Khả năng "chịu đòn", một kỹ năng mà mọi người viết cần trang bị!

  1. Kỹ năng mềm

Một trong những điều khó khăn nhất khi trở thành người viết là phải đối mặt với lời phản hồi không tốt về bài viết của mình. Nó giống như việc bạn vừa mới xuất hiện trước đám đông thì bị một nhóm người ẩn danh xé thành từng mảnh chỉ trong vòng chưa đến 1 phút. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến nhiều cây bút sợ không dám công khai bài viết, thậm chí là từ bỏ việc viết.

Vì vậy, mỗi người viết cũng cần trang bị kỹ năng “chịu đòn” - đối phó với những lời nhận xét, chỉ trích. Khi đã thuần thục, bạn sẽ biết cách biến chúng trở nên có lợi để phát triển sự nghiệp viết lách của mình.

https://cdn.noron.vn/2021/04/30/53981147315839782-1619751883_1024.png

Vì sao những nhận xét tiêu cực và chỉ trích dễ gây tổn thương cho người viết?

Người ta thường ví mỗi tác phẩm của người viết như một đứa con tinh thần. Bạn chăm bẵm, dồn hết tình yêu thương và những gì tốt đẹp nhất cho nó. Bạn dẫn “con” đem khoe với mọi người. Nhưng mọi người lại phán một câu xanh rờn: “Ôi sao nó xấu thế”.

Bạn có đau không? Có chứ! Viết lách là một hoạt động dễ nhận sự tổn thương khi phải phơi bày tâm huyết của mình để người khác đánh giá và cho ý kiến. Lời khen ngợi cũng có mà sự chỉ trích, phê bình cũng nhiều không kém. Và thật không may, chúng ta lại chú ý nhiều hơn đến những lời nhận xét không tốt. Đó là do thiên kiến tiêu cực – một chức năng mà tổ tiên loài người dùng để đối phó những đe dọa từ môi trường, đóng vai trò cho sự sống còn.

Thiên kiến tiêu cực hướng chúng ta chú ý đến những thông tin tiêu cực nhiều hơn tích cực, nên chúng ta thường “nhai đi nhai lại” những bình luận gay gắt, những nhận xét tiêu cực từ ai đó. Dần dần chúng ta nghi ngờ năng lực của bản thân, để rồi hình thành nỗi sợ phải công khai bài viết trước mọi người.

Làm thế nào để phát triển kỹ năng “chịu đòn”?

1. Thay đổi cách nhìn nhận về lời khen và chê bai

Ai trong chúng ta cũng đều thích nghe lời khen ngợi hơn là chê bai. Nhưng phần lớn, con người trưởng thành nhờ những sai lầm. Nếu bạn cứ mãi chìm đắm trong “hũ đường” khen ngợi, bạn sẽ tự giới hạn khả năng của bản thân. Bạn không biết mình còn yếu ở điểm nào hay cần cải thiện điều gì để bứt phá hơn cho các bài viết tiếp theo. Bạn lâng lâng trong những lời tán dương chỉ để vuốt ve cái tôi của mình thì đến một ngày, khi không được khen ngợi nữa, bạn sẽ dễ vấp chân ngã xuống cái hố thật sâu của sự thất vọng. Động lực để tiếp tục viết cũng từ đó mà tiêu tan.

Cuộc sống luôn cần sự cân bằng để hài hòa và phát triển mọi thứ theo hướng lành mạnh. Khen ngợi nên đi đôi với sự phê bình để biết bạn có đang đi đúng hướng không và tránh được những lỗi sai bạn thường mắc phải khi viết.

Tôi cũng vậy. Nếu cứ mãi “ngủ quên” trong lời khen mà không có lời nhận xét gay gắt mà chân thật ấy, có lẽ tôi vẫn sẽ mãi đứng yên tại chỗ, tự mua xiềng xích buộc vào chân mình.

https://cdn.noron.vn/2021/04/30/53981147315839783-1619751962_1024.png

2. Phân biệt phê bình mang tính xây dựng và phê bình có tính công kích

Phê bình mang tính xây dựng là khi người đó có thể chỉ ra cụ thể lỗi sai của bạn, nêu ví dụ hoặc đưa lời khuyên để giúp bạn thay đổi một cách tích cực mà không làm tổn thương lòng tự trọng của bạn.

Một lời nhận xét có tính xây dựng, kiểu như: “Bài này em viết còn rất máy móc và cứng nhắc. Em có thể tách câu cho bớt dài, chuyển câu bị động thành chủ động. Sau khi viết em nên đọc thành tiếng xem có xuôi tai không rồi hãy gửi đi nhé.”

Ngược lại, người phê bình có tính công kích chỉ muốn hạ bệ để làm tổn thương bạn chứ không nhằm mục đích cải thiện điểm yếu của bạn. Đó thường là những nhận xét chung chung như “bài viết của bạn quá dở”, “bạn sai rồi”, “sách thế này mà cũng xuất bản”. Nhưng khi bạn yêu cầu họ chỉ ra cụ thể bài bạn dở chỗ nào, sai ở đâu thì họ lại không nói được.

Ngoài nhận xét công kích thì bạn cũng cần tránh xa những nhận xét không có giá trị, đến từ cảm tính của người đó. Ví dụ, họ so sánh bạn với người viết khác và cho rằng bạn viết không hay bằng. Mỗi người viết có một phong cách và nhân sinh quan khác nhau, nên việc so sánh giữa người này với người kia là vô nghĩa. 

Khi gặp phải những nhận xét như thế, việc bạn cần làm là hít thở, chặn hoặc xóa hết mọi ngôn từ ác ý. Bạn không thể quyết định mình sẽ nhận được lời phê bình thế nào nhưng bạn có thể kiểm soát cách mình phản ứng trước chúng.

3. Lời chỉ trích hay phê bình cũng chỉ là ý kiến của một người

Trong cuộc sống, bạn không thể nào làm hài lòng tất cả mọi người. Viết lách cũng vậy. Không có một tác phẩm hay quyển sách nào là hoàn hảo và đều được mọi người yêu thích. Mỗi người thường có các quan điểm khác nhau về cùng một bài viết vì họ mang hệ quy chiếu và trải nghiệm sống khác nhau.

Vì vậy, khi có ai chỉ trích bài viết của bạn thì đó cũng chỉ là ý kiến chủ quan của một người. Nó không đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp viết lách, cũng không ấn định khả năng của bạn sẽ mãi như thế. Tôi còn nhớ khoảng thời gian thực tập sinh tại agency, một lần vì không xác định đúng “insight” của người đọc mà tôi đã viết bài với giọng văn khá “lạc trôi”. Người hướng dẫn tôi lúc ấy đã thẳng thừng nhận xét tôi ngay giữa văn phòng. 

Nhưng tôi vẫn theo và sống tốt với nghề viết lách cho đến hôm nay. Vì với tôi, năng lực là thứ có thể cải thiện nhờ sự kiên trì rèn luyện mỗi ngày. Hôm nay, có thể bạn viết còn mắc nhiều lỗi. Ngày hôm sau, bạn vẫn viết và biết cách tránh những lỗi của ngày hôm qua. Cứ như thế cho đến một ngày, bạn sẽ tiến xa hơn bạn trong quá khứ. Vì vậy, lời nhận xét của một người không gắn mác năng lực của bạn sẽ mãi như thế. Chẳng ai làm được điều đó, ngoại trừ bạn.

https://cdn.noron.vn/2021/04/30/722713661357025-1619752000_1024.png

Nhận xét của một người chỉ là cách nhìn của họ về bài viết của bạn chứ không phải đánh giá con người bạn. Vì vậy, bạn đừng đánh mất sự tự tin trước phản hồi tiêu cực. Thay vào đó, bạn hãy tách mình ra khỏi cái tôi, nhìn vấn đề một cách khách quan, giữ lại những nhận xét bạn cho là hữu ích và loại bỏ những ý kiến không có giá trị. Bạn càng “chịu đòn” giỏi và phát triển nhiều kỹ năng, bạn càng tiến gần hơn với đích đến trở thành người viết chuyên nghiệp. Khi đó, tất cả những gì bạn băn khoăn trong lòng sau khi nhận lời phê bình chỉ còn là: "Mình có thể thay đổi hoặc cải thiện điều gì để làm bài viết này tốt hơn?"

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Gặp mấy thằng phê bình công kích là muốn Muda Muda cho mấy nhát! Haizzz
Trả lời
Gặp mấy thằng phê bình công kích là muốn Muda Muda cho mấy nhát! Haizzz