Kẹo chỉ tơ hồng, kẹo kéo Sài Gòn
Đường là nguyên liệu chính, sau đó được thắng dẻo với kẹo mạch nha, người quen nghề sẽ biết điều chỉnh lửa thế nào để hỗn hợp dẻo thơm, không cứng quá nhưng cũng không quá non. Cuối cùng, sau khi đợi cả khối đường nguội hẳn, người thợ nấu sẽ bọc cả thanh đường thành phẩm trong lớp ni lông.
Lấy một mẩu nhỏ từ tảng mạch nha lớn; sau mỗi động tác tay liên tục cuộn đôi vòng kẹo, giũ thật mạnh để lớp bột năng vừa được nhúng rơi xuống khay. Nguồn gốc tên "kẹo chỉ" hay còn gọi là “kẹo giũ” “kẹo tơ” cũng bắt đầu từ đây. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, khối đường trong tích tắc "biến hình" thành hàng ngàn sợi dây mảnh. Không cần bánh đa nướng, cũng chẳng phải bánh phồng nếp. Những khoanh kẹo vừa cuộn tròn được đặt vào bánh tráng xốp, phủ một ít dừa, lạc rang cùng vài giọt sữa đặc trên bề mặt. Thưởng thức ngay lúc vừa làm xong sẽ cảm nhận được độ giòn tan của bánh xốp. Màu trắng tinh khôi, vị dẻo thơm của đường và dừa bào sần sật. Đơn sơ từ công cụ bào dừa là chiếc nắp lon bia, với những miếng bánh làm bằng bột lọc ép khô. Đơn thuần là vậy, mà kẹo chỉ ngọt ngào khi ấy cứ thế đi vào ký ức tuổi thơ của bao người.
“Gọi là kẹo nhưng kẹo chỉ lại giống bánh hơn, không chỉ do hình dạng mà còn bởi nguyên liệu và các bước thực hiện. Nguyên liệu và công cụ làm kẹo chỉ rất đơn sơ, dễ tìm. Thành phần quan trọng nhất, quyết định độ ngon của kẹo chỉ chính là đường. Khi nấu phải thắng dẻo với mạch nha và canh lửa vừa phải để đủ độ mềm dẻo và giữ được hương thơm đặc trưng. Bánh tráng giấy được làm từ bột lọc ép khô. Dừa nạo thì chọn trái có cơm dày có thể bào ngay tại chỗ”.