Khát khao chinh phục tự nhiên của người Việt qua thất bại của Thủy Tinh

  1. Nông nghiệp

  2. Lịch sử

  3. Văn hóa

Truyền thuyết là gốc gác, cội nguồn của mỗi dân tộc. Ta lớn lên theo từng lời kể của bà và mẹ, thấm đượm tinh thần, lý tưởng của nhiều thế hệ cha ông. “Sơn Tinh Thủy Tinh” là câu chuyện truyền thuyết đặc sắc của dân tộc ta, ca ngợi “tinh thần đấu tranh bất khuất, không lùi bước trước thiên nhiên, chinh phục thiên tai, chiến thắng bão lũ của người xưa”. 

Mình tin rằng, đứa trẻ nào cũng lớn lên và thuộc lòng câu chuyện tranh đấu giữa hai vị thần với sức mạnh vô song, để giành được người đẹp Mị Nương - con gái Vua Hùng. Tất cả chúng ta đều biết kết thúc của câu chuyện: Sơn Tinh thắng còn Thủy Tinh thì thua. Hằng năm cứ đến thời gian tháng 7, 8 âm lịch thì Thủy Tinh lại nhớ chuyện cũ, đến gây sự đánh nhau với Sơn Tinh, tạo ra mưa bão kéo dài…Lội ngược lại thất bại của Thủy Tinh trong câu chuyện này, mình thấy có khá nhiều điều đáng nói về văn hóa, tín ngưỡng của cha ông ta. Hãy cùng mình tìm hiểu những chi tiết thú vị của truyền thuyết quen thuộc này thông qua bài viết này nhé !

Tín ngưỡng thờ Thần Tự nhiên của người Việt 

Việt Nam ta nằm ở trung tâm khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa. Do những hoàn cảnh địa lý - lịch sử đặc biệt mà Việt Nam có những đặc trưng của nền văn hoá nông nghiệp. Từ xa xưa, người Việt sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tự nhiên (như trời, đất, nước, nắng, mưa...). Vì vậy, việc thờ cúng các vị thần tự nhiên (nhiên thần) đã sớm gần gũi với nhân dân ta. 

https://cdn.noron.vn/2022/06/08/7980185335969333-1654683421.jpg
Văn hóa nông nghiệp truyền thống của người Việt. Nguồn: Internet

Trên vùng đất mới của buổi đầu lập ấp nơi rừng thiêng nước độc, thiếu cả công cụ, phương tiện lao động, vì thế tôn giáo, tín ngưỡng như một nhu cầu lớn lao, là chỗ dựa về mặt tinh thần không thể thiếu để chống chọi lại bao tai ách, biến động của tự nhiên và xã hội. Con người tin vào thần linh, có thể là linh hồn người chết, cây cối, con vật hay bất kỳ thứ gì trong tự nhiên. Từ sự sợ hãi với thiên nhiên, dần người ta sinh ra sự sùng bái và tin tưởng, tín ngưỡng dân gian hình thành. Việc phụng thờ những hiện tượng tự nhiên đã có từ rất sớm trong đời sống tâm linh của người Việt cổ và được tôn xưng thành các vị thần như: thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Sét, thần Gió…

https://cdn.noron.vn/2022/06/08/728681823711968367-1654682142.jpg
Chùa Dâu thờ nhiên thần Pháp Vân (thần Mây). Nguồn: Báo Pháp Luật

Xa xưa, thời nguời nông dân phải trông nắng trông mưa, ông cha ta đã sáng tạo ra những câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại với những nhân vật đặc biệt, nhằm giải thích nguồn gốc các hiện tượng trong tự nhiên. Các câu chuyện kể về những vị thần tự nhiên này đã tạo ra một hệ thần thoại hết sức phong phú. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian và trải qua chiều rộng của không gian, các truyện kể này không còn nguyên hình, nguyên dạng như khởi nguyên nữa, một bộ phận nhân vật nhiên thần không nhỏ đã có sự chuyển hóa thành nhân thần và nửa nhiên thần, nửa nhân thần. Sự chuyển hóa đó làm cho biến đổi về mặt thể loại của truyện cổ, thể loại thần thoại đã được truyền thuyết hóa một cách mạnh mẽ. 

Trong câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, các tác giả dân gian đã thể hiện được ý niệm của mình thông qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, đặt nhân vật có nguồn gốc thần kỳ vào hoàn cảnh thú vị. Qua đó bộc lộ khát vọng và khả năng khắc phục thiên tai của nhân dân ta thời xưa qua hình tượng Sơn Tinh. Còn Thuỷ Tinh là nhân vật tượng trưng cho mưa bão, lũ lụt thiên tai uy hiếp cuộc sống của con người.

Nguồn gốc hai vị thần Sơn Tinh - Thủy Tinh 

Học nằm lòng câu chuyện từ thời ấu thơ, nhưng mình tin chắc nhiều bạn chỉ biết Sơn Tinh là thần núi, còn Thủy Tinh là thần nước như bao người vẫn kể. Có bao giờ bạn tự hỏi rằng liệu hai nhân vật này là có thật ? 

https://cdn.noron.vn/2022/06/09/7980185335970562-1654765031.jpg
Sơn Tinh - Thủy Tinh. Nguồn: Truyendangian.com

Trong ký ức người dân chân núi Ba Vì, Sơn Tinh là hình tượng người anh hùng trị thủy, cứu thoát nhân dân khỏi nạn lụt. Theo truyền thuyết, Sơn Tinh là Thần núi Tản Viên, vô cùng linh ứng, rất được người dân tín ngưỡng, tôn là một trong bốn vị Thánh bất tử của dân tộc (ba vị kia là Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và công chúa Liễu Hạnh). Có chuyện kể rằng thầy phong thủy Trung Quốc là Cao Biền muốn yểm bùa Đại Việt, để nước Nam không còn sản sinh ra được nhân tài, khi Cao Biền đi đến núi Tản Viên tế Thần thì thấy Sơn Tinh cưỡi ngựa đứng trên mây trắng, vừa mắng chửi vừa nhổ nước bọt xuống. Cao Biền than rằng: “Linh khí của nước Nam thật khôn lường, cái vượng khí đời nào mới hết được đây!”. Chính là nói Thần núi Tản Viên quá linh thiêng vậy.

Mọi người thường lầm tưởng thánh Tản Viên là trong truyền thuyết nhưng ngọc phả còn lưu ở đây cho biết ngài là một người có thật. Tuy nhiên, tại một ngôi đền ở Phú Thọ có một cuốn Ngọc phả, trong đó viết rõ ràng Sơn Tinh là một người có thật, nhân thân rất rõ ràng.

https://cdn.noron.vn/2022/06/09/7980185335970546-1654764754.jpg
Di tích lịch sử đền Lăng Sương thời Đức Tản Viên tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Nguồn: VNExpress

Sơn Tinh vốn tên thật là Nguyễn Tuấn, là người con chí hiếu, rất có lòng nhân ái, thương người thương vật. Thân phụ ngài là ông Nguyễn Cao Hành, thân mẫu là Đinh Thị Đen, vốn là những người tu nhân tích đức nhưng hiếm muộn con cái. Một hôm mẫu Đen (Cách người dân ở đây gọi những bậc sinh thành ra thánh Tản Viên một cách kính trọng) ra giếng gánh nước thì gặp rồng vàng phun châu nhả ngọc. Mẫu gánh nước về tắm thì đột nhiên mang thai. Người thường chỉ mang thai 9 tháng nhưng mẫu mang thai đúng 14 tháng mới sinh. Đến thai kỳ thì sinh được một con trai có tướng mạo khôi ngô, đặt tên cho là Nguyễn Tuấn.

https://cdn.noron.vn/2022/06/09/835854827195798-1654766896.jpg
Giếng Thiên Thanh – nơi thánh mẫu lấy nước tắm rồi mang thai thánh
Tản Viên. Nguồn: VNExpress

Ngọc phả chép lại: Năm 6 tuổi Nguyễn Tuấn mồ côi cha, hai mẹ con dời sang xóm Cốc ở núi Tản Viên, phía bên kia sông Đà sinh sống. Ở đó Nguyễn Tuấn đã được thần núi Ma Thị Cao Sơn nhận làm con nuôi. Hai mẹ con Nguyễn Tuấn ở núi Tản Viên 3 năm thì lại trở về sống ở động Lăng Sương. 

Đến năm 12 tuổi, Nguyễn Tuấn thường sang núi Tản Viên ở bên kia sông Đà để đốn củi. Nhưng kỳ lạ là cứ ngày hôm sau sang thì lại thấy những cây mình chặt hôm trước đã mọc trở lại. Thấy lạ, chàng mới núp kín rồi rình xem có chuyện gì. Nhờ đó mà Nguyễn Tuấn gặp được ông Tử Vi thần tướng Bạch Tuyết – chính là người đã làm cho các cây gỗ bị chặt mọc lại. Gặp Nguyễn Tuấn, thấy tướng mạo khôi ngô tuấn tú, ông Tử Vi thần tướng bèn truyền cho chàng cây gậy đầu sinh đầu tử.

Có lần thấy một nhóm trẻ con nghịch chết một con rắn nước, Nguyễn Tuấn bèn cứu sống con rắn ấy, thả nó về sông. Ngờ đâu đó vốn là con trai nhỏ của vua Thủy Tề, vì tùy tiện biến hóa lên cạn dạo chơi mà mắc nạn, vua Thủy Tề hết sức cảm kích Nguyễn Tuấn nên đã mời chàng đến chơi Thủy phủ. Khi chia tay, vua Thủy Tề tặng chàng một cuốn sách thần dạy đủ các phép thuật biến hóa ngũ hành để trả ơn, chỉ xin giữ lại phần biến hóa về “Thủy”, vì đó là tượng trưng cho uy quyền của Thủy tộc nên không thể truyền ra ngoài. Nguyễn Tuấn theo sách ấy mà tu luyện, cuối cùng trở thành Thần núi Tản Viên, cũng tức là Sơn Tinh.

https://cdn.noron.vn/2022/06/09/728681823711969625-1654765428.jpg
Nguồn: Truyendangian.com

Thủy Tinh là con trưởng của vua Thủy Tề, chính là người thừa hưởng phần “Thủy” trong sách thần. Câu chuyện về Thủy Tinh ghi chép trong hai tác phẩm chuyên viết về đề tài tâm linh khá sớm ở nước Việt là “Việt điện u linh tập” và “Lĩnh Nam chích quái”. Nhân vật Thủy Tinh thường được đề cập cùng với Sơn Tinh, vị thần núi Tản Viên và là một trong Tứ bất tử.

https://cdn.noron.vn/2022/06/08/7980185335969315-1654683099.jpg
Việt điện u linh tập. Nguồn: Internet

"Việt điện u linh tập" viết về xuất thân của Thủy Tinh như sau: "Xét Giao Châu Ký của Tăng Công chép rằng: Vương là Sơn Tinh cùng với Thủy Tinh làm bạn rất thân thiết, ở ẩn tại động Gia Ninh, châu Phong." Còn theo “Lĩnh Nam chích quái” ghi chép: "Đại Vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui ở với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu". Như vậy, Thủy Tinh vốn là người cùng gốc với Sơn Tinh. Vì Sơn Tinh từng cứu mạng em trai của Thủy Tinh, nên ban đầu hai vị vốn là bạn thân của nhau. 

Có thể thấy, hai vị thần với sức mạnh “dời non lấp bể’, “hô mưa gọi gió” Sơn Tinh Thủy Tinh đều bước ra từ nhân dân, từ chính lịch sử anh hùng của cả dân tộc. Mặc dù cả hai nhân vật đều mang nét hư ảo, huyền bí, thần thoại song qua trí tưởng tượng phong phú và bay bổng của cha ông, chúng ta vẫn thấy được sự kính trọng cũng như khát khao chinh phục tự nhiên mãnh liệt. 

Nguyên nhân thất bại của Thủy Tinh

Trong tổ chức cộng đồng, con người nông nghiệp ưa tổ chức xã hội theo nguyên tắc trọng tình, chuộng sự hòa thuận, tương trợ, quan tâm đến những láng giềng. Lối tư duy tổng hợp biện chứng, cộng với nguyên tắc trọng tình dẫn đến lối sống linh hoạt, luôn ứng biến cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Tư duy tổng hợp và phong cách linh hoạt của văn hóa nông nghiệp còn quy định thái độ dung hợp trong tiếp nhận các yếu tố khoan dung trong ứng xử, mềm dẻo trong đối phó. Điều này được thể hiện qua những biện pháp trị thủy, đối phó với mưa lũ của nhân dân ta từ xa xưa. Ông cha ta đã khéo léo đề cập đến qua chi tiết Sơn Tinh chiến đấu với Thủy Tinh: “Nước dâng bao nhiêu thì thần lại nâng núi lên cao bấy nhiêu. Dân chúng ở chân núi đóng một dãy cọc để chắn nước, đánh trống, gõ cối reo hò để làm hậu thuẫn cho Sơn Tinh.”

https://cdn.noron.vn/2022/06/08/7980185335969311-1654682831.jpg
Nguồn: Truyendangian.com

Chính tinh thần đó đã khiến Thủy Tinh phải chùn bước. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân sâu xa đằng sau thất bại của Thủy Tinh mà ít người để ý, đó là ở lòng nhân nghĩa. Ban đầu hai vị vốn là bạn thân của nhau. Về sau này xảy ra chuyện của Mỵ Nương, Thủy Tinh vì nhất thời nóng giận và đố kỵ mà không kiểm soát được, đã bất chấp giao tình, dâng nước gây chiến với Sơn Tinh. Trong ngũ hành thì Sơn Tinh thạo bốn phép, Thủy Tinh chỉ thạo một phép, nên không cự lại nổi. Nguyên nhân sâu xa cũng vì lòng nhân của Thủy Tinh không bằng Sơn Tinh, độ lượng cũng nhỏ hơn, nên khi giao tranh phải chịu thua một bậc. Vua Thủy Tề từ sớm đã nhìn ra chuyện này, nên mới trao cả bốn phép cho Sơn Tinh.

Câu chuyện trên không giống truyền thuyết “Sơn Tinh Thủy Tinh” kể trong sách giáo khoa, nó đầy đủ hơn, và giúp người ta hiểu rõ hơn: Sơn Tinh có lòng nhân ái lớn, nên cũng có phúc phận lớn, pháp thuật cũng mạnh hơn so với Thủy Tinh, bởi so ra thì Thủy Tinh có phần hẹp hòi và nóng nảy hơn. Trận chiến của Sơn Tinh và Thủy Tinh còn là chứng minh cho đạo lý “nhân giả vô địch” (người nhân nghĩa thì không có đối thủ).

https://cdn.noron.vn/2022/06/08/728681823711968413-1654683184.png
Sơn Tinh - Mị Nương. Nguồn: Thegioicotich.vn

Nhà văn Hòa Vang đã lý giải về nguyên nhân thất bại của Thủy Tinh trong truyện ngắn “Những ngày đẹp trời” theo một hướng mới độc đáo và logic. Căn nguyên chính là “sai lầm” của Thuỷ Tinh - chàng trai đã không chế ngự được những cảm xúc nồng cháy của trái tim đang yêu. Nó tước đi của Thuỷ Tinh sự thông minh, sắc sảo khiến chàng không nhận ra ẩn ý trong câu hỏi của nhà vua: “Chẳng hay hai vị tới đây có việc gì?”. Thuỷ Tinh đã tự chuốc cho mình thất bại ngay từ câu trả lời thành thật và vội vã: “Tôi đến đây để bộc bạch với Người tình yêu của tôi đối với Mỵ Nương, con gái Người”. Chàng không hề tính đến mong muốn của người hỏi mà chỉ cốt sao bày tỏ được tình yêu chân thành, nồng thắm với Mị Nương. Nhưng với tư cách người đứng đầu đất nước, vua Hùng thứ 18 không chỉ kén chồng cho con gái mà còn muốn tìm kiếm một đồng minh tin cậy nên câu trả lời của Sơn Tinh mới khiến ông vừa lòng, đẹp ý: “Thần đến đây xin được cưới công chúa và được trở thành con cháu trong nhà của triều Hùng”. Trọng trách với trăm họ khiến nhà vua khó có thể lắng nghe và trân quý tiếng nói bộc bạch tình yêu của Thuỷ Tinh hơn tiếng nói hứa hẹn bổn phận của Sơn Tinh. 

Lời kết - Khát khao chinh phục tự nhiên

Ra đời từ rất xa xưa, truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh đã đi vào tiềm thức của hàng triệu người Việt là sản phẩm của tư duy hồn nhiên, thô mộc mà vẫn luôn có sức hấp dẫn, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên mãnh liệt, cùng tinh thần đoàn kết dân tộc. 

https://cdn.noron.vn/2022/06/08/7980185335969318-1654683156.jpg
Nguồn: Truyendangian.com

Nhân dân ta có những phẩm chất tốt đẹp mà ngàn đời sau ta còn thấy tự hào, Sơn Tinh Thủy Tinh đã một lần nữa làm nổi bật những phẩm chất ấy, kiên cường mạnh mẽ, tự chủ, không bao giờ chấp nhận thất bại trước thiên nhiên khắc nghiệt. Họ luôn biết khát khao và hi vọng vào chiến thắng tuyệt đối của mình, không một thế lực nào có thể chiến thắng được khát vọng đó. Đây là một điều rất thú vị khi chúng ta bắt gặp nhiều biểu tượng huyền thoại truyền thống nằm lòng trong thế giới tâm hồn của mỗi con người Việt Nam. 


Nguồn tham khảo:

  1. https://kienthuc.net.vn/tham-cung/son-tinh-la-nhan-vat-co-that-trong-lich-su-176810.html
  2. https://baophapluat.vn/phong-thuy-va-tin-nguong-tho-than-thanh-tai-cac-tu-tran-viet-nam-ky-1-tu-tran-viet-nam-phong-thuy-hay-tin-nguong-post400497.html
  3. https://tinhhoa.in/mua-ngap-ngam-ve-truyen-thuyet-son-tinh-thuy-tinh.html
Từ khóa: 

son_tinh_thuy_tinh

,

van_hoa_nong_nghiep

,

chinh_phuc_tu_nhien

,

nông nghiệp

,

lịch sử

,

văn hóa

art bạn tham khảo nhìn đẹp thật

Trả lời

art bạn tham khảo nhìn đẹp thật

Uả sao giờ mới biết tên thật của Sơn Tinh vậy:D Ngày xưa trong quyển Văn đâu có public cái tên này nhỉ hahaha

Dường như các thượng thần như Sơn Tinh Thủy Tinh chỉ có oai lực ở đồng bằng chứ ở các miền núi không có ảnh hưởng lắm với các rú và các thầy mo nhỉ