tiết của tác phẩm, sử dụng hình thức tương phản, tự sự đa tuyến, gia tăng tính huyền tưởng, triết lý và dư tình. Tiêu biểu có thể kể đến Một nửa đàn ông là đàn bà và Thói quen chết của Trương Hiền Lượng, Chuyện tình thành nhỏ, Thế kỷ trên đồi của Vương An Ức, Bạch Lộc nguyên của Trần Trung Thực, Lang viên của Triệu Mẫn, Phế đô của Giả Bình Ao, Cửa hoa hồng và Thành phố không mưa của Thiết Ngưng, Tuyết thành và Thành phố trôi dạt của Lương Hiểu Thanh, Người bạn ẩn hình và Chuyện tình ở hàng lang tranh của Trương Kháng Kháng…
Nội dung liên quan
Tố Nhi